Sau thành công của “1491: Những khám phá mới về Châu Mỹ thời kỳ tiền Columbus”, Charles C.Mann đã xuất bản “1493: Diện mạo tân thế giới của Columbus”. Với sự hiểu biết sâu rộng của mình, ông đã giúp người đọc hiểu hơn về những gì xảy ra đối với châu Mỹ, đối với thế giới sau sự kiện Columbus tìm ra Châu Mỹ. Thay vì tập trung vào việc người châu Âu thay đổi châu Mỹ ra sao, Charles C. Mann lại đào sâu vào việc châu Mỹ thay đổi thế giới như thế nào. Sự thay đổi ấy diễn ra trên nhiều phương diện: kinh tế, văn hóa, con người, sinh thái học… mà tác giả gọi bằng thuật ngữ: Cuộc trao đổi Columbus.
Review 1493 Diện mạo tân thế giới của Columbus
Năm 1492, Cristobal Colon (hay được gọi thông dụng hơn với cái tên Christopher Columbus) đã xuất phát tại cảng Seville để đi về một nơi mà ông và tất cả những người châu Âu khác đều không biết. Ông đinh ninh rằng mình sẽ đi qua Ấn Độ để đến với Trung Hoa, nơi ông biết là sẽ có nhiều vàng bạc châu báu đang chờ đợi ông (ông rất hay nghiền ngẫm cuốn Marco Polo ở quê hương Venice của ông). Trải qua nhiều tháng lênh đênh trên biển khơi, bằng kỹ năng hàng hải tuyệt vời và kỹ năng lãnh đạo tệ hại của mình, Colon cuối cùng cũng đã đến được đất liền, nơi ông gặp rất nhiều người ăn mặc những bộ đồ kỳ lạ và có màu da kỳ lạ. Đinh ninh rằng đây là những người Ấn Độ, ông gọi họ là Indien (Anh-điêng) và tiến hành trao đổi mẫu vật với họ. Thay vì là những người Ấn Độ như Colon đã gọi thì những người này là người Taino bản địa châu Mỹ đã ở trên hòn đảo Hispaniola này được gần 10 ngàn năm. Colon đã tiến hành một cuộc cách mạng mà chính ông cũng không hề hay biết và ông vinh dự là người đầu tiên của thế giới tạo ra một sự thay đổi khổng lồ (từ giảm nhẹ) đối với thế giới.
Cà chua, ớt, socola, cao su, thuốc lá, khoai lang, khoai tây… những thức ăn và nguyên liệu quá thông dụng với chúng ta ngày hôm nay đến mức mà chúng ta đã quên rằng trước năm 1492, chưa có ai ngoài châu Mỹ biết đến sự hiện diện của chúng. Cuốn sách là một hành trình tuyệt vời đi từ việc thay đổi hết châu lục này đến châu lục khác từ 1492 đến nay. Liệu có ai được biết rằng sốt rét được mang trực tiếp từ châu Âu sang châu Mỹ chứ không phải là căn bệnh bản địa của vùng Amazon. Tác giả còn khéo léo lồng ghép việc di chuyển khoai lang sang Trung Quốc và khoai tây sang châu Âu đã cứu hai châu lục này khỏi vấn nạn Malthus như thế nào (thuyết Malthus đề cập đến việc con người tăng theo cấp số nhân và thực phẩm thì tăng theo cấp số cộng nên sẽ có lúc nhân loại cạn kiệt thức ăn và lao vào giết nhau bằng chiến tranh dịch bệnh). Bạc tại châu Mỹ đã góp phần làm sụp đổ nhà Minh cũng như thuốc lá châu Mỹ làm suy sụp Thanh Triều như thế nào. Tác giả không quên đề cập đến tai hoạ lớn nhất trong lịch sử người bản địa châu Mỹ khi gần như 95% dân bản địa bị quét sạch bởi hỗn hợp các loại bệnh dịch và sự tàn bạo của người châu Âu. Về châu Phi, tác giả nêu ra mặt khác về chế độ nô lệ, cũng như tại sao nó tồn tại đến dai dẳng ở miền Nam nước Mỹ.
Đọc hết cuốn sách 642 trang trong vòng 3 ngày, đây là quyển sách tâm đắc nhất của mình trong vòng 5-10 năm trở lại đây. Văn phong của Charles Mann làm mình thoải mái hơn Jared Diamond trong “Súng vi trùng và thép”. Ngôn ngữ của cuốn sách dễ hiểu hơn “Tại sao phương Tây vượt trội” của Ian Morris. Cách giải thích của sách độc đáo hơn cuốn “Tại sao các quốc gia giàu hay nghèo” của Landes. Highly recommend!