Bộ não con người có những khả năng tuyệt vời, nhưng nó lại không kèm hướng dẫn sử dụng. Bạn sẽ tìm thấy hướng dẫn sử dụng ấy trong A Mind for Numbers – Cách chinh phục Toán và Khoa học. Dù chỉ là người mới hay đã là chuyên gia, bạn vẫn sẽ tìm thấy những cách mới tuyệt vời để nâng cao kỹ năng và kỹ thuật học tập, đặc biệt trong bộ môn toán và khoa học.
Cuốn sách tập trung trình bày các kỹ thuật cơ bản để sử dụng bộ não hiệu quả, đồng thời phát triển tư duy sâu hơn, có được cách nhìn mới mẻ và sáng tạo hơn. Các nội dung chính được sắp xếp một cách trình tự và logic, giúp người đọc dễ dàng đọc hiểu và thực hành theo.
Review Cách chinh phục toán và khoa học
Sách của Barbara Oakley một chuyên gia về phương pháp học tập. Mọi người có thể đã biết đến bà qua cuốn “Learning how to learn” hoặc khóa học trực tuyến cùng tên trên coursera. Tôi nhận được cuốn sách này như một món quà trước tết nguyên đán. Ra tết, cũng ngại mở ra đọc vì nghĩ trong sách chứa toàn những lời khuyên mẹo mục để sao cho học nhanh, nhớ giỏi. … Thế rồi dịch bệnh đến làm cuộc sống chậm lại, tôi lần hồi mở sách ra đọc thử xem sao. Hóa ra rất hay các bạn ạ.
Quá trình đọc một cuốn sách hay giống như tự đối thoại bản thân. Tôi bắt đầu hồi tưởng về quá trình đi học từ thời đánh vần, học bảng cửu chương, cho đến thời học đại học và sau đại học sau này khi lật giở từng trang sách. Từng mẩu ký ức ùa về trong mỗi câu chuyện kể, phân tích sai lầm, đúng đắn của từng cách học tập. Tất cả chúng ta ai cũng đã từng đi học, đã từng vật vã với những mảng kiến thức khác nhau. Yêu môn này, ghét môn kia. Rồi cùng đám bạn cùng trang lứa cạnh tranh so sánh, ngưỡng mộ những người học nhanh. Cũng từng chứng kiến những người học không đúng phương pháp bị rớt lại phía sau. Nhưng tựu chung lại chúng ta đều có kinh nghiệm cá nhân, không ai chính thức dạy chúng ta cách học như nào cho đúng đắn hiệu quả.
Ai trong chúng ta cũng đều giữ cho mình một vài kinh nghiệm học tập nào đó mà ta cho là hiệu quả. Tuy nhiên trong những thứ chúng ta rút ra được có không ít định kiến sai lầm. Tôi tự thấy mình may mắn là hầu hết kinh nghiệm của tôi (mà tôi vẫn cho là phù hợp với cá nhân mình) phần nhiều là đúng đắn so với những nghiên cứu và phân tích chỉ ra trong sách. Bên cạnh đó, điều đáng quý sau khi đọc cuốn này là tôi thấy ra một vài định kiến sai lầm của mình về phương pháp học, những thứ đôi khi khiến cho tôi khá vất vả và mất thời gian.
Về mặt kỹ thuật, cuốn sách này hệ thống hóa lại các phương pháp học tập hiệu quả dựa trên các nghiên cứu hệ thống về tâm lý và khoa học thần kinh gần đây. Các kết quả nghiên cứu khô khan được diễn giải theo cách sáng rõ dễ hiểu cho đại chúng, xen vào đó là những mẩu chuyện và kinh nghiệm cá nhân của nhiều nhân vật cũng như của chính tác giả – tiến sĩ Barbara Oakley. Thật ra bà là tiến sĩ ngành kỹ thuật (engineering) hiện đang là giáo sư ngành này tại một đại học bên Hoa Kỳ. Do đặc điểm cá nhân (hồi bé bà bị xếp vào loại trẻ chậm hiểu) nên sau này bà để tâm nghiên cứu và trở thành chuyên gia trong lĩnh vực phương pháp học tập.
Các điều quan trọng rút ra sau mỗi cuốn sách đều tùy thuộc vào đặc điểm và trải nghiệm của từng cá nhân. Đối với tôi một số điều nói trong sách là hiển nhiên tôi biết rồi, nhưng có thể đối với một số người thì đó là điều quan trọng cần rút ra vì họ chưa từng biết, thậm chí mắc sai lầm về điều đó trong suốt quãng đời học tập của mình. Sau đây là một vài điểm quan trọng tôi rút ra sau khi đọc cuốn sách này:
- Có hai chế độ học tập là: tập trung và phân tán. Cả hai chế độ này đều đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập các khối kiến thức và liên kết các khái niệm rộng lớn tạo thành tri thức trong não người học. Tập trung là lúc chúng ta đào sâu vấn đề theo một hướng. Phân tán là những lúc chúng ta lơ đãng, suy tư khi nghỉ ngơi, hoặc chợt nhìn ra ngoài sân trường trong giờ học. Thực ra lơ đãng khá là quan trọng vì tiềm thức đang làm việc để thiết lập ra các kết nối rộng hơn theo hướng lan tỏa, giúp thẩm thấu kiến thức.
- Việc tạo khối thông tin về một vấn đề cụ thể trong quá trình học. Việc này có nghĩa là ta đã nắm được vấn đề cụ thể một cách rõ ràng (thường là thông qua vận dụng vào bài tập). Khối thông tin được tạo ra khiến có thể dễ dang truy vấn giúp tiết kiệm không gian cho trí nhớ làm việc (work memory, trí nhớ ngắn hạn). Tạo khối thông tin cũng giúp cho việc liên kết các khối thông tin rộng hơn sau này tạo nên bức tranh toàn cảnh.
- Ảo tưởng hiểu bài: Tôi đã gặp khá nhiều bạn cùng lứa, cũng như sinh viên của tôi mắc phải ảo tưởng này. Họ thường là những người chăm chỉ. Có một số người sau khi làm được một chuỗi các bài tập dạng giống nhau cảm thấy tự tin cho rằng mình hiểu bài rồi. Hay có một số người rất chịu khó đọc sách kiểu tuần tự từ đầu đến cuối và cho rằng mình đã gặp tất cả các kiến thức trong sách rồi, gấp sách lại yên tâm mà không nghiền ngẫm gì. Tôi thì hay có kiểu giải vài bài đại diện, sau đó chuyển sang dạng khác để tìm ra ý nghĩa toàn thể của mảng kiến thức. Nhiều người cho kiểu học này là lớt phớt, nhưng hóa ra cách của tôi đúng như trong sách khuyên.
- Kỹ thuật hồi tưởng: Hồi tưởng là một hành động rất quan trọng trong quá trình học. Thời xưa không có nhiều sách vở tài liệu, và nguồn thông tin, chúng tôi thường hồi tưởng nhiều hơn sau mỗi giờ học. Nó cũng là một hành động khi chúng ta gặp lại một khái niệm đã học mà ta cố nhớ lại chứ đừng ngay lập tức mở sách ra xem, hoặc tệ hơn như bây giờ chúng là hay làm là google ngay. Hồi tưởng giúp thiết lập lại các mạch tư duy đã yếu, thậm chí nó còn có thể tạo ra các kết nối mới, giúp ta nhận thức kiến thức ở một khía cạnh khác.
- Tầm quan trọng của việc ghi nhớ: đây là sai lầm của tôi đến tận khi đọc cuốn sách này. Tôi theo chủ nghĩa thuần thúy, không hề coi trọng việc ghi nhớ khi học. Thậm chí khi lên đến cấp II tôi vẫn không thuộc hết bảng cửu chương kiểu làu làu như chúng bạn. Thật ra chúng ta nên chọn lựa ra một vài thứ và ghi nhớ nó lại, nó giống như nguyên liệu thô để làm việc khác, giống như những viên gạch cần thiết để xây bức tường. Việc ghi nhớ một vài thứ (ví dụ bảng cửu chương, công thức quan trọng) giúp ta đẩy nhanh tốc độ học tập, giải phóng trí nhớ tạm để học được những khái niệm phức tạp hơn. Tuy nhiên, tôi cũng chứng kiến một vài người lạm dụng việc ghi nhớ tất cả mọi thứ, làm cản trở quá trình tư duy giúp thấu hiểu vấn đề, những người này thường đi rất nhanh trong một giới hạn nào đó, nhưng thường không đi được xa.
- Hiện tượng bế tắc và sụp đổ kiến thức: thật ra hai hiện tượng này bản chất là khác nhau, nhưng tôi cứ gom lại một chỗ cho ngắn gọn. Bế tắc liên quan đến thiên kiến ban đầu và sự cố chấp (ai cũng có) thành ra đã sai đường nhưng cứ đi tiếp. Sụp đổ kiến thức là hiện tượng cao cấp hơn, nó giống như ta học một vấn đề rất rõ rồi, đến một ngày nào đó ta tự dưng thấy sụp đổ, thấy mình hoàn toàn không biết gì, thật ra cái này là do trước khi nâng cấp lên mức độ nhận thức mới não nó cần phải đập bỏ các liên kết cũ, tuy nhiên nó cũng đã sẵn sàng để tạo nên một bức tranh mới rồi, đừng bỏ cuộc khi gặp hiện tượng này.
Ngoài ra, sách này cũng liệt kê một tập hợp các mẹo mục kỹ thuật học tập có thể có ích cho các bạn nhỏ đang ở bậc phổ thông. Và để bán được hàng thì sách này cũng không tránh khỏi một vài vấn đề hoa lá cành, trào lưu thị trường kiểu như STEM, Học toán … . Tuy nhiên, người đọc sách chúng ta cũng nên biết gạn đục khơi trong và thông cảm cho người làm sách.
Bản tiếng Việt của cuốn này được dịch, trình bày và biên tập khá tốt, tôi hầu như không gặp hạt sạn nào trong quá trình đọc nó.
Happy Reading!
– Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn – khoa vật lý, đại học KHTN Hà Nội