“Bóng ma nhà mệ Hoát” là câu chuyện về hồn ma của mợ Hoát và cháu gái Phương Thảo, những thân phận nhỏ bé. Luôn tâm niệm lấy ân báo oán thì oán giải, lấy oán báo oán thì oan oan tương báo bao giờ chấm dứt.
Review Bóng ma nhà Mệ Hoát
Được biết về Vũ Bằng qua các tác phẩm mà nhiều người giới thiệu như “Thương nhớ mười hai”, “Món ngon Hà Nội”, “Món lạ miền nam”, nhưng “Bóng ma nhà mệ Hoát” là tác phẩm đem đến nhiều cảm giác mới lạ nhất. Lần đầu đọc, tôi cảm nhận sự chán chường trong cách viết lê thê cùng cốt truyện dễ đoán. Nhưng sang lần 2, với tâm trạng điềm tĩnh hơn, tôi đã cảm nhận được một hồn văn Vũ Bằng vô cùng khác biệt: một tâm hồn giàu lòng trắc ẩn, đang cười mỉa mai đau khổ trước hiện thực tàn khốc của lịch sử.
Ở lưng chừng của dòng chảy lịch sử trôi về quá khứ, Vũ Bằng chọn ra một mốc thời gian vô định nhưng chứng kiến nhiều sự nhiễu nhương, nhiều nỗi bi ai oán tụ nhất: Thời kì quân Nhật chiếm đóng (1945)
Men theo dòng hồi tưởng miên man của nhân vật tôi – cũng chính là Vũ Bằng, thời gian ngưng đọng lại ở năm đó bi kịch trên một vùng ngoại ô nên thơ của đất nước. Nhưng máu đã sớm nhuộm đỏ đất trời không thương tiếc. Chiến tranh, dục vọng, cùng sự tham lam cuồng vọng của phần con trong con người bọn lính Nhật đã xé nát hai cuộc đời mẹ con Mệ Hoát mãi mãi tựa như xé vụn những mảnh giấy mỏng manh.
Mọi sự khởi nguồn chỉ vì ác tâm sâu thẳm của lòng người
Cái ác đó lại được bối cảnh chiến tranh bồi thêm tạo thành một vòng xoáy tội ác không dứt, oán hồn không tan, mãi không siêu thoát.
Vẫn đúng phong cách của tay sành ăn Hà Nội bậc nhất, truyện lồng ghép nhiều yếu tố văn hóa phong tục xứ Huế, chẳng hạn như đoạn miêu tả chợ quê hay cảnh dân sành sỏi mua bán đồ cổ, thêm vào đó một nhúm gia vị tạp nham là sự huyền bí, sự ma mị và có cả yếu tố trần thuật của thể loại phóng sự. Chất liêu trai trong truyện chỉ làm khung nền, chất hiện thực, sự mỉa mai châm biếm và nỗi xót xa thời thế mới là chủ chốt. Vì vậy có thể nói truyện giống một nồi lẩu thập cẩm ngũ vị, không đi sâu về mặt nào mà chia đều nhấm nháp mỗi thứ một ít. Người đọc đã quen với lối viết nhẹ nhàng êm đềm ở các tản văn ẩm thực của Vũ Bằng quay sang cuốn này sẽ thấy nên có cái nhìn rộng mở và kiên nhẫn hơn với mạch văn chậm rãi đầy ẩn ý châm biếm này.
Nhiều người nói cuốn truyện này viết về đạo lý có làm có trả nhưng cá nhân tôi lại thấy cả câu chuyện thực ra chỉ là một niềm an ủi sự thật nghiệt ngã của thời thế. Nếu đạo lý đó đúng thì tại sao phải mượn một truyện ma quỷ để viết về sự trả thù? Tại sao không phải là một câu chuyện người thật việc thật mà lại vin vào thế giới tưởng tượng?
Có lẽ giữa cái thời loạn lạc khói lửa đó, cảnh con người chém giết tàn sát nhau đã là cảnh thường xuyên, dân thường bị vạ lây chôn chân cùng sự đẫm máu đó cũng chỉ vì sự nhiễu nhương chung của đất nước. Không phải ai cũng muốn cầm súng lên bắn đồng loại mình, nhưng bất đắc dĩ vẫn phải làm, vì đó là địch, hoặc nghi ngờ là địch, không có ranh giới đúng sai. Mẹ con Hoát một lòng sống tu thân tích đức lương thiện một đời với lòng tin ác giả ác báo thế nhưng cuối cùng lại nhân cái chết bi thảm, có phải là quá châm biếm không? Còn kẻ thủ ác kia lại trở thành người Việt Nam Mới, đứng vào hàng ngũ được Cách Mạng tôn trọng, có phải là sự mỉa mai chua xót ngầm ý của tác giả với thời thế không?
– Kiên Trần 22/2/2021