“Bản lĩnh Jackie Kennedy” sẽ kể cho bạn nghe một cách chân thực và tường tận về hành trình cuộc đời của một trong những người đàn bà nổi tiếng nhất hành tinh.
Không giống với lòng dũng cảm thường trực xuất hiện ở cánh mày râu, lòng dũng cảm của một người phụ nữ dường như phát tiết mạnh mẽ nhất là trong những nghịch cảnh ngặt nghèo. Điều đã làm cho hình ảnh của Đệ nhất Phu nhân Jackie Kennedy trở nên kinh điển, chính là ở lòng dũng cảm tuyệt vời bà đã mạnh mẽ thể hiện vào thời điểm xảy ra vụ ám sát chấn động của chồng bà – Tổng thống John Fitzgerald Kennedy.
Review Bản lĩnh Jackie Kennedy (2)
<Hiện đại. Tự do. Chăm nom con cái một cách hoàn hảo. Nhưng vẫn tạo dấu ấn riêng và đạt được những thành công trong sự nghiệp.>
Ngay từ những năm 50s, khi người ta mới bắt đầu công cuộc đấu tranh cho “Bình đẳng giới”, đã có một người phụ nữ đáng ngưỡng mộ như thế!
—–
Hoàn thành 300 trang sách chỉ trong 2 đêm quả là một kỷ lục với cá nhân mình, đơn giản là bởi cuộc đời của người đàn bà này có quá nhiều điều hấp dẫn khiến mình không thể ngừng dõi theo. Jackie là một tượng đài của sự mạnh mẽ và lòng quả cảm, Jackie cũng rất nổi tiếng về khiếu thời trang và phong thái thanh lịch… nhưng ở Jackie có một khía cạnh rõ rệt – khía cạnh có khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ đến bất kỳ cô gái trẻ hiện đại nào – đó là niềm đam mê và sự kiên định theo đuổi sự nghiệp của bản thân. (dù cho trong những năm 50 thuở ấy, hình ảnh “một phụ nữ đi làm” hoàn toàn không phải là một điều phổ biến)Tuy bản thân là một vị tiểu thư giàu có xuất thân từ vùng bờ Đông danh giá, ngay từ khi mới chỉ là một thiếu nữ tuổi đôi mươi, trong khi những cô gái xung quanh luôn luôn xem việc tìm kiếm một đấng phu quân “ra tấm ra món” là mục tiêu cuộc đời, thì cô gái Jacqueline lại bộc lộ một niềm đam mê hiển hiện dành cho những cuốn sách, việc học hành và trau dồi tri thức. Bất chấp việc người mẹ quý tộc “xốn mắt” trước thiên hướng khác người của cô con gái, Jacqualine hăm hở “dấn thân vào đời” với việc làm đầu tiên là một chân phóng viên nhiếp ảnh cho tờ The Washington Time-Herald. Cũng nhờ công việc này mà bà đã gặp gỡ người sau này trở thành chồng và trở thành tổng thống thứ 53 của Hoa Kỳ – John F.Kennedy
Gần về cuối cuộc đời, sau khi đã hai lần buộc phải trở thành góa phụ, Jackie vẫn quyết định tự mình bắt đầu một cuộc đời mới (của một người phụ nữ độc lập và tự chủ). Tại thời điểm đó, khi con cái đã hoàn toàn phương trưởng và bà đã có thể sống yên vị với khối tài sản kếch xù đang sở hữu, bà vẫn lựa chọn trở thành một nhà biên tập sách. Bắt đầu từ vị trí của một biên tập viên nhỏ bé, sau bao cố gắng và nỗ lực, bà đã khẳng định được bản thân trong lĩnh vực xuất bản. Với công việc này, bà đã chứng tỏ được rằng, phụ nữ cũng có thể đi làm và làm tốt công việc như những người đàn ông. Đồng thời, chứng minh khát khao được lao động, được cống hiến, được tìm hiểu và tự khám phá, tự do và không phụ thuộc … Giống hệt như cái cách mà bà rất khảng khái trả lời phỏng vấn vào năm 1979:
“Rất nhiều phụ nữ ở thế hệ tôi đã phải chịu đựng một thành kiến: nếu họ có con cái, thì họ không được đi làm. Họ ở đây với bằng cấp đầy mình mà chẳng thể làm được gì trong những khoảng thời gian rảnh rỗi khi không vướng bận con cái. Lặng ngắm những hạt mưa trượt trên cửa kính ư? Để cho bộ cơ trí tuệ tốt đẹp của họ bị hoen gỉ ư? Không! Đương nhiên rồi, nếu muốn, những người phụ nữ nên đi làm”
“Bản lĩnh Jackie Kennedy” là một bức chân dung hoàn chỉnh khắc họa lại cuộc đời và tính cách đặc biệt của cố Đệ nhất phu nhân Jacqueline Lee Bouvier Kennedy Onassis. Xuyên suốt cuốn sách là những sự lồng ghép liên tục giữa quá trình tường thuật lại thảm kịch tại Dallas – nơi mà Cố tổng thống J.F.Kennedy bị ám sát – với những hồi tưởng mà thông qua đó đã kể lại câu chuyện cuộc đời của Jackie.
Có 2 chi tiết trong cuốn sách đã tóm lược một cách cô đọng nhất về hình ảnh của Jackie.
- Thứ nhất là lời điếu văn mà cựu Tổng thống Bill Clinton đã dành tặng cho bà: “Đấng tối cao đã tặng cho bà những năng khiếu tuyệt vời, nhưng Người cũng gán cho bà quá nhiều nỗi thống khổ. Bà đã vượt qua tất cả bằng phẩm hạnh của mình”
- Thứ hai chính là bản di chúc của bà. Bản di chúc để thể hiện tính cách của bà rất rõ ràng: Luôn tính toán cẩn thận trong mọi quyết định.Là một con người với bản tính yêu ghét rất rõ ràng. Bà chăm lo chu đáo đến từng người xung quanh mình nhưng cũng rất thẳng thắn với những kẻ phản bội, và cũng rất thờ ơ với những người mà bà biết là mình chẳng nợ nần họ điều gì.
Đọc một cuốn sách theo dạng hồi ký với rất nhiều câu chuyện, rất nhiều chi tiết nhưng điều đọng lại sau cùng đó chính là những biểu tượng. Và Jackie chính là bậc thầy trong việc sử dụng những biểu tượng và bà hiểu sức mạnh của chúng. Từ hình ảnh về bộ Suit hồng đẫm máu trong ngày tổng thống JFK bị ám sát, cho đến hình ảnh người đàn bà vận đồ tang dắt tay 2 con Caroline và John dẫn đầu đoàn người với rất nhiều nhân vật tầm cỡ thế giới. Những biểu tượng này đã trở thành huyền thoại. Trong cuộc sống hàng ngày, bà cũng luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh của mình trước công chúng.
Điều mà mình thích nhất trong tính cách của Jackie đó là bà đã luôn luôn HẾT MÌNH. Bà chiến đấu trong 4 ngày liên tục để đưa đám tang Cố tổng thống Kennedy đi vào huyền thoại khiến cả thế giới nhớ đến. Bà làm mọi việc có thể để người đời không quên sự nghiệp của ông. Hiếm có người phụ nữ nào vào thời điểm hoảng loạn nhất của cuộc đời vẫn có thể giữ được sự tỉnh táo để giữ gìn lại những vệt máu khô trên mặt, trên tay mình, để cho cả thế giới thấy “chúng – những kẻ sát nhân- đã gây ra điều gì”. Trong 4 ngày, bà như một vị Tướng quân thao lược điều khiển cả Quốc hội, kể cả những nhân vật tầm cỡ thế giới để đám tang tổng thống được diễn biến theo đúng ý nguyện của bà. Bà cũng cẩn thận “chọn mặt gửi vàng” những con người có thể xây dựng lại chính xác hình ảnh của Tổng thống Kennedy mà bà mong muốn.
Thế nhưng bà cũng tuyên bố “Tôi không muốn đi trên đại lộ Kennedy để đến sân bay Kennedy, sau đó là thăm một ngôi trường Kennedy.” Tuy rất lưu luyến nhà Trắng và đã dành nhiều tâm huyết cho nó, nhưng sau đám tang của tổng thống bà cũng rất nhanh chóng và cương quyết rời khỏi đây vì bà hiểu “nơi này đã không còn chào đón mình và các con”
Sau những gì đã làm cho chồng, bà cũng đã sống phần đời còn lại rất trọn vẹn. Bà tái hôn, sau đó bà dành 2 thập kỷ cuối đời mình để cống hiến cho sự nghiệp xuất bản và bảo tồn những di tích lịch sử.
Còn rất nhiều, rất nhiều điều nữa về Jackie mà tôi ngưỡng mộ, như phong thái của bà, như gu thời trang, hay tư tưởng của bà về nữ quyền “phụ nữ dựa vào người đàn ông của mình là một điều hết sức tự nhiên”, chiến đấu vì những gì mình tin tưởng nhưng điều bà luôn quan tâm nhất vẫn là nuôi dạy con cái, kể cả sự thất thường, đôi khi đồng bóng hay thậm chí sự chi tiêu “quá tay” một cách hết sức thường xuyên. Tuy nhiên, phần còn lại nên dành cho những bạn đọc tự cảm nhận.
<Mỗi người phụ nữ đọc cuốn sách này chắc chắn sẽ tìm ra một ánh sáng nào đó soi chiếu cuộc đời mình, tìm ra một “phần Jackie” nào đó mà mình khao khát trở thành. Hãy như Jackie, luôn là chính mình dù người đời có chỉ trích ra sao. Người phụ nữ như vậy mới là người phụ nữ luôn tỏa sáng nhất.>
– Dao Ngoc Quynh