Biến Động của Jared Diamond chứa đựng những kiến thức tuyệt vời về lịch sử, địa lý, kinh tế, nhân chúng học,.. Dù đứng từ góc độ cá nhân hay quốc gia, thậm chí toàn cầu, chúng ta đều có thể học được cơ chế ứng phó phổ biến và hiệu quả nhất với các biến cố từ những nghiên cứu trong sách. Ông cũng đề xuất phương hướng cho những nghiên cứu trong tương lai, và đưa ra các kiểu bài học mang tính thực tiễn từ việc khảo sát lịch sử, với quan niệm rằng: “Nếu người dân, hoặc ngay cả những nhà lãnh đạo của họ, chọn hồi nhớ về các biến cố trong quá khứ, họ sẽ hiểu được quá khứ có thể giúp chúng ta xử lý các biến cố ở hiện tại cũng như trong tương lai.”

- Review Biến động (2)
Review Biến động (2)
Đây không phải là bức ảnh đẹp vì nó được chụp vội vào chiều tối, tại một khu chợ bị đóng cửa vì dịch Covid 19 ngay bên cạnh nhà tôi. Nghĩa là tôi đang ở tâm dịch, tôi là F3 – điều mà mới cách đây mấy tháng tôi không hề nghĩ đến, với 1 suy nghĩ đơn giản cái biến cố này vẫn đang ở rất xa mình, mình không thể là một phần của nó. Giờ này mọi ngày là giờ đông đúc nhất của chợ, thế mà hôm nay nó trống rỗng không một bóng người. Mặc dù đã qua thời gian 14 ngày phong tỏa theo quy định nhưng khu chợ vẫn chưa được mở cửa do lãnh đạo thành phố lo sợ dịch bị bùng phát trở lại.
Bệnh truyền nhiễm và vũ khí sinh học gây nên sự tuyệt chủng hàng loạt là một trong những nguy cơ ảnh hưởng đến quốc gia và đến toàn thế giới mà Jared Diamond đã đề cập trong cuốn sách mới nhất của ông: BIẾN ĐỘNG. Ngay tại đây và ngay lúc này, chúng ta có thể thấy rõ biến động đã ảnh hưởng kinh khủng như thế nào đến mỗi cá nhân – những người đang sinh nhai và tạo nên sự sầm uất của chợ. Và có bao nhiêu chợ, bao nhiêu siêu thị trên đất nước này sẽ bị đóng cửa như vậy nữa ? Rõ ràng ban đầu căn bệnh truyền nhiễm này chỉ là biến cố của Vũ Hán, Trung Quốc, nhưng nó đã nhanh chóng trở thành biến động toàn cầu.
Và Jared Diamond đã đặt ra câu hỏi mang tính thức tỉnh:
Các quốc gia có cần một biến cố để thúc đẩy họ hành động??
Hoặc các quốc gia có bao giờ hành động với một tâm thế đã lường trước các biến cố hay không?
Ông đưa ra một số trường hợp trong lịch sử là những quốc gia mà ông cho rằng họ đã có những biện pháp vượt qua biến động xứng đáng là hình mẫu để mỗi quốc gia hiện nay học hỏi kinh nghiệm.
Nhật Bản thời Minh Trị vẫn luôn luôn tránh đối phó với những mối nguy ngày càng tăng đến từ phương Tây, tuy vậy, từ cuộc duy tân Minh Trị năm 1968 trở đi, Nhật Bản không cần bất kỳ một biến cố nào để thúc đẩy phát triển, mà họ đã chủ động dự đoán nguy cơ và biến động sẽ xảy đến từ phương Tây.
Phần Lan đã phớt lờ sự nhòm ngó của Liên Xô cho đến khi họ buộc phải chú ý tới cuộc tấn công của Liên Xô năm 1939. Nhưng từ năm 1944 trở đi, người Phần Lan không cần bất kỳ cuộc tấn công nào để thức tỉnh họ, thay vào đó, chính sách đối ngoại của họ tập trung vào việc liên tục dự đoán và ngăn chặn sức ép từ Liên Xô.
Chile áp dụng chính sách dự đoán các vấn đề tương lai cũng như nhận diện, giải quyết các vấn đề hiện tại.
Indonesia thì áp dụng mềm dẻo cả hai dạng phản ứng khi đối mặt với biến cố đảo chính ngày 1/10/1965, và có thông tin cho rằng quân đội đã lường trước cuộc đảo chính đó và đã chuẩn bị sẵn phương án ứng phó.
Cả bốn quốc gia này đều tiến hành các chương trình thay đổi đòi hỏi thời gian dài mà không cần đến các biến cố tiếp theo để tiếp tục thúc đẩy họ. Họ là minh chứng cho sự đúng đắn của lựa chọn số 2.
Nhật Bản và Mỹ ngày nay theo Jared Diamond là hai trường hợp không có hành động quyết định khi không có những biến cố kích thích. Một điều gì đó lớn và xấu đột nhiên xảy đến sẽ thúc đẩy chúng ta nhiều hơn là các vấn đề phát triển từ từ, điều này cũng tương tự như sức ì trong tâm lý của mỗi cá nhân.Dù là lựa chọn nào đi nữa, điều tiên quyết nhất để hành động khi biến cố xảy ra đó chính là nhanh chóng thừa nhận biến cố, nhận trách nhiệm và sau đó mới đến quá trình xử lý biến cố. Có thể là tìm sự trợ giúp ở các quốc gia khác, hoặc là học hỏi cách thức ở những nơi đã từng xảy ra biến cố tương tự trước đó; và cũng có thể dựa vào chính kinh nghiệm mà đất nước đã trải qua trong quá khứ. Và Jared Diamond còn đưa ra một lời khuyên cuối cùng: Hãy biết kiên nhẫn với thất bại của quốc gia.
Đây là một cuốn sách có nội dung hay và bổ ích, được phát hành vô cùng đúng thời điểm, khi mà Việt Nam và toàn thế giới đang phải đối mặt với biến động dịch bệnh lớn. Phần hình thức cũng rất đẹp, bìa là bức tranh nổi tiếng của Nhật Bản: “Sóng lừng ở Kanagawa”, quả thực là một bức tranh hoàn hảo để làm bìa của cuốn sách này, vì Jared Diamond cũng ưu ái nước Nhật hơn cả khi dành cho quốc gia này đến 2 chương trong tác phẩm của mình.
Và cuốn sách này đối với bản thân tôi cũng vô cùng phù hợp – trong thời gian giãn cách xã hội, tôi đã được tặng và nó như một món quà động viên tinh thần vô giá. Mong mọi người hãy đừng bỏ qua cuốn sách chất lượng này.
– Bà Bô
BIẾN ĐỘNG – JARED DIAMOND: CÁC QUỐC GIA ỨNG PHÓ VỚI KHỦNG HOẢNG VÀ THAY ĐỔI NHƯ THẾ NÀO ?
“Biến Động” là cuốn sách đầu tiên mình đọc trong bộ BOXSET CAO CẤP của JARED DIAMOND. Mình khá ân tượng tên nhan đề và nổi hứng tò mò rằng là mình không biết có sự tương quan nào với những cuốn sách cùng bộ mà mình đã đọc trước đó hay không? “Trong tác phẩm mới nhất vừa ra mắt năm 2020 – Biến Động, Jared Diamond kể cho chúng ta câu chuyện các quốc gia đã vượt qua những biến cố lớn và hồi phục thành công như thế nào. Bằng vốn hiểu biết đa ngành, đa lĩnh vực kết hợp trải nghiệm cá nhân tại nhiều nền văn hóa trên thế giới, Jared Diamond khảo sát các hình mẫu là bảy quốc gia ở khắp các châu lục, phân tích quá trình họ gặp phải, đối mặt và vượt qua biến động lớn trong quá khứ. Theo Diamond, dù ở cấp độ cá nhân hay quốc gia, thậm chí toàn cầu, cơ chế ứng phó phổ biến và hiệu quả nhất vẫn là thay đổi có chọn lọc. Và như tác giả đã viết ở phần cuối sách, học hỏi từ lịch sử luôn cần thiết với bất kì đối tượng nào. Liệu lần này, chúng ta có thể rút ra bài học gì từ quá khứ để ứng phó với các biến động ở hiện tại và tương lai?”. Đây chỉ mới là một đoạn trích dẫn ở cuối sách điểm một vài nội dung của Biến Động thôi ah.
Bill Gate đã từng phải thốt ra rằng: “Tôi mê mệt mọi thứ Jared Diamond viết ra, và cuốn sách này không ngoại lệ. Ông ấy chỉ ra cho chúng ta con đường vượt qua biến cố ở hiện tại và tương lai.”
Mọi người cũng đều biết rằng vào đầu năm 2020, trên toàn thế giới xảy ra đại dịch covid-19 vô cùng nguy hiểm và cấp bách. Ngẫm lại, sự xuất hiện bộ BOXSET của Jared ngay lúc này quả thật rất là đúng lúc. Biến Động lại được đưa vào cùng bộ với 3 cuốn sách còn lại khá là quen thuộc với mình (có thể ở đây một vài bạn cũng đã từng nghe tên: Súng, Vi Trùng Và Thép; Thế giới cho đến ngày hôm qua và cuối cùng là Sụp Đổ). Mình đọc Biến Động đầu tiên trong cả bộ boxset, cuốn sách này như thay loài người trên toàn thế giới lên tiếng về những biến cố, thảm họa của các quốc gia phải gánh chịu có từ trong lịch sử và ngay kể cả hiện tại; họ đã phải đối mặt và phục hồi đất nước một cách rất là diệu kì.
Năm 2020, mọi người trên thế giới đều cho rằng đây là năm khủng hoảng nền kinh tế thế giới kéo dài nhất trong lịch sử, đặc biệt là Mỹ – một cường quốc có nền kinh tế đứng đầu thế giới lại chịu ảnh hưởng của đại dịch covid -19 khốc liệt nhất. Chắc chắn vấn đề này đa số mọi người cũng cập nhật thường xuyên diễn biến tình hình thế giới nên không còn quá xa lạ. “Bóc tem” cuốn Biến Động ngay thời điểm này càng dễ dàng hiểu được vấn đề và giá trị cốt lõi của nó muốn gửi đến bạn đọc (mình đã thử và trải nghiệm, vốn dĩ lối văn của Jared khá đau đầu nhưng đọc đúng thời điểm sẽ thấy hoàn toàn khác).Biến Động bao gồm 11 chương, thuật lại những biến cố hết sức nguy cấp và lối giải quyết vấn đề của từng quốc gia một cách sâu sắc, có tính thống nhất cao bởi kết hợp ở cả lối viết hàn lâm và kiến thức lịch sử xã hội rất rộng của Jared. Hầu như là mình không cần phải ghi chú lại quá kĩ để tìm câu giải thích cho những kiến thức lịch sử chưa rõ, bởi vì, Biến Động đã gần như đầy đủ, rõ ràng từ kênh hình đến kênh chữ và danh sách tài liệu để tham khảo khá là dày đặc. Mô tả biến cố cá nhân, diễn biến và sau đó là liên tiếp nhân tố liên quan đến hệ quả và cuối cùng đưa đến những biến cố của các quốc gia bắt đầu xảy ra.
Tại sao mình lại đề cập vấn đề đại dịch covid-19 ở đây liên quan đến Biến Động? Ngẫm lại, thấy đúng, trong lịch sử các quốc gia mà Biến Động nhắc tới thì các cuộc chiến tranh bạo loạn, tình trạng di dân di cư, nền kinh tế rơi vào thế khủng hoảng,… đã khiến cho thế giới đảo lộn và họ đã phải linh hoạt thay đổi phương hướng nhằm cứu rỗi và vực dậy các quốc gia của mình. Cho đến ngày nay, chính vào năm 2020, virus corona xuất phát từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) đã “di cư” rộng khắp thế giới, mang mầm bệnh nguy hiểm rình rập sự sống đến con người, và chúng ta, mỗi cá nhân điều đầu tiên cần làm là đoàn kết đi tìm biện pháp hữu hiệu nhằm bài trừ nó, tiêu diệt nó, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, một số quốc gia vẫn đang phải đối mặt với tình thế vô cùng nghiêm trọng. Cái mà mỗi quốc gia hay mỗi cá nhân chúng ta cần làm bây giờ là tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau ổn định lại trật tự thế giới.
Mọi người sẽ thấy như thế nào nếu một ngày thế giới bị thay đổi theo chiều hướng xấu đi (minh chứng rõ và gần nhất là đại dịch covid-19 hiện nay đang là một trong vấn đề cấp bách ở một số quốc gia trên thế giới đang từng ngày phải đối mặt), và các bạn nghĩ bản thân nên làm gì để có thể một phần cứu rỗi thế giới ấy? Cùng chia sẻ với mình nhá. Chúc các bạn một ngày gặp thêm nhiều niềm vui mới.
– Nam An Dinh (22/07/2020)