“Khái lược văn minh luận” là cuốn sách giúp chúng ta có được câu trả lời cho thắc mắc vì sao lại có một nước Nhật Bản như ngày nay. Tất cả nằm ở “tinh thần văn minh” của một dân tộc. Đây là cuốn sách nhập môn bổ ích cho tất cả những ai muốn tìm hiểu về con đường phát triển văn minh của đất nước Nhật Bản.
Fukuzawa Kukichi nêu những kiến giải của ông về văn minh hiện đại hầu như đối lập với lối tư duy thủ cựu Nho giáo của Nhật Bản lúc bấy giờ. Cuốn sách được viết năm 1875, gần 10 năm sau khi công cuộc Minh Trị Duy tân bắt đầu ở Nhật. Đó là giai đoạn người Nhật vẫn phải đương đầu với những chống đối trong nước, với nhiều người thuộc phe có tinh thần bảo thủ muốn duy trì thể chế và nhất là văn hóa truyền thống lâu đời. Nhận thức được những khó khăn đó, Fukuzawa Yukichi tin rằng, cần lý giải rõ hành trình mà nước Nhật Bản phải đi để tạo dựng nền văn minh mới, nền văn minh hiện đại của một quốc gia hiện đại.
Review Khái lược văn minh luận
Tiếp tục về FUKUZAWA – Như có viết ở bài trước, Khuyến Học không hẳn là tác phẩm hay nhất, sâu sắc nhất của Fukuzawa. Khái Lược Văn Minh Luận là 1 trong số những tác phẩm sâu sắc khác tạo nên tên tuổi của Fukuzawa. Cuốn sách được xem là nền tảng làm thay đổi thế giới quan của người Nhật, vạch ra những điều quan trọng để dân tộc Nhật vươn lên hàng cường quốc.
Bằng một văn phong giản dị, rõ ràng cùng những lập luận sâu sắc, Fukuzawa lần lượt đưa ra những lý luận về việc thiết lập những phương cách tiến tới văn minh, đặt nền tảng cho việc hiểu về cách tiếp cận thế giới văn minh cũng như xác định lấy văn minh làm trọng tâm, mục tiêu phấn đấu. Tác giả bàn về bản chất của văn minh qua hai khía cạnh: hình thức bên ngoài dễ thấy, bản chất bên trong thì không thể chỉ ra rõ ràng. Ông cũng bàn sâu về tri thức và đạo đức của người dân một Nước, mối quan hệ của Tri Thức và đạo đức với sự phát triển nhân cách, trí lực của một người. Một người có trí tuệ siêu việt nhưng không có đức độ, khó trở thành một người giỏi giang có thể giúp mình, giúp đời, và đôi khi còn ngược lại. Cũng như thế, một người có trí lực dồi dào trong việc nghiên cứu kinh bang tế thế, đi rao giảng khắp thiên hạ nhưng lại không thể nào lo liệu ổn thỏa cho gia đình nhỏ của mình, cũng không thể nào hoàn hảo được. Những ví dụ điển hình kiểu như vậy trong chương này rất nhiều và đa dạng. Từ phân tích về đức, trí mà tác giả bày tỏ những bàn luận về Thần, Nho, Đạo, Phật, Chúa… cũng như cách nhìn nhận của ông về một mẫu người có thể đóng góp công trạng để hoàn thành mục tiêu cho cuộc đời mình và góp phần vào sự phát triển của xã hội.
“Vậy thì tinh thần văn minh là gì ? Là khí chất của một dân tộc. Khí chất này là thứ không bán được cũng chẳng mua dduuowcj, lại càng không phải là thứ dung sức người mà tạo ra được. Khí chất thâm nhập dòng chảy đời sống của dân chúng, biểu hiện rộng khắp trên các dấu tích của đất nước nhưng lại không nhìn thấy được bằng mắt và khó mà biết nó tồn tại nơi đâu.”
Fukuzawa kết thúc cuốn sách bằng việc bàn luận về nền độc lập của dân tộc Nhật Bản. Ai ai cũng lo lắng cho vận mệnh của đất nước nhưng chưa có giải pháp nào hữu hiệu cả trong bối cảnh các nước phương Tây hùng mạnh, và các nước xung quanh khu vực của Nhật đều bị nước ngoài lăm le, đe dọa và đã bị chiếm đóng như Ấn Độ, Trung Quốc… Để có được độc lập, con đường đi không phải là co vào vỏ ốc, mà là vượt qua gian khó giao tế được với nước ngoài, mở rộng tri thức, hiểu biết, phát triển giao thương với họ, từ đó xây dựng độc lập bằng cách tiến lên văn minh.
Đọc sách của Fukuzawa đôi khi làm ta nhớ tới tư tưởng nổi tiếng : Khai Dân Trí, Chấn Dân Khí, Hậu Dân Sinh của Cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh. Văn Minh mà Fukuzawa đang nói cũng chính là Dân Trí mà cụ Tây Hồ nói đó chăng.
Trích dẫn Khái lược văn minh luận
“Vậy thì tinh thần văn minh là gì? Là khí chất của một dân tộc. Khí chất này là thứ không bán được cũng chẳng mua được, lại càng không phải là thứ dùng sức người mà tạo ra được. Khí chất thâm nhập dòng chảy đời sống của dân chúng, biểu hiện rộng khắp trên các dấu tích của đất nước nhưng lại không nhìn thấy được bằng mắt và khó mà biết nó tồn tại nơi đâu”.