Lần cập nhật gần nhất September 4th, 2020 - 03:19 pm
Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác là một cuốn hồi ký thuật lại hành trình trưởng thành của Lư Tô Vỹ, một hành trình kỳ diệu nhất mà cũng chân thực nhất.
Từ một cậu bé không may mắc phải căn bệnh viêm não Nhật Bản dẫn đến bị bại não và chỉ số IQ chỉ còn 70 vươn lên trở thành một thiên tài sở hữu 500 phát minh, tác giả của hơn 50 đầu sách nổi tiếng về giáo dục, một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực khai thác và phát triển năng lực tiềm ẩn, cuộc đời của Lư Tô Vỹ quả thực là một cuộc đời kỳ diệu!
Review Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác (3)
“Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác” là cuốn sách được rất nhiều độc giả đón đọc, trong đó có tôi – một người thích đọc sách. Ấn tượng đầu tiên của tôi về cuốn sách chính là tựa đề. Một cái tựa đề quả thực rất ấn tượng “Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác”. Thường thì mọi người vẫn nói với nhau là khôn hay ngốc, nhưng cuốn sách này lại gợi ra cho người đọc một sự tò mò khó tả. Thông minh theo cách khác ư? Và đó cũng chính là lý do tôi lựa chọn mua cuốn sách này.
“Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác” là cuốn tự truyện đã lấy đi rất nhiều nước mắt của tôi. “Nửa đầu cuốn sách cho người đọc rất nhiều cảm xúc về tình cảm gia đình thiêng liêng cao quý: tình cha con, tình mẹ con, tình chị em… Những dòng hồi ức đó có thể làm tan chảy cả những trái tim băng giá nhất bởi một Tình yêu thực sự được viết hoa, Tình yêu làm con người khác động vật, Tình yêu thực sự cứu rỗi thế giới đang ngày càng băng hoại này. “Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác mà thôi”. Chính là sự động viên, khích lệ bền bỉ của cha và mẹ đã nuôi lớn tâm hồn của Lư Tô Vỹ.” – Nhà văn Trần Thị Hồng Hạnh. Nửa sau của cuốn sách lại tác động đến lí trí của người đọc. Quá trình học tập, rèn luyện của Lư Tô Vỹ sẽ khiến mỗi chúng ta nhớ lại kỉ niệm thời học sinh của mình. Đúng là nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò mà.
Đọc cuốn sách ngay từ những con chữ đầu tiên, cảm giác thật khó tả. Từ lúc con người ấy sinh ra, lớn lên, rồi biến cố xảy ra, năm 8 tuổi Lư Tô Vỹ bị mắc viêm não Nhật Bản và để lại hậu quả là bị bại não khiến cuộc sống của con người ấy thay đổi. Có lẽ tạo hóa đã sắp đặt sự trêu đùa với số phận của đứa con ấy. Nhưng tất cả sẽ chẳng là gì so với tình yêu thương của cha mẹ và mọi người dành cho đứa con ấy. Có thể con từ một người bình thường, sau một cơn bạo bệnh mà trở thành một đứa trẻ ngốc nghếch, nhưng đối với cha mẹ, con vẫn luôn là “đứa con cầu tự”. Một đứa con 8 tuổi không biết xem giờ, sợ học, “trong hành trình cuộc đời mình, có đôi khi tôi lặng người nhìn lên chiếc đồng hồ. Tôi thực sự không hiểu ai đã rảnh rỗi phát minh ra thứ máy móc khiến cả thế giới căng thăng đến vậy” – Lư Tô Vỹ kết luận sau bao học hành vất vả chỉ để biết cách xem đồng hồ, và đủ các trò nghịch ngợm, bài kiểm tra luôn là những điểm 0 to tướng. Nhưng rồi bằng tình yêu thương vô bờ, bằng chính sự nỗ lực mỗi ngày của chính con thì cuối cùng cũng có một bài được 1 đấy chứ. Con được thưởng 1 chiếc đùi gà thật to trong khi bạn lại bị đánh vì được điểm 9. Một cách giáo dục của cha mẹ với con quá khác phải không? Còn người chị gái đã từ bỏ ước mơ trở thành nhân viên ngoại giao để theo học ngành sư phạm với mục đích tạo điều kiện hướng dẫn, dạy dỗ em trai. Chính tình yêu thương đó đã giúp con người ấy có động lực để bước trên con đường đầy khó khăn của mình. Có đôi lúc, tôi nghĩ rằng bố mẹ cũng đã dành cho mình những điều tốt đẹp nhất có thể, vậy mà nhiều khi, mình còn khiến bố mẹ buồn, mình không có động lực phấn đấu bước tiếp. Quả thực mình thật có lỗi.
Một con người chỉ có chỉ số IQ là 70, vậy mà vẫn luôn nỗ lực không bao giờ từ bỏ, vẫn cùng mẹ lên lớp hằng ngày, vẫn được yêu thương, vẫn nỗ lực học tập để có kết quả tốt và không bao giờ bỏ cuộc. Lớp 5 mới học chữ. Lạ lắm phải không? Thử nghĩ xem, bạn có dám trong 7 năm mà thi đại học 5 lần mới đỗ như con người ấy không? Tôi nghĩ ngay cả bản thân tôi cũng vậy, có lẽ bạn sẽ đi học nghề hay đi làm thôi đúng không? Những sự thất bại, nhưng lại là động lực để con người ấy cố gắng, để con người ấy nhìn thấy niềm hy vọng mới. Đôi khi mỗi người chúng ta hãy dành thời gian cho chính mình để suy ngẫm về những gì đã diễn ra, những lần vấp ngã, để rồi lấy đó làm động lực tiến bước chứ không phải lùi bước. Và để nhìn thấy thiên tài trong chính mình. Con người ấy cuối cùng cũng đỗ đại học sau nhiều lần vấp ngã. Và rồi, ông tốt nghiệp đại học đứng thứ 3 toàn khoa Phòng chống tội phạm của Đại học Cảnh sát. Giờ đây ông đã có một gia đình hạnh phúc, là tác giả của hơn 50 đầu sách về giáo dục con cái tại Đài Loan, sở hữu 500 phát minh, là diễn giả của 5000 buổi diễn giảng, chuyên gia nổi tiếng tại Đài Loan và nhiều nước trong khu vực trong lĩnh vực khai thác và phát triển năng lực tiềm ẩn.
Cuốn sách đã để lại nhiều suy ngẫm khó tả trong lòng mỗi người đọc. Đặc biệt là các bậc cha mẹ về cách nuôi dạy con cái. Đôi khi đánh mắng chưa phải là cách giải quyết tốt nhất cho mọi vấn đề, mà nhẹ nhàng xử lí mọi tình huống. Con cái cần được yêu thương, cần một gia đình hạnh phúc và cần nhận được sự thấu hiểu từ phía người thân, thầy cô và bạn bè. Đừng bao giờ đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái, đôi khi chính sự kỳ vọng đó đã tạo một áp lực quá lớn cho con, hãy để con thật thoải mái phát triển theo năng lực tiềm ẩn mà con có. Và mỗi chúng ta, hãy đừng quên nói lời cảm ơn, lời yêu thương với chính cha mẹ của mình. Một cử chỉ cao đẹp sẽ khiến cha mẹ ấm lòng hơn. Hãy là chính mình – một cá thể không hề có bản sao, hãy sống một cuộc đời thật đẹp, cố gắng không ngừng nghỉ, yêu thương bản thân nhiều hơn để không bao giờ phải nói giá như nhé! Tôi đã học được nhiều thứ sau đó, tôi thấy mình có động lực hơn, nhìn cuộc sống một cách theo chiều hướng tích cực nhất có thể, sẽ không ngừng nỗ lực với sức của mình và luôn biết bản thân mình là một sự khác biệt, tự tìm ra trí thông minh của mình để khai thác nó.
CON KHÔNG NGỐC.
Cầm trên tay bài kiểm tra 1 điểm của con, cha mẹ chúng ta nghĩ gì?
Tôi đã từng lén vứt bài kiểm tra bị điểm 4 của mình, những mong bố mẹ không biết được. Nhưng thật không may, bạn học cùng xóm tôi nhìn thấy. Và kết quả là tôi bị 1 trận đòn nhừ tử.
Đó là lần đầu tiên tôi bị dưới điểm 5. Năm đó là học kỳ 1, khi tôi học lớp 4.
———————————————-
Khi đọc được cuốn sách “Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác” là quãng năm 2015. Tôi nghĩ, giá như bố mẹ tôi đọc được cuốn này sớm hơn, có khi tôi đã không bị đòn đau thế. Cơ mà nếu có xuất bản về Việt Nam sớm hơn thì chắc sách cũng không thể phát hành tới quê nhà tôi. Huống chi Lư Tô Vỹ sau trận sốt vì viêm não Nhật Bản lại là người đương thời với tôi.Nhưng, nhờ câu nói của bố Lư Tô Vỹ “Không sao cả! Có điểm là tốt rồi!” đã giúp tôi giảm bớt đi cái tôi, điều chỉnh lại tính hiếu thắng, và quan trọng là cố gắng không gây sức ép lên con thông qua điểm số mà con đạt được
Bọn nhỏ nhà tôi nhiều khi điểm cũng không được tốt. Thôi thì, nhiều khi cứ phải dằn lòng “CÓ ĐIỂM LÀ TỐT RỒI”. Ở điểm này, tôi cho rằng, mình đã học được ở bố mẹ Lư Tô Vỹ 1 điều gì đó.Nhưng cái cách mà bố mẹ anh đó bền bỉ khích lệ con – một đứa trẻ thiểu năng sau một trận ốm, cái cách mà bố mẹ anh ấy vật lộn kiếm sống, vật vã chăm sóc con cái trong khi điều kiện kinh tế thiếu thốn, đông con, nhà xa, trường xa, bệnh viện cũng xa…mới khiến tôi cảm phục và tôi thấy rằng, có 1 khoảng cách khá xa mà tôi khó có thể học theo họ – đó là khoảng cách về Ý CHÍ.
- Mẹ của Vỹ, dù mù chữ, vẫn hàng ngày theo con tới lớp, học từng chữ viết, rồi tìm cách giảng lại cho con. Không phải đứa con bình thường, tiếp thu tri thức một cách bình thường, mà lại là một cậu học trò thiểu năng, và không phải lúc nào cũng hứng thú tới lớp, lúc nào cũng khỏe mạnh.
- Bố của Vỹ, người đàn ông nghèo khổ, lam lũ đã từng hét lên khi con trai mình có điểm 1 đầu tiên trên thang điểm 100 “Vỹ, con thi được điểm thật rồi!”, “Không tồi chút nào, bài này con có điểm!”
- Chị gái của Vỹ, chấp nhận từ bỏ ước mơ trở thành nhân viên ngoại giao để theo học ngành sư phạm, cốt cũng là đồng hành cùng em trai mình. Cả gia đình ấy, vì Lư Tô Vỹ mà không từ bỏ!!!
Tôi đọc cuốn này từ lâu quá rồi, nên nhiều chi tiết không còn nhớ được. Chỉ biết là, đây là cuốn sách RẤT NÊN ĐỌC!
Tên cuốn sách đã thu hút tôi. Tôi thích cái tên mà Alpha chọn hơn là tên gốc “看见自己的天才” – Nhìn thấy thiên tài trong chính mình.
Thực ra là khi bạn đã bỏ bê việc đọc sách sau một vài tháng bận tối mắt tối mũi, và bạn phát hiện ra rằng dù thế nào, dù ít nhiều ra sao, thì nhất định bạn vẫn phải dành cho mình vài phút trong ngày để đọc sách. Bởi với ai thì tôi không biết, chứ với tôi sách chính là “thuốc chữa bệnh”, là thứ kéo tôi qua rất nhiều bậc thang của cuộc sống.
Tôi rất mừng vì mình đã chọn cuốn sách này để bắt đầu đọc lại. Nó là một cuốn tự truyện hay – dễ nắm bắt – có tính nhân văn và triết lý cao. Ấn tượng nhất với tôi là những câu chuyện giáo dục khi tác giả còn nhỏ, cách mà cha mẹ ông đã chọn để nuôi nấng người con trai bị một trận viêm não Nhật Bản để lại di chứng là mất đi khả năng ghi nhớ.
Lời dẫn và nhiều review sách nói rằng họ tốn nhiều nước mắt khi đọc nó, nhưng tôi thì không. Cảm xúc mạnh nhất của tôi khi đọc cuốn sách này là ngưỡng mộ mẫu thân của tác giả. Có lẽ bởi vì tôi cũng đã làm mẹ, tôi hiểu được những nỗ lực của bà đến từ đâu.
Không chỉ vậy, đọc cuốn sách này, ta sẽ thấy cả những bất cập của nền giáo dục, nỗi đau đáu trong lòng tác giả về sự cải cách, làm thế nào để cho những đứa trẻ được học theo đúng khả năng của mình, theo cách mà chúng có thể phát huy “thiên tài” trong chúng.
Nói túm lại, tôi rất muốn các bạn tìm đọc nó. Tôi đã thử tìm trên youtube xem có bản audiobook không nhưng tạm thời chưa thấy. Thậm chí nếu mà các bạn lười thì tôi sẽ sẵn lòng đọc nó mỗi ngày một ít cho các bạn nghe.
Dạo này tôi cứ có một cái cảm giác rằng, nhất định phải duy trì việc “lan toả”, chia sẻ những cuốn sách có ý nghĩa như thế này, biết đâu vì sự kiên trì – “ngoan cố” của tôi mà thế giới sẽ có thêm vài “con mọt sách”.
Tôi thấy rằng đọc sách có thể cứu rỗi linh hồn của rất nhiều người ấy. Nó chính là một loại “tín ngưỡng” mà tôi tôn thờ.
– An viết
Trích dẫn Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác
“…Ông trời chỉ trì hoãn sự thành công của bạn thêm một chút thời gian mà thôi! Ông trời chưa từng khiến cho những ai thực sự nỗ lực phải thất vọng! Hãy cố gắng lên !…”
“Trên thế giới này có quá nhiều sách dạy con người tương tác và giao tiếp, dạy chúng ta làm thế nào để trở thành một “cao thủ thuyết phục”, chuyên gia đàm phán, nhưng lại không có sách nào dạy chúng ta làm thế nào để đối thoại với chính mình. Khi bạn bắt đầu hiểu được tất cả những thứ bên trong của bản thân, bạn sẽ nhận được sự tín nhiệm và yêu mến của người khác một cách rất tự nhiên. Nếu như không hiểu được chính mình, bạn sẽ khiến nội tâm bị nhiễu loạn, làm nguy hại đến môi trường giao tiếp với mọi người. Sự tương tác giả dối với người khác sẽ là mầm họa lớn nhất khiến cho bạn tự trách mình và trách người, nó cũng là mầm mống tạo ra những giông bão cả phía bên trong và bên ngoài của bạn.
Sự đối nhân xử thế rất quan trọng! Nhưng bạn bắt buộc phải hiểu được chính mình, giao tiếp với chính mình, thì lúc đó bạn mới hiểu và tương tác lành mạnh với người khác. Biết được bản thân cần gì, bạn mới biết được người khác cần gì. Điều này sẽ giúp ích cho hành trình xuất phát lại từ đầu của sự nghiệp cũng như sự điều chỉnh lại trong gia đình, tất cả đều bắt đầu từ việc bạn buộc phải hiểu được chính mình!”