Cuộc sống hiện đại khuyến khích chúng ta lắng nghe trái tim, tiếng lòng của chính mình, nhưng lại hiếm khi được nhắc lắng nghe một cách thận trọng và cẩn thận những gì người khác nói. Khả năng lắng nghe không chỉ nằm ở việc nghe những điều mọi người nói, đó còn là sự chú ý của bạn tới cách diễn đạt, hành động của họ trong khi nói, bối cảnh nói và những gì họ nói có khiến bạn cảm thấy đồng cảm hay không.
Review Bạn có phải là người giỏi lắng nghe
– Cuốn sách dành tặng cho bất cứ ai từng hiểu lầm và cảm thấy bị hiểu lầm –Mình tự nhận xét mình là một người không giỏi lắng nghe. Nhưng những người không giỏi lắng nghe chưa hẳn đã “tồi tệ”. Tại không giỏi lắng nghe nên đôi lúc mình cảm thấy khá cô đơn, từng hiểu lầm và cảm thấy bị hiểu lầm. Để chiến đấu với sự cô đơn, mọi người thường khuyên mình “Hãy ra khỏi đó!”, tham gia các câu lạc bộ, chơi thể thao, tham gia những hoạt động tình nguyện,… Nói cách khác, chính là đăng xuất khỏi Facebook hay Instagram và gặp mặt trực tiếp. Thế nhưng, bạn sẽ kết nối với mọi người như thế nào khi “ra khỏi đó” và “mặt đối mặt”? Câu trả lời chính là bạn lắng nghe họ.
Được tặng với vai trò là một món quà, Bạn có phải là người giỏi lắng nghe? thực sự đúng là món quà ý nghĩa và phù hợp với nhu cầu của mình. Tuy nhiên, với số lượng nội dung nhiều hơn hẳn so với độ dày 219 trang kia, bạn cần đọc chậm, từ tốn để hiểu rõ bản thân mình đang ở cột mốc nào, để biết bạn định nói gì, cần lắng nghe những gì… Phần dưới đây mình xin phép spoil một chút về hai phần mình thích nhất trong cuốn sách nhé:
* Nói chậm như rùa – nghĩ nhanh như thỏ
Sự khác biệt giữa lời nói và suy nghĩ: Thực tế là chúng ta có thể nghĩ nhanh hơn người khác nói. Khi ai đó nói chuyện, chúng ta cũng tự lạc vào suy nghĩ của riêng mình và ta thường duy trì sự phòng thủ, không lắng nghe đầy đủ. Kết quả là thái độ lo lắng dành cho những điều sẽ nói tiếp theo chống lại bạn. Câu trả lời của bạn sẽ tốt hơn, sự kết nối của bạn sẽ mạnh hơn và bạn sẽ thoải mái hơn nếu bạn giải phóng tư tưởng để lắng nghe.
* Búa, đe và bàn đạp
Tưởng chừng chỉ mải đọc và nghiên cứu về lắng nghe nhưng đến phần này, mình khá bất ngờ về tác giả Kate Murphy, cô đã sử dụng cách viết rất mới mẻ và khéo léo lồng ghép kiến thức khoa học: cấu tạo của bộ phận giúp ta có thể thực hiện việc lắng nghe – đôi tai: “Khi sóng âm truyền đến tai chúng ta, vào sâu trong đầu khoảng hai xen-ti-mét rưỡi, sóng âm đập vào màng nhĩ – màng nhĩ nhỏ xinh, óng ánh – làm rung các xương lân cận với những cái tên mô tả kỳ diệu như búa, đe và bàn đạp.” Vừa từ ngữ khoa học chuyên ngành lại vừa có một chút gì đó về phép so sánh trong văn chương, tạo cảm giác thú vị, khơi gợi tính tò mò của người đọc. Bên cạnh đó, tác giả cũng nêu bật được vấn đề khá phổ biến hiện nay: lớp thanh niên ngày nay là “Thế hệ Điếc” vì việc sử dụng tai nghe (cả loại nhét tai và chụp tai) đang phá hủy thính giác của họ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng 1,1 tỉ người trẻ đang có nguy cơ mất thính lực vì lạm dụng tai nghe. Nhiều người không nhận ra rằng họ đang mất dần thính lực cho đến khi tình trạng trở nên nghiêm trọng. Đây quả thực là một vấn đề đáng lo ngại.
*******
Tạm kết, lắng nghe là việc bạn làm hoặc không làm mỗi ngày. Dẫu lắng nghe ở giới hạn cho phép, việc đó diễn ra như thế nào, dành cho ai, trong hoàn cảnh nào cũng quyết định tương lai của cuộc đời bạn – dù tốt hay xấu. Điều hạnh phúc nhất mỗi ngày là ta có thể lắng nghe thêm được nhiều điều mới, nhiều thông tin bổ ích, nghe được những âm thanh yêu thương của cuộc sống. Chính vì lẽ đó, việc lắng nghe kém, dù có chọn lọc hay không, hạn chế tối đa hiểu biết của bạn về thế giới và tước đi quyền trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.