Hoa Tư Dẫn là điệp khúc viết lại tình yêu của rất nhiều thế hệ, rất nhiều con người, vì một nửa không trọn vẹn nguyện đời sống khổ đau, cũng là viết nên những mối tình tâm can thống khổ.
Review Hoa Tư Dẫn (2)
Hoa Tư Dẫn là một câu chuyện đồ sộ, không phải bởi vì độ dài của nó, cũng không phải vì lồng chứa bên trong đó là bốn câu chuyện nữa, mà bởi vì nó thực sự đồ sộ từ tầm vóc, bối cảnh, đến tư tưởng của mỗi cá nhân trước vận mệnh và thời cuộc.
Nó là một thiên tình sử viết về tình yêu nam nữ, nhưng vây quanh những đôi nam nữ ấy lại không chỉ có cảm tình và lưu luyến đơn thuần, mà còn có trách nhiệm, tín ngưỡng, đánh đổi, và cả hy sinh.
Dù là Tô Dự – Diệp Trăn hay Mộ Ngôn – Quân Phất, dù là Thẩm Ngạn – Tống Ngưng, Oanh Ca – Dung Viên – Dung Tầm – Cẩm Tước, Công Nghi Phỉ – Khanh Tửu Tửu hay Tô Hoành – Mộ Dung An, cũng không tránh khỏi sự lựa chọn ấy.
Bởi vậy, vốn định đọc một câu chuyện, nhưng cuối cùng lại chứng kiến cả một đời người.
Cửu Châu thời viễn cổ, cửu tộc hướng triều, vạn dân đều phục.
Không có khả năng và cũng không dám khái quát hết tất cả mọi tiểu tiết của thiên truyện diệu kỳ ấy, cho nên, trong bài review này tớ sẽ chỉ quan tâm đến sự lựa chọn Quân Phất, đứng từ góc nhìn của Quân Phất, hay gọi đúng tên của nàng: Văn Xương công chúa Diệp Trăn, để tiếp cận một thời đại đã sớm vùi trong huyền sử, không còn vết tích.
Văn Xương công chúa, hàm ý văn đức hưng thịnh, nàng không được nuôi lớn như một công chúa nhưng lại chết đi như một công chúa.
Cái chết của Diệp Trăn ở phần mở đầu chính là chi tiết bi tráng nhất, đẹp đẽ nhất, đắt giá nhất thiên truyện: Trần quốc Thế tử dẫn binh chinh phạt, Vệ vương đầu hàng, Văn Xương công chúa Diệp Trăn nhảy từ trên tường cao trăm trượng, tuẫn tiết cùng Vệ quốc.
Hóa ra cuộc đời này nhẹ tựa một cái phất tay vậy thôi.
Từ lúc sinh ra nàng đã được đưa đến Thanh Ngôn tông, được Huệ Nhất tiên sinh dạy dỗ, lớn lên như mọi môn đệ khác trong tông phái, không có đặc quyền của công chúa, cũng không có mối liên hệ gì với vương cung.
Thế nhưng, vào thời khắc lâm chung của Vệ quốc, nàng đã đem tính mạng mình hoàn thành bổn phận một công chúa, giữ lấy chút tôn nghiêm cuối cùng cho xã tắc. Chết trong tiếng ai ca tống tiễn nước Vệ, trong tiếng khóc than của tướng sĩ, trong niềm kính trọng của nhiều đời đế vương hậu thế về sau..
Chúng ta không thể lựa chọn nơi mình sinh ra, nhưng lại có thể chọn cho mình cách sống.
Mình đã thích Diệp Trăn ngay từ những nét phác họa đầu tiên đó, và mãi về sau, mình biết, mình đã không mến nhầm người.
Là Văn Xương công chúa, nàng không giũ bỏ trách nhiệm của mình. Là Quân cô nương, nàng không cố chấp hận thù mù quáng. Đủ đơn thuần mà không vô tâm vô phế. Can trường. Trí tuệ. Tài hoa.
Nếu không can trường, làm sao tiểu cô nương có thể đối mặt với con báo hung mãnh trong đêm mưa, mặc cho móng vuốt con ác thú cào tước vai, run run ướm dao lên ngực mình, thà làm ngọc nát..
Nếu không trí tuệ, sao nhìn ra tình thế chư hầu phân tranh, một tờ Gián Vệ công sớ nhìn trước an nguy đất nước..
Nếu không tài hoa, làm sao họa ra một bức Sơn cư đồ danh chấn Cửu Châu, mười lăm tuổi đã có thể biến hoán mười hai chỉ pháp không sai một âm trong một khúc..
Người con gái tài mạo song toàn như thế, lương thiện, đơn thuần, vốn không nên bị trói buộc trong cung thất vàng son.
Cuối cùng vẫn là vương cung phế khí quá nặng, không giữ được mạng sống cho nàng.
Diệp Trăn chẳng có ước vọng gì cao xa, cho đến lúc chết, vẫn một lòng chỉ mong tìm được người thanh niên đã hai lần cứu nàng khi trước. Người thanh niên trong tay áo thoảng hương mai thanh lạnh, đeo mặt nạ bạc, không rõ thân thế, không rõ nhân thân, bặt vô âm tín, chưa từng hứa hẹn, nhưng nàng cứ cố chấp kiếm tìm.
Tới khi tìm được, trái tim ấy đã không còn đập nữa. Trong lồng ngực Quân Phất, chỉ còn lại một viên Giao Châu giá lạnh mà thôi.
Ánh trăng trong sáng vằng vặc, tôi đưa tay bịt mắt mình, như chàng đã từng làm vậy. Nhưng đôi mắt đó bây giờ đã chết.
Chuyện này thực không biết làm sao.
Có thể nhiều bạn sẽ cảm thấy, chuyện của Mộ Ngôn – Quân Phất không lâm li bi đát như những couple phụ kia. Mình thì ngược lại, mình đọc đi đọc lại Hoa Tư Dẫn rất nhiều lần, hầu như đều tua hết các couple phụ, chỉ đọc những khúc hai nhân vật chính xen kẽ xuất hiện.
Bởi vì, mỗi lần đọc lại, mình sẽ đều phát hiện ra một chi tiết nào đó đã bỏ quên khi trước.
Mình không thấy loãng, vì đối với mình đoạn cố sự kia thật đẹp.
Mình thích Quân Phất, vì cô gái nhỏ ấy lương thiện, kiên cường, hiểu chuyện, thủy chung. Không ít nữ chính ngôn tình thường tự coi mình là nhất, đòi hỏi nam chính nam phụ phải chiều chuộng mình phải vây quanh mình vô điều kiện, nhưng lại chẳng làm được gì cho nam chính, ngoài việc gây rắc rối khắp nơi.
A Phất không phải kiểu con gái như thế.
Vất vả kiếm tìm, cứu chàng, hiểu chàng, bảo vệ chàng bằng khúc nhạc Hoa Tư. Đem tính mạng mình gảy nên khúc Hoa Tư Tý Ngọ, nàng là Văn Xương công chúa có một không hai khắp Đại Triều, cũng là A Phất ôm mối tình thầm lặng với Tiểu Lam công tử..
Nữ tử như thế, mới xứng để Trần Tuyên hầu Tô Dự tung người xuống vực sâu, bê bài vị mà sắc phong Văn Đức hoàng hậu, dùng thọ mệnh của bản thân đổi lấy một lần trùng sinh cho nàng..
Nữ tử như thế, mới đáng được binh sĩ nước Vệ ào lên tiếng ai ca, mới đáng để kẻ tống tiễn Vệ quốc cũng phải thở dài mà tuyên bố hậu táng theo chế lễ.
Hai cuộc đời tuy ngắn, nhưng cuộc đời nào cũng vô khuyết vô song.
Giấc mộng hoa tư
Nếu cho bạn một cơ hội sữa chữa sai lầm, biến mong ước cả đời thành sự thật trong một giấc mộng vĩnh hằng, bạn có đồng ý đánh đổi sinh mệnh của mình không? Nếu là tôi, tôi sẽ từ chối, chung quy lại vẫn chỉ là mộng đâu phải thực…
Tôi rất thích nhân vật Oanh Ca. Cô rất thực tế, cô từ bỏ mối tình câm để mở lòng đón nhận tấm chân tình mới. Cô từ chối giấc mộng vĩnh hằng để đổi lấy hiện thực nằm trong quan tài cùng người thương. Chỉ đáng tiếc, cuối cùng cô vẫn lựa chọn cái chết. Đây có thể là kết thúc đẹp cho mối tình sinh ly tử biệt, nhưng với tôi kết thúc đó chẳng khác nào đi vào ngõ cụt. Nếu tôi là Oanh Ca, tôi sẽ đưa xác Dung Viên về núi Đình Hoa, cả đời làm bạn với ngọn đèn xanh trong núi đúng với ước nguyện của Dung Viên cũng là ước nguyện của cô khi còn là sát thủ.
Tôi cũng luyến tiếc cho tấm chân tình của Tống Ngưng, đây là nhân vật để lại cho tôi sự ám ảnh, nuối tiếc nhất trong các giấc mộng hoa tư. Cô sống hết mình vì tình yêu nhưng thật ngạc nhiên cô chẳng hề tranh đấu cho nó. Cô thà chấp nhận mơ một giấc mộng vĩnh hằng, chìm đắm trong ảo tưởng rằng tình yêu của cô được hồi đáp. Cô quá kiêu ngạo, cô muốn Thẩm Ngạn tự nhận ra, cô không cho anh cơ hội để lựa chọn. A Phất lên án Thẩm Ngạn không cho Tống Ngưng cơ hội để thổ lộ tâm tình, có lẽ vì Tống Ngưng đã chết nên cô chỉ còn biết lên án người còn sống. Nhưng thật ra, chính là do Tống Ngưng không tự tạo cơ hội cho mình, cô quá kiêu ngạo để tự lên tiếng, cô không muốn sa vào tình cảnh tranh giành tình cảm thường tình, cô tự đào huyệt chôn sống tình cảm của mình. Nào phải Thẩm Ngạn không yêu Tống Ngưng, anh đã động lòng trước cô, nhưng cô đã làm gì, cô nói trái lòng mình, cô khiến anh tin rằng cô muốn anh chết trên chiến trường. Còn anh thì bị giày vò giữa tình cảm và lý trí, anh tưởng rằng Liễu Thê Thê là ân nhân cứu mạng mình, anh muốn giữ đúng lời hứa cưới cô làm vợ, anh là một đấng trượng phu thật sự khi không chỉ cưới cô làm vợ, anh còn cố gắng giữ lòng chung thủy dành cho một người vợ là cô. Nhưng anh lại phải lòng Tống Ngưng, anh đấu tranh, dằn vặt, anh cố giữ khoảng cách với cô, khi cô mất đi, anh là người đầu tiên xuất hiện và đau lòng hơn ai hết, anh giữ tro cốt cô bên mình và chọn cách ra đi ở nơi tình yêu của cô dành cho anh bắt đầu tại cánh đồng Thương Lộc. Câu chuyện có lẽ kết thúc có hậu nếu Tống Ngưng bớt kiêu ngạo và Thẩm Ngạn ích kỷ hơn một chút, nhưng không có nếu như, số phận mỗi người do chính tính cách của người đó quyết định, bi kịch hay hạnh phúc là do chính cách họ lựa chọn phản ứng thế nào trước hiện thực. Trên tất cả, tôi vẫn rất yêu thích nhân vật Tống Ngưng và Thẩm Ngạn, họ yêu và sống chết với tình yêu của mình, dù muộn màng thì cuối cùng họ vẫn lựa chọn ở bên người mình yêu đến hơi thở cuối cùng.