Đã đến lúc chúng ta thực sự hiểu mình nên ăn gì, và không ăn gì, tất nhiên dưới góc nhìn của khoa học. Dẫu vậy, điều làm tôi thích nhất của cả quyển sách không phải là những kiến thức mới có, cũ thì được đào sâu hơn về ẩm thực mà tôi đã từng đọc xuyên đêm trên trang Soi của tác giả; đó là sự thừa nhận rằng, niềm vui khi ăn mới là quan trọng nhất. Đáng giá với những ai muốn “học ăn” bài bản và nghiêm túc.
Review Ăn gì cho không độc hại (2)
Pha Lê là một trong những người viết về ẩm thực hay nhất mình biết. Nói “hay” vì các bài viết của chị vừa có giá trị thông tin, vừa khiến người đọc…ứa nước miếng. Mình biết đến chị từ năm ngoái qua bài hướng dẫn kho thịt trên Soi. Đấy là một bài viết đánh thức các giác quan: Chỉ đọc thôi mà như nghe được tiếng nồi thịt sôi lục bục trên bếp, ngửi được mùi thơm trong không trung, và cảm nhận được miếng thịt tan trong miệng.
Phần lớn những bài viết về ẩm thực ngoài kia chưa đạt tới cảnh giới trên. Người viết thường sẽ lạm dụng quá nhiều tính từ để gợi hình, gợi cảm, hoặc chèn những so sánh mà đọc xong chỉ thấy…khó hiểu chứ không thấy thèm. Gượng ép như khi hàng phở ném cả vốc mì chính vào bát phở.
Khi biết “Ăn gì cho không độc hại” là sách của Pha Lê, mình mua ngay. Nhận sách xong mới té ngửa: Đây là sách về dinh dưỡng. Không phải sách về ẩm thực như mình mong đợi.
Chả hiểu lúc đặt sách mình nghĩ gì, vì tựa sách đã ghi rành rành thế. Nhưng mua rồi thì đọc thôi.
——
Viết về dinh dưỡng đã khó; viết sao cho cuốn hút lại càng khó. Bản thân dinh dưỡng là một bộ môn khoa học kết hợp với nhiều bộ môn khoa học khác như hoá học, sinh học, lịch sử, v.v…nghĩ thôi đã thấy khô khan. Nhưng Pha Lê không làm mình thất vọng.
Vẫn là phong cách viết-tự-nhiên-như-thể-đương-nhiên, cùng vốn hiểu biết sâu rộng, tác giả khéo léo dẫn dắt mình vào các câu chuyện về dinh dưỡng. Mỗi câu chuyện được chị gọi là một món ăn. Mình không khỏi ồ à trước lượng kiến thức mới – vô cùng mở mang và hữu dụng, lại tủm tỉm trước giọng văn dí dỏm khéo léo tô điểm cho món ăn.
Ví dụ, mọi người có biết, vitamin C cứ gặp nóng là bay màu không? Thế nên uống nước cam nóng là vứt, vì chả còn mấy vitamin C.
Hay không phải cứ loãng xương thì chỉ cần tu sữa ừng ực để nạp canxi? Mấy quảng cáo sữa mới nói một nửa sự thật thôi. Thực ra, nạp bao nhiêu canxi mà không bổ sung kèm vitamin D thì cũng vô dụng.
Nhờ sách, mình cũng hiểu được lý do đằng sau những thói quen nấu nướng được truyền từ thời ông bà. Chẳng hạn như tại sao phải ngâm gạo trước nấu. Ban đầu, mình tưởng là để gạo nở thì khi nấu sẽ ngon hơn. Nhưng không. Nói nôm na thì việc ngâm gạo lâu giúp hạt gạo nảy mầm; từ đó giúp cơ thể hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng từ gạo. Đấy cũng là lý do tại sao mấy nồi cơm điện đắt tiền của Nhật lại có chế độ “fermentation” để ngâm gạo.
Một thông điệp xuyên suốt là đừng quá quan tâm tới ăn cái gì, mà hãy chú trọng việc tìm hiểu rõ nguồn gốc cũng như cách chế biến của nguyên liệu đó. Tác giả đi đến tận gốc rễ để đưa ra lời giải đáp logic và khoa học cho những cuộc tranh luận-chưa-bao-giờ-hết như “Mỡ động vật vs. dầu thực vật?”, “Ăn chay hay không ăn chay?”, “Sữa bò tốt hay hại?” Và trời ơi tin được không, chị làm việc ấy một cách vô cùng duyên dáng!
Cái thành công của sách còn ở chỗ khiến người đọc muốn tìm hiểu thêm về chủ đề này. Hiểu để bớt ăn uống vô tội vạ. Hiểu để không còn xoay như chong chóng trước 7749 tin trên mạng bảo ăn cái này hại, ăn cái kia lợi. Thậm chí, hiểu để có thể phản biện với tác giả.
Cuốn sách này chứa một lượng lớn thông tin, không thể tiêu hoá hết chỉ trong một lần đọc. Chắc chắn mình sẽ đọc lại lần nữa.
Giá mà sách có thêm phần glossary. Glossary đơn giản là danh sách các khái niệm được xếp theo thứ tự alphabet, kèm với số trang mà khái niệm đó được giải thích/nhắc đến (ví dụ: vitamin A – trang 66). Vì trong sách giới thiệu rất nhiều khái niệm, nên glossary sẽ giúp người đọc não cá vàng như mình dễ xem lại hơn.
– Chau Vu
Sau khi xem mấy phim tài liệu trên Netflix (The Game Changers, What the Health…), mình đột nhiên có nhu cầu tìm hiểu thêm về dinh dưỡng, để phần nào kiểm chứng thông tin, tăng thêm hiểu biết về cái mình ăn hằng ngày & cố gắng tìm ra chế độ ăn phù hợp cho sức khoẻ ẻo lả của bản thân!!! Thế là trong 1 chiều đi lựa sách, mình rước cuốn này về nhà, đọc và yêu luôn sau lần đọc đầu tiên.
“Ăn gì cho không độc hại” có lẽ được đặt tên dựa theo tâm lý hoang mang của đa số mọi người, giữa thời buổi nhiễu loạn thông tin, thấy ăn gì cũng ung thư với chết chóc! Cái ăn lẽ ra là niềm vui thì tự dưng lại thành nỗi lo, nỗi ám ảnh của bao nhà. Bằng giọng văn tưng tửng (nhưng không hề gây khó chịu), tác giả đã lần lượt giải thích về dinh dưỡng, những hiểu lầm & cách tiếp cận vấn đề hợp lý để giải đáp những trăn trở trong chuyện ăn uống.
– Nếu hiểu thực phẩm như 1 vòng tròn thì cái lõi trong cùng, ở tầng cơ bản nhất là “Chất” (Protein, Carb, Vitamin A, B…), vòng tiếp theo là các chất đó có trong “Cái gì” (Rau, Thịt, Cá…) & vòng ngoài cùng, ít được đề cập đến là cái đó được “Nuôi trồng như thế nào” (công nghiệp, độc canh hay đa canh, thuận tự nhiên…). Khi chọn đồ ăn, hoá ra không phải chuyện ăn gì, bổ gì mà chính lại là chuyện nguồn gốc đồ ăn đó mới quyết định giá trị dinh dưỡng hay tác động tới môi trường! Không phải cứ ăn rau là bảo vệ Trái Đất hay ăn thịt đỏ là ung thư đâu! Bất ngờ chưa!
– Dù ăn chay hay mặn thì điều quan trọng là phải ăn ĐỦ CHẤT & ĐA DẠNG. Nếu có điều kiện thì ăn các sản phẩm được canh tác thuận tự nhiên, tránh xa mấy loại đồ ăn công nghiệp, đã qua chế biến.
– Tâm trạng khi nấu nướng hay ăn uống cũng quan trọng, ăn là để vui khoẻ, chứ cái đầu suốt ngày áp lực ăn gì, tốt không, thì sẽ lợi bất cập hại
…
Nói chung, đọc cuốn này biết thêm nhiều thông tin nhưng không bị căng thẳng. Thể loại Phi hư cấu & có mục “Tài liệu tham khảo” dài như 1 tờ sớ, nhưng mình toàn đọc trước lúc đi ngủ, thấy khá vui.
– Han Lee