Trong chiến tranh thế giới thứ hai, người Nhật đã đưa hàng ngàn tù nhân Anh đến xây dựng tuyến đường sắt Bangkok-Rangoon. Đại tá Nicholson, người đại diện cho các giá trị truyền thống Anh quốc, phản đối cách thức đối xử với tù binh của phía Nhật Bản, cho đến khi đối phương đồng ý tuân thủ Công ước quốc tế về tù nhân chiến tranh. Kế đó, để chứng tỏ giá trị của nền văn minh phương Tây, ông tự đặt mình vào nghĩa vụ phải xây dựng một cây cầu có tầm quan trọng chiến lược. Nhưng một đơn vị mật khác của Anh quốc cũng đã quyết định làm mọi thứ có thể để ngăn chặn hoàn thiện cây cầu… Ai sẽ chiến thắng trong cuộc chiến này, lý tưởng làm việc tốt có đi ngược lại với lòng yêu nước?
Review
Cầu sông Kwai – cuốn sách về lòng dũng cảm của những con người đã xây nên tuyến đường sắt tử thần.
Bối cảnh câu chuyện vào năm 1941, phát xít Nhật định làm một con đường nối Yangoon và Bangkok, xuyên qua rừng rậm hầu như bao giờ cũng mưa to gió lớn. Để làm được điều đó, quân Nhật huy động hơn 200.000 người cho việc xây dựng, mà phần lớn đến từ tù binh người Anh và dân châu Á. rong đó có 62.000 tù binh, mà không dưới 13.000 người, trong tổng số 90.000 người đã bỏ mạng vì kiệt sức, bom đạn, đói khát và bệnh tật. Hai năm lao động quá sức và máu xương đổ ra oan uổng của bấy nhiêu con người thực tế là vô bổ. Vì hiểu được tầm quan trọng của con đường máu rùng rợn, ngay từ đầu, quân đồng minh Anh Mỹ đã liên tục dội bom xuống, vô hiệu hóa hoàn toàn tuyến đường. Khánh thành năm 1945 nhưng đường sắt tử thần chỉ là chứng tích của một nỗi nhục nhã ê chề của phát xít Nhật. Cây cầu trên sông Kwai, yết hầu của đường sắt tử thần đã được xây dựng, song năm 1945, bị bom đạn quân đồng minh phá hủy. Sau khi Nhật đầu hàng, quân đồng minh buộc Nhật xây dựng lại như một khoản bồi thường chiến tranh. Song một người Nhật trong số những hàng binh làm cầu đã cho nó nổ sập đúng vào ngày khánh thành.
Pierre Boulle đã sáng tạo ra một câu chuyện gây sửng sốt. Đại tá Nicholson của quân Anh bị bắt. Quân Nhật buộc đạo quân đầu hàng, gồm cả lính thường lẫn sĩ quan, không trừ ai hết, phải xây dựng cầu Kwai. Nicholson dám chống lệnh quân Nhật, yêu cầu Saito, viên chỉ huy đạo quân chiến thắng, tôn trọng quy chế tù binh đã được ấn định trong Công ước Geneve, theo đó, sĩ quan được miễn. Bất chấp mọi nguy cơ đòn thù vì mình là tù binh, Nicholson không chịu nhượng bộ. Ông được quân lính ủng hộ. Saito không thể hãm hại ông, đành thương lượng và giao cho đội quân của Nicholson xây dựng cây cầu. Nicholson đã huy động mọi chiến sĩ dưới quyền, kể cả người ốm đau bệnh tật dốc sức thực hiện thật tốt và đúng hạn nhiệm vụ mới. Ấy là vì danh dự quân nhân và danh dự con người, để chứng minh người da trắng tài giỏi hơn người da vàng. Biết tin về cây cầu, quân Anh vẫn đang chiến đấu chống Nhật ở Calcuta, Ấn Độ, tìm cách đưa người tới phá hoại. Tình cờ biết được âm mưu, Nicholson đã báo cho Saito. Chiến tranh mà không ai là kẻ thù của ai cả. Ngay người Anh với nhau, ai cũng muốn tỏ ra xứng đáng với vị trí của họ: người thì hết mình xây dựng cây cầu thật vững, thật hữu dụng; người thì phải làm sao phá nó kỳ được. Kẻ chiến thắng và người chiến bại dường như đều không đáng ghét. Giống như câu nói “Trên thế giới này không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn chỉ có lợi ích quốc gia vĩnh cửu.”
Trích dẫn
“Chớ bao giờ quên rằng người Nhật tin vào số phận linh thiêng của mình, một yếu tố bất di bất dịch của tín ngưỡng,… chẳng một dân tộc nào trên trái đất này lại không hưởng ứng một niềm tin tôn giáo về chính dân tộc mình tương tự như vậy.”