Giống với tất cả chúng ta, Benjamin cũng trải qua tất cả các cột mốc quan trọng trong cuộc đời một con người, không bỏ qua bất kỳ một giai đoạn nào của sự trường thành và phát triển, chỉ kỳ dị ở chỗ theo một vòng xoay ngược của chu trình tự nhiên. Tuy khác người nhưng ông vẫn kiên trì, nhẫn nại hoàn thành công việc trưởng thành của mình, không hề chùn bước, làm chậm lại một khoảnh khắc nào.
Review Chuyện kỳ dị về Benjamin (2)
“Thật đáng tiếc vì giai đoạn tươi đẹp nhất của đời người là phần đầu tiên, còn những ngày tháng đáng buồn nhất lại là đoạn cuối của cuộc đời”
Đó là những lời mà Fitzgerald viết trên lời đề từ của truyện ngắn Chuyện Kỳ Dị Về Benjamin Button. Một câu chuyện kỳ lạ về một cuộc đời kì lạ bị đảo ngược quá trình sinh lão bệnh t.ử từ lúc ra đời. Tuy nhiên, Benjamin Button không phải trường hợp dị biệt duy nhất trong cả tập truyện này. Giống như tựa đề của cuốn sách này, Chuyện Kỳ Dị Về Benjamin Button, bạn nên chuẩn bị sẵn một tinh thần vững vàng để tiến vào một thế giới đầy rẫy những sự bất bình thường, được quan sát dưới góc nhìn sắc sảo của F.Scott Fitzgerald.
Sự bất bình thường đầu tiên, tất nhiên, chính là câu chuyện kỳ lạ về Benjamin, người sinh ra đã đã già và phải trưởng thành để được trẻ hóa dần dần. Cuộc đời truyền kỳ của ông gắn liền với mối tình với cô gái trẻ Hildegarde Moncrief cùng người cha yêu dấu, tuy vậy, ông vẫn luôn thường trực một cảm giác lạc lõng bơ vơ trong chính căn nhà và cuộc đời của mình. Khi ông càng “trẻ hóa”, thì ộng cũng phải chấp nhận hiện thực rằng những người thân, người bạn cũng đang già đi và rồi sẽ rời bỏ ông mãi mãi. Như lời dịch giả Nguyễn Việt Hải đã bàn về truyện ngắn này:
“Câu chuyện khởi đầu với một sự kiện đen tối và kết thúc cũng là bóng tối, như một vòng lặp khép kín của định mệnh”
Bên cạnh Benjamin Button, thì Marcia Meadow trong Trong Đời Nặng Hai Vai, lại đại diện cho mẫu phụ nữ chủ động, bạo dạn, một hình tượng nữ nhân hiếm hoi trong văn chương đương thời. Khi bị người khác sỉ vả và lăng nhục, cô không ngần ngại đáp trả và thậm chí là trực tiếp mặt đối mặt, dù người đó có là đàn ông. Cô cũng tự ý thức sâu sắc về sắc đẹp và tài năng của mình, món quà quý giá từ Thượng Đế. Nhưng không vì thế mà cô chỉ giữ chúng cho riêng mình, mà cô quyết định dùng chúng để cứu vớt những mảnh đời xấu số, khó khăn khác.
Trong nỗ lực khắc họa những cá nhân lệch chuẩn trong xã hội hiện đại, nhà văn kể lại câu chuyện về cô gái đang rong ruổi trên con đường đi tìm mục đích sống sau những tháng ngày nhàn hạ vô vị trong Cung Băng. Nhưng khi bước ra ngoài vùng an toàn đó, chào đón cô lại là một một thế giới đảo điên nơi mọi thứ tưởng chừng đang chung sống hòa hợp, nhưng thực tế lại tồn đọng đầy những khoảng cách về sắc tộc, địa vị hay hay sự khác biệt văn hóa giữa các vùng miền.
Mỗi truyện ngắn, nhìn chung, có thể ví như là một lát cắt sống động về thời đại mà tác giả F.Scott Fitzgerald đã sống và c.h.ế.t cùng với nó: Thời Đại Nhạc Jazz. Chớm xuất hiện sau Đại Chiến Thế Giới Lần I và nhanh chóng kết thúc chỉ 10 năm sau đó – khi cuộc Đại Khủng Hoảng lịch sử bùng nổ, giai đoạn này gắn liền với sự phát triển và suy đồi của “Giấc mơ Mỹ”. Thời kỳ này chứng kiến giá trị kim tiền lên ngôi mạnh mẽ nhưng không đi kèm với những trăn trở về giá trị đạo đức đang dần xuống cấp. Nhưng bên cạnh đó, làn sóng những giá trị mới về tuổi trẻ, về sự nghiệp đang nhanh chóng thế chỗ những giá trị cũ, khiến người già thì khó mà hòa nhập, còn người trẻ thì cứ phải chạy hoài chạy mãi theo các xu thế mà dần đánh mất bản ngã thực sự.
Cảm thức chủ đạo của toàn bộ tác phẩm là sự lạc lõng. Số phận của những con người và thời đại của họ cứ chậm rãi mà tách rời, đi xa khỏi nhau. Khi họ còn nán lại trong hoài niệm thì nước Mỹ hiện đại đã quyết tâm giã từ họ. Là người chứng kiến vô vàn đổi thay của xã hội, hẳn Fitzgerald cũng có cảm giác cô độc, mất kết nối khi sống trong thời đại mới. Đây là tâm lý cực kỳ phổ biến, nó lý giải tại sao con người luôn hoài niệm, nuối tiếc cái cũ đã mất đi, bởi cái mới dù tốt đẹp đến đâu vẫn không thể thay thế cái cũ đã làm nên một thế hệ. Đó không phải sự hoài nhớ vu vơ mà gắn kết chặt chẽ với khao khát được định danh, được biết mình là ai, nơi mình thuộc về là đâu.
– Kiên Trần, 7/8/2022
Nhắc đến tác giả Fitzgerald, đa số độc giả sẽ nghĩ ngay đến tác phẩm Gatsby vĩ đại (hoặc Đại gia Gatsby), một tác phẩm quá kinh điển và cũng được in đi in lại không biết bao nhiêu lần bởi nhiều nhà xuất bản khác nhau. Nhưng Fitzgerald có nhiều thứ hơn chỉ là Gatsby, và tuyển tập truyện ngắn này của Phúc Minh chính là minh chứng rõ nét nhất cho điều này.
Chuyện kỳ dị về Benjamin gồm bảy truyện ngắn, và truyện nổi tiếng nhất có lẽ là câu chuyện đầu tiên. Tôi đã từng xem bộ phim Dị nhân Benjamin (The Curious Case of Benjamin Button) từ lâu, và mãi đến gần đây nhờ quyển sách này xuất bản, tôi mới biết bộ phim này lấy cảm hứng từ một tác phẩm của F. Scott Fitzgerald. Gọi là “lấy cảm hứng” thôi, bởi vì truyện và phim khác nhau gần như hoàn toàn, và điểm giống duy nhất chính là chi tiết cậu bé Benjamin “lão hóa ngược”, vì thế, nếu bạn xem phim rồi, cứ yên tâm mà xem truyện và ngược lại. Phim thiên về tình cảm hơn, còn truyện mang hơi hướm trào phúng nhiều hơn, đặc biệt là đoạn đầu khi cậu bé Benjamin sinh ra và đối đáp với ông bố, hay những đoạn ông bố mua đồ chơi cho con và phải hỏi kỹ người bán nếu bé gặm món này thì nó có phai màu không, dù ông chắc chắn rằng cậu bé sẽ không làm điều đó. Benjamin đã sống một cuộc đời kỳ lạ, sinh ra dưới hình hài một ông già, chết đi như một đứa trẻ sơ sinh, và trải qua đầy đủ mọi biến cố trong cuộc đời một con người nhưng lật ngược lại, một câu chuyện thú vị và xứng đáng lấy làm tên gọi cho cả quyển truyện ngắn này.
Thế nhưng tôi nói thế không có nghĩa là chúng ta bỏ qua các câu chuyện khác cũng rất hay trong tuyển tập này. Ba truyện ngắn khác tôi cũng yêu thích đó là Đời nặng hai vai, Tóc chớm vai và Ước mộng mùa đông. Ba câu chuyện với ba sắc thái khác nhau, và đều thú vị. Trong Đời nặng hai vai, ấy là câu chuyện về một chàng mọt sách cưới cô gái nghệ sĩ, và vị trí của họ dần dà đảo ngược từ đầu đến cuối truyện, với một cái kết ít nhiều mang dư vị hơi chua chát. Tôi nghĩ chàng ta hài lòng với cuộc sống của mình, nhưng biết đâu, chỉ trong một phút giây nào đó, ít nhiều cảm giác hối tiếc đã thoáng qua?
Về Tóc chớm vai, đây là câu chuyện về những mánh khóe của phụ nữ, và cho thấy một người phụ nữ có thể trả thù “đáng sợ” đến thế nào (nhưng tôi thích thế, từ trước khi cô làm vậy, tôi đã thầm nghĩ sẽ hay biết bao nếu tác giả cho cô làm vậy, và quả thật ông đã không phụ lòng tôi). Còn về Ước vọng mua đông, tôi chỉ có thể nói ngắn gọn, nó là một câu chuyện tình mang nhiều màu sắc nuối tiếc, mà cũng không hiểu sao các truyện ngắn của tác giả trong tuyển tập này ít nhiều đều mang lại cho chúng ta cảm giác ấy. Có thể đó chính là cảm nhận chung của tác giả về cả một thời đại nhạc jazz ấy, cái thời người ta sống vội vã, yêu điên cuồng, đắm chìm trong những ảo vọng về tương lai, và đến cuối cùng vẫn hoài mang một cảm giác tiếc nuối cái đã qua, cơ hội đã bỏ lỡ, và những điều đã không làm được.
Về mặt hình thức, quyển sách được in khá chỉn chu, thiết kế hình ảnh bìa khá đẹp mắt, giấy xịn xò, tuy nhiên tôi cũng có điều góp ý, đó là về cái bìa-giả-hộp của quyển này, nói nôm na nó giống cái bìa gập mà bìa trước làm dài ra để tạo thành một cái hộp bọc quyển sách lại (sau khi bọc thì nhìn quyển sách như có hai cái gáy). Tuy nhiên làm vậy thì khi đọc tôi cũng phải ẹp nó xuống để cầm đọc, và lúc đó thì nó trở thành giống như cái bìa gập thông thường, nhưng bìa trước lại gập, bìa sau không gập, trong khi chất liệu bìa này khá mỏng nên cầm không sướng và không chắc tay. Chẳng thà làm hai phía bìa đều gập, tôi thấy lại ổn hơn. Ngoài điểm đó ra thì cái bìa khá phù hợp với nội dung truyện đầu tiên (đặc biệt là bìa phía sau). Nói tóm lại, về hình thức lẫn nội dung, đây là một tuyển tập truyện ngắn khá hay của tác giả, và cho chúng ta thấy một khía cạnh khác mới mẻ hơn là Gatsby của F. Scott Fitzgerald.