“14 ngày đẫm máu” viết về thí nghiệm mô tả lại nguyên mẫu cuộc thử nghiệm yêu cầu bốn tù nhân chính trị phải tỉnh táo trong 14 ngày dưới tác động của một loại khí kích thích mạnh của quân đội Liên Xô vào năm 1954 khi Chiến tranh Lạnh nổ ra. Sau khi được trao quyền tự do, bốn tù nhân này có hành vi giết hại, tự huỷ hoại bản thân và mất trí, không một ai sống sót.
Năm 2018, tiến sĩ Tâm lý học Roy Wallis của Đại học Berkeley – cố gắng thực hiện lại thí nghiệm tương tự trong một toà nhà sắp bị phá bỏ ở khuôn viên trường với các đối tượng thử nghiệm trẻ tuổi người Úc.
Review 14 ngày đẫm máu
Trước khi đọc The Sleep Experiment (cá nhân mình thích tên sách bản Anh hơn), mình có tìm hiểu trước thí nghiệm được nhắc đến trong mô tả, mới biết nguyên mẫu lấy từ Thí nghiệm giấc ngủ của Nga, đọc xong thì cảm thấy lạnh gáy vì tính vô nhân đạo được miêu tả trong đây. Những tưởng như thế là xong – mình đọc cuốn sách với một sự chuẩn bị tinh thần từ trước, bản thân vẫn rùng mình trước những điều không thể lường trước về lòng người, về sự bí ẩn của thế giới, và sự tò mò vô hạn của con người trước thế giới đó.
Khác với mô tả ở bìa sau, The Sleep Experiment không đơn giản chỉ xoay quanh những thay đổi của các đối tượng tham gia, hay là bản thân cuộc thí nghiệm. Cuốn sách mở ra một thế giới với nhiều góc nhìn từ các cá nhân có liên quan, cho thấy được sự đa dạng trong các sự kiện, cũng như mối liên kết mạnh mẽ giữa người với người trong hành trình tìm đến “chân lí” nơi này. Đó là tiến sĩ Roy Wallis với lối sống không tốt đẹp như những gì sinh viên, hay người yêu của anh biết về anh. Đó là Penny Park hay Guru Chandra Rampal, hai sinh viên xung phong làm trợ lí của tiến sĩ với những tâm tư riêng, không dính dáng đến mục đích nghiên cứu khoa học. Hay hai đối tượng nghiên cứu với mục đích, nguyện vọng rất cá nhân sau khi thí nghiệm kết thúc thành công,… Jeremy Bates viết về cuộc đời của từng người trong sự đầu tư – không ai bị bỏ qua trong hành trình nghiên cứu này, ai cũng có tên trong phần credit (nếu thật sự có). Chính sự tỉ mỉ từng chi tiết đó lại khiến mình buồn cười vì các nhân vật, thật sự, có rất ít sự tương đồng với người khác, và điều khiến các cuộc đời họ đụng vào nhau, chỉ duy nhất là cuộc thí nghiệm này.
The Sleep Experiment có những lí thuyết về giấc ngủ, về tinh thần mà mình đánh giá khá cao, chúng cũng được tác giả sử dụng hiệu quả trong sách – không khiến mình mơ hồ trong biển kiến thức. Và vì được “phổ cập” kiến thức từ trước, mình lại đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, khi những thứ vốn phải tuân theo lí thuyết đó đã bẻ ngoặc theo hướng không thể lường trước. Sách không có phân đoạn jumpscares, tuy thế, mình vẫn rợn gáy vì những miêu tả hết sức chân thật trên cơ thể người – khi hai đối tượng đang trong trạng thái tự hại, chỉ tưởng tượng thôi đã không chịu nổi. Với không gian chật hẹp cùng thời gian gần như bằng không trong lúc đó, sự ngột ngạt bao lấy mình, có khi cũng đang bao lấy hai người họ. Không dừng lại ở đó, mình còn sợ hãi vì những suy nghĩ về sau mới được phát hiện của tiến sĩ Roy Wallis – vốn là mục đích ngay từ đầu của anh, quá vô cảm và chỉ nghĩ đến bản thân mình.
Từ những trang đầu tiên của sách, kết quả của cuộc thí nghiệm giấc ngủ đã được tiết lộ ngay lúc đó. Điều đó lại không ảnh hưởng đến sự kì vọng của mình – khi đọc đến cuối, thay cho nỗi thương cảm cho một tiến sĩ mạnh mẽ vượt qua khỏi sang chấn, lúc này mình chỉ thấy tự giễu. Mọi thứ (lại) không thể lường trước, điều sau càng quay ngoắt và đáng sợ hơn điều trước. Tuy thế, mình đánh giá cao những gì đọc được, cũng đánh giá cao tiến sĩ (dù mình ghét nhân vật này vô cùng). Kết thúc đối với mình có chút hụt hẫng, nhưng để gấp lại cuốn sách trong sự thoải mái, mình vẫn cảm thấy như thế là ổn.
Dịch thuật trong The Sleep Experiment có thể nói trên mức ổn, có nhiều kiến thức chuyên ngành nhưng người ngoại đạo như mình không thấy khó hiểu, càng khiến mình thưởng thức cuốn sách trọn vẹn hơn. Mình cũng chưa thấy lỗi chính tả nào trong lần đọc này, nên cảm xúc cũng không bị ngắt quãng giữa chừng. Bìa sách đợt tái bản này theo mình không đáng sợ bằng lần đầu, nhưng tổng thể lại khiến mình cảm thấy bí ẩn và nguy hiểm hơn. Xét trên thang điểm mười, mình mạnh dạn để The Sleep Experiment ở mức tám, số điểm hiếm hoi mình chấm trong năm nay.
Tuy chỉ đọc xong trong một buổi chiều, The Sleep Experiment để lại dư âm cho mình lâu hơn mình tưởng. Mình nghĩ bản thân chưa đủ “thép” để đọc lại trong thời gian gần, nhưng đây chắc chắn là cuốn sách mình muốn đọc nhiều lần nữa. Khi đó, hy vọng mình sẽ tìm được điều gì đó mới mẻ hơn, cũng biết cách viết hoặc phân tích về điều mình chú ý trong sách (haha). Bây giờ mình sẽ đi ngủ, sẽ ráng không nghĩ về giấc ngủ theo cách “mới” kia
– Nhật Du