Lần cập nhật gần nhất December 15th, 2020 - 09:44 am
Cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi chúng ta ngày càng thoát khỏi sự kiểm soát của người khác, ngày càng trở nên tự do và hài lòng với bản thân. Sự dễ dãi có thể khiến cho chúng ta thoải mái trong một lúc, nhưng không giúp chúng ta chinh phục tự do đích thực. Chỉ có nghiêm khắc với bản thân, nghiêm khắc với thói giả dối, chúng ta mới có thể tạo ra “phiên bản tốt nhất của bản thân” và vẽ ra cuộc sống nhiều màu sắc tươi mới hơn thay vì cuộc sống chỉ có một màu xám tro của giả tạo.
Đừng tìm kiếm sự thành công, chúng ta tìm kiếm những phẩm chất đưa con người đến với sự thành công.
Review Chết bởi giả tạo (2)
XÃ HỘI SẼ RA SAO NẾU ĐẠO ĐỨC GIẢ LẠI TỒN TẠI NHƯ MỘT LẼ TẤT NHIÊN ?
Một câu nói khá phổ biến phản ánh rất thực tâm trạng của nhiều người chúng ta: “Mong kinh tế như hôm nay, còn đạo đức trở lại như ngày xưa”. Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng đó là điều có thực, như nhiều vị cao niên thường tâm sự: “Thời chiến tranh, thời bao cấp mình thiếu thốn đủ thứ, nhưng rất giàu có về lý tưởng, nhân cách, tình nghĩa, sống thanh thản chứ đâu nhiều bức xúc như thời nay”.
Theo thần thoại hy lạp, loài người bắt đầu biết giả dối từ khi chiếc hộp Pandora được mở ra. Đó là chiếc hộp cất giữ mọi điều xấu xa, độc ác trong đó thoát ra. Từ đó, con người mới có những tính xấu như lòng tham, sự đố kỵ, giả dối, phản bội … Chúng ta hận thù, tranh giành và chém giết nhau, tạo ra những cuộc chiến tranh cũng là do chiếc hộp của Pandora, và chỉ còn một điều duy nhất tốt là “hy vong” (hope). Tất nhiên thần thoại chỉ là thần thoại, nhưng nó cũng cho ta biết được rằng sự giả dối đã có từ thời xa xưa.
Theo thời gian chúng ta dần hấp thu nhiều giá trị đạo đức mà xã hội đặt ra đó cũng là cơ sở để hình thành bản ngã để chế ngự bản năng, không cho nó hành xử thiếu ý thức. Đôi khi sự khắc chế đó không đơn thuần là chế ngự mà là tự cảm hóa, thanh lọc bản năng đen tối của mình.Nhưng trong một xã hội mạnh được yếu thua, kinh tế thị trường, đôi khi vật chất quyết định ý thức khiến cho mọi giá trị bị đảo lộn, bản ngã sẽ mất đi sức mạnh và chỉ còn đủ sức để giữa cho chúng ta một vỏ bọc, trong khi bản năng là thứ điều khiển hành vi con người.
Thử tưởng tượng bạn cực kỳ ghét sếp của mình, nhưng mà vẫn phải tươi cười vì bạn không muốn bị sa thải.
Bạn cảm thấy đồng nghiệp thật khó ưa hay khoe mẽ nhưng vẫn hùa theo tâng bốc anh ta vì bạn còn phải làm việc lâu dài.
Bạn đưa hình ảnh cá nhân lên mạng xã hội ngụy tạo một cuộc sống sang chảnh, màu hồng, nhàn nhã thoải mái nhưng thật sự bạn đang trầm cảm và dường như tắc thở trong mớ deadline và sợ bị đuổi việc.
Bạn chi mạnh tay cho đồ hàng hiệu để đi tiệc luôn tỏa sáng ấy thế nhưng về nhà với gói mì tôm và bị ngân hàng tróc nợ.
Khi cố tình giả sống giả tạo, chúng ta không thể nhận ra giá trị thực của mình, lâu dần bạn sẽ quên mất mình là ai và có thể làm được gì. Và kể quả của việc đu theo đám đông rồi sẽ khiến bạn trả giá với sự thất bại cả về vật chất lẫn tinh thần.
Chết bởi giả tạo cuốn sách với lời văn đanh thép, phơi bày một phần thực trạng xã hội của tác giả Phạm Sỹ Thanh muốn nói với bạn rằng đã đến lúc bạn cần “thức tỉnh” và sống sao để đến khi về già, ít đi những lần hối hận, tự tin chứng minh bạn chưa từng đánh mất chính bản thân mình!
Con sò đâu thể ngắm nhìn rạn san hô nếu quanh năm chỉ nằm im trong lớp vỏ đóng kín!
Sở dĩ con sò phải có lớp vỏ cứng chắc vì thân thể rất mềm yếu, chỉ cần chạm nhẹ cũng bị tổn thương. Con người cũng vậy, càng không có can đảm đối diện với thực tế thì càng phải tự trang bị cho mình những lớp vỏ cứng chắc. Bạn sẽ rất khó tìm thấy một người có gia đình đầy đủ, được nuôi dạy bằng tình thương, được giáo dục tốt lại cư xử theo kiểu vô văn hóa.
Những kẻ có hành động cực đoan thật ra lại là những người rất dễ (hoặc đã từng) chịu tổn thương, thiếu thốn trong cuộc sống. Thay vì biểu lộ sự đau đớn, mặc cảm ra bên ngoài, họ giấu nó vào trong và ngụy tạo bằng thái độ ngông nghênh, bất cần. Giả dối với chính mình, đó là cách người ta thường sử dụng để che đi những đổ vỡ trong tâm hồn, đồng thời bảo vệ bản thân khỏi những nỗi đau tương tự. Vỏ bọc càng gai góc thì bên trong càng mong manh, bên trong càng mong manh thì con người càng sợ hãi khi bị bóc trần bản chất. Sự cực đoan tạo ra vỏ bọc và cũng chính vỏ bọc lại sản sinh ra sự cực đoan.
Ngoài ra, để củng cố vỏ bọc, người sống giả tạo thường chuộng lời xu nịnh và rất dị ứng với lời nói thẳng. Điều đó chỉ khiến những lớp vỏ bọc bên ngoài càng dày hơn, còn con người bên trong càng yếu đuối hơn. Cuối cùng, cũng như những con sò không thể sống thiếu lớp vỏ, khi đã chọn vỏ bọc để dựa dẫm, để tồn tại, con người sẽ không thể sống thiếu vỏ bọc. Nhưng nếu tỉnh táo nhìn nhận, bạn sẽ hiểu rằng, chỉ khi cất đi vỏ bọc của chính mình, chúng ta mới có thể nhìn ngắm thế giới tươi đẹp bên ngoài. Con sò đâu thể ngắm nhìn rạn san hô nếu quanh năm chỉ nằm im trong lớp vỏ đóng kín!
“Chết bởi giả tạo” thực sự khiến mình nhìn nhận lại bản thân và các vấn đề xã hội một cách sâu sắc hơn. Có những điều giả tạo chúng ta coi nó là bình thường, dần dần, chúng ta sẽ chấp nhận nó, coi nó như một điều tất yếu. Khi ấy, các giá trị đạo đức và con người sẽ đi về đâu?
– Lam Anh
Trích dẫn Chết bởi giả tạo
“Nếu một xã hội có quá nhiều người rơi vào ‘hội chứng người tốt’, xã hội đó đã thất bại trong việc đào tạo con người. Đó không phải là xã hội nơi con người được tự do phát triển. Họ bị gò ép vào những khuôn khổ nhất định. Ví dụ, họ không được tự do lựa chọn nghề nghiệp theo đam mê, sở thích mà phải tuân theo thị hiếu của số đông.
[…] Ngoài mặt, bạn là một người tốt, một người ôn hòa, bạn có được vị trí nhất định trong tập thể, nhưng bên trong bạn lại chán ghét bản thân, chán ghét chính cuộc sống đã không cho bạn cơ hội được sống bằng gương mặt thật. Thực sự mệt mỏi biết bao!”
“Hạnh phúc là để cảm nhận, không phải để thể hiện.
Cuộc sống là để trải nghiệm, không phải để toan tính.
Tình cảm là để kết nối, không phải để thử nghiệm.
Cha mẹ là để hiếu thuận, không phải để đòi hỏi.
Bạn bè là để chia sẻ, không phải để so bì.
Người thân là để chăm sóc, không phải để tổn thương.
Tiền bạc là để chi tiêu, không phải để đo lường.
Công danh là để cống hiến, không phải để khoe khoang.
Vật chất là để sử dụng, không phải để phô trương.
Tin tưởng là để chắc chắn, không phải để áp lực…”
“Cuộc sống của chúng ta luôn bị những lòng tham nhỏ nhoi, ghanh tỵ những điều mình không có, đẩy con người vào cạm bẫy của sự sân si, bản thân chúng ta là một bản ngã khác nhau, nên đừng tự đẩy bản thân mình sa vào bản ngã của những người khác, hãy sống một cuộc sống là của mình, sáng suốt trước những lời xu nịnh viễn vông, thực tế hơn với những gì mình có, không vì một ai mà dao động. Sống xứng đáng để không phải hối tiếc, lo lắng và hối hận vì những điều mình đã làm.”
“Con người phải viện đến sự giả tạo vì mong muốn nhanh chóng đạt được mục đích, bởi lẽ mọi con đường phát triển chân chính đều cần đến thời gian. Một khi con người không chịu kiên nhẫn, họ sẽ tìm đến những đường tắt bất chính.”
“Công bằng chỉ đến khi bạn chấp nhận vị trí của mình và nỗ lực làm việc để thu ngắn khoảng cách với kẻ sinh ra ở vạch đích. Đừng nhầm lẫn giữa phấn đấu và đua đòi, đừng ngụy biện cho sự hơn thua của mình là quyền hưởng thụ. Khi người ta còn tay trắng, cuộc sống hưởng thụ chỉ là sống ảo.”
“Không có gì nguy hiểm hơn thói giả dối, không có gì đưa chúng ta đến sự tàn lụi chắc chắn hơn thói giả tạo. Trung thực hay chết? Câu trả lời của mỗi người sẽ là câu trả lời cho tương lai, cho vận mệnh của dân tộc.”
“Theo thời gian, chúng ta lớn lên, còn những giấc mơ thì nhỏ lại…
Chúng ta bắt đầu học cách giả dối bằng việc chấp nhận những thứ bản thân không có hứng thú, mỉm cười khi trong lòng không vui, thân thiện dù trong lòng chán ghét.
Đó là thời điểm chúng ta từ bỏ ước mơ, từ bỏ con người thật của mình và cố o ép bản thân cho vừa với khuôn đúc của xã hội. Chúng ta nghĩ rằng làm vậy để bản thân có thể tồn tại, nhưng không, chúng ta đang tự đào mộ viết bia cho chính mình.”