Lần cập nhật gần nhất July 23rd, 2021 - 10:11 am
Có nếm qua đau khổ thực sự thì bạn mới dám thoát ra sự an toàn để đi tìm con đường diệt khổ, chưa có đau khổ thì cuộc đời còn đẹp lắm, có nếm mùi đau khổ người ta mới tỉnh ngộ và nhận thức một cách đúng đắn hơn về mục đích của cuộc đời.
Review Hoa sen trên tuyết (2)
Sẽ thế nào nếu như bạn là một triệu phú. Với căn biệt thự bên hồ Michigan thơ mộng. Một căn nhà nghỉ mát trên núi Mt Vernon. Một khối tài sản kếch xù trong ngân hàng.Và trên cả tuyệt vời là bạn có một cô vợ xinh đẹp như diễn viên mà khiến mọi người đều ao ước…..
Rồi một ngày bạn bỗng nhận được một tin trấn động: Bạn bị ung thư…. Sau đó là một chuỗi những suy sụp khủng hoảng khi những kế hoạch làm ăn và những thương vụ thay nhau đi xuống dần dần. Chưa dừng lại ở đó: Người Vợ xinh như diễn viên mà khiến bao người ao ước của bạn bỗng phản bội bạn, cô ta đòi ly dị và đòi hưởng một nửa tài sản…
Chắc bạn sẽ chao đảo lắm nhỉ? Trong lúc nằm trên giường bệnh với hàng loạt phác đồ điều trị thì cô vợ xinh của bạn lại đang chuẩn bị hồ sơ ra toà chia tài sản. Bạn sẽ uất ức và tự hỏi rằng mình đã làm gì mà cuộc đời lại bất công đến vậy? Bạn sẽ bắt đầu mất phương hướng và Lạc Lõng. Liệu rằng cuộc sống thực sự là gì và ta thực sự là ai khi mà mọi thứ đều mơ hồ đều huyễn hoặc và Không Có Gì là chắc chắn cả?
Đó là câu chuyện trong cuốn “Hoa Sen Trên Tuyết” mà thông qua đó các độc giả sẽ ít nhiều hiểu hơn về cuộc sống cũng như hiểu về chính mình.
Cuốn sách mỏng chưa đầy 200 trang nhưng mình nghĩ nó sẽ mang đến cho độc giả cái nhìn khái quát sâu rộng hơn về cuộc đời dưới góc nhìn của Phật Giáo. Và còn cho ta hiểu hơn về Lịch sử cao quý của Tây Tạng cũng như phong tục nơi đây qua các thời của những Đạt Lai Lạt Ma.
Phải chăng chúng ta chẳng bao giờ thấy thoả mãn với cuộc đời khi mà những quy chuẩn của xã hội và những luật lệ khiến chúng ta phải tranh đấu, giành giật và xâu xé nhau trên thương trường cũng như trong đời sống để giành cái gọi là Vị Trí, là Đẳng Cấp. Chúng ta mãi mê đi tìm kiếm cái “Hạnh phúc” qua tài sản vật chất, qua sự hưởng thụ. Tưởng là đã có được nó rồi nhưng lại tuột mất lúc nào ko hay. Chúng ta lo lắng lại đi tìm nhưng chúng ta vẫn mãi là kẻ chạy theo hạnh phúc chứ chưa bao giơ cầm nắm được nó thực sự… Chúng ta đã quá tham lam khi cứ ôm khư cái gọi là Hạnh phúc và Cuộc Sống hưởng thụ rồi lại khổ đau mà không biết rằng ngay chính bản thân ta còn không phải là thật thì những thứ kia cũng chỉ là huyễn hoặc và cuộc sống là chuỗi những Hạnh Phúc va Khổ Đau đan xen và nối tiếp nhau.
Nếu như ta chưa thể thức tỉnh sự Vô ngã,và khắc chế cái Bản Ngã của bản thân thì mãi mãi cuộc sống của ta sẽ luân hồi trong sự mê lầm vô minh.
Những bài học mà mình thất hay nhất trong cuốn sách:
- ”Tất cả chúng ta đều có những khó khăn, dằn vặt trong cuộc sống nhưng ít ai chịu bỏ thì giờ ra tìm hiểu những nguyên nhân sâu xa nào đem đến những đau khổ này. Có lẽ chúng ta đã sống một cách quá vội vã nên thực sự chúng ta không hề sống, không hề tự hỏi mình về ý nghĩa cuộc sống”
- ”Họ muốn được hạnh phúc nhưng phải là hạnh phúc theo quan niệm của họ. Trong tình yêu phải có sự đắm đuối ngày này qua ngày khác chứ không đc đổi thay. Một thứ hạnh phúc vĩnh cửu nhưng đời làm gì có hạnh phúc ấy”
- ”Học không chỉ là sử dụng đầu óc để suy nghĩ mà còn phải biết sự dụng cả trái tim… Thế gian đang đau khổ và chính những ham muốn mang lại sự đau khổ”
- ”Con đường Mật Thừa là con đường chấp nhận tất cả, không phủ nhận điều gì cả, sử dụng tất cả sức mạnh, năng lượng của sự sống để đạt đến giác ngộ”
- ”Nếu chúng ta muốn phấn đấu để sống thì cuộc sống trở thành bãi chiến trường, nhưng nếu chúng ta muốn sống một cách tự nhiên thi cuộc sống sẽ là những buổi bình minh, những tiếng chim hót….”
….
Mình tin còn rất nhiều bài học trong cuốn sách này mà mỗi độc giả sẽ cho ra một cảm nhận riêng.
– Đạt Đỗ
Mỗi khi mình thích một tác giả nào, thì mình thường tìm đọc hết sách của tác giả đó, dạo này mình khá thích sách của Nguyên Phong phóng tác.
Cuốn sách kể về hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống của một y sĩ bị bệnh ung thư, vừa li dị vợ và gặp vài khó khăn trong chuyện làm ăn. Nghe theo lời một người bạn, anh tìm đến Dharamsala, một vùng đất phía biên giới Ấn Độ – Tây Tạng, vùng đất của người tị nạn Tây Tạng. Ở đó, anh tìm hiểu về Phật giáo và được gặp Đạt Lai Lạt Ma.
Nếu so sánh cuốn này với ba cuốn sách trước đó mình đọc của Nguyên Phong (BRTS, HTVPĐ, ĐMQXT), thì cuốn này không bàn sâu về các thuật ngữ, khái niệm, tư tưởng tâm linh siêu hình hay giáo lý Phật giáo, mà chủ yếu nói về hành trình tự tìm câu trả lời cho chính mình, mà câu trả lời chắc chắn bất kì đọc giả nào cũng biết từ những trang đầu của cuốn sách. Nói chung sách không có gì mới, và cũng không quá đặc sắc, nhưng mình vẫn thích nó.
Vì sách có nói về phương pháp tu hành bằng cách quán xét xác chết, và tục lệ Điểu Táng của người Tây Tạng, mình thấy đoạn đó khá thú vị. Hoặc cách mà một người Hồi giáo nói về việc cầu nguyện của người Tây Tạng “Người Tây Tạng gặp chỗ nào cũng cầu nguyện được, ngoài chợ, trong thành phố, khi ra đồng làm ruộng, ngay trên đỉnh núi hoang vu này cũng có người đến đây sắp xếp những tảng đá để cầu nguyện. Người Hồi chúng tôi chỉ cầu nguyện vào những giờ giấc nhất định và quay về hướng Mecca chứ không làm phiền Thượng Đế vào những giờ không nhất định.” Vậy thì ai đang cầu nguyện đúng cách nhỉ?!
Người Tây Tạng rất tự hào về bản sắc văn hoá – tôn giáo của mình, đã có rất nhiều tu viện, trường Phật học được thành lập để dạy giáo lý Phật giáo ở Tây Tạng, nhưng nay đã bị phá huỷ gần hết, người dân nước họ phải tị nạn dọc vùng biên giới Ấn Độ, họ hiền lành và hướng thiện nhưng lại bị những người ngoại đạo xem là một tộc người lười biếng và ngu ngốc vì bản tính không tranh giành, không hơn thua với thế giới bên ngoài. Thực ra, bởi vì họ chỉ quan tâm đến việc chiến thắng bản ngã của chính mình.
Bản sắc văn hoá trong nội bộ của người dân Tây Tạng cũng dần phai nhạt một phần vì sự xâm nhập của công nghệ, của những tư tưởng Tây Âu lên lớp trẻ, một phần vì sự đàn áp và thay thế văn hoá của chính quyền Trung Quốc, muốn đồng hoá một dân tộc, họ bắt đầu từ tôn giáo, mình nghĩ một phần thất bại của họ là do họ đã đồng hoá tôn giáo và chính trị, đọc đoạn này mà mình thấy buồn và tiếc nuối cho một nền văn hoá đặc sắc, mình hi vọng dân tộc của họ sẽ mạnh mẽ vượt qua giai đoạn lịch sử khó khăn này, để một ngày thế giới sẽ vinh danh họ như đã từng ca ngợi dân tộc Do Thái. Cùng chung số phận với Hồng Kông và Đài Loan nhưng thế giới hiện nay biết quá ít về những gì đang xảy ra ở Tây Tạng…
Trong sách, có nhân vật một bà nội trợ, mà mình thấy sao bà giống mình quá, có lẽ cũng giống đa số mọi người, bởi khi bà nghe các bậc đạo sư nói thì cũng thấy hay lắm, đúng lắm, ta phải mở rộng lòng thương yêu đến tất cả mọi người, ta muốn bỏ hết tất cả để thực hành theo lời đạo sư dạy, nhưng khi về đến nhà thì ta chỉ còn quan tâm đến những điều nhỏ nhen, ích kỷ của cuộc đời.
Tóm lại, mình vẫn thấy đây là một cuốn sách hay, vì đã khơi gợi lên nhiều suy nghĩ và cảm xúc bên trong mình. Nên, mình vẫn sẽ tìm đọc thêm sách của Nguyên Phong.