Công việc chỉ nên là một phần của cuộc sống, bạn sẽ không thể tìm thấy ý nghĩa của công việc nếu chỉ biết than vãn khi đối mặt với áp lực, khó khăn,.. mọi thứ sẽ khác nếu bạn nghĩ nó là thách thức, là một cơ hội để khám phá nội tại của bản thân. Biết đâu đến một ngày nào đó, cuộc sống trở nên bằng phẳng, không có một chút áp lực nào thì bạn lại chán?
Review Đừng làm con chim lạc đàn (2)
“Muốn trở thành một người có sức hút ở nơi làm việc, ngoài năng lực làm việc phải tốt ra thì việc làm thế nào để thể hiện cảm xúc của bản thân, khiến người xung quanh cảm thấy dễ chịu khi ở cạnh bạn cũng là một điều vô cùng quan trọng.”
Bạn thấy trích dẫn trên thế nào? Đúng hay sai? Cá nhân tôi nhận định tác giả viết rất đúng. Khi mới bước chân ra ngoài xã hội, có lẽ ai ai cũng mong mình là người có sức hút, là người dễ chịu, người khác gặp liền thấy vui vẻ, hỏi gì cũng được chỉ bảo tận tình. Chỉ là, mọi chuyện chưa bao giờ đơn giản như vậy. Và cũng có người chưa từng nghĩ, khiến người khác cảm thấy thoải mái lại ảnh hưởng lớn tới sự nghiệp của mình.
Trong một buổi chiều mưa tầm tã, khi tôi đang thong thả dạo quanh một tiệm sách nhỏ, quyển sách có bìa màu xanh cùng cái tên “Đừng làm con chim lạc đàn” của Lưu Đồng đã thu hút tôi. Vội vàng bước tới và chộp ngay lấy, tôi biết đây là một cuốn tản văn – thể loại văn học tôi vốn kỉ luật không cho bản thân đụng tới. Dù là vậy, sau một vài giây ngắn ngủi xem qua bìa và nội dung, tôi đã quyết định mua về ngay lập tức, vì nó quá hợp với tôi – một người đang chông chênh giữa ngã ba đường, mù mịt về tương lai phía trước.
Tác giả Lưu Đồng có lẽ không còn xa lạ với những ai đã đang và vẫn tiếp tục đọc tản văn, “Thanh xuân của ai không mơ hồ” chính là một quyển khác của anh mà tôi cũng rất thích. Lần này, Người Trẻ Việt chọn dịch và xuất bản một cuốn khác của anh cùng cái tên rất kêu khiến tôi vừa mua về phải lập tức mở ra đọc. “Đừng làm con chim lạc đàn” về cơ bản dành cho những ai đang ở ngưỡng cửa chuẩn bị bước chân ra xã hội, rời khỏi vùng an toàn của bản thân.
Thế giới bên ngoài thật sự rất rộng lớn, có vô vàn những tình huống, vấn đề sẽ xảy ra, nhưng bản thân bạn lại không biết phản ứng thế nào mới là tốt, là đúng. Hoặc là bạn không có kĩ năng mềm – những điều mà trường học không dạy, vậy thì phải làm sao? Đến lúc đó mới lo lắng, đọc đủ thứ sách vở tài liệu để học liệu có kịp không? Dĩ nhiên là không, vậy chủ động đọc sách hàng ngày để nâng cao nhận thức sẽ tốt hơn. “Đừng làm con chim lạc đàn” nên nằm trong danh sách đó.
Khi mới tốt nghiệp, chân ướt chân ráo bước ra thế giới bên ngoài, bản thân luôn tự nhận định mình không bằng người khác. Thế nhưng với những kiến thức bạn có, bạn hoàn toàn có thể tìm được cách tốt nhất, cách thích hợp nhất cho công ty. Chỉ là bạn không có sự tự tin, không dám đưa ra ý kiến, không dám thuyết phục người khác, cứ vậy càng ngày càng hạ thấp bản thân.
“Nếu phương pháp của bạn thật sự là cách thích hợp nhất, vậy thì được, có sự tự tin đó, hãy dùng hành động và sự thật để thuyết phục mọi người.”
Tin vào chính mình luôn là tốt nhất, cho dù bạn làm sao thì bản thân cũng sẽ không hối hận, sẽ ghi nhớ và ngày càng tốt hơn. Muốn trở thành người giỏi nhất, bạn phải luôn luôn không ngừng nỗ lực, phải vấp ngã thì mới có trưởng thành.
Bạn đã bao giờ trải qua cảm giác tranh đấu với đồng nghiệp của mình chưa? Khi mà bạn còn trẻ nhưng lại giỏi hơn người ta, ắt không tránh khỏi ghen tức, bịa đặt đủ điều.
“Nói trắng ra, khi các bạn mạnh như nhau, bạn sẽ bị cười nhạo. Bạn giỏi hơn một chút, sẽ bị người ganh ghét. Bạn giỏi hơn chút nữa, sẽ bị người đàm tiếu. Giỏi hơn một chút nữa, sẽ được người ngưỡng mộ. Lại giỏi hơn chút nữa, người sẽ thấy thán phục.”
Như tác giả viết, muốn có được thành công, phải trải qua rất nhiều giai đoạn khó khăn. Bị cười nhạo, bị ganh ghét, bị đàm tiếu, có mấy ai đủ mạnh mẽ để vượt qua những điều này, để chạm tới thành công? Nhưng bản thân tôi, sau khi đọc xong quyển này, cảm thấy trong lòng có thêm rất nhiều động lực, muốn phấn đấu hơn nữa cho chính mình, mặc kệ miệng lưỡi thiên hạ.Trong quyển sách này, có một đoạn trích dẫn mà tôi rất tâm đắc:
“Chỉ có không ngừng trưởng thành, thật lòng học hỏi mới có thể giúp bạn sửa chữa khuyết điểm một cách chính xác, trở thành kẻ mạnh trong môi trường làm việc.”
Không ngừng trưởng thành, sáng tạo, đề xuất, nghe nhận xét, tiếp thu, sửa đổi, cẩn thận ghi nhớ những lỗi sai, có như vậy mới có thể tiến bộ dần dần trong công việc. Cho đến khi quen và thành thạo, bạn tự khắc trở thành người giỏi nhất, đến lượt người khác phải hỏi bạn nhờ hướng dẫn, chỉ bảo.
“Đừng làm con chim lạc đàn” giống như một cuốn cẩm nang nhỏ đầy hữu ích và dễ dàng tìm thấy với cái tên và bìa bắt mắt. Nội dung bên trong chứa đầy những kiến thức, trải nghiệm thực tế của chính tác giả, bản thân mỗi người ắt hẳn đều có thể học hỏi được rất nhiều. Chỉ cần đọc chậm rãi, đôi khi bạn sẽ bắt gặp câu nói truyền cảm hứng, truyền động lực hoặc một câu sự thật nào đó, tất cả đều rất hữu ích.
– Vũ Nhiên
“Đừng làm con chim lạc đàn” – Hãy đọc nếu bạn đang chênh vênh. Mình nhận được cuốn sách này nhân dịp sinh nhật, ngay từ tựa đề đã khiến mình tâm đắc cực kỳ rồi, bởi lẽ nó như dành riêng cho mình vậy – một đứa con gái tuổi đôi mươi nhìn đời bằng lăng kính mênh mang, mông lung và mờ ảo.
Ngay từ lời tựa, “Đừng làm con chim lạc đàn” đã được khẳng định nội dung sách chẳng chỉ dạy ai cả, những con chữ của sách chỉ đơn thuần như lời hỏi – đáp đầy thân thương, thấu hiểu giữa Lưu Đồng và người đọc. Thật vậy, từ những giọng kể đầu tiên đến tận trang cuối cùng, mình có cảm giác như bản thân đang trò chuyện, tâm sự những vấn đề cuộc sống, làm việc cùng tác giả chứ không phải đơn thuần đọc một cuốn sách self-help văn vở, vô bổ.
“Đừng làm con chim lạc đàn” có lẽ khá thích hợp với những ai còn đang chênh vênh với bộn bề đời sống, cách ứng xử chốn công sở… Thế nhưng đối với mình, không chỉ những người đã đi làm mới cần đọc “Đừng làm con chim lạc đàn”, độ tuổi học sinh sinh viên cũng nên thưởng thức chiếc sách này. Bởi nó không chỉ gói gọn những vấn đề về công việc, đồng nghiệp mà còn dẫn lối, sẻ chia những cách sống vô cùng hữu ích.
Những vấn đề được nhắc đến trong “Đừng làm con chim lạc đàn” vô cùng quen thuộc. Chẳng hạn như vì sao tôi đối xử chân thành với mọi người mà chẳng ai đối tốt với tôi cả? Hay câu hỏi, có nên từ bỏ hay không khi mà cuộc sống không vui, công việc lại quá ư vô vị? Vân vân mây mây những thắc mắc mà mình tin chắc, chúng ta cũng không ít lần tự hỏi bản thân những điều tương tự như thế. Mình thích “Đừng làm con chim lạc đàn” ở chỗ, Lưu Đồng không chỉ đơn thuần sẻ chia góc nhìn của bản thân mà còn vô cùng tích cực đưa ra những ví dụ, những góc nhìn của người khác để người đọc thỏa mãn với từng câu văn của tác giả.
“Điểm xấu lớn nhất của người tốt bụng là ở chỗ, sau khi bạn chiều ý đồng nghiệp một hai lần, khiến họ quen dần, họ sẽ lấy tiêu chuẩn đó để đo đếm bạn. Về cơ bản họ sẽ không nghĩ rằng, vốn dĩ bạn không có nghĩa vụ giúp đỡ họ việc đó. Lý do người ta nói bạn thay đổi rồi, chẳng qua là vì bạn không còn làm việc theo suy nghĩ của họ nữa mà thôi.”
Thật ra câu chuyện về viên kẹo và đứa trẻ vốn chẳng hề xa lạ với chúng ta. Chuyện kể rằng, bạn vô tình gặp một đứa trẻ trên đường và thế là cho kẹo nó mỗi ngày. Thế nhưng vào một ngày nọ, bạn không còn kẹo để cho nó nữa. Thế là đứa trẻ ấy trở nên thù ghét bạn, nó đi khắp nơi bêu rếu bạn. Và tương tự như thế, Lưu Đồng đã khắc họa nên câu chuyện “viên kẹo và đứa trẻ” dưới góc nhìn công sở vô cùng sắc nét.
Có rất nhiều phần của “Đừng làm con chim lạc đàn” khiến mình tâm đắc. Vừa đọc mình vừa thầm cảm ơn người chị đã tặng cho mình quyển sách đầy hữu ích thế này. Bạn có hiểu cảm giác của một người đi thuyền đang chật vật vì sương mù quá dày, bỗng chốc ánh sáng hải đăng xuất hiện không? Đó là sự bừng tỉnh, vui mừng và vô cùng trân trọng. Ấy cũng chính là cảm giác của mình khi gác lại trang cuối cùng của “Đừng làm con chim lạc đàn”. Có thể bạn sẽ nghĩ mình đang nói quá lên. Nhưng tin mình đi, thật sự từng con chữ trong cuốn sách này có sức lay động như thế đấy. Nó tựa kim chỉ nam soi dẫn cho người đọc một cách từ tốn mà không bắt ép ai cả.
Có một câu quote trong sách khiến mình rất thích, thích đến nỗi mà mình phải nắn nót viết vào note treo lên tường để làm động lực tiến lên mỗi ngày: “Mỗi con người ít nhất cần có một sở thích mà mình có thể kiên trì, một giấc mơ lớn có thể phân tách thành rất nhiều giấc mơ nhỏ, như thế mới biết được bản thân kiên trì vì điều gì. Tìm thấy mục tiêu và dốc toàn bộ sức lực. Có thể trạm dừng bây giờ đều không phải trạm cuối, nhưng ít nhất cũng có thể dừng chân ghé tạm.”
Đấy chỉ là một trong số rất nhiều câu nói đi vào lòng người đọc của Lưu Đồng trong “Đừng làm con chim lạc đàn”, mình rất mong các bạn có thể dành thời gian để tự bản thân trải nghiệm những thứ hay ho và đầy ý vị trong sách. Nếu bạn đang tìm kiếm một tựa sách khiến tâm hồn thêm phong phú, giúp cuộc sống trở nên rõ ràng và có mục đích hơn, mình xin mạnh dạn đề cử “Đừng làm con chim lạc đàn”.
Mình không khuyến khích mọi người quá lệ thuộc vào sách, nhưng mình tin chắc chắn ai cũng sẽ đúc kết được ít nhất đôi điều sau khi khép lại trang cuối cùng của “Đừng làm con chim lạc đàn”. Hãy đọc và cảm nhận, bạn nhé!
– Yến Vy