Điểm đến của cuộc đời kể lại “một thế giới của những bi kịch và tổn thất khổng lồ, của phẩm giá và lòng tự trọng trong hoàn cảnh khắc nghiệt, của sự phản bội và sợ hãi, của tình yêu mãnh liệt và hy vọng khôn nguôi, tóm lại, của tất cả những gì thuộc về con người, ở mức độ dữ dội nhất”
Những số phận được kể trong cuốn sách, dù đang ở tầng bậc tột cùng của nỗi đau đớn, lại cho thấy những điều đẹp đẽ đến mức khiến ta nghẹn ngào: bản lĩnh để đi qua bi kịch khó diễn đạt bằng lời, thái độ bình tĩnh của con người tự do trước cái chết, khao khát làm việc có ích, trỗi dậy vào những ngày tháng cuối cùng. Đồng hành với họ, ta thấy biết ơn, hạnh phúc và giàu có. Gấp lại cuốn sách, ta có thể được rất nhiều: một nhận thức thấm thía về sự hữu hạn của con người, một thái độ điềm tĩnh trước điểm kết, lòng trân trọng cuộc sống, để từ đó bắt đầu rời xa những phù phiếm ồn ào, sắp xếp lại các ưu tiên, tập trung vào những điều cốt lõi khiến cuộc sống có ý nghĩa.
Review (2)
ĐIỂM ĐẾN CỦA CUỘC ĐỜI – Bài học cuộc sống từ những người cận tử
Sau cuộc viếng thăm một người bạn cũ sắp qua đời, tác giả Đặng Hoàng Giang đã trăn trở rất nhiều về sự chết. Ông hiểu rằng rồi cái ngày kia cũng sẽ đến với chính mình. Đó cũng là lí do khiến ông thôi thúc bản thân đồng hành cùng những người cận tử trong những ngày cuối cùng cuộc đời họ, ông muốn làm quen và đối diện với cái chết thay vì tiếp tục né tránh nó. Trong cuốn sách, ông kể câu chuyện của cậu bé Nam và mẹ của cậu bé- chị Hà, của Liên, và của Vân. Mỗi câu chuyện với mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ đều đang chung một điểm đến: cái chết. Gấp cuốn sách lại, ta không thể thôi suy nghĩ về hành trình dũng cảm tới “điểm đến cuộc đời” của những con người ấy và thầm cảm ơn sâu sắc tạo hóa đã ban cho ta sự sống này.
Những điều mình học được từ cuốn sách
- Cần nhìn thẳng vào cái chết, làm quen với nó: Sinh, lão, bệnh, tử, cái chết cũng chỉ là một phần trong cuộc sống của mỗi người, có sinh có tử, điều này không thể thay đổi được. Thế nhưng chúng ta thường có xu hướng lảng tránh hoặc nói sang chuyện khác khi nói về cái chết dù tìm hiểu về cái chết và tâm thái đón nhận cái chết là rất quan trọng, đặc biệt với những người cận tử. Chúng ta cần cùng họ nói về cái chết của họ, bởi họ cần được chuẩn bị tinh thần đón nhận cái chết một cách nhẹ nhàng chứ không phải một cách bất ngờ để rồi sau đó chưa kịp nói những điều cần nói, chưa kịp làm những gì muốn làm.
- Không nên áp đặt tư tưởng “còn nước còn tát” quá khuôn phép với người sắp chết: Có những cơn đau khiến người ta nói “thà chết còn hơn chịu đau”. Những người cận tử muốn mình chết một cách “nhẹ nhàng về thể xác, yên ổn về tinh thần” chứ không phải trong tình trạng đau đớn dữ dội như vậy. Vì vậy khi họ muốn được sử dụng biện pháp để chết đơn giản hơn (ví dụ như dùng thuốc ngủ) để tránh những cơn đau thì người thân nên xem xét và cân nhắc để giúp họ thay vì “còn nước còn tát”.
- Không nói những lời sáo rỗng với những người cận tử: Thay vì nói “cố gắng lên” hay những câu tương tự vậy, hãy tâm sự cùng họ, hỏi về mong muốn, về những ước nguyện của họ. Cũng nên tránh cáu gắt hay nói những lời khó nghe trước mặt những người cận tử. Họ rất sợ mình trở thành gánh nặng cho người khác, điều này có thể khiến họ đến những hơi thở cuối cùng vẫn nghĩ bản thân vô dụng và ra đi trong day dứt.
- “Cần phải chết toàn thây” là một quan niệm sai lầm: người Việt Nam xưa nay thường quan niệm “chết toàn thây”, giả dụ khi chết thiếu mắt thì sang thế giới bên kia sẽ bị mù. Tuy nhiên chúng ta lại có câu “Cứu một mạng người còn hơn xây bảy tòa tháp”, vì vậy đăng kí hiến xác và các bộ phận cơ thể là điều nên làm và chúng ta nên thay đổi cái nhìn về vấn đề này.
- Không coi nhẹ sự sống: những cái chết trong cuốn sách này nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa của sự sống và ý nghĩa của việc được sống. Sự tồn tại của chúng ta là niềm khao khát của họ, nên thay vì để cuộc sống trôi qua không kiểm soát, chúng ta nên hoàn thiện bản thân và sống có ý nghĩa.
Những điều mình thích ở cuốn sách
- Tên sách: Cuộc sống là một hành trình, và cái chết là điểm đến cuối cùng của hành trình ấy. Mình nghĩ “Điểm đến của cuộc đời” là một tiêu đề đầy đủ ý nghĩa, coi sự chết là một phần không thể thiếu và trên hành trình ấy, không ai khác- chính chúng ta là những người làm chủ.
- Chủ đề của cuốn sách: Về cái chết. Một chủ đề chưa được bàn luận nhiều dù ai cũng biết tầm quan trọng của nó.
- Tính nhân văn của cuốn sách: Những câu chuyện và nhân vật trong cuốn sách giúp chúng ta có những bài học, những cái nhìn khác hơn về sự sống và sự chết. Ngoài ra, ngôn ngữ mà tác giả sử dụng rất giản dị, không hoa mĩ cao siêu, dễ dàng chạm đến cảm xúc của người đọc.
“ĐIỂM ĐẾN CỦA CUỘC ĐỜI” VÀ CUỘC HÀNH TRÌNH ĐI TÌM GƯƠNG MẶT CÁI CHẾT
“Điểm đến cuộc đời – đồng hành với người cận tử và những bài học cho cuộc sống” (Đặng Hoàng Giang), cuốn sách đã khiến lòng mình chùng xuống. Bởi tác giả đã dũng cảm đề cập đến vấn đề mà ai trong chúng ta cũng muốn quên đi: cái chết.
Mình luôn tin rằng, người ta đau đớn trước cái chết của một ai đó vì hai lí do. Trước nhất, vì không thể chấp nhận được cuộc sinh ly tử biệt vĩnh viễn. Thứ hai, vì ngay khoảnh khắc đối diện với cái chết của đồng loại, họ nhìn thấy bản thể cái chết trong chính mình. Cuốn sách được ra đời dưới nỗi ám ảnh của tác giả từ cái chết của một người bạn. Ý niệm về cái chết – sự hủy hoại từng giờ từng phút diễn ra trong chính mỗi người, đã ám ảnh tác giả, và thôi thúc ông bước vào cuộc hành trình với ba bệnh nhân ung thư, những người đang đối mặt hàng ngày hàng giờ với sự sống và cái chết.
Trong vai trò một người bạn, một người đồng hành, một người kể chuyện, Đặng Hoàng Giang đã kể lại câu chuyện sự sống cái chết của Hà, một người mẹ đã mất đứa con trai bởi căn bệnh ung thư, câu chuyện của Liên, cô sinh viên vừa chật vật với nỗi đau tan rã từng phần cơ thể vừa hoàn thành đồ án tốt nghiệp, và Vân, với ước nguyện chân thành được hiến giác mạc. Cuốn sách là những trang viết chân tình, thấu cảm, có sức lay động và ám ảnh lớn.
Điều mình thích ở cuốn sách, là tác giả đã vẽ ra một bức tranh chân thực, dù nghiệt ngã, về cuộc hành trình đau đớn khó có thể tưởng tượng của những bệnh nhân ung thư và gia đình họ. Trong đó, tác giả đã đặt ra được những vấn đề có tính bản chất. Như vấn đề đạo đức của cái chết: Đạo đức cho người chết hay đạo đức cho người sống? Liệu có phải là đạo đức không khi bắt người bệnh chịu vô vàn hình thức chữa trị đau đớn (dù biết không hiệu quả), chỉ để người sống thanh thản? Và liệu rằng trợ tử nhân đạo, có phải là đạo đức? Những vẫn đề gây tranh cãi một lần nữa được đặt trở lại, bởi góc nhìn của những người trong cuộc, những con người từng ngày từng giờ đau đớn quằn quại nhìn thể xác mình tan rã, những con người không thể chịu nổi cuộc sống mà phải thầm ước: “Giá mình chết đi”.
Tác giả đã cho chúng ta thấy một sự thật khác về những bệnh nhân ung thư “bác sĩ trả về”, những con người “bị bỏ quên” chật vật quằn quại những tháng ngày cuối cùng ở những vùng quê xa xôi. Chật vật với cơn đau và quằn quại trong sự thiếu thốn morphines. Sự thiếu thốn về morphines là một thực trạng đáng buồn ở Việt Nam, do chính sách, do nhận thức và vô số rào cản khác. Trong cơn cùng quẫn, bệnh nhân và người nhà thậm chí phải tìm đến thuốc chợ đen với giá hai trăm ngàn một ống thuốc, gấp hai mươi lần giá mua ở tiệm thuốc.
Tác giả cũng đề cập thích đáng đến vấn đề hiến tạng và những rào cản định kiến cản trở hành động giàu ý nghĩa nhân văn này. Một bên là niềm tin cố hữu về việc “chết phải toàn thây”, và bên kia là nghĩa cử đẹp tiếp nối sự sống cho người khác, vẫn đang là một gánh nặng tinh thần đối với những người có ý định hiến tạng. Vấn đề này được tác giả giải quyết thỏa đáng dưới góc độ khoa học và tôn giáo.
Theo mình, đây là một cuốn sách đáng đọc. Và còn cần thêm những cuốn sách nữa viết về cái chết. Bởi học về sự chết chính là học về sự sống. Tuy vậy, có lẽ cần khai thác dưới góc nhìn khác đi. Ngay từ lời giới thiệu, tác giả đặt ra hai mục đích: đối diện với cái chết và vượt qua nó. Nhưng dưới góc nhìn của cuốn sách, có lẽ tác giả chỉ đạt được mục đích đầu tiên.
Có lẽ viết dưới nỗi ảm ảnh khơi ra từ cái chết của người bạn, nên tác phẩm mang một không khí rất nặng nề. Đôi chỗ, cái nặng nề được tô đậm bởi thủ pháp của tác giả. Như tiếng nhạc Trịnh từ nhà hàng xóm vọng sang như xát muối vào nỗi cô đơn tuyệt vọng tận cùng của Liên. Như tiếng rên xiết quằn quại qua điện thoại của Vân. Những chi tiết, theo mình, là quá riêng tư và ngoài việc tô đậm vào nỗi đau, mà nỗi đau là thứ mà cuốn sách này đã quá đủ, thì sự tồn tại của những chi tiết này khá thừa thãi. Cảm giác như, tác giả đang phóng chiếu chính nỗi hoang mang, bối rối và đau đớn của mình vào nhân vật, và dưới một cách lựa chọn chi tiết, tô đậm chi tiết như vậy, tác phẩm hiện ra như thể cuốn tiểu thuyết hư cấu nào đó với những bi kịch được “gia công” qua lăng kính thủ pháp. Cách viết đó làm giảm chất thực cho cuốn sách. Điều đó tạo cho mình cảm giác ngăn cách với nhân vật, dẫu rằng vẫn cảm thấy xúc động khi đọc.
Mà nói về cái chết, cuốn sách nói gì với ta về cái chết? Mình nghĩ không nhiều. Mọi nỗi đau, nếu có, đều gợi lên từ việc nhân vật chống chọi và chịu đựng với căn bệnh ung thư, tức là với chính sự sống đang ngày một lụi tàn để đi về cái chết. Cuốn sách có nói về cách các nhân vật cuối cùng làm thế nào để học cách than thản đón nhận cái chết, và cách người thân của họ tiếp tục sống, nhưng dường như điều đó là chưa đủ. Mình đồng cảm với nỗ lực của tác giả, tô đậm cái chết để người ta biết cách sống, nhưng có lẽ cách làm như thế là chưa thuyết phục. Vì nỗi ám ảnh về cái chết quá lớn.
Cuối cuốn sách, nỗi ám ảnh đó hiện hình day dứt và ám ảnh hơn bao giờ hết:
“Tôi thấy Thần Chết đứng tựa cửa sổ, tối có thể với tay ra và chạm vào nó. Nó ở đó, mỉm cười thân thiện. “Hãy thưởng thức những giây phút này đi”, dường như nó thầm nói với tôi. “Hãy yêu thương nhau đi”. Bố mẹ ngươi sẽ đi trước, nhưng thực ra cũng không biết được đâu. Ta ngẫu hứng, ta không có kế hoạch”.
Tác giả đã tạc tượng cái chết như một con ngáo ộp. Nỗi ám ảnh và đau đớn mà cái chết mang lại vẫn bao trùm. Người đọc, dưới sự sợ hãi và ám ảnh ấy, được khuyên răn hãy trân trọng cuộc sống. Nhưng liệu rằng điều đó là có thể?
Như cách truyền thông vẫn làm, người ta thường hay dạy về cái chết bằng cách tạc tượng những con ngáo ộp hoặc dựng lên tượng đài của những vị thánh. “Hãy nhìn những con người đau đớn quằn quại sống không bằng chết kia đi, để thấy đời mình thật may mắn”. “Hãy nhìn những tấm gương vượt qua nghịch cảnh kia đi, tại sao mình lành lặn thế này mà lại để đời lãng phí”. Không khó để bắt gặp công thức này trên truyền thông. Chỉ có điều, tạo ra những tượng đài, là vô nghĩa. Người ta chiêm bái tượng đài, rồi nhanh chóng quay lưng đi. Cũng như khoảnh khắc cảm động phút chốc rồi cũng tan biến, người ta dễ dàng trở về guồng quay cuộc sống và sống như thể mình không bao giờ chết. Phải nhận chân cái chết từ chính bản thể của mình. Ta sống. Ta hít thở. Ta yêu thương. Ta đau buồn. Ta chết. Chết cũng là một phần của sự sống này, là một phần của chính bạn. Cũng như hiện hữu, tồn tại, dâng hiến…, chết cũng định nghĩa bạn giữa cõi đời này.
Đối với mình, cuốn sách để lại những ấn tượng nặng nề. Mình đã nằm mơ thấy ác mộng về cái chết sau khi đọc cuốn sách. Nhưng bởi lẽ ta đang sống trong một thực tại mà chẳng ai có thể trải nghiệm cái chết mà vẫn có thể chia sẻ về nó, cho nên mọi góc nhìn đều có giá trị giúp ta hiểu hơn về cái chết. Có lẽ nên nhìn những cảm giác đau thương ám ảnh mà cuốn sách mang lại dưới góc độ “sự thanh tẩy” – giống như những vở kịch Hy Lạp La Mã cổ đại, tạo ra cảm giác sợ hãi xót thương và rồi “thanh tẩy” cảm giác sợ hãi và xót thương trong người thưởng thức.
– Trần Lê Duy