“Cỏ ven đường” như một mặt hồ yên ả, nhưng dưới dàn nước nhè nhẹ là từng lớp, từng lớp sóng cuộn thét gào. Sách của Natsume Soseki không có cốt truyện rõ ràng. Bạn sẽ thấy nó chỉ là miên man những hồi tưởng qua khứ, những suy ngẫm về cuộc đời, những tâm tư về giá trị con người của nhân vật chính. Nhưng chính quá khứ đó, suy nghĩ đó lại tạo nên chiều sâu trong con người.
Review Cỏ ven đường (2)
THẾ GIỚI NỘI TÂM TĂM TỐI CỦA MỖI CON NGƯỜI
Với mình, Cỏ ven đường là 1 cuốn sách đầy day dứt, đầy suy tư nhưng khi đọc xong lại cực mãn nguyện vì sách được viết và dịch quá đẹp và hay.
Một cuốn sách đào sâu vào sự phức tạp, đen tối trong tính cách con người. Nhân vật chính, Kenzo – một giáo sư trường đại học, từng đi du học ở nước Anh, được tiếp thu những nền văn hóa tiên tiến của thế giới, nhưng không tránh khỏi những suy nghĩ đầy định kiến, mang nặng yếu tố Nho giáo truyền thống.
Anh cho rằng một người vợ phải có nghĩa vụ ở yên một góc, chăm lo cho gia đình, mà không một chút thông cảm cho người vợ tần tảo, phải đi cầm đồ để chu toàn từng bữa cơm. Anh không ngần ngại tỏ thái độ thất vọng với người vợ chỉ sinh toàn con gái và phớt lờ những cảm xúc của những người con. Khi xảy ra động đất, anh ta chạy ra khỏi nhà đầu tiên, bỏ mặc người vợ đang sơ tán những đứa con. Nhưng một mặt, anh lại cảm thấy trong gia đình mình, mình là người lạc lõng nhất, cô độc nhất. Anh tự xót xa cho bản thân khi có người vợ không biết thấu hiểu cho chồng.
Anh không khỏi cảm thấy đáng thương cho những người xung quanh vì cách sống suốt ngày chỉ biết nghĩ đến những chuyện tầm thường, vặt vãnh. Nhưng anh lại không hề nhận ra mình cũng chỉ là một con người bị cuốn trong vòng xoáy tiền bạc, công việc, gia đình.
Dù vậy, anh lại người dám nhìn thẳng, đối chiếu những suy nghĩ của mình. Anh càng đào sâu vào cõi lòng, càng nhận ra bản chất thực của mình. Càng hiểu mình, anh càng muốn trốn thoát khỏi vòng xoáy xã hội để đi tìm tự do của bản thân và nỗi lòng. Nhưng càng đấu tranh, anh càng bị ràng buộc chặt hơn bởi thực tại, bởi những hủ tục xã hội vẫn đang áp đặt trên lương tâm anh. Anh chỉ trích xã hội anh đang sống khiến anh trở nên thế này. Mặc khác, anh cũng chỉ trích chính sự yếu đuối, nhu nhược của bản thân.
Càng đọc, mình càng thấy sự tăm tối, sự ích kỷ, sự nhẫn tâm, loan tính trong cõi lòng mỗi con người. Nhưng không vì thế mà mình khinh ghét nhân vật chính. Trái lại, với cái nhìn trực diện, thẳng thắn, mình lại có thái độ thương xót, đồng cảm của Kenzo. Bởi trong sự đen tối đó, ta cảm nhận rõ những thử thách của cuộc đời, những sự khác biệt trong mối quan hệ con người và cả sự khốn khó trong quá trình đấu tranh bên trong mỗi con người. Đó là sự đấu tranh giữa những tư tưởng đối lập, đấu tranh giữa lương tâm, nghĩa vụ và những mong muốn đầy ích kỷ sâu thẳm, đấu tranh giữa lợi ích tập thể và mưu cầu cá nhân.
Cỏ ven đường là một cuốn sách sẽ khiến người đọc phải suy ngẫm rất nhiều về bản chất của con người. Tác phẩm đã đem đến một bức tranh tổng thể về cuộc sống hàng ngày ở Nhật Bản vào cuối thời Minh Trị nhưng những giá trị, tư tưởng của nó có thể áp dụng cho cả mai sau. Đây cũng được coi là cuốn tự truyện duy nhất của Natsume Soseki. Vì vậy, bất cứ ai muốn đi nỗi lòng sâu thẳm bên trong con người nói chung và Soseki nói riêng thì nhất định phải đọc cuốn sách này.
“Cỏ ven đường” của Soseki, xứng đáng là tác phẩm trường tồn bởi giá trị của nó. Dù tôi có nói vậy về “Cỏ ven đường” hay về Soseki đến bao nhiêu lần cũng có chút thừa thãi vì lịch sử văn học đã khẳng định sức ảnh hưởng của Natsume Soseki đến giới văn chương cùng thời và thế hệ sau cũng như vị trí quan trọng của Soseki trong văn học hiện đại Nhật Bản. (Một trong ba chân kiềng của văn học hiện đại Nhật Bản, bên cạnh Mori Ogai và Akutagawa Ryunosuke).
“Cỏ ven đường” phản ánh nội tâm của giới tri thức nói chung và tôi đồ rằng phần nào cũng là tự sự của chính tác giả. Dù đã qua hơn 100 năm từ ngày tác phẩm ra đời (Cỏ ven đường – Michikusha, 1915) nhưng giá trị mà tác phẩm để lại chưa bao giờ cũ, không bao giờ là tác phẩm chỉ dành cho bối cảnh xã hội thời đó.
“Cỏ ven đường” như mặt hồ thẳm sâu, dù bối cảnh của tác phẩm là Nhật Bản những năm tác giả sinh thời, (thời điểm giai đoạn đầu của sự giao thoa văn hoá phương tây với Nhật Bản), dù câu chuyện phản ánh phong tục và cách nghĩ lạc hậu của người Nhật lúc bấy giờ nhưng tâm tư người tri thức thì đặt vào thời đại nào cũng hoàn toàn dễ dàng cảm lấy.
Như lời giới thiệu của dịch giả Nguyễn Nam Trân, “Cỏ ven đường” là một ẩn dụ cho những cản trở nhỏ nhặt, những vướng mắc trong cuộc sống của nhân vật chính. Một hình ảnh về cỏ, nghe tưởng xanh mướt đẹp đẽ đầy sức xuân nhưng hoá ra lại là bận tâm vướng mắc nhỏ nhặt hằng ngày.
Dù cỏ có gây vướng bận bao nhiêu, có là những rắc rối hay những chuyện trời ơi đất hỡi ở đâu, nhưng nếu không có cỏ, thì cuộc sống này thật quá nhạt nhẽo.
Văn chương Soseki ở tác phẩm này nhẹ nhàng và điêu luyện, đẹp đẽ và nhiều chiêm nghiệm cuộc đời, thể hiện rõ trường phái văn chương tâm lý cao sang mà Soseki là chủ soái.
Trước bối cảnh xã hội đổi thay từng ngày, vừa là công việc ngổn ngang lại vừa bề bộn cuộc sống bên cạnh những khao khát lý tưởng cá nhân, chúng ta thường thấy thời gian một ngày 24 tiếng là quá ít. Ta vùi đầu vào những vướng bận, những rắc rối thường ngày ấy để rồi trong những thoáng chiêm nghiệm, ta chợt nhận ra ta đã bị cuốn vào nó quá nhiều, quá sâu, chỉ sợ rồi đến một ngày có thể thảnh thơi nghĩ và thực hiện cho những lý tưởng ấp ủ của mình thì đã bước sang ngưỡng sau cuộc đời. Nhiều khi ta chỉ muốn ngồi đọc những cuốn sách mình thích, viết những điều mình nghĩ và muốn viết, chỉ có ta và thư phòng, nhưng mọi bề bộn đã lại cuốn phăng ta, quay ta theo cái guồng quay bề bộn ấy, để rồi chuyện gì cũng dở dang. Thời gian trong cuộc đời ta thì ít mà tham vọng khao khát thì nhiều. Chuyện đối nhân xử thế, ta cũng phải suy nghĩ trước sau cẩn thận. Chuyện cư xử với gia đình người thân, cũng khiến ta phải đắn đo cân nhắc. Nhiều khi là tự nhận phần thiệt về mình. Nhưng rồi đến cả việc thoả mãn chính ta ở việc chiều chuộng sở thích, ham muốn, cũng trở nên xa vời.
Kenzo đã thấy việc ngồi bàn bạc với mọi người về cách cư xử với người bố nuôi của mình mà rồi không đi đến đâu cả thật là mất thời gian. Kenzo tự hỏi không hiểu sao người ta có thể bỏ thời gian để đến rạp chiếu phim, trong khi cuộc sống còn bao nhiêu thứ phải làm và cần làm. Anh luôn thấy cuộc sống quá đỗi bề bộn, bản thân mình quá bận rộn. Nếu thừa chút thời gian, anh thà chỉ ngồi đọc và viết trong thư phòng. Có những đồng cảm nhất định với Kenzo mà tôi thấy thích “Cỏ ven đường” đến nỗi nghĩ rằng cuốn sách dường như dành cho mình.
“Cỏ ven đường” cũng là cuốn sách rất hợp để nhấm nháp mỗi ngày một ít trang, không cần vội vàng, để mỗi ngày thêm một dư vị nhấm nháp.