Lần cập nhật gần nhất July 10th, 2020 - 11:09 am
Dấu Chân Trên Cát tái hiện giai đoạn xa xưa của nền văn minh Ai Cập cổ đại qua lời kể của Sinuhe. Ông là thầy thuốc của người nghèo, y sĩ của hoàng gia, một người con xa xứ của sông Nile và người thầy của nhiều thế hệ triết gia Hy Lạp.
Hơn cả chuyến phiêu lưu về Ai Cập cổ đại, sách là bản ghi chép về sự sống, cái chết và sự vận hành của vũ trụ với ẩn dụ thú vị: Cuộc đời như một cây đàn. Bất kỳ ai cũng có thể gảy các dây đàn để tạo ra âm thanh, nhưng để tấu được một khúc nhạc hay, người đánh đàn phải hiểu nhạc lý và am tường kỹ thuật đánh đàn. Chúng ta có tự do ý chí để sống cuộc đời như bản thân mong muốn, nhưng người am hiểu quy luật của vũ trụ sẽ biết cách thuận theo những quy luật này và phát huy tối đa tiềm năng. Khi đó, cuộc đời họ sẽ giống một bản nhạc hay, tuy có những lúc thăng trầm, âm ba sẽ luôn vang vọng.
Review Dấu chân trên cát (3)
Cuốn sách được xuất bản năm 1945, cho đến nay đã hơn 74 năm trên thế giới với rất nhiều thứ tiếng đã được dịch với rất nhiều bản in nhưng ở Việt Nam nó mới chỉ được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2016 vói 1000 bản, có nghĩa là nếu như không có các bài review, không có hoạt động giới thiệu cuốn sách này thì nó sẽ chìm ngỉm đi bởi những cuốn sách khác. Chính vì vậy mình muốn review cuốn sách này mong rằng một vài bạn đọc được nó, thích nó và lan truyền nó vì cuốn sách này rất hay và ý nghĩa.
“Dấu chân trên cát” là một cuốn sách hư cấu, không dựa trên sự thật cũng như không kể về cuộc đời của tác giả, tuy nhiên khi một lần đến Hy Lạp và được người dân ở đó kể về một giai thoại về nhân vật Sinuhe, Sinuhe được những người dân trong đó đồn đại và kể rằng người này là thầy của những triết gia vĩ đại nhất của Hy Lạp. Những triết gia đó là Socrates, Plato, Aristole, Pythagore, Thales, Solo, v.v… họ đều là những triết gia vĩ đại tạo ra nền móng triết học hiện đại ngày nay. Chính vì vậy nên tác giả rất tò mò về cuộc đời của người tên là Sinuhe này, tác giả đã tìm tới những người bô lão, những người già để mà nghe họ kể lại những câu chuyện trong dân gian cũng như sử dụng những di khảo cổ, thông tin từ cổ vật sau đó lần lại trong quá khứ và viết nên cuốn sách này.
Tuy là một cuốn sách về lịch sử nhưng đây lại là một cuốn sách rất hấp dẫn, lôi cuốn, có kịch tính và còn truyền cảm hứng nữa, tại vì nó là một cuộc đời xuyên suốt từ lúc nhỏ cho đến lúc trưởng thành, những thành công thất bại trong cuộc sống, cuối cùng đi tới Hy Lạp xây dựng nên một ngôi trường tạo ra những triết gia vĩ đại nhất trên thế giới.
Trong cuốn sách này có vài khái niệm hay ho mà mình muốn giới thiệu với các bạn.
Cái số một đó là khái niệm khoa học của sự chết, các bạn đều biết đến khoa học của sự sống hiểu đơn giản là học nghiên cứu về cơ thể và cứu người để làm sao cho con người sống tốt hơn, sống khỏe mạnh hơn, tuy nhiên khoa học về sự chết lại là khái niệm vô cùng lạ lẫm cuốn hút. Ai cũng chết đi, vậy khi chết đi rõ ràng là chúng ta phải có sự chuẩn bị, chuyển qua một giai đoạn mới đó là “bên kia” nếu chúng ta không chuẩn bị gì hết thì chúng ta cũng sẽ bị te tua ở bên kia. Chính vì vậy khoa học của sự chết là cách chúng ta chuẩn bị khi mà chúng ta chết đi.
Cái số hai thì ở phần đề tựa cuốn sách có viết rằng chuyện về người Ai Cập khai sáng văn minh Hy Lạp, mình nghĩ là nó sẽ nói về Hy Lạp vĩ đại hay ho ra sao lịch sử hoàng tráng thế nào nhưng cuối cùng toàn bộ trong cuốn sách này chỉ nói về cuộc đời của Sinuhe ở Ai Cập, 99% là ở Ai Cập. Nó hay ở chỗ mà chúng ta sẽ thấy được cuộc đời của một con người từ nhỏ lớn lên học từ cha mẹ, thất bại trong tình yêu, học từ bạn bè vươn lên những vị trí cao trên xã hội rồi học từ Pharaông, một con người rất kì lạ trong lịch sử Hy Lạp, học từ thất bại và quá là nhiều điều hay ho trong cuộc đời. Để từ đó chúng ta có thể học hỏi từ người này. Xuyên suốt cuộc đời một con người thì nó như một cái lăng kính để đôi khi chúng ta soi lại, nhiều lúc mình đi quá nhanh hoặc là mình đi quá chậm thì mình xem lại để biết mình nên như thế nào với cuộc sống của mình.
Cái thứ ba làm cho mình cảm thấy rất là thích cuốn sách này tại vì những quan điểm, suy nghĩ, quyết định của Pharaông rất đặc biệt, khác người. Trong suốt chiều dài lịch sử của Ai Cập thì những vị Pharaông khi mà họ lên ngôi thì họ sẽ chiến tranh, đi xâm lược nước này nước kia, lấy tài sản để mà họ mua nô lệ để làm giàu cho đất nước của họ; xây lăng tẩm to nhất có thể để biểu trưng cho sức mạnh, sự ảnh hưởng và quyền thế của mình; họ thờ cúng rất nhiều các loại thần: thần cây, thần rắn, thần lá, thần cành. Tuy nhiên, vị Pharaông này thì có ba cái không: không chiến tranh, không lăng tẩm, không mê tín dị đoan để mà dành thời gian cho giáo dục, tình thương yêu, cơ mà ông này có thờ duy nhất vị thần ánh sáng. Thần ánh sáng là, à mà thôi mọi người mua sách nó đọc đi nha.
– Bùi Minh Thanh
Dù bạn không thích hay thích Nhà Giả Kim thì cuốn sách này cũng là một sự thay thế hoàn hảo. Câu chuyện tâm linh cuốn hút, yếu tố văn hóa và lịch sử được lồng ghét rất tinh tế. Nhiều bài học và góc nhìn hay được kể xuyên suốt. Mình đã quá sức ấn tượng với cuốn sách này và tự hỏi tại sao nó lại không nổi tiếng nhỉ?
Xếp cuốn này vào Novel cũng được, vì nó là một truyền thuyết được tác giả tưởng tượng ra 1 câu chuyện thành sách. Nhưng xen kẽ vào đó cũng biết được thêm về lịch sử Ai Cập, sơ lược.
Truyện nổi bật vấn đề về cái chết, sự sống, con người hướng thiện, bắt đầu từ 1 vị bác sĩ, lương y, hết lòng vì bệnh nhân, không màng danh lợi, ham học hỏi, chỉ theo đuổi kiến thức , ấy thế mà cũng lầm đường lạc lối chỉ vì 1 cô gái. Tất cả đều rất gần với con người thật, bản ngã con người cũng vậy, không vững bền khắc sẽ vị lung lay vì những thứ hào nhoáng bên ngoài, không có giá trị thực tế.
Bản thân sau khi đọc cuốn “Hành trình về phương Đông” và chuyển qua đọc cuốn này, đại ý như 1 sự liền mạch về cách suy nghĩ với sự sống và cái chết, về kiếp luân hồi, ở thiện làm điều thiện sẽ chuyển hoá qua 1 thế giới khác, làm lại được kiếp con người. Đọc để bản thân thấy mình thanh thản hơn, an nhiên hơn giữa đòng đời tấp nập hối hả, không biết sống vì mục đích gì.
Đây là một cuốn sách khá lôi cuốn, dễ đọc và nhiều thông tin, nhẹ nhàng nhưng sâu lắng. Mỗi một sự việc xảy ra trong cuộc đời đều có lý do của nó.
“Theo cuốn Tử thư, lúc đầu vũ trụ chỉ là một luồng ánh sáng tinh khiết không có màu sắc (tượng trưng cho sự tuyệt đối), nhưng sau phân chia ra thành hai màu đen trắng, hay ngày và đêm (tượng trưng cho sự tương đối). Từ khi có sự phân chia này thì quan niệm hữu hình – vô hình, chánh – tà, thiện – ác, tốt – xấu, bắt đầu nảy sinh”.
Cuốn sách này có rất rất nhiều câu quote (triết lý) sâu sắc. Nếu mọi người đã yêu thích những triết lý sâu sắc trong cuốn Nhà giả kim thì Dấu chân trên cát cũng mang lại những điều tương tự. Cá nhân mình thì mình thích cuốn này hơn hẳn cuốn Nhà giả kim luôn bởi vì mình đọc có cảm giác gần gũi và dễ hiểu hơn.
Mọi người sẽ bắt gặp hình ảnh và câu chuyện của Thái tử Tất Đạt Đa – tức là Đức Phật sau này qua hình ảnh và chặng đường 17 năm trị vì của Pharaol Akhenaten (tên này khó đọc quá). Những tư tưởng về thế thái nhân tình, về chiến tranh, hận thù,…của vị Pharaol này trùng hợp hay ngẫu nhiên, nó giống với những điều mình thấy được ở Thái tử Tất Đạt Đa trong suốt 55 tập phim về cuộc đời của Đức Phật. Mình vô cùng thích thú và tâm đắc với điều này. Vượt không gian và thời gian, những tư tưởng tiến bộ này sao lại xuất hiện hai lần ở hai nơi khác nhau, trong hai con người khác nhau nhưng ở họ lại có sự giống nhau về nguồn gốc xuất thân và con đường giác ngộ.
Nếu mọi người yêu thích những đường lối giáo dục cách tân của nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với xã hội Nhật Bản cận đại – Fukuzawa Yukichi, với tác phẩm nổi tiếng nhất của ông – Khuyến học, thì mình tin, bạn cũng sẽ yêu thích hoặc đồng ý với những tư tưởng cải cách giáo dục của Pharaol Akhenaten. Mình chưa thấy vị Pharaol nào sở hữu những kiến thức tinh thông về khoa học sự sống và sự chết như ông. Nó bao gồm luôn cả những kiến thức về vũ trụ và chiêm tinh học. Mà Ai Cập thì đã quá nổi tiếng là cái nôi của chiêm tinh học rồi (nếu mình nhớ không nhầm thì là vậy).
Và thứ cuối cùng chính là tính drama của cuốn sách. Mình đã bắt gặp những câu chuyện tranh giành quyền lực, lật đổ và tàn sát lẫn nhau trong những bộ phim Cung đấu của Trung Quốc. Còn ở Việt Nam thì mình có đọc tập 6 của tiểu thuyết Bão táp triều Trần – Vương triều sụp đổ của Hoàng Quốc Hải, khỏi phải nói tính drama không thua gì những bộ phim cung đấu. Nếu bạn trót yêu thích và say mê những câu chuyện kiểu này, thì Dấu chân trên cát chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng.
“Cũng như những vết chân trên cát chỉ tồn tại một thoáng giây rồi phai mờ; huyền thoại về một người Ai Cập, qua Hy Lạp mở trường dạy học, đào tạo nhiều thế hệ học trò xuất sắc chỉ còn là một câu chuyện mơ hồ trong cuộc sống ồn ào, náo nhiệt ngày nay.” – Trang 417
– Vũ Đinh
DẤU CHÂN TRÊN CÁT – HÃY ĐI CHO ĐẾN CÙNG
Cuốn sách này càng đọc mình chỉ càng thấy nhiều điểm yêu thích, cố tìm ra một điểm để không thích cũng không thấy được. Chính vì có quá nhiều điều mình thích nên khi đọc cuốn sách này xong, mình rất muốn giới thiệu và chia sẻ cho mọi người cùng đọc nhưng lại không biết phải bắt đầu từ đâu. Sau nhiều giờ ngồi hệ thống lại một mớ cảm xúc lộn xộn, cuối cùng, mình cũng tóm lại được bốn điều mình thấy đắt giá nhất khi đọc được cuốn sách này, hy vọng sẽ góp phần mang cuốn sách này đến được tay nhiều người hơn.
Đầu tiên, nếu mọi người đã yêu thích những câu chuyện hay triết lý sâu sắc trong cuốn Nhà giả kim thì mình nghĩ cuốn sách này cũng sẽ mang lại những điều tương tự. Cá nhân mình thì cuốn sách này gần gũi và mình thích nó hơn cả Nhà giả kim nữa.
“Con đường danh lợi mà chúng ta đang theo đuổi có những khó khăn, trở ngại của nó. Nhưng con đường tinh thần mà ngươi muốn theo đuổi còn khó khăn hơn gấp bội. Ngươi còn trẻ, nhiều nhiệt huyết và lý tưởng nhưng ngươi cần biết rằng con đường mà ngươi muốn đi thật không dễ dàng chút nào đâu. Ngươi hãy suy nghĩ cho kỹ trước khi chọn lựa và khi quyết định một con đường nào thì hãy đi cho đến cùng. Đừng để xao lãng. Một ngày nào đó, ngươi sẽ hiểu điều ta nói”
Điều thứ hai, mọi người sẽ bắt gặp hình ảnh và câu chuyện của Thái tử Tất Đạt Đa – Đức Phật sau này qua hình ảnh và chặng đường 17 năm trị vì của Pharaol Akhenaten. Những tư tưởng về thế thái nhân tình, về chiến tranh, hận thù,…của Akhenaten trùng hợp hay ngẫu nhiên, nó giống với những điều mình thấy được ở Thái tử Tất Đạt Đa trong suốt 55 tập phim về cuộc đời của Đức Phật. Mình vô cùng thích thú và tâm đắc với điều này. Vượt không gian và thời gian, những tư tưởng tiến bộ này sao lại xuất hiện hai lần ở hai nơi khác nhau, trong hai con người khác nhau nhưng ở họ lại có sự giống nhau về nguồn gốc xuất thân và con đường giác ngộ.
Điều thứ ba, nếu mọi người yêu thích những đường lối giáo dục cách tân của nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với xã hội Nhật Bản cận đại – Fukuzawa Yukichi, với tác phẩm nổi tiếng nhất của ông – Khuyến học, thì mình tin, bạn cũng sẽ yêu thích hoặc đồng ý với những tư tưởng cải cách giáo dục của Pharaol Akhenaten. Mình chưa thấy vị Pharaol nào sở hữu những kiến thức tinh thông về khoa học sự sống và sự chết như ông. Nó bao gồm luôn cả những kiến thức về vũ trụ và chiêm tinh học. Mà Ai Cập thì đã quá nổi tiếng là cái nôi của chiêm tinh học rồi (nếu mình nhớ không nhầm thì là vậy). Mình đang hứng thú với những kiến thức về vũ trụ và tâm linh nên khi đọc cuốn sách này, mình cảm thấy rất đã như ăn được một món ăn lạ và ngon vậy đó.
“Con người phải có kiến thức về vũ trụ cũng như môi trường thiên nhiên mà mà họ sinh sống… Chỉ khi nào biết quan sát vũ trụ bao la, hùng vĩ con người mới thấy họ nhỏ bé như con sâu, cái kiến,.. nhờ biết quan sát mà con người ý thức được sự tương quan giữa vũ trụ và con người, rồi biết được những định luật cao cả điều hành mọi vật. Từ đó, họ biết khiêm tốn hơn và không còn đòi làm những chuyện vá trời, lắp biển nữa. Theo ta, người nào biết được vũ trụ sẽ hiểu được mình và kẻ nào hiểu được mình sẽ biết được vũ trụ.”
Điều cuối cùng, mình chỉ mới nhận ra khi đóng lại trang cuối cùng của quyển sách này, đó chính là câu chuyện tranh đoạt ngôi vị tối cao nhất giữa các triều đại Pharaol. Mình bắt gặp những câu chuyện tranh giành quyền lực, lật đổ và tàn sát lẫn nhau như trong seri phim Cuộc chiến ngai vàng (Game of Thrones), thâm cung hậu chiến của Trung Hoa hay như tập 6 của tiểu thuyết Bão táp triều Trần – Vương triều sụp đổ của Hoàng Quốc Hải mình đọc được hồi năm rồi, và nhiều câu chuyện về những cuộc nội chiến tranh giành quyền lực khác. Nếu bạn trót yêu thích và say mê những câu chuyện kiểu này, thì Dấu chân trên cát chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng.
Cuối cùng, với bốn điều mình tóm gọn lại (mà thực sự cũng chưa gọn lắm), mình hy vọng nếu bạn đã dành thời gian đọc đến những dòng cuối cùng này, thì hãy dành thời gian đọc cuốn sách này nhé.
“Cũng như những vết chân trên cát chỉ tồn tại một thoáng giây rồi phai mờ; huyền thoại về một người Ai Cập, qua Hy Lạp mở trường dạy học, đào tạo nhiều thế hệ học trò xuất sắc chỉ còn là một câu chuyện mơ hồ trong cuộc sống ồn ào, náo nhiệt ngày nay.”
Tóm tắt Dấu chân trên cát
“Dấu chân trên cát” được viết dưới ngôi thứ nhất, là góc nhìn và lời tự thuật của nhân vật chính Sinuhe – một y sĩ có biệt danh là Y sĩ cô độc sống ở Ai Cập vào thế kỷ thứ XIV trước Công Nguyên.
Tương truyền, Sinuhe là một người Ai Cập nhưng đã đến Hy Lạp mở trường dạy học. Sinuhe có rất đông học trò. Sau khi ông qua đời, học trò của ông đã góp phần xây dựng Hy Lạp trở thành một quốc gia văn minh, hùng cường mà các thế hệ sau này gọi là “thời buổi hoàng kim của các triết gia”. Học trò của ông là Plato, Aristotle, Socrates, Epictetus…
Vậy Sinuhe là ai và làm thế nào mà một giáo sĩ ngoại quốc có thể đến Hy Lạp có thể mở trường dạy học và để lại những kho tàng tri thức quý báu đến vậy?
Lật ngược dòng thời gian theo lời kể nhân vật, thân phận Sinuhe được tiết lộ: Sihune là con của một cặp vợ chồng y sĩ Sen Moot. Từ nhỏ, ông đã được tiếp cận y thuật nhờ quan sát người cha – người y sỹ tài năng, đức độ. Cha của Sinuhe rất giỏi trị bệnh, mổ xẻ, trong đó có có cả kỹ thuật mổ sọ. Sinuhe được cha mẹ dạy rằng: “Những tài sản tình cảm, những tài sản tinh thần, những tài sản tâm linh, mới là những tài sản vô giá, mới là những tài sản bền lâu, thanh cao”.
16 tuổi, Sinuhe được gửi vào trường y khoa Abydos – một trong những trường y khoa nổi tiếng nhất Ai Cập thời bấy giờ. Tại đây, Sinuhe được học môn Khoa học của Sự sống – môn khoa học về việc chữa trị bệnh tật và sống thuận hòa với tự nhiên. Sinuhe được đạo trưởng Akhanuxem tiết lộ, có những căn bệnh quái ác vượt ngoài tầm nghiên cứu của Khoa học của sự sống và nguyên nhân gây bệnh thuộc về cõi giới bên kia cửa tử, xuất phát một kiếp sống khác. Đó cũng là đối tượng nghiên cứu của Khoa học của Sự chết.
Liên tục trong hành trình của mình, Sinuhe trải qua nhiều biến cố, thăng trầm trong cuộc đời. Cuối cùng ông chọn con đường bị lưu đày khỏi Ai Cập để hướng tới theo đuổi những giá trị lớn hơn. Nhưng dù đã “phát dương quang đại” những tư tưởng minh triết như thế nào, cuộc đời huyền thoại của Sinuhe cuối cùng giống như “dấu chân trên cát”, huy hoàng rực rỡ rồi quay trở về ẩn chứa, tiềm tàng trong lớp cát bụi của thời gian.
“Dấu chân trên cát” cũng là một câu chuyện sâu sắc về tình yêu và bản ngã con người. Tình yêu đã tạo nên khúc quanh lịch sử của các triều đại, tình yêu đưa con người lên đỉnh vinh quang, đồng thời cũng vùi dập biết bao kẻ “thân bại danh liệt”. Và câu chuyện của y sĩ Sinuhe cũng có thể xem là một câu chuyện ngang trái về tình yêu.“Đừng bao giờ coi thường một người đàn bà, bất cứ là người đàn bà nào trên đời.” – Sinuhe đúc kết.
Sinuhe là một y sĩ thanh cao, một y sĩ chân chính của người nghèo. Sinuhe từng tự hào vì của cải, danh vọng không thể mua chuộc được mình, nhưng nào đâu có ngờ, anh lại đánh mất tất cả – sự tự tôn, tính lương thiện và cả gia sản bởi mối tình đầu của mình – cô kỹ nữ xinh đẹp Nefer. Sinuhe cũng mất tới 10 năm lưu lạc tại Palestine, chìm ngập trong lòng oán hận, để rồi mãi về sau anh mới nhận ra không có tình yêu nào trường tồn, vĩnh viễn, nhất là thứ tình yêu đau khổ vì sự phụ bạc của người mình yêu.
“Dấu chân trên cát” cho chúng ta một bài học rằng trên đời này không có cái gì là tuyệt đối. Chúng ta có thể không sa ngã nhiều thứ, nhưng vẫn có thể sa ngã vì một điều gì đó, đặc biệt là tình yêu – tất cả đều rất gần với con người trong đời sống thật. Bản ngã con người là vậy, thường không vững bền khắc sẽ vị lung lay vì những thứ hào nhoáng bên ngoài, không có giá trị thực tế…
“Dấu chân trên cát” là tác phẩm hàm chứa nhiều triết lý nhân sinh và quan niệm sâu sắc về thế giới tâm linh. Giống như những tác phẩm khác của GS. John Vũ như Hành trình về phương Đông, Hoa trôi trên sóng nước, Huyền thuật và các đạo sĩ Tây tạng, Bên rặng tuyết sơn… câu chuyện của Sinuhe cũng là ẩn dụ về sự trưởng thành trong hành trình tâm linh – khi con người đi theo sứ mệnh, trải qua nhiều thử thách nhận ra sự kết nối giữa mình và vũ trụ.
Có rất nhiều triết lý sâu sắc được đưa ra, như:
“Phương pháp trị bệnh là một nghệ thuật thiêng liêng; vì là một nghệ thuật có thiêng liêng nên việc chữa trị bệnh, phải bao gồm cả phần thể xác lẫn phần linh hồn. Không có bất cứ một con người nào có thể gọi là khỏe mạnh, nếu như tâm hồn của họ què quặt, linh hồn của họ ốm đau.”
“Để giải quyết bất đồng, những dị biệt, những tranh chấp, những hận thù, chiến tranh, người ta cần phải thay đổi chính mình, chứ không thể đòi hỏi kẻ khác thay đổi được”.
“Sự thay đổi chính mình là một sức mạnh vô cùng lớn lao, một quyền năng phi thường, rất ít người có thể có, không phải ai cũng có thể có được, không phải ai cũng có thể làm được; chỉ có những con người minh triết, giác ngộ mới làm được.”
“Thiếu tình thương thì sẽ thiếu hiểu biết, và một khi không hiểu biết thì con người không thể cảm thông nhau, hậu qủa là con người chỉ thấy những khác biệt, sai trái của nhau; những quan điểm bất đồng sẽ nảy sinh thù hận, và thù hận thì nảy sinh chiến tranh – những điều tất yếu.”
Đặt toàn bộ câu truyện dưới bối cảnh Ai Cập thời cổ đại, “Dấu chân trên cát” cũng cho người đọc phần nào tiếp cận được nền văn minh Ai Cập – một trong những nền văn minh vĩ đại nhất của loài người. Đó là nền văn minh độc đáo của những vị Pharaoh, quan thiên giám, giáo sĩ thờ thần Amun, những tín ngưỡng, quan niệm sau cái chết và kỹ thuật ướp xác bí ẩn…
Trong cuốn sách này, tất cả các tri thức về nền văn minh, lối sống, tín ngưỡng, các mối quan hệ của người Ai Cập cổ đại được hiển hiện một cách sống động, chân thật.
“Kẻ nào đã từng uống nước sông Nile thì không thể uống nước ở đâu được nữa”. – Thành ngữ Ai Cập.
“Dấu chân trên cát” vừa là một tiểu thuyết hấp dẫn, vừa là một cuốn sách sâu sắc về giá trị tinh thần. Đây chắc chắn là tác phẩm không thể bỏ qua với các bạn đọc có niềm đam mê kỳ thú với thế giới tâm linh, văn hóa Ai Cập và cả những bạn đọc chỉ đơn giản là muốn tìm một cuốn tiểu thuyết có cốt truyện lôi cuốn.
– Độc giả First News