Bí Mật Dinh Dưỡng Cho Sức Khỏe Toàn Diện hướng dẫn cho người đọc một chế độ dinh dưỡng khoa học.
Là một người mắc bệnh tim bẩm sinh, tiến sĩ Biswaroop Roy Chowdhury, đã áp dụng phương pháp do tác giả T. Colin đề ra và đã cải thiện đáng kể bệnh tình của mình. Ông đưa ra lời khuyên. “Thay đổi thói quen ăn uống có thể chữa được rất nhiều căn bệnh. Điều này đòi hỏi người bệnh phải tuân thủ những thực đơn thuần thực vật do các tác giả cuốn sách đưa ra.”
Review
BÍ MẬT DINH DƯỠNG CHO SỨC KHỎE TOÀN DIỆN – The China Study.
“…nếu bạn thực sự quan tâm đến sức khỏe của mình, hãy đọc Bí mật dinh dưỡng cho sức khỏe toàn diện.
Đọc ngay khi có thể! Và cơ thể bạn sẽ nói lời cảm ơn bạn mỗi ngày, trong suốt quãng đời còn lại.”
Dinh dưỡng có tác động ra sao với cơ thể? Bạn nghĩ gì nếu ngày nào đó có người nói rằng phần lớn các bệnh hiểm nghèo như ung thư vú, tuyến tiền liệt, gan, tim mạch, tiểu đường… đều có thể phòng tránh bằng chế độ ăn uống?
Đang trong những hoang mang, phân vân giữa cách ăn “tương đối” chay của Nhân tố Enzyme và kiểu Low-Carb của Thinsulin thì mình vớ được sách này. Ông Hiromi Shinya, bác sỹ enzyme là một chuyên gia nội soi ruột hàng đầu thế giới, còn cha con tiến/bác sĩ Cambell được xưng tụng là cánh chim đầu đàn trong ngành dinh dưỡng toàn cầu. Nên chẳng có lý do gì mà mình không mua và đọc cuốn sách được đánh giá là công trình lớn nhất về dinh dưỡng, sức khỏe từng được thực hiện. Và nội dung của nó thực sự, thực sự không làm mình thất vọng.
Protein được đặt theo từ proteios trong tiếng Hy Lạp, tức là “có tầm quan trọng hàng đầu”. Suy dinh dưỡng được chứng minh là có liên quan đến thiếu chất đạm này. Thế nhưng trong The China Study, người ta chỉ ra rằng Protein, nhất là từ động vật có thể là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các chứng bệnh hiểm nghèo kể trên ở thời hiện đại. Nói cách khác, sự phát triển của ngành chăn nuôi gia súc đương nhiên cung cấp thức ăn cho nhân loại không chết đói, nhưng dường như bản thân gia súc và sự tiêu thụ thừa mứa lại đang làm tổn hại loài người theo một cách nào đó.
Dinh dưỡng là sự kết hợp vô số thức ăn, các chất liên quan, vì thế cần phải ăn các thức ăn toàn phần thì mới đúng cách. Hiểu thế này cho dễ. Nếu ăn một quả táo cả vỏ được công nhận là rất tốt cho sức khỏe một người, “one apple a day, keep doctor away”. Nhưng nếu người ta chỉ trích xuất chất chống oxy hóa trong vỏ táo, tạo thành viên nén cho người uống, thì rất có thể lợi bất cập hại. Thực phẩm toàn phần nó như một tổ hợp bất biến, cân bằng, bất cứ sự thiếu hoặc thừa nào cũng có thể tạo thành biến chứng, đại khái thế.
Không có chuyện chất dinh dưỡng trong động vật tốt hơn trong thực vật. Trên thực tế, cả nhà tiến sĩ Cambell đều đã thực hiện ăn chay trường nhưng vẫn đủ chất đạm, tinh bột, chất béo (cũng giống cách trong Nhân tố Enzymes) và cảm thất khỏe mạnh, ít bệnh tật hơn. Bản thân mình khi ăn ít thịt hơn có một chỉ số máu khá đẹp, hơn là cắt tinh bột và tăng ăn thịt làm cho tỷ lệ acid uric (gout) mấp mé ngưỡng và men gan khá cao. Hôm vừa rồi cũng nói chuyện với một tay người Ba Lan, hắn nói người Việt ăn nhiều rau hơn, cơ thể nhẹ và chậm lão hóa hơn người châu Âu, hắn đang bắt đầu thử.
Ngày nay, người ta đổ tại gen khi số lượng người mắc ung thư vú, tim mạch… tăng lên. Câu hỏi là, tại sao cũng vẫn là những gen đó, nhưng trước đây lâu lâu, khi người ta ăn tương đối ít đạm động vật, thì tỷ lệ mắc bệnh lại thấp hơn??? Hỏi tức là tự trả lời.
Vì thế ăn thực phẩm toàn phần; áp dụng chế độ ăn uống dựa trên thực vật, đồng thời giảm tiêu thụ thực phẩm tinh chế có bổ sung muối và chất béo đến mức tối thiểu; là những lời khuyên đơn giản nhưng lại có tác dụng không ngờ.
Tuy nhiên, cũng đừng vì thế đoạn tuyệt một cách cực đoan với thức ăn từ động vật, một chút thôi thì không sao hết. Mặt khác, vitamine D và B12 nếu không đủ điều kiện hấp thụ từ môi trường và cách ăn thuần thực vật, có lẽ vẫn nên bổ sung bằng thực phẩm chức năng, tuy nhiên phải đúng liều lượng được quy định.
Nền kinh tế hiện đại đang phát triển dựa trên mức tiêu thụ các sản phẩm phát sinh của nó. Gia súc, đường, nước ngọt có gas…mang lại nguồn lực khổng lồ cho các quốc gia. Nhưng rất có thể cũng làm bệnh tật tăng lên, và khi đó là cơ hội kiếm chác của…thực phẩm chức năng và dịch vụ y tế. Đây là một giả thuyết âm mưu (hoặc không), nhưng nó giải thích cho các kết quả nghiên cứu có lợi cho các ngành dịch vụ đó. Rốt cuộc cái cối xay lẩn quẩn đó sẽ xay ra bã bao nhiêu thế hệ con người nữa trước khí đến một ngày chân lý chính xác được minh chứng. Không biết được.
Nói chung, các nghiên cứu và công bố về dinh dưỡng gần đây thì gây nhiều tranh cãi, và hoang mang cho người đọc như mình. Tuy nhiên trên tinh thần nghiệm lý thực tế và hướng dẫn của một vị đạo sư Phương Đông nào đó, có vẻ ứng dụng ăn ít thịt và đường hơn là một lựa chọn trước mắt tương đối hợp lý.
Sách đọc khá nhanh, mà phải đọc mới thấy được hết cái hay; cũng nhiều kiến thức hơn Eat Clean.
– Trinh T Anh