Lần cập nhật gần nhất February 13th, 2023 - 10:31 am
GIẾT CON CHIM NHẠI (nguyên tác tiếng Anh: To Kill a Mockingbird) là cuốn tiểu thuyết rất được yêu chuộng, thuộc loại bán chạy nhất thế giới với hơn 10 triệu bản. Cuốn tiểu thuyết được xuất bản vào năm 1960 và đã giành được giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu năm 1961. Nội dung tiểu thuyết dựa vào cuộc đời của nhiều bạn bè và họ hàng tác giả, nhưng tên nhân vật đã được thay đổi. Tác giả cho biết hình mẫu nhân vật Jean Louise “Scout” Finch, người dẫn truyện, được xây dựng dựa vào chính bản thân mình.
Review Giết con chim nhại (3)
Có lẽ mình không cần phải giới thiệu nhiều về vị trí, sức ảnh hưởng của tác phẩm “Giết con chim nhại” của cố nhà văn Harper Lee. To Kill A Mocking Bird được biết đến chủ yếu là một tác phẩm viết về “racism” (phân biệt chủng tộc), nội dung chính xoay quanh vụ biện hộ của một luật sư da trắng tên Atticus cho một người da đen tên Tom Robinson về tội cưỡng hiếp một cô gái da trắng.
To Kill A Mocking Bird lấy bối cảnh vào những năm 1930 tại bang Alabama, một tiểu bang miền Nam nước Mỹ rất nặng thành kiến phân biệt chủng tộc và được viết trong thời gian mà phong trào đấu tranh của người da màu đang lan rộng tới tầm cỡ quốc tế. Câu chuyện được mô tả qua góc nhìn của Jean Louise Finch (biệt danh Scout) – con gái luật sư Atticus, một học sinh tiểu học.
Chất liệu của tác phẩm dựa trên những ghi nhận về các sự kiện có thật trong thời thơ ấu của tác giả, khi cha của cố nhà văn cũng là một luật sư từng biện hộ cho hai người da đen bị kết tội sát nhân. Lúc bà lên mười, ở thị trấn của bà cũng có vụ xử một người da đen hiếp dâm một phụ nữ da trắng.
Mình đọc quyển sách này vào tháng 6 vừa rồi, vì một sự kiện mà ai cũng biết. Ngoài racism, tác phẩm đã mở rộng và đề cập đến những thành kiến khác của con người – mầm mống của sự bất công, tệ nạn xã hội. Sự áp đặt tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đối với Scout khi em bị chê cười chỉ vì muốn mặc quần tây hay hệ thống giáo dục trường học cứng nhắc không quan tâm đến nhu cầu của người học. Tương tự như trương hợp của Boo Radley sau một lỗi lầm ở tuổi mới lớn đã bị người cha nhốt kín trong nhà và sự tồn tại dần bị chìm vào quên lãng.
Song song với vụ án của Tom Robinson, tác giả đã lồng ghép những bài học vô cùng giá trị mà bố Atticus dạy cho anh em Scout, đặc biệt là giáo dục chống lại phân biệt chủng tộc. Việc sử dụng lời kể của Scout như một cách tác giả dùng để đối chứng những giá trị đạo đức mà em nhận được từ gia đình đối với sự phi đạo đức của xã hội. Để cho trẻ em bước vào một xã hội phi nhân mà không có sự chuẩn bị, đó là tội ác.
Đọc xong tác phẩm bạn sẽ hiểu vì sao nó lại có tên là “Giết con chim nhại”. Hình ảnh con chim nhại mang tính biểu tượng và được lặp đi lặp lại trong suốt tác phẩm. Đó là loài chim chẳng làm gì cả ngoài việc hót cho loài người nghe bằng cả trái tim. Mình tin là mỗi độc giả đều tự rút ra những bài học dành cho mình sau khi đọc sách.
Truyện hơi dài dòng lê thê khoảng…2/3 tác phẩm , cao trào nằm ở 1/3 còn lại kìa. Nếu đây không phải là một tác phẩm nổi tiếng, có “chỗ đứng” nhất định trong cộng đồng đọc sách chắc mình từ bỏ lâu rồi. Đọc đến tận trang cuối cùng thì mình xin tuyên bố đây là quyển sách mà mọi “người lớn” nào cũng nên đọc, mặc dù mục đích ban đầu là sách dành cho “trẻ em”.
– Thùy Giang
“Mấy con chim nhại chẳng làm gì khác ngoài đem tiếng hót đến cho ta thưởng thức. Chúng không phá hoại vườn tược của con người, không làm tổ trên bẹ ngô, chúng không làm gì khác ngoài hót bằng cả trái tim cho chúng ta nghe. Điều đó lý giải vì sao giết một con chim nhại là tội lỗi.”
Một người da đen cũng như vậy, họ cũng là con người, họ sống bằng cả trái tim, sống có ích cho đời, và không làm hại ai. Thế nhưng, người da trắng luôn muốn diệt trừ họ, muốn giết họ, muốn họ mãi mãi biến mất.Nhưng Atticus Finch là người da trắng hiếm hoi không nằm trong số đó. Hành trình đi tìm công lý của ông cho Tom Robinson không đơn thuần chỉ là bênh vực lẽ phải, đòi quyền bình đẳng cho người da màu mà đó còn là quá trình ông âm thầm thuyết phục người da trắng với mong muốn thay đổi quan điểm của họ bấy lâu nay. Mình đã tự hỏi rất nhiều lần rằng: Liệu có tồn tại bố Atticus ở đời thực hay không? Nhân vật bố Atticus không chỉ để lại cho mình ấn tượng về cuộc hành trình đòi công lý cho người da màu mà còn khám phục ông từ những suy nghĩ hành động, thái độ sống, cho đến cách ông đối xử với con, cách ông dạy chúng về cuộc sống và về cách ông đối xử với mọi người xung quanh.
Ông không bênh vực người da màu chỉ vì trách nhiệm của một luật sư mà nó xuất phát từ dòng suy nghĩ tiến bộ, từ một trái tim nhân hậu, từ lương tâm của một con người, ông cho đó là trách nhiệm của mình, “Nếu bố không làm, bố không thể ngẩng cao đầu trong thị trấn này được, bố không thể đại diện hạt này trong cơ quan lập pháp, thậm chí bố không thể bảo con hoặc Jem đừng làm một điều gì đó nữa”. Trong hành trình đòi lại công lý ấy, Atticus gặp nhiều khó khăn, ông bị mọi người, từ hàng xóm, thậm chí cả người thân, bạn bè lên án, gọi ông là “Kẻ yêu mọi đen”, tất cả những gì ông làm là im lặng, lắng nghe và hành động. Dù biết trước sẽ thất bại nhưng với ông, chỉ cần sống đúng với lương tâm con người là đủ. “trước khi bố sống được với người khác, bố phải sống với chính mình. Có một thứ không tuân theo nguyên tắc đa số, đó là lương tâm con người.”
Câu chuyện được nhìn qua lắng kính của cô bé Scout, khiến mọi thứ trở nên sinh động, nhưng vẫn giữ được những nét chân thực. Có những điều tưởng chừng phức tạp nhưng lại thật đơn giản với cô bé. “Jem, làm thế bài anh có thể ghét Hitler dữ dội rồi lại trở mặt suy nghĩ tồi tệ về người khác ngay tại quê nhà được chớ…” Dù chưa thực sự hiểu rõ sự đời nhưng cô luôn tin cha làm đúng và ở bên ủng hộ, bênh vực cha trước sự lên án của mọi người. Cha Atticus Finch đã giúp cô bé hiểu được rằng phân biệt chủng tộc là sai trái, là điều đáng ghê tởm. “Đừng đánh lừa mình- tất cả được tích tụ lại và tới lúc chúng ta sẽ phải trả giá cho điều đó. Bố hy vọng thời đại của các con sẽ không như vậy.”
Giết con chim nhại không chỉ dừng lại ở lời giới thiệu là cuốn sách về phân biệt chủng tộc, nó còn là cuốn sách về lòng dũng cảm, về đối nhân xử thế, về trách nhiệm giữa con người với con người. Một cuốn sách hoàn toàn đáng đọc và phù hợp với tất cả mọi người.
Nội dung cuốn sách mang một tính thời đại đến bây giờ đó là đề cập đến nạn phân biệt chủng tộc giữa những người da trắng và da màu. Thực ra theo quan điểm cá nhân mình, chúng ta có quyền nhận ra sự khác biệt, tuy nhiên, chúng ta cần tôn trọng sự khác biệt đó.
Về vấn đề này, trong cuốn sách có một số lời thoại của Scout mà mình thấy rất sâu sắc:
“Em nghĩ chỉ có một hạng người. Đó là người.
——
Nếu chỉ có một hạng người, tại sao mọi người không thân thiện được với nhau.
Nếu tất cả đều giống nhau, tại sao họ lại mất công coi thường nhau.”Câu hỏi thể hiện góc nhìn của một đứa bé gái 9 tuổi khiến chúng ta thường phải suy ngẫm.
Con người chúng ta hay tự cho mình quyền đánh giá, phán xét, hay chỉ trích người khác khi thấy họ khác mình. Chúng ta làm NHIỀU ĐIỀU hơn hơn MỘT điều mà chúng ta cần phải làm, đó chính là “TÔN TRỌNG”.
Bản thân mình là người từng bị kì thị về giọng nói (mình người miền Trung) nên mình nhìn vấn đề này có lẽ hơi chủ quan một chút.
Vì anh da đen, nên anh không có tội cũng thành có tội, vì anh da đen nên anh không xứng đáng được ABC….và ngẫm lại bản thân mình, đôi khi mình cũng đã không tôn trọng sự khác biệt của người khác.
Mình cũng đã từng kỳ thị một người nào đó vì họ khác mình mặc dù họ chẳng ảnh hưởng gì đến mình cả.
Điều thứ 2 mà mình thấy rất ấn tượng với cuốn sách là việc Bố Atticus dạy hai con của mình. Mình không biết sau này mình có thể như vậy với con mình không, nhưng mình muốn có một ông bố tuyệt vời như vậy. Những lời dạy bảo nhẹ nhàng bằng cách truyền tải một cách tinh tế. Bài học về dạy con trẻ và thế giới của chúng thật luôn là một vấn đề quan trọng đối với tương lai, tính cách, và hành động của nó sau này.
Điều thứ 3 đó chính là cuốn sách giúp mình học nhìn về cuộc đời của người khác và của chính mình thông qua bố Atticus.
Thực sự xuyên suốt tác phẩm là những bài học sâu sắc khiến mình đọc, dừng, ngẫm, liên kết với chính mình. Bô Atticus đã dạy Scout: “con không bao giờ thực sự biết một người cho đến khi con ở vào địa vị của họ và cư xử theo kiểu của họ”, đây là một minh họa cho lương tri của ông. Ngay khi đọc đến câu này, mình cũng tự soi vào bản thân mình rất nhiều, về những mối quan hệ xung quanh. Những cảm xúc của chính mình liên quan đến các mối quan hệ đó.
Qua mỗi từng chương sách, mình thực sự sống chậm hơn rất nhiều.
Có hai câu của Bố Atticus mà mình rất thích, xin được trích dẫn sau đây:“…Họ có quyền nhận được sự tôn trọng dành cho những ý kiến của họ. Nhưng trước khi bố sống được với người khác, bố phải sống với chính mình. Có một thứ không tuân theo nguyên tắc đa số, đó là lương tâm của con người.”
“Phần lớn mọi người đều tốt cả, con ạ, chỉ có điều con chưa nhận ra đấy thôi.”
Một cuốn sách hay mình đã đọc và chia sẻ đến mọi người.
Cảm thấy biết ơn dịch giả đã dịch một cuốn rất hay và truyền tải tốt nội dung của sách.
– Nguyễn Phương (SG 08/03/2020)
Trích dẫn Giết con chim nhại
“Những con chim nhại chẳng làm gì ngoài việc đem tiếng hót đến cho ta thưởng thức. Chúng không phá hoại vườn tược của con người, không làm tổ trên những bẹ ngô, chúng không làm việc gì ngoài việc hót bằng cả trái tim cho chúng ta nghe. Điều đó lý giải tại sao giết một con chim nhại là tội lỗi.”
“Con không bao giờ thực sự hiểu một người chừng nào con chưa xem xét mọi việc từ quan điểm của người khác.”
“Cô sẽ không làm thay đổi được bất cứ ai trong số họ bằng cách nói đúng, tự họ phải cảm thấy muốn học hỏi, và khi họ không muốn học thì cô chẳng thể làm gì ngoài việc im miệng hoặc nói bằng thứ ngôn ngữ của họ.”
“Khóc về sự bất hạnh do người này gây ra cho người kia… mà không hề suy nghĩ.
Khóc về điều bất hạnh do người da trắng gây ra cho người da màu, mà không hề dừng lại để nghĩ rằng người da màu cũng là con người.”
“Đó là khi con biết mình sẽ thất bại từ trước khi bắt đầu nhưng dù vậy con vẫn bắt đầu và con theo đuổi nó tới cùng dù có chuyện gì xảy ra. Con hiếm khi thắng nhưng đôi khi con cũng thắng.”
“Bố muốn con thấy lòng can đảm thực sự là gì, thay vì có ý nghĩ rằng can đảm là người đàn ông với khẩu súng trong tay. Đó là khi con biết con sẽ thất bại trước khi con bắt đầu nhưng dù vậy con vẫn bắt đầu và con theo đuổi nó tới cùng dù có chuyện gì xảy ra đi nữa.”