Lần cập nhật gần nhất April 15th, 2020 - 04:07 pm
“Dưới bánh xe cuộc đời” của tác giả Hermann Hesse kể về cuộc đời của một đứa trẻ được mọi người coi như “thiên tài” và đặt tất cả sự kỳ vọng vào cậu. Cậu bé như có tất cả những thứ mà những đứa trẻ khác không có. Nhưng rồi cuối cùng cuộc đời cậu lại không được êm đẹp như vậy, cậu trượt, trượt trong trong chính vòng xoáy cuộc đời mình.
Review (4)
Dưới bánh xe cuộc đời
Trước tiên là về tác giả, Hermann Hesse là nhà văn người Đức đã từng trải qua vô vàn những thăng trầm đau đớn nhưng ông vẫn miệt mài sáng tác. Các tác phẩm của ông đều là những cuốn sách nổi tiếng khắp thế giới, và được đánh giá cao ở tầm tư tưởng. Năm 1946 ông được tặng giải Goethe và Nobel Văn học. Những cuốn sách của ông đã từng xuất bản ở Việt Nam từ cách đây rất lâu và gây được tiếng vang lớn như Demian, Hành trình về phương đông, Nhà khổ hạnh và gã lang thang, … và cho đến nay mới được tái bản lại cuốn “Dưới bánh xe cuộc đời”. Có thể nói rằng ông là một tên tuổi lớn cho cộng đồng đọc sách thế giới, cả ở Việt Nam với những người mê dòng sách văn học.
Dưới bánh xe cuộc đời là một cuốn tiểu thuyết dạng vừa, có dung lượng không quá dài nhưng mang đậm màu sắc và phong cách sáng tác của Hermann Hesse. Câu chuyện kể về nhân vật chính là cậu bé tên Hans sinh ra và lớn lên ở một vùng đất nhỏ bé và quanh cậu là toàn bộ người đặt niềm hi vọng vào cậu. Hans luôn được xem là “thiên tài” và niềm kì vọng lớn lao ở nơi này. Có lẽ bởi vậy cậu rơi vào vòng xoáy cuộc đời với đầy rẫy những nổi đau đơn, tổn thương trượt dài đến bi kịch. Chẳng có đứa trẻ nào là thiên tài lại lớn lên một cách bình thường được cả, thậm chí chúng sẽ đánh đổi cả tuổi thơ của mình để đạt được mọi kì vong được đặt trên vai cậu.
Với mình, câu chuyện của Hans có cả vẻ đẹp lẫn nỗi buồn. Ban đầu khi thấy cuốn sách này được viết từ tác giả mang đậm tư tưởng triết học hiện sinh và tôn giáo bản thân mình khá lo lắng vì không chắc có thể đọc được hết cuốn này. Sau khi đọc xong lại một mạch bị cuốn vào những trang văn rất đẹp này. Việc đầu tiên mình nghĩ đến sau khi đọc sách chính là tìm nơi nào đó để câu cá, để hiểu hết được cái thư thái hít thở khí trời, dưới ánh nắng bàng bạc say sưa và đắm mình trong sự tĩnh lặng, hiểu được cái sở thích mãnh liệt duy nhất của Hans. Phải công nhận rằng tác giả đã mô tả mọi thứ rất tinh tế và chi tiết.
Mình biết được rằng, những đứa trẻ giống Hans không từng cảm thấy hạnh phúc bằng các thành tích học tập. Chúng dần dần không lí giải nổi cố gắng để đứng đầu thì đến cuối cùng để làm gì? Chỉ biết đó là điều bản thân bắt buộc phải làm. Điều đó làm mình luôn thương Hans và thương cả những đứa trẻ quanh mình nữa. Bản thân mình cũng học Sư phạm, mình hiểu được sự bất lực bên trong Hans. Ai cũng thế, gia đình nhà trường hay xã hội đều tưởng rằng việc làm hàng ngày là trang bị kiến thức, bổ sung lấp đầy khoảng trống tri thức bao la trong khi sự thật là đang rút rỗng hết tâm hồn cảm xúc của một đứa trẻ. Với mình EQ và IQ nên được đặt song hành nhau, đôi khi là hãy nên tôn trọng chỉ số cảm xúc của một người ở mức cao nhất. Nếu sống mà chẳng thiết tha yêu ghét giận hờn có khác gì một chiếc máy đâu.
Có nhiều khía cạnh cuốn sách đề cập đến nữa bao gồm cả tình bạn, tình yêu, đan xen một chút tôn giáo. Mặc dù ông là người viết nhiều về tôn giáo, nhưng đây lại chủ yếu viết về bi kịch mẫu thuẫn của Hans là chính, một cuộc lăn nghiến của bánh xe cuộc đời lên cuộc đời một con người.
Với mình cuốn sách này hoàn toàn có thể đọc lại nhiều lần. Vì mỗi một trải nghiệm của đời sống sẽ lại cho ra được một nhận thức khác bên trong “Dưới bánh xe cuộc đời”
– Hồng Nga
Dưới bánh xe cuộc đời – Hermann Hesse
Chuyện kể về Hans Giebenrath và hành trình của cậu từ quê nhà đến một kỳ thi nghiêm ngặt dành cho những sinh viên hàng đầu trong tiểu bang, để đến được một học viện ưu tú và sau đó quay trở về quê hương. Trong thời gian này, Hans phải vật lộn với nỗi nhớ về thời thơ ấu, về tình bạn thoáng qua, sự phát triển của cảm xúc và cả áp lực của cha và các thầy giáo ở trường. Hesse mô tả sự thờ ơ của Hans đối với những cuốn sách và sự phấn khích mới mang lại bởi những cảm xúc của anh dành cho các cô gái, và giải thích thực tế rằng tất cả chúng ta đều thay đổi, dần dần theo thời gian hay một cách quyết liệt giữa thời thơ ấu và tuổi trưởng thành.
Mình rất thích chủ đề mà cuốn sách khai thác, về sự cứng nhắc trong hệ thống giáo dục cũng như áp lực từ kỳ vọng của các bậc phụ huynh và thầy cô giáo đối áp đặt lên những đứa trẻ trước khi chúng có thể tự ý thức được mong muốn và khả năng của chính mình. Đằng sau câu chuyện là bài học dành cho các bậc phụ huynh về những áp lực vô hình mà họ đặt lên cho con cái, bài học về những sức ép đến từ một hệ thống giáo dục chỉ chú trọng vào nhồi nhét kiến thức thay vì để các em học sinh có thể phát triển toàn diện về cả tri thức lẫn kỹ năng. Và đặc biệt là bài học cho cả các em học sinh, để giúp các em có thể sớm nhận thức được rằng các em không cần dành cả cuộc đời của mình để theo đuổi một cách mù quáng những điều mà các em không mong muốn, rằng các em còn những lựa chọn khác thay vì buông xuôi để rồi “bị kéo xuống dưới bánh xe cuộc đời”.
Cuốn sách không quá dài với nội dung phù hợp với bất kỳ độ tuổi nào, từ những người mới bắt đầu bước vào tuổi thiếu niên, đã một người trưởng thành hay các bậc cha mẹ.
– Phạm Hoài Thương
“Trong kí ức của Hans, cậu chậm rãi nhớ lại xem mình đã dành bao nhiêu giờ, bao nhiêu ngày, bao nhiêu buổi ở đây để bơi lội, lặn ngụp, chèo thuyền và câu cá. Chính thế, câu cá! Cậu đã gần như quên mất thế nào là câu cá. Đó là thú vui yêu thích của Hans, thậm chí có năm cậu đã khóc thật cay đắng khi bị cấm đi câu, chỉ vì ngày hôm ấy có một bài kiểm tra.
Đi câu cá! Đấy hẳn phải là điều tuyệt vời nhất trong những năm Hans đến trường. Hans nhớ lại khi đứng dưới bóng cây liễu tại rìa mép của nơi yên bình mà gần đó dòng nước chảy dữ dội qua con đập; màn vui đùa của ánh sáng trên sông; chiếc cần câu nhẹ nhàng đung đưa; sự phấn khích tột độ khi có tiếng đớp và cá sa vào lưới, cùng với niềm thỏa mãn lạ kỳ khi cậu cầm trong tay con cá tươi nguyên mát lạnh vẫn còn đang sung sức quẫy đạp.”
Đây có lẽ là cuốn sách khiến mình phải suy nghĩ rất nhiều. Cậu bé Hans cả tuổi thơ chỉ biết vùi mình trong sách vở, học hành để làm vui lòng cha, vui lòng những người dân đã đặt lên vai cậu gánh nặng làm rạng danh cả làng. Chắc chắn bây giờ cũng vậy, các bậc phụ huynh vì muốn tương lai con cái mình xán lạn hơn nên ra sức bắt ép các em học. Cháu mình năm nay lên lớp 4, có lần mình sang thăm thấy cháu đi học về, trên vai đeo một chiếc cặp to đùng và nặng, ngược hẳn với vóc dáng nhỏ bé của cháu. Vừa mới học về mẹ nó cũng chỉ luôn miệng nói về chuyện học hành. Nhìn vừa thương vừa xót.
Học là một con đường tốt để thắp sáng tương lai. Nhưng chắc chắn học không phải là tất cả. Mình nghĩ các bạn nhỏ cũng nên cần có những giờ phút vui chơi những ước mơ trẻ con, những trải nghiệm thú vị ngoài việc học nữa.
Đây là một cuốn sách mình thấy không chỉ chúng ta mà các bậc phụ huynh cũng nên học để thay đổi cái nhìn, để nhìn nhận lại những kỳ vọng của mình liệu có đang là gánh nặng cho con cái hay không.
– Đình Thi
Dưới bánh xe cuộc đời – Hermann Hesse
Áp lực là một thứ gì đó có thể khiến chúng ta tốt đẹp lên nhưng cũng có khi dìm ta xuống đáy sâu tuyệt vọng. Có lẽ một trong những thứ kinh khủng nhất của đời học sinh chính là thứ áp lực từ gia đình, dòng tộc. Phải được như con nhà người ta, à không, phải hơn chứ! Con nhà hàng xóm được 9 thì con nhà mình phải được 10, và những đứa trẻ lớn lên trong sự ganh đua như vậy.
“Con trai ta, con là thiên tài.
Con trai ta, con không thể trượt bài thi này.
Con trai ta tại sao con lại trượt?
Con trai ta, sao đêm nay con chưa về?
Con à, cha hết giận rồi.
Con à, cha buông roi rồi,
…
mở mắt ra nhìn ta đi.”Có lẽ vì đồng cảm với nhân vật chính – cậu bé Hans trong truyện nên mình đã đọc một lèo hết cuốn sách. Cái cách mà cậu bé ấy vùng vẫy khỏi những áp lực từ phía cha mình, từ phía những người xung quanh, cái cách cậu bé ấy nổi loạn, cả cái cách cậu ấy kết bạn đều sẽ khiến chúng ta thấy mình ở trong đó, ở một chi tiết nào đó. Những trò tiêu khiển mùa hè, những người bạn, những câu cảm thán và cả đe nẹt của phụ huynh… đời học sinh đúng là sống lại qua trang sách.
Mạch truyện vừa đủ để người đọc không bị ngáp ngủ, và đọc đến hồi kết chắc bạn sẽ rơi nước mắt đấy. Giá mà các bậc phụ huynh hiểu lòng con trẻ hơn, nhỉ?
Đến đây thì mình cũng chẳng biết kết như nào, thôi thì cuốn này đáng để đọc, ít nhất là với mình. Còn bạn nào từng đọc rồi chia sẻ thêm cho nó xôm nhé!
– Mai Anh Nguyen
Trích dẫn
“Thế là Hans cứ nỗ lực học tập để được ngẩng cao đầu lên mà sống, và cũng kể từ đó cậu tận dụng tất cả những buổi đi bộ cho việc học hành. Những lúc ấy, người ta có thể thấy cậu bước đi trong im lặng, với gương mặt cú đêm phờ phạc, cùng đôi mắt mỏi mệt và cuốn sách dày cộp luôn luôn cầm trên tay.
Vào tuần cuối cùng, quá trình trí thức hóa ở cậu bé đã bắt đầu trở nên rõ nét. Đôi mắt trũng sâu, bứt rứt và lờ mờ tỏa sáng trên gương mặt điển trai thanh tú; những nếp nhăn đẹp đẽ – dấu hiệu của việc suy nghĩ rối bời – thường xuyên xuất hiện trên trán cậu; đôi cánh tay với bàn tay gầy guộc, hốc hác treo bên mình cậu mang theo nét duyên dáng rệu rã gợi nhớ tới một nhân vật của Botticelli.”
“Ngày hôm sau, thi thể Hans được tìm thấy đâu đó và đưa về nhà. Khi nhìn thấy con trai, người cha đặt cây roi sang một bên và rũ bỏ cơn giận đã dồn nén suốt bấy lâu của mình. Dù không khóc và cũng chẳng thể hiện nhiều cảm xúc, nhưng đêm đó ông đã thức trắng, thi thoảng liếc nhìn qua vết nứt trên cửa về phía đứa con đang yên lặng nằm dài trên tấm vải sạch sẽ.”
“Đám tang của Hans thu hút một số lượng lớn những kẻ tò mò. Thầy hiệu trưởng, các thầy giáo và vị mục sư một lần nữa lại vướng vào vận mệnh của cậu. Tất cả đều mặc bộ comple đẹp nhất và chiếc mũ trang trọng nhất. Họ đi cùng đoàn đưa tang và dừng lại một khoảnh khắc bên mộ chỉ để thì thầm cùng nhau.
– Phải đó, giáo sư, cậu bé đã thực sự có thể trở thành một niềm tự hào của chúng ta. Thế nhưng nỗi bất hạnh lại thường xảy đến với những người tài giỏi nhất.”