Trò chuyện với bản thân, hay còn gọi là nội quan (quan sát nội tâm) là cách để chúng ta khám phá sức mạnh của bản thân để từ đó khai phá những tiềm năng lớn, giúp ta nhìn nhận những vấn đề trong cuộc sống một cách đơn giản hơn và dễ gặt hái được thành công hơn. Thông qua cuốn sách “Chatter Trò Chuyện Với Chính Mình”, Ethan Kross đã chia sẻ nhiều dẫn chứng, lý luận giúp chúng ta biết được hiểu được từng công cụ giúp cải thiện tâm trí.
Review Chatter Trò chuyện với chính mình (2)
LÀM THẾ NÀO ĐỂ TẠO MỐI LIÊN KẾT TÍCH CỰC VỚI TIẾNG NÓI NỘI TÂM?
Chúng ta đã có nhiều lời khuyên về kỹ năng giao tiếp với người khác, nhưng không phải ai cũng biết cách để có những cuộc trò chuyện hiệu quả với chính mình.
Từ vị vua trong kinh thánh Solomon đến ngôi sao bóng rổ LeBron James, tác giả Ethan Kross cho chúng ta thấy cách tiếng nói nội tâm gây “phiền nhiễu” đến tất cả mọi người như thế nào.
Có bao giờ bạn bị chìm đắm vào những cảm xúc tiêu cực và sự chỉ trích bản thân mà không cách nào thoát ra?
Có bao giờ bạn bị mất ngủ vì không thể dừng lại những luồng suy nghĩ đang chạy liên tiếp?
Tại sao một số người có thể lắng nghe tiếng nói nội tâm và tiếp thêm sức mạnh, trong khi những người khác lại cảm thấy bất lực và bị đánh gục?
Lần cuối cùng bạn lắng nghe tiếng nói bên trong mình là khi nào?
Lần cuối cùng bạn nghĩ về cách thức để tạo mối liên kết tích cực đến tiếng nói nội tâm của mình là khi nào, thay vì lắng nghe những suy nghĩ tiêu cực lặp đi lặp lại?
Những khía cạnh tiêu cực của tiếng nói nội tâm có thể khiến tâm trí của chúng ta trở nên hỗn loạn khi ra quyết định, ứng xử trong các mối quan hệ, ảnh hưởng đến sức khỏe, và các vấn đề trong công việc, v.v… Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng chúng ta cần phải khiến cho tiếng nói nội tâm hoàn toàn biến mất. Bởi nếu thiếu khả năng tự chỉ trích quan trọng này, chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc học hỏi, thay đổi và cải thiện bản thân.
Chính vì vậy, Kross bắt đầu cung cấp cho chúng ta những phương pháp hữu ích và cách biến tiếng nói nội tâm trở thành một công cụ hữu hiệu. Tại sao đi vào bên trong tiếng nói nội tâm của chúng ta đôi khi mang lại thành công, trong khi những lần khác hoàn toàn thất bại? Cơ chế của khoa học là gì?
Chúng ta có thể làm gì, khi chúng ta nhận thấy suy nghĩ bên trong của mình đang đi chệch hướng? Khi cảm giác lo lắng, chóng mặt, mất thăng bằng, thất vọng, bất an, v.v… đang không ngừng xâm chiếm trong tâm trí? Những lời giải đáp thú vị và thiết thực đều nằm trong cuốn sách “Chatter – Trò chuyện với chính mình” của tác giả Ethan Kross.
Mình chợt nhận ra rằng đã rất nhiều lần bản thân mình sử dụng những cách ứng phó được đề cập trong cuốn sách để thoát ra khỏi trạng thái tiêu cực. Những cách kiểm soát tâm trí đó có thể là viết nhật ký, tạo ra một “nghi lễ” mang tính cá nhân (với mình là ăn một cây kem khi buồn), du hành thời gian trong tâm trí hay đến một không gian tràn ngập thiên nhiên bao quanh… Trong tất cả những lần như thế, mình đều cảm thấy dễ chịu và phấn chấn hơn.
Ngoài ra, còn rất những công cụ kiểm soát tâm trí khác mà bạn có thể tìm thấy để học cách trở thành người bạn tin cậy và thấu hiểu nhất với chính bản thân mình. Vì suy cho cùng, tâm trí của chúng ta mới là người bạn đồng hành lâu dài và bền bỉ nhất. Vậy nên hãy học cách lắng nghe và trò chuyện tích cực, trước hết là với chính mình.
Marcel Proust- được đánh giá là nhà văn vĩ đại nhất thế kỷ 20 từng nói: chuyến du hành kỳ thú nhất không phải là cuộc phiêu lưu đến miền đất kỳ lạ mà là khi ta nhìn sự việc cũ với một cái nhìn mới.
Vũ trụ bí ẩn bên trong con người chưa bao giờ là một đề tài thôi lôi cuốn đối với các nhà khoa học, mà không chỉ riêng các nhà khoa học không đâu, ngay cả chính chúng ta đây – mỗi cá nhân với ti tỉ những dòng cảm xúc, suy nghĩ chạy hằng ngày cũng chưa chắc đã hiểu hết cái thế giới nội tâm bên trong chính bản thân mình.
Tiếng nói nội tâm có từ khi nào? Tại sao chúng lại ở đó? Tại sao có lúc nó mang đến cho ta những quyết định sáng suốt, nhưng đôi khi hay thậm chí nhiều lúc, khiến ta rơi vào vòng luẩn quẩn của những suy nghĩ tiêu cực không lối thoát? Đâu là cách nó hoạt động? Và cuối cùng, làm sao chúng ta có thể điều khiển và tận dụng tiếng nói nội tâm một cách hợp lý?
Ethan Kross, một nhà khoa học về tâm lý học thực nghiệm và khoa học thần kinh cùng cùng các cộng sự của mình đã tiến hành thí nghiệm và cập nhật vô số nghiên cứu mới nhất về não bộ và tâm trí con người. Trong Chatter, ông đã lý giải từng chút một những yếu tố tác động khiến tiếng nói nội tâm của ta trở nên hỗn loạn như: cách ta tiếp cận và nhìn nhận vấn đề, những con người và môi trường vật lý xung quanh tác động như thế nào đến tiếng nói nội tâm của ta…
Mặc dù trong đó tác giả đã đề cập đến rất nhiều thí nghiệm và nghiên cứu về não bộ, tuy nhiên mình không hề cảm thấy khô khan mà ngược lại còn thấy tò mò và hứng thú.
Một đoạn mình rất thích trong sách liên quan đến việc mạng xã hội đóng vai trò như thế nào trong việc kiểm soát những tiếng nói bên trong chúng ta. Thông thường, thời gian đóng vai trò quan trọng trong việc giúp ta quản lý cảm xúc của mình, đặc biệt là xử lý những trải nghiệm khó chịu. Khi chúng ta tìm ai đó để nói chuyện trong thế giới thực, ta phải đợi đến lúc trực tiếp gặp người đó hoặc tới lúc họ có thời gian rảnh để nói chuyện. Và trong khi chờ đợi, một điều kỳ diệu xảy ra: chúng ta có thời gian suy ngẫm về cảm nghĩ của mình và điều đó thường có tác dụng làm êm dịu cảm xúc. Tuy nhiên, nhờ vào những thiết bị thông minh, mạng xã hội giúp ta kết nối với người khác ngay khi ta trải qua cảm xúc tiêu cực, trước khi thời gian cho ta cơ hội để suy xét cảm giác và nhìn nhận lại vấn đề ở nhiều góc độ. Sự lúng túng trong việc xử lý cảm xúc và tiếng nói nội tâm đó vô hình trung làm ảnh hưởng rất nhiều đến ngay chính bản thân ta và cả các mối quan hệ xung quanh.
Điểm chính là ngay cả khi trong thế giới thực và thế giới ảo, khi ta để suy nghĩ luẩn quẩn điều khiển hành vi của mình, ta thường rơi vào một loạt những hệ quả xấu, và làm ta tổn thương nhiều hơn. Vậy liệu cách thức bộ não xử lý một nỗi đau thể chất có giống cách nó xử lý nỗi đau tinh thần không? Để tìm câu trả lời, tác giả so sánh MRI khi một người nhìn vào tấm hình người yêu cũ và khi áp một vật nóng vào cánh tay họ, kết quả cho thấy đã có nhiều sự trùng lặp trong hoạt động của não bộ ở cả hai trường hợp. Nói cách khác, nỗi đau tinh thần cũng có cơ sở sinh lý như nỗi đau thể chất.
Việc chữa trị các tổn thương tâm lý cũng có những cách thức đặc biệt riêng, một lần nữa tiếng nói nội tâm phát huy tác dụng của mình, tiếng nói nội tâm sẽ có tác dụng như một loại giả dược nếu ta biết cách sử dụng hợp lý chúng, điều này đã được tác giả tóm gọn lại trong Bộ công cụ giúp thanh thản tâm trí, giúp chúng ta biết cách xử lý những suy nghĩ luẩn quẩn và cảm xúc tiêu cực một cách hữu hiệu.
Lúc gấp lại trang cuối, mình có cảm giác Chatter như một cứu cánh giúp mình hiểu hơn và điều khiển tốt hơn những cảm xúc tiêu cực trong mình. Mình tin việc trò chuyện và thấu hiểu với chính bản thân sẽ giúp ta có nhiều sức mạnh hơn mà quan trọng là cảm thấy bình yên và hạnh phúc hơn mỗi ngày.
___________
*MRI (Magnetic Resonance Imaging): Một kỹ thuật thường dùng trong chẩn đoán y khoa để tạo ra những hình ảnh giải phẫu cơ thể nhờ từ trường và sóng radio.