Lần cập nhật gần nhất March 24th, 2023 - 03:16 pm
Khuyến học của tác giả Fukizawa Yukichi – một trong những nhà tư tưởng lớn nhất của Nhật Bản cận đại, được coi là tác phẩm vĩ đại tại Nhật Bản. Sách được xuất bản từ năm 1942 nhưng tới nay nội dung cuốn sách không hề bị phai mờ giá trị, ông được xem là “khai quốc công thần” tại Nhật. Giữa bờ cõi đất nước bị đô hộ và dần trở thành thuộc địa, ông đã cho ra cuốn sách khuyến học này, nhằm đưa lên tinh thần dân tộc bất diệt. “Con người không ai hơn ai cả, nếu có hơn thì chỉ hơn về học thức”. Nội dung ý chí kiên cường, người dân Nhật Bản thời đó ai cũng có trong tay cuốn sách này và là ngọn đuốc để họ sống mỗi ngày. Nội dung nêu lên quan điểm “làm thế nào để bảo vệ nền độc lập Nhật Bản”, với lòng tự tôn đất nước Nhật Bản đã nhanh chóng trở nên phát triển hơn nhờ đường lối ý chí do ông Fukizawa Yukichi mạnh mẽ nêu lên trong sách này.
Tóm tắt Khuyến học
1. Quốc dân không có chí khí độc lập, không có tinh thần tự do thì Lòng yêu nước cũng hàm hồ, nông cạn, vô trách nhiệm.
2. Nếu như có kẻ gây phương hại đến nguyên tắc (độc lập, tự do) thì dù có phải biến cả thế giới thành kẻ thù, chúng ta cũng quyết không sợ, huống hồ chúng ta phải sợ một số quan chức chính quyền lộng quyền?
3. Đáng buồn là nước ta chỉ có người Nhật mà không có quốc dân Nhật.
4. …đối thủ mà các bạn phải tranh đấu về trí tuệ là những người phương Tây. Nếu các bạn thắng trong cuộc đọ sức tri thức này thì vị thế của nước Nhật Bản sẽ dâng cao trên trường quốc tế. Còn ngược lại, nếu các bạn thua, thì chúng ta, những người Nhật Bản, sẽ mãi mãi thấp kém dưới con mắt người phương Tây.
5. Thử nhìn lại xem, không ít người trong nhân dân dưới thời Minh Trị vô học, mù chữ, cái thiện, cái ác không phân biệt nổi, chỉ biết ăn xong rồi lại ngủ, “vô công rồi nghề”. Không những thế, thường đã ngu dốt lại hay tham vọng, tìm mọi cách lừa đảo, luồn lách pháp luật, không cần hiểu ý nghĩa của luật pháp, không cần biết đến nghĩa vụ của bản thân, chỉ biết đẻ cho thật nhiều con nhưng lại không hề chăm sóc, dạy dỗ chúng.
Những kẻ ngu dốt đó không biết xấu hổ và con cái của họ khi lớn lên cũng chẳng có ích gì cho đất nước, trái lại chỉ là gánh nặng, nỗi khổ cho xã hội. Xã hội mà toàn là những con người như vậy thì có đem đạo lý ra giảng giải cũng vô ích, chỉ còn cách buộc phải làm là dùng sức mạnh để răn đe, để trấn áp những hành động bạo lực, hành vi quậy phá, phá rồi mà thôi. Đó cũng là lý do khiến cho các chính phủ chuyên chế, chính phủ độc tài được thể tồn tại trên thế giới.
6. Nước Nhật chúng ta hiện nay yếu kém, hoàn toàn không thể sánh vai với các cường quốc Âu, Mỹ giàu mạnh. Nhưng về quyền lợi, với tư cách là một quốc gia, thì chúng ta hoàn toàn ngang hàng với họ. Trường hợp nếu các cường quốc phương Tây đi ngược lại đạo lý quốc tế, xâm phạm đến lãnh thổ của chúng ta thì cho dù có phải biến cả thế giới này thành kẻ thù, chúng ta cũng quyết không sợ. Như tôi đã nói ở phần 1, khi đất nước bị làm ô nhục thì tất cả người Nhật chúng ta sẵn sàng xả thân để bảo vệ đến cùng thanh danh của Tổ quốc.
Nhưng, còn tình trạng giàu, nghèo, mạnh, yếu dứt khoát không phải là do mệnh Trời hoặc là do ý Trời mà ta đành phải cam chịu. Mà đó là do con người có nỗ lực hay không chịu nỗ lực mà thôi. Nhờ nỗ lực như thế, không biết chừng mới hôm qua còn là kẻ ngu dốt, nhưng ngày mai đã trở thành người tài giỏi; mới hôm qua còn tự vỗ ngực giàu mạnh, nhưng ngày mai trở nên hèn kém. Từ xa xưa, lịch sử đã nhiều lần minh chứng cho điều này.
7. Nếu như toàn thể quốc dân, ai nấy đều chỉ tìm cách dựa dẫm hay ỷ lại vào người khác, không có tính tự lập thì khi ra xã hội cũng sẽ lại trở thành những kẻ chuyên ăn bám đục khoét tiền của của đất nước, của các tổ chức xã hội. Giữa cá nhân với cá nhân có lẽ cũng chẳng còn ai sẵn lòng giúp đỡ ai. Tất cả đều dửng dưng với nhau, còn nhìn thấy người mù lòa qua đường cũng không có một ai chìa tay ra giúp đỡ…
8. Cổ nhân có câu: “Dân thì phải tuân theo sự cai trị. Còn cai trị thế nào thì dân không cần phải biết”. Câu này có nghĩa là ở trên đời, những người hiểu được đạo lý không nhiều. Chi bằng thiểu số người đó lên nắm chính trị, cai trị nhân dân, bắt dân phai tuân theo chính sách vạch ra là được. Không cần phải thông báo hay giải thích gì cả. Như thế tốt hơn là việc cái gì cũng phải giải thích, phải cắt nghĩa, mà có giải thích xong, cắt nghĩa xong thì đâu lại vào đấy cứ như nước đổ đầu vịt vậy.
Đây là lời răn của Khổng Tử. Nhưng lời răn này thật phi lý, hoàn toàn xa rời thực tế.
Người có năng lực để có thể cai trị được dân chúng thật ra rất ít ỏi. Trong cả ngàn người may ra mới có được một người. Giả dụ, dân số của một quốc gia nọ là một triệu người. Trong số đó chỉ có 1.000 người có tri thức. 990.000 người còn lại là những kẻ một chữ cắn đôi cũng chịu. Cứ cho rằng 1.000 người có trí tuệ đó, cai trị số dân ngu bằng tất cả lòng yêu thương, chăm bẵm họ như chăm bẵm bầy cừu. Và 990.000 người mù chữ này cũng một mực tuân theo lời răn dạy của “cha mẹ dân”, sống trong cảnh ngu si hưởng thái bình. Cứ như thế, dần dần quan hệ chủ nhân và khách ăn nhờ ở đậu. Mà đã là phận khách ăn nhờ ở đậu thì nhân dân (khách) cứ chỉ biết dựa vào chính phủ (chủ nhân). Người dân đâu cần màng tới việc nước, càng không chút mảy may lo lắng vận mệnh quốc gia. Việc quốc gia đại sự đã có chủ nhân lo rồi…
9. Dưới mắt tôi, việc điều hành đất nước không mang lại kết quả cũng có nghĩa là trình độ của chính phủ Minh Trị đại để cũng chỉ như trình độ của chính quyền phong kiến chuyên chế mà chúng ta đã lật đổ. Nhân dân ta vẫn còn trong vòng u mê như xưa, cũng có nghĩa là người dân dưới thời Minh Trị cũng vẫn chỉ là người dân dưới thời Mạc phủ, không hơn không kém. Hãy thử so sánh công lao, sức lực, tiền của mà chính phủ đã bỏ ra với kết quả đạt được thì mới thấy ít ỏi biết nhường nào.
Qua đó tôi muốn khẳng định với mọi người rằng nền văn minh của quốc gia không thể tiến bộ nếu chỉ bằng quyền lực của chính phủ.
10. Trên cương vị cá nhân thì người nào cũng tỏ ra thông thái. Nhưng hễ trở thành quan chức chính quyền thì sự thông thái thường thấy lại biến đi đâu mất. Nhưng khi tập hợp nhau trong tập thể thì cái cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” thường xuyên xảy ra.
Tôi buộc phải nói rằng chính phủ Nhật Bản hiện nay là một tổ chức của nhiều người có tri thức, tập hợp nhau lại để làm một việc hồ đồ. Có lẽ họ đã không thể phát huy được cá tính vì bị trói buộc bởi nếp nghĩ theo kiểu “chủ nghĩa bình yên vô sự”.
Chính sách của chính phủ không hiệu quả là vậy. Bằng một số kế sách như dùng những lời lẽ hoa mỹ mị dân, dùng quyền lực, áp đặt văn minh…. chính phủ có thể giật dây được dân chúng. Nhưng như thế cũng chỉ là nhất thời mà thôi. Chính phủ trị dân bằng uy quyền thì dân sẽ đáp lại bằng sự giả vờ chấp hành. Chính phủ lừa dối cũng sẽ tạo ra vỏ bọc hữu hiệu. Mà cứ như vậy thì không thể chỉ dựa vào quyền lực để thúc đẩy văn minh xã hội.
11. Từ đời này qua đời khác, người ta chỉ học để làm quan chứ có ai muốn học để làm dân đâu. Làm quan đã trở thành cái đích trong cuộc đời. Ngay cả các bậc tiên sinh danh giá cũng không thoát khỏi ảnh hưởng đó. Tuy nhiên, xu hướng “làm quan” cũng là điều dễ hiểu vì khí chất xã hội đã khiến người ta phải như vậy. Cứ thế, trào lưu “quyền lực là chìa khóa vạn năng” nhiễm sâu vào lòng người. Nên dân ta ai cũng chỉ muốn làm trong công sở chính quyền, rồi tìm cách leo lên hàng quan chức chính phủ để có quyền hành và bổng lộc.
Thí dụ: Gần đây trên các tờ báo hiếm thấy bài viết nào có ý kiến ngược lại với ý kiến của chính phủ. Lâu lâu chính phủ đưa ra được một vài chính sách cải cách nho nhỏ, tức thì những bài viết tán dương tâng bốc chính phủ xuất hiện đầy rẫy trên mặt báo. Những bài viết như vậy có khác nào thái độ phỉnh nịnh khéo léo của các cô gái làng chơi để lấy lòng khách mua hoa đâu. Tệ hại hơn nữa, những người viết bài đó lại chính là những thành viên trong nhóm Tây học. Thật khó có thể chấp nhận. họ đâu có phải là “gái làng chơi” và lại càng không phải là những kẻ tâm thần hay thiếu hiểu biết.
Thái độ xu nịnh và suy nghĩ cơ hội đang đầy rẫy trong xã hội Nhật Bản như hiện nay là do đâu? Vì chưa có được một minh chứng thực tế nào chứng tỏ có tự do dân quyền trong xã hội, vì người Nhật Bản đã nhiễm quá nặng bản tính nhu nhược, không còn nhìn ra bản sắc vốn có của mình.
Tóm lại, hiện nay Nhật Bản có chính phủ, có cả dân. Nhưng có lẽ chúng ta mới chỉ có dân mà chưa có “quốc dân Nhật Bản”.
12. Khai hóa văn minh bắt đầu từ việc tự mình bắt tay vào làm và chứng minh bằng thực tế cụ thể, cho mọi người tận mắt thấy việc thực. Làm trước nói sau. Chứ không thể để như tình trạng nước ta hiện nay, hễ định làm gì cứ phải họp bàn, giải thích, thảo luận dài dòng vô bổ. Chính phủ có quyền ban bố chỉ thị, mệnh lệnh. Nhưng hiểu và biến chúng thành hiện thực phải là nhân dân, là khu vực tư nhân. Chính vì thế, song song với việc mở trường tư thục, chúng ta quyết định thực hiện sự nghiệp khai sáng cho dân chúng bằng cách giảng dạy học thuật, làm thương nghiệp, nghiên cứu luật pháp, xuất bản sách, phát hành báo, với tư cách của một người thuộc khu vực tư nhân, không nằm trong chính phủ.
Chúng ta làm việc này trong phạm vi, bổn phận của một quốc dân làm theo luật pháp, không sợ làm mất mặt chính phủ. Nếu chính phủ đi ngược lại lợi ích của nhân dân, với bổn phận của mình, chúng ta sẽ đường đường chính chính kháng nghị, tranh luận với chính phủ cho đến khi chính phủ tỉnh ngộ, giành lại chữ “Tự do Dân quyền”.
13. Trình độ của nền văn minh hiện có ở nước ta là kết quả của bao đời ông cha chúng ta tự lực làm nên, nhưng nếu đem so với phương Tây thì rõ ràng “mình mới bước được một bước thì người ta đã nhảy ba bước”. Đã chậm hơn phương Tây thì đương nhiên phải học, đằng này trong chúng ta lại nảy sinh tư tưởng chỉ biết ngồi bi quan than thở: vì họ chạy nhanh như vậy ta có cố mấy cũng chẳng làm sao mà bằng được phương Tây.
Đến giờ chúng ta mới cảm nhận được môt thực tế là nền độc lập của nước ta sao mà mong manh, yếu ớt đến khi đứng trước sức mạnh của phương Tây.
14. Không thể đánh giá được công cuộc khai hóa văn minh của một nước nếu chỉ nhìn vào diện mạo bề ngoài không thôi. Dù chính phủ Minh Trị có tự mãn đến mấy vì đã xây dựng đợc rất nhiều trường học, nhà máy xí nghiệp, xây dựng lục quân hải quân, thì tất cả những thứ đó cũng chỉ là cái vỏ bên ngoài, chỉ là “phần xác” của một quốc gia văn minh. Để hoàn thiện hình thức bề ngoài thì rất đơn giản vì chỉ cần có tiền. Có tiền là xây được trường học, mua được máy móc, dựng được nhà xưởng, trang bị, súng ống, tàu bè cho quân đội.
Nhưng, có một vấn đề không hiện ra thành hình ở đây. Vấn đề này mắt không nhìn thấy, tai không nghe được, không thể mua bán, không thể vay mượn. Nó liên quan tới hết thảy người Nhật Bản chúng ta. Nó có ảnh hưởng rất mạnh. Không có nó, mọi hình thái của văn minh như những gì mà tôi đã nêu ra ở trên đều không thể phát huy được hiệu quả trong thực tế. Nó là cái quan trọng nhất và phải được coi là “phần hồn” của văn minh. Vậy đó là cái gì?
Đó chính là: “Chí khí độc lập của nhân dân, tinh thần độc lập của nhân dân”!
15. Thời gian qua, chính phủ nước ta ra sức xây dựng trường học, chấn hưng xí nghiệp nhà xưởng, cải cách quân đội và hầu như đã hoàn tất diện mạo bề ngoài, “phần xác” của một nước văn minh trên đất Nhật Bản. Thế nhưng, cái quan trọng nhất mà chúng ta thiếu đó là chí khí, tinh thần của nhân dân để đưa đất nước thực sự độc lập, thực sự bình đẳng với phương Tây. Nhân dân ta cũng không có cả chí khí tinh thần quyết không để đất nước thua kém phương Tây. Và không chỉ nhân dân không có chí khí đó tinh thần đó mà ngay cả những quan chức chính phủ – những người có trách nhiệm phải tìm hiểu phương Tây – cũng thế, chưa tìm hiểu thì họ đã tặc lưỡi buông xuôi, vì chính họ cũng mang tâm lý tự ti, mặc cảm trước phương Tây. Đã tự ti và mặc cảm như vậy thì còn đầu óc đâu để mà tỉnh táo nắm bắt tình hình được nữa.
Vấn đề chính là ở chỗ: nếu không có chí khí độc lập, tinh thần độc lập thì mọi hình thái của văn minh chỉ còn là hình thức, hoàn toàn vô dụng.
16. Chính quyền phong kiến Mạc phủ trước đây, chỉ biết dùng quyền lực để cai trị, còn chính phủ Minh Trị hiện nay, dùng cả sức và trí để cai trị. Chính quyền cũ không biết thủ thuật để cai trị dân, còn chính phủ mới bây giờ thì ngược lại. Chính quyền cũ dùng mọi cách làm tê liệt, làm rã rời sức dân, chà đạp tới tận chân tơ kẽ tóc của dân, quy định cả cách ăn mặc, đi đứng của mọi thành phần trong xã hội, trừng phạt nghiêm khắc mọi sự lẫn lộn. Còn chính phủ hiện nay thì cai trị khéo léo tới mức người dân bị lấy mất cả “hồn lẫn xác” mà cũng không hay. Vì thế, dân ta trước sợ chính quyền như sợ ma quỷ, còn dân ta ngày nay thì tôn chính quyền lên như thần thánh để thờ…
17. … trường học là trường học của chính phủ, quân đội là quân đội của chính phủ. Đường sắt, bưu điện, điện tín, công trình kiến trúc bằng đá, cầu cống bằng sắt thép cũng như vậy. Tất cả đều là của chính phủ.
Người dân suy nghĩ về những việc trên như thế nào? Và dân chúng nói với nhau ra sao? Họ bảo rằng: “Chính phủ hiện nay vừa có sức mạnh vừa có đầu óc, nên chẳng ai có thể đọ nổi. Chính phủ ở trên cao trị quốc, mọi thứ đã có chính phủ lo nghĩ và làm cho rồi. Còn chúng ta là loại dân đen ở dưới, cứ có cái ăn để sống là được. Việc nước là chuyện đại sự, là việc của “các quan trên”, chứ đâu phải là việc của lũ dân đen mình là lo”.
…
Nếu nhân dân ta không tỉnh ngộ, không nhận ra sự “lầm tưởng” mà cứ thế quen dần với tình trạng như hiện nay, thì chính phủ có đổ công đổ của để hoàn thiện “cái vỏ” văn minh nhiều đến đâu đi nữa cũng chỉ tổ làm cho khí lực trong dân ngày một mất đi và như thế tinh thần – phần hồn của văn minh – cũng suy yếu theo.
18. Cả ngàn năm qua, chính phủ nắm trong tay mọi quyền hành trên đất nước… Nhân dân chỉ còn biết nhắm mắt tuân theo các chỉ thị của chính phủ. Đất nước ta giống như tài sản riêng của chính phủ, còn nhân dân chẳng khác nào như những người ăn nhờ ở đậu vậy… Và thế thì quốc gia cũng chỉ như cái nhà trọ, để người dân tạm dừng chân trong cuộc đời họ mà thôi…
19. Tại sao lũ chí sĩ rởm lại cứ hoành hành mãi vậy? Bọn này hễ cứ mở miệng là đều có cùng giọng điệu… Người thường dễ bị lừa phỉnh bằng vẻ ngoài của chúng. Kỳ thực bọn chúng đều là một lũ chí sĩ rởm cả. Được cất nhắc vào chức vụ cao một chút, ngoài lương bổng, phụ cấp quy định ra, không hiểu sao tiền cứ vào như nước. Hóa ra, kẻ trông coi việc xây cất thì luôn thúc giục chủ thầu phải cống lễ. kẻ trông coi ngân khố thì đòi thị dân phải biếu xén quà cáp mới cho vay tiền. Những chuyện như vậy diễn ra như cơm bữa đến độ trở thành lệ…
20. Người ta thường nói: “Trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người”. Kể từ khi tạo hóa làm ra con người thì tất cả sinh ra đều bình đẳng, mọi người đều có tư cách, có địa vị như nhau, không phân biệt đẳng cấp trên dưới, giàu nghèo.
Loài người, chúa tể của muôn vật, bằng hoạt động trí óc và hoạt động chân tay mà biến mọi thứ có trên thế gian thành vật có ích cho bản thân mình. Nhờ thế mà thỏa mãn được nhu cầu ăn, mặc, ở, sống tự do theo ý muốn và không làm phiền, làm cản trở cuộc sống của đồng loại. Con người có thể sống yên ổn, vui vẻ trên thế gian. Đó là ý Trời, là niềm hi vọng của Trời đối với con người.
Vậy mà nhìn rộng ra khắp xã hội, cuộc sống con người luôn có những khoảng cách một trời một vực. Đó là khoảng cách giữa người thông minh và kẻ ngu độn; giữa người giàu và kẻ nghèo; giữa tầng lớp quý tộc và tầng lớp hạ đẳng.
Như thế là tại làm sao? Nguyên nhận thực ra rất rõ ràng.
Cuốn sách dạy tu thân “Thự ngữ giáo” có câu: “Kẻ vô học là người không có tri thức, kẻ vô tri thức là người ngu dốt”. Câu nói trên cũng có thể hiểu: Sự khác nhau giữa người thông minh và kẻ đần độn là ở chỗ có học hay vô học mà thôi.
Trên thế gian có cả việc khó lẫn việc dễ. Người làm việc khó được coi là người quan trọng. Người làm việc dễ thường có địa vị thấp, bị coi thường. Công việc cần sự khổ nhọc về tinh thần được xem là việc khó, còn lao động chân tay là việc dễ. Vì thế học giả, quan chức chính phủ, giám đốc các công ty lớn, chủ trang trại sử dụng nhiều nhân công… là những người có địa vị cao, quan trọng. Và một khi đã là những người có địa vị, quan trọng thì đương nhiên gia đình họ cũng giàu sang sung túc đến mức tầng lớp hạ đẳng nằm mơ cũng không được. Tuy vậy, nếu suy nghĩ kỹ lưỡng gốc rễ của vấn đề thì chỉ có một nguyên nhân. Đó chẳng qua là do có chịu khó học hay không mà thôi, chứ có người nào được trời phú đâu. Ngạn ngữ có câu: “Trời không ban cho con người phú quý. Chính con người tạo ra giàu sang phú quý.” Có nghĩa là Trời nhìn vào kết quả hoạt động, lao động của con người để ban thưởng.
Như tôi đã đề cập: Ở con người vốn dĩ không có chênh lệch sang hèn, giàu nghèo. Vì thế, có thể nói rằng: Người chịu khó học, hiểu biết nhiều sẽ trở thành người quan trọng, sống sung túc; người vô học sẽ trở thành con người thấp kém, nghèo khổ.
21. Thử nhìn vào công cuộc văn minh đang diễn ra trên đất nước ta mà xem, tôi chỉ có thể nói rằng chúng ta đang làm ngược với quy luật.
Ở nước Nhật chúng ta hiện nay, người chủ trương thúc đẩy văn minh, gìn giữ độc lập trước áp lực phương Tây là những người thuộc tầng lớp giữa trong xã hội, là các nhà trí thức và đơn độc chỉ có họ. Nhưng số đó cũng chỉ là thiểu số ít ỏi. Còn đa phần các trí thức đều thiếu con mắt nhận biết thời cuộc. Họ yêu quý và lo giữ chỗ cho bản thân hơn là lo lắng, ưu tư cho đất nước. Đối với họ, gió chiều nào theo chiều đó. Đa số các trí thức kiểu này luôn rình rập tìm kiếm lợi ích trước mắt, săn đón cơ hội leo vào hàng “quan chức”, sa vào các sự vụ quản lý vặt vãnh, tiêu phí thời gian bằng nhưng việc vô bổ, xa rời công việc nghiên cứu, học thuật. Họ thỏa mãn với quyền cao bổng hậu. Tệ hại hơn nữa, họ lại tự cao tự đại: “Uyên bác như chúng tôi đã tập trung hết trong hàng ngũ chính quyền rồi, trong xã hội đâu còn ai?”
Tôi buộc phải nói rừng những người trí thức như vậy là nỗi bất hạng cho công cuộc văn minh đất nước. Lẽ ra phải đảm nhiệm vai trò mở mang, nuôi dưỡng văn minh với tư cách của người trí thức, thì họ lại vùi đầu vào việc kiếm lợi cho riêng bản thân, họ chẳng bận tâm đến sự thoái hóa của tinh thần học vấn trong xã hội, đất nước ra sao họ cũng mặc. Như thế mà vẫn tự cho mình là trí thức được sao?
Đó là một thực tế đáng hổ thẹn.
22. Chúng ta chỉ có một mục đích gánh vai nâng đỡ tinh thần độc lập trong nhân dân.
Chúng ta lẻ loi, đang đứng mũi chịu sào trong cơn cuồng phong, trong dòng nước xiết, chúng ta đang phải gồng mình chống chọi với cả một trào lưu đang làm thoái hóa xã hội. Nhiệu vụ của chúng ta thật khó khăn. Nhưng chính lúc này đòi hỏi chúng ta phải có lòng quả cảm và tinh thần cương quyết.
Dũng khí của con người không sinh ra từ sách vở.
Đọc sách là phương tiện nâng cao học vấn.
Học vấn là phương pháp tiến tới thực tiễn.
Chính kinh nghiệm, sự từng trải sản sinh ra lòng quả cảm.
Hội Keio chúng ta, bất chấp khó khăn, bất chấp gian khổ, nguyện đem hết tri thức kiến thức có được, xây đắp con đường phát triển văn minh. Để đi tới đó, chúng ta không phân biệt, không từ nan bất kỳ lĩnh vực nào, ngành học nào. Chúng ta làm thương nghiệp, khuyến nông, viết sách, dịch sách, phát hành báo, tất cả những gì liên quan tới văn minh.
Mỗi người chúng ta phải suy nghĩ về vai trò, sự đóng góp của bản thân, phải đi tiên phong trong nhân dân. Chúng ta cùng hợp tác với chính phủ.
Sức dân và sức chính quyền có cân bằng thì tiềm lực quốc gia mới gia tăng, nền móng độc lập của quốc gia mới vững chắc, có như vậy nước ta mới mong được bình đẳng với phương Tây.
23. Nhân dân lẫn chính phủ, nếu cả hai phía đều làm trọn bổn phận, trách nhiệm của mình thì chẳng cần phải nói gì thêm cả. Nhưng cũng có những lúc chính phủ đi chệch hướng, thi hành lối chính trị chuyên chế bạo tàn, chạy theo quyền lực vô tri thức. Những lúc như thế, nhân dân buộc phải hành động. Và sẽ hành động theo một trong ba giải pháp như sau. Hoặc từ bỏ khí tiết, khuất phục chính phủ. Hoặc phản kháng chính phủ bằng bạo lực. Hoặc sẵn sàng hiến thân, hy sinh tính mạng chứ không chịu để mất khí tiết.
Tôi xin giải thích rõ hơn.
– Giải pháp thứ nhất: Nếu chấp nhận vứt bỏ khí tiết, tuân theo chính phủ vô điều kiện thì có thể coi đây là giải pháp mù quáng. Tôi đã giải thích ở phần trước: Đạo làm người là tuân theo đạo trời. Nếu vất bỏ đạo lý, khí tiết, đồng lõa với những sai trái bất chính thì tự chúng ta đã làm hỏng vị thế của con người, và tập quán xấu đó sẽ truyền tới đời con, đời cháu. (…)
– Giải pháp thứ hai: cá nhân chống lại chính quyền, là điều không tưởng. Vì thế mà tập hợp nhau, lập nhóm lập đảng gây nên nội chiến, nội loạn. Cách này tôi không cho là cách làm nghiêm túc. Bởi nếu xảy ra nội loạn thì vấn đề phân biệt thiện, ác sẽ bị loại bỏ. Các bên chỉ dựa vào sức mạnh trên chiến trường để giải quyết. Và kẻ thắng sẽ quyết định tất cả. (…)
– Giải pháp thứ ba: giữ trọn đạo lý chính nghĩa, sẵn sàng hy sinh mạng sống trước mọi áp bức của chính quyền. Tức là tin tưởng một lòng một dạ vào đạo Trời, dù phải chịu mọi cực hình của chính quyền chuyên chế, bạo ngược cũng không khuất phục, giữ vững khí tiết, bảo vệ chân lý, niềm tin, hơn nữa không bao giờ sử dụng vũ khí bạo lực, chỉ dùng đạo lý để kháng cáo với chính phủ (…)
24. Nếu chúng ta chất vấn chính quyền bằng lý lẽ thì những luật pháp tốt hoặc những chính sách tuyệt vời hiện hành trong quốc pháp không bị ảnh hưởng. Thuyết phục bằng lý lẽ, điều đó sẽ thấm dần vào lòng người theo lẽ tự nhiên. Năm nay, thuyết phục chưa được thì sang năm tiếp tục thuyết phục cho tới khi chính quyền hiểu ra. Vì mục đích của nó là ngăn chặn và cải thiện bất chính trong chính quyền. Và một khi chính phủ đã chấp thuận cải thiện chính sách thì việc chất vấn chính phủ cũng sẽ chấm dứt.
Nếu chúng ta dùng sức mạnh đối địch với chính phủ thì chính phủ cũng sẽ đáp lại bằng việc đàn áp, bắt bớ. Quan chức chính phủ dù có là những kẻ bạo chính thì cũng là người Nhật chúng ta cả. Trước những lời lẽ đúng với đạo lý của những người chất vấn chính phủ trong hòa bình và sẵn sàng hy sinh thân mình vì đạo lý đó thì không có lẽ không thuyết phục hoặc không làm lay động được các quan chức chính phủ. Tôi nghĩ rằng họ không thể không hối hận về những lầm lỗi, sai trái của họ và sẽ cải tà quy chính.
25. Nếu khảo sát cụ thể các hoạt động ở mỗi con người thì sự hoạt động đó có thể chia thành hai loại như sau:
Thứ nhất là hoạt động với tư cách của một cá nhân độc lập.
Thứ hai là hoạt động với tư cách của một thành viên trong xã hội con người.
Mưu cầu cái ăn, cái mặc, chỗ ở ổn định dựa vào hoạt động của khối óc và cơ thể là lẽ thường tình ở con người.
(…) Tất nhiên, đối với con người việc tự lập kiếm kế sinh nhai rất quan trọng. Người xưa thường dạy: “Hãy kiếm sống bằng chính mồ hôi của mình”. Thế nhưng theo tôi, cho dù chúng ta có làm đúng theo lời dạy này thì cũng chưa phải là đã làm đúng trách nhiệm và nghĩa vụ với tư cách là con người. Lời dạy này mới dừng lại ở chỗ răn người ta làm người thì đừng để thua kém muông thú và cũng chỉ dạy có thế.
Các loài chim chóc, muông thú, tôm cá, côn trùng… tự chúng không kiếm mồi được sao? Ví như loài kiến chẳng hạn. Loài kiến không những biết kiếm mồi mỗi ngày mà còn biết làm hang, làm tổ, tích trữ mồi trong suốt mùa đông giá rét.
Vậy mà trên đời này, có không ít người, hành vi của họ cũng chỉ ngang với đàn kiến thôi mà cũng tự mãn.
(…) Nhưng, tôi lại hoàn toàn không nghĩ rằng loài người với tư cách là chúa tể của muôn loài – mới có được kết quả nhỏ nhoi như vậy mà đã coi là hoàn tất mục đích đích thực của cuộc đời.
Giải quyết được cái ăn, cái mặc, chỗ ở mà đã mãn nguyện, đã cảm thấy hài lòng rồi thì hóa ra cuộc đời con người trên thế gian này chỉ đơn thuần là được sinh ra rồi chết đi thôi hay sao? Tình trạng lúc anh ta chết đi có khác gì lúc được sinh ra. Tức là quanh quân vẫn chỉ là chuyện sao cho có nhà cửa, có cuộc sống ổn định và có của ăn của để nữa. Vẻn vẹn chỉ có vậy. và nếu đến thế hệ con cháu, cũng lặp đi lặp lại y hệt cuộc sống của anh ta thì dù có trải qua hàng trăm đời, làng xóm thị trấn nơi anh ta đã sống xưa thế nào nay chắc cũng vậy, không chút thay đổi.
Không một người nào nghĩ tới sự nghiệp công ích, công cộng, chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân và gia đình. Ngoài ra thì mặc kệ.
Không một người nào có suy nghĩ là phải làm gì, để lại cái gì cho quê hương khi đang còn sống.
Người châu Âu có câu: “Nếu mọi người ai cũng chỉ mong thỏa mãn và an nhàn cho riêng cá nhân mình, thì thế gian này cũng không có gì khác khi mới có loài người”.
26. Một khi còn sống trên đời, còn giao tiếp với mọi người thì bản thân mỗi con người vẫn còn là một thành viên trong xã hội. Cho nên lẽ đương nhiên là phải có nghĩa vụ với xã hội. Ngay cả học vấn, kỹ thuật, chính trị, luật pháp… không có cái nào là không cần thiết để cho con người sống trong xã hội, tất cả những thứ này sinh ra là vì xã hội con người.
(…)
Con người ta, bất kỳ là ai, hễ có chút ít “sở trường” là đều muốn đem ra giúp ích cho đời. Đó âu cũng là lẽ thường. Nhiều khi tưởng chừng như con người không có ý thức vì xã hội, nhưng rồi không biết bằng cách nào mà con cháu họ vẫn nhận được ơn huệ. Đó là vì trong con người có thiện tâm, nên các nghĩa vụ trong xã hội rồi cũng đều được thực hiện.
Nếu trong xã hội từ xa xưa mà không có những con người như vậy thì chúng ta ngày nay đâu có được hưởng thành quả văn minh đang tràn đầy khắp nơi trên thế gian.
27. Mục đích của học vấn phải đặt ở tầm cao.
Nếu tôi không nhầm thì việc nấu cơm, đun nước cũng là học vấn. Việc bàn luận về quốc gia đại sự cũng là học vấn. Nhưng lo cuộc sống của gia đình thì dễ hơn lo kinh tế, chính trị của một quốc gia. Hơn nữa trên đời này cái gì dễ kiếm thì ít được quý trọng, càng khó kiếm thì giá trị càng cao.
Tôi nhận thấy sinh viên hiện nay có xu hướng né tránh việc khó, tìm kiếm việc dễ.
Dưới thời phong kiến, người học có miệt mài học hành cũng không có chỗ để ứng dụng học vấn, vì trong xã hội đó con người mất tự do. Do vậy cực chẳng đã họ chỉ còn biết học, tự mình tích lũy học thức. Vì thế, sinh viên chúng ta hiện nay khó mà theo kịp họ về tri thức.
Sinh viên hiện nay không bị bất kỳ hạn chế cả. Cứ có học là có thể ứng dụng ngay kết quả học tập vào thực tế. Tôi lấy ví dụ, các sinh viên theo ngành Âu học trong ba năm, họ học lịch sử, học vật lý… Sau khi ra trường họ được tuyển dụng ngay tức thì để làm giáo viên giảng dạy, hoặc đi làm công chức chính quyền nếu họ muốn. Ngoài ra, nhiều người còn tìm cách đơn giản hơn, nhanh hơn. Đó là chỉ cần lùng sục và đọc qua các cuốn sách dịch đang bán chạy, đi đây đi đó để có chút thực tế, tích lũy thêm một ít thông tin trong và ngoài nước, gặp dịp may là được chọn ngay vào làm việc trong các công sở. Thế là họ nghiễm nhiên trở thành một thành viên đắc lực trong bộ máy nhà nước.
Những điều tôi lo sợ là các hiện tượng trên đây nếu trở thành xu hướng, thành trào lưu trong xã hội thì học vấn sẽ mất đi bản chất đích thực và mục đích cao quý của nó.
(…) Chỉ đến khi trên khắp mọi miền đất nước Nhật Ban, nơi đâu cũng gặp những người vừa có tài, vừa có đức, ngày đêm rèn giũa và tích lũy thực lực thì ắt hẳn đến một ngày nào đó, chúng ta sẽ ngang hàng, sánh vai với nền văn minh của các cường quốc phương Tây.
28. Tạm gác sang bên vị trí của cá nhân, nếu chúng ta quan tâm tới nghĩa vụ đối với xã hội, thì trước hết là không làm vẩn đục danh dự người Nhật Bản, tiếp đến là mọi người dân đồng lòng góp sức mang lại vị trí quốc tế trong độc lập và tự do cho Nhật Bản. Như thế mới được coi là làm tròn nghĩa vụ giữa cá nhân và xã hội.
Tôi thừa nhận những người đang toại nguyện với cuộc sống của bản thân họ trong căn nhà riêng của mình là những người độc lập. Nhưng tôi không thể thừa nhận họ là những người Nhật Bản độc lập được. Hãy thử nhìn kỹ xem. Ở thời điểm này, nền văn minh của nước Nhật Bản chỉ có Danh mà không có Thực. Về hình thức thì trông cũng được đấy, nhưng về tinh thần thì thật đáng buồn lòng.
Lực lượng quân sự của Nhật Bản, từ lục quân tới hải quân có khả năng kháng cự với lực lượng quân sự của các cường quốc phương Tây chưa? Hiển nhiên là chưa. Nước Nhật không thể chống chọi được với các thế lực phương Tây trong lúc này.
Thế còn trình độ học vấn của Nhật Bản hiện nay ra sao? Với nền học vấn hiện thời, chúng ta có thể đem rao giảng cho người phương Tây không? Rõ ràng là không có cái gì cả. Ngược lại, chúng ta phải học ở họ mọi thứ. Và không chỉ đơn thuần là cứ học những thứ mà chúng ta chưa có là được…
29. Những hỗn loạn trong buổi đầu du nhập văn minh phương Tây là điều không tránh khỏi. Việc chính phủ Nhật Bản yêu cầu phương Tây viện trợ, cung cấp văn minh cho chúng ta cũng không phải là sai.
Nhưng điều quan trong mà tôi muốn nói là tất cả những gì đang diễn ra trên đất nước ta hiện nay cũng chỉ là giải pháp nhất thời. Chúng ta không thể thuê vĩnh viễn người phương Tây làm thay chúng ta*). Chúng ta ra sức học tập họ, nhưng không nên quá sùng bái, tôn thờ họ. (* – Để học hỏi thể chế chính trị, xã hội và kỹ thuật phương Tây, chỉ riêng chính phủ Minh Trị đã thuê hơn 500 chuyên gia, học giả trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là Giáo dục, Luật pháp, Xây dựng, Nông nghiệp và In ấn, sang Nhật Bản làm việc trong suốt thời kỳ Minh Trị duy tân (1868-1912))
Có cách nào để Nhật Bản không phụ thuộc vào quốc gia khác? Làm như thế nào để chúng ta có thể đi trên đất nước mình bằng chính đôi chân của chúng ta? Để đạt được điều này, chúng ta còn phải vượt qua cả một chặng đường vô cùng khó khăn.
Các bạn sinh viên! Chỉ có một cách, đó là các bạn phải ra sức học tập, chờ ngày đem mọi tinh lực ra phục vụ cho đất nước. Chính điều này cũng là trách nhiệm mà các bạn phải gánh trên vai, là trách nhiệm vô cùng cấp bách.
30. Dù thế nào đi nữa thì sự nghiệp khẩn cấp nhất – vì đất nước Nhật Bản hiện này – là mọi quốc dân chúng ta, bất kể người nào cũng phải học tập, phải nghiên cứu. Nhất là sinh viên – những người ý thức rõ nhất nghĩa vụ của công dân – lại càng không thể bàng quan trước sự tình của đất nước. Phấn đấu học tập là công việc quan trọng nhất trong lúc này của các bạn.
Nếu nghĩ được như vậy thì sinh viên hiện nay quyết không thể thỏa mãn với một chút kiến thức học được ở trong nhà trường. Cần phải đặt mục tiêu cao hơn, xa hơn. Cần tìm hiểu cặn kẽ bản chất của học thuật. Cần phải xây dựng được vị trí đích thực. Dù chỉ một mình – không có bạn cùng chí hướng – cũng phải có khí phách để xây dựng đất nước Nhật Bản, tận tâm tận tụy đem hết mọi khả năng đóng góp cho xã hội.
Từ trước tới nay, tôi vốn không ưa lối học của các sĩ phu, các nhà nho tối ngày vùi đầu dùi mài kinh sử, làm thơ phú, câu đối… theo kiểu khoa cử Trung Hoa. Vì với lối học đó, có đỗ đạt ra làm quan, họ chỉ biết cai trị xã hội, cai trị dân chúng hoàn toàn theo cảm tính. Chính vì thế, ngay từ Phần 1, tôi đã nhấn mạnh đến sự cần thiết của “Thực học”, học các môn tự nhiên, các môn xã hội, ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày, sao cho tất cả mọi người đều có thể gây dựng cuộc sống bằng trách nhiệm và khả năng của mình. Tôi nhấn mạnh tới tầm quan trọng về sự bình đẳng giữa các tầng lớp trong xã hội.
31. Việc tìm kiếm chân lý thường bắt đầu từ sự hoài nghi
Những tiến bộ của văn minh đều ra đời từ sự phát hiện chân lý trong quá trình nghiên cứu mọi sự vật tự nhiên xung quanh ta. Nguyên nhân phát triển của nền văn minh phương Tây cũng xuất phát từ tinh thần hoài nghi. Galile tìm ra thuyết trái đất quay quanh mặt trời vì nghi ngờ thuyết mặt trời quay quanh trái đất. Newton tìm ra quy luật vạn vật hấp dẫn từ việc quan sát trái táo rơi. Watt phát minh ra máy hơi nước do để ý tới hơi khói bốc ra từ phích nước. Tất cả đều đạt tới chân lý xuất phát từ sự hoài nghi trước các hiện tượng, sự vật.
Và không phải chỉ có khoa học tự nhiên, những tiến bộ của khoa học xã hội cũng vậy. Từ chỗ hoài nghi chế độ chiếm hữu nô lệ, nên đã đề xuất Luật cấm buôn bán nô lệ. Và về sau, Thomas Clark đã chấm dứt thảm cảnh này. Hoài nghi về Công giáo Roma, Martin Luther đã thực hiện cải cách tôn giáo. Nhân dân Pháp vì căm giận sự bạo ngược của tầng lớp quý tộc nên đã làm cuộc cách mạng Pháp. Nhân dân mười ba bang Hoa Kỳ đã giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh giành độc lập vì hoài nghi những luật lệ của Anh Quốc. Chưa hết, người Nhật Bản thường nghĩ rằng đàn ông làm việc ngoài xã hội, còn đàn bà trông nom nhà cửa, cơm nước trong nhà. Nhưng Steward Mill đã viết bài “Giải phóng phụ nữ” để xóa bỏ tập quán này. Nước Anh với học thuyết mậu dịch tự do được cả giới kinh tế trên toàn cầu thừa nhận. Nhưng tại Hoa Kỳ, các học giả lại chủ trương học thuyết bảo hộ mậu dịch, thể hiện lập trường coi trọng việc nuôi dưỡng và bảo vệ các ngành sản xuất trong nước.
Tại phương Tây, cứ một học thuyết ra đời thì lại có học thuyết mới phản biện lại. Những cuộc tranh luận với các ý kiến, học thuyết khác nhau diễn ra liên tục không ngừng.
Hãy thử so sánh thực tế đó với tình hình tại các quốc gia châu Á xem sao? Châu Á vẫn trong vòng mê muội. Người ta vẫn tin không một chút nghi ngờ vào lời của những người được coi là thánh nhân từ hàng ngàn năm về trước, vẫn mê tín dị đoan,vẫn tin vào lời nói của các đồng cốt. Chẳng thể nào so sánh, hoàn toàn không thể bàn luận được với người phương Tây.
Tuy vậy, việc mang trong lòng sự hoài nghi, khởi xướng ra dị thuyết, tìm tòi chân lý là một việc hết sức khó khăn, nó giống như muốn giong thuyền ra khơi trong khi gió ngược vậy. Nhưng có khi vận may, gió thuận thì chẳng tốn nhiều công sức, thuyền vẫn tiến thẳng.
Tuy vậy, đừng có ảo tưởng sẽ gặp vận may như vậy trong xã hội.
Có một cách để đạt tới chân lý là phải vượt qua được cuộc phản biện, phải bảo vệ được chính kiến của mình trước mọi ý kiến đối nghịch.
33. Hoài nghi sinh ra chân lý.
– … Học vấn không phải là việc chỉ có đọc và cứ đọc thật nhiều sách là đủ. Bản chất của học vấn phụ thuộc vào khả năng ứng dụng. Có học vấn mà không ứng dụng được vào cuộc sống thực tế thì chẳng khác gì vô học.
…
Nếu nhìn vào thực trạng giờ học ở các trường thành phố thì thấy học sinh có vẻ siêng năng học tập lắm, cứ đà này xem ra tất cả sẽ trở thành học giả. Nhưng nếu thu hết sách giáo khoa và vở chép của chúng, và “trò ở đâu trả về quê đấy” thì sự thể sẽ ra sao? Chắc là khi cha mẹ, bè bạn hỏi đến thì học sinh chỉ còn nước: “Học vấn đề quên tại Tokyo mất rồi”.
Theo như suy nghĩ của tôi, bản chất thực sự của học vấn là phải động não suy nghĩ, chứ không phải chỉ là đọc sách một cách đơn thuần.
Và để ứng dụng sống động suy nghĩ vào cuộc sống thực tế thì cần phải biết trù tính, lo liệu. Tức là phải quan sát sự vật. Phải suy đoán đạo lý của sự vật. Phải đưa ra chính kiến, cách nghĩ cách làm của bản thân mình. Ngoài ra đương nhiên là còn phải đọc sách, phải viết sách. Phải nói lên ý kiến của mình cho người ta nghe. Phải tranh luận. Biết vận dụng tổng hợp các biện pháp như vậy thì mới được gọi là nghiên cứu học vấn.
Quan sát sự vật, suy luận, đọc sách là cách để tích lũy tri thức.
Bàn bạc, tranh luận là cách để trao đổi tri thức.
Viết, diễn thuyết là các để mở rộng tri thức.
Trong các biện pháp trên đây, có cái đạt được bằng sự nỗ lực của chính bản thân mình. Có cái cần có người bàn, người nghe. Đó là khi tranh luận, diễn thuyết. Và như vậy cần thiết phải tổ chức các buổi tranh luận và diễn thuyết.
Hiện nay, vấn đề lo ngại nhất ở nước ta là dân trí quá thấp kém. Khai sáng quốc dân, đưa họ đến tầm cao kiến thức vốn được xem là nhiệm vụ cơ bản của các học giả. Vì vậy, các học giả, khi đã nắm bắt được cách thức nghiên cứu, thì phải nỗ lực làm tròn vai trò này.
Tranh luận, diễn thuyết cần thiết ra sao và có tầm quan trọng thế nào, các bạn đều đã rõ. Nhưng tại sao đến giờ này nó vẫn chưa được thực hiện ở nước ta? Tôi buộc phải nói rằng đó là do các học giả quá lười biếng.
Hành vi, hoạt động của con người thường hướng theo hai phần: trong và ngoài. Cần phải nỗ lực cả hai.
Đa số các học giả hiện nay thường chỉ hoạt động hạn hẹp trong phạm vi cá nhân. Họ e ngại, chây lười không muốn mở rộng ra thế giới bên ngoài. Hãy mau tỉnh ngộ. Chỉ khi nào có kiến thức sâu như vực thăm, tiếp xúc trao đổi với người khác như chim tung cánh mở rộng tự do tự tại trong không trung, mới đúng là học giả thực thụ.
34. Thói xấu xa tệ hại nhất trong xã hội là tham lam. Nguồn gốc của tham lam là ở chỗ trói buộc tự do. Vì thế, ngôn luận phải được tự do. Hoạt động của con người không thể bị cản trở.
Thử so sánh giữa xã hội Nhật Bản và xã hội các nước Âu Mỹ xem sao. Xã hội nào gần giống với tình trạng trong chốn hậu cung (thói tham lam hoành hành) nói trên? Chẳng phải là xã hội Nhật Bản đó sao. Ở dân chúng Anh, Mỹ không phải là không có thói tham lam, xa xỉ, lỗ mãng… Họ cũng không thiếu những kẻ lừa đảo, bịp bợm. Và không phải là cái gì trong phong tục của họ cũng đều tốt đẹp cả.
Nhưng có một điểm không thể nói là giống hệt với tình trạng của xã hội Nhật Bản. Đó là tham vọng. Trong xã hội văn minh người ta không đến nỗi ghen ghét, căm tức trước hạnh phúc của người khác và ngấm ngầm cầu mong cho người khác gặp bất hạnh như con người trong xã hội Nhật Bản.
Hiện nay, trong xã hội Nhật Bản, những người hiểu biết, các thức giả đang lên tiếng đòi tự do xuất bản, tự do ngôn luận, yêu cầu lập viện dân biểu. Vì sao và hoàn cảnh nào hoặc những thức giả phải lên tiếng như vậy?
Xã hội không thể là chốn hậu cung như trước đây. Nhân dân không thể như những cung tần, mỹ nữ. Chỉ có đoạn tuyệt với tham lam, lòng đố kỵ, ghen ghét và được tự do mới có thể giành lại và dấy lên dũng khí ganh đua lẫn nhau. Hạnh phúc hay bất hạnh, danh dự hay nhơ nhuốc… phải làm sao để đó là kết quả đương nhiên từ nỗ lực của mọi cá nhân.
Cản trợ tự do ngôn luận, trói buộc hoạt động của dân chúng đa phần đều liên quan đến chính sách của chính phủ. Và ai cũng đổ hết cho nền chính trị. Nhưng thực ra không hẳn là vậy. Chính trong nhân dân cũng thải ra nhiều thứ độc hại không kém. Nếu chỉ cải cách chính trị không thôi cũng không thể gột sạch những thứ độc hại đó ngay được.
35. Vì sao cứ muốn quan hệ ngoài xã hội phải như quan hệ cha con trong gia đình?
Tôi lấy việc nuôi dạy một đứa con khoảng chín, mười tuổi làm ví dụ.
Khi nuôi con, cha mẹ thường không để ý xem chúng cần cái gì và suy nghĩ ra sao. Cho ăn, cho mặc thế nào hoàn toàn dựa theo cảm tính. Miễn là con ngoan ngoãn biết vâng lời, không làm trái ý mình thì trời lạnh sẽ cho mặc ấm, bụng đói sẽ cho ăn no. Thức ăn, manh áo, chỗ ở giống như của Trời cho, cần lúc nào có lúc đó, con cái không phải lo nghĩ.
Đối với người làm cha làm mẹ, con cái là thứ quý giá nhất. Nếu có chiều chuộng, có yêu thương hay mắng mỏ, có cho roi cho vọt, cũng đều là hành vi xuất phát từ hành vi tình thương chân thực.
Hình ảnh cha mẹ với con cái là một như vậy mới đẹp làm sao! Đương nhiên, trong mối quan hệ này, trên (cha mẹ) vẫn ra trên, và dưới (con cái) vẫn ra dưới. Hoàn toàn không có bất cứ một sự lẫn lộn nào.
Những người chủ trương một xã hội phân thành đẳng cấp, có trên có dưới, luôn ao ước quan hệ xã hội cũng được như quan hệ cha con trong một nhà (không có cai trị bằng “ác ý”). Mong ước đó rất hay nhưng có một vấn đề lớn phải suy nghĩ.
Thực ra, quan hệ cha con chỉ hình thành trong điều kiện cha mẹ là những người lớn, chín chắn và con cái là những đứa trẻ còn non dại. Mà phải là con đẻ mới được. Nhưng cho dù là con mình đẻ ra, khi tới độ tuổi nhất định thì người cha, người mẹ nào cũng cảm thấy chúng bắt đầu khó bảo. Và mối quan hệ cha con bất hòa dần theo thời gian.
Với con cái nhà mình còn khó, huống chi là với con cái nhà người. Bởi thế, quan hệ ở ngoài đời giữa những người lạ – mà đều đã trưởng thành – lại còn khó gấp bội. Vậy phải làm sao để có thể hình thành được mối quan hệ giữa người với người trong xã hội giống như quan hệ cha con trong gia đình? Biến lý tưởng thành hiện thực quả là không dễ.
Hơn nữa, một đất nước, một làng, một cính phủ, một công ty… tất cả những gì mà người ta gọi là “xã hội loài người” cũng đều là xã hội của những người đã trưởng thành, xã hội của những người không có quan hệ huyết thống với nhau. Trước một thực tế như vậy, mà lại mong ước áp đặt quan hệ cha con trong một nhà vào quan hệ người với người ngoài đời thì thật là ảo tưởng.
Nhưng dù biết là khó song ai cũng đều muốn biến trí tưởng tượng thành hiện thực. Con người là vậy. Và đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới đẳng cấp, địa vị trên dưới trong quan hệ giữa người với người, cũng chính là nguyên nhân sinh ra nền chính trị chuyên chế tàn bạo trong xã hội.
Vì thế tôi mới viết đoạn trên rằng: Nguyên nhân chính đẻ tra đẳng cấp, địa vị không xuất phát từ sự ác ý mà xuất phát từ trí tưởng tượng của con người.
Tại các quốc gia Á châu, người ta gọi quân chủ là “vua cha”, gọi dân chúng là “thần dân”, “con đỏ”. Ngoài ra, người ta còn gọi công việc của chính phủ là “mục dân” (chăn dân, trông coi dân). Ở Trung Hoa, người ta còn đặt tên cho các quan cai trị địa phương là “quan châu mục”.
Thực ra cái chữ “mục” ở đây, có nghĩa là chăn nuôi gia súc. Tức là đàn bò, bầy cừu dược người ta chăn dắt vỗ về ra sao thì dân chúng trong vùng cũng được chăn dắt như vậy. Họ công nhiên tán thành dương “chiêu bài” này. Đối xử với người dân như lũ ngựa non, bầy nai tơ. Càng làm vô cùng thất đức, ngạo mạn.
Tuy vậy, như tôi đã trình bày ở đoạn trên, việc họ coi dân chúng như lũ trẻ non dại, như bầy cừu, như đàn bò cũng không phải do ác ý gì. Chẳng qua họ cố gắn việc trị vì một đất nước theo kiểu cha mẹ chăm sóc, nuôi nấng con cái.
Để làm dược như vậy, họ tự tôn quân chủ là “vua cha” vừa có đức, vừa có tài. Tiếp đến, bên dưới lại có các quan đại thân anh minh sáng suốt giúp sức. Họ ra sức truyền bá trong dân chúng, rằng đấng quân chủ và các đại thần có tấm lòng trong như nước, ngay thẳng như “mũi tên”, tình thương bao la, lo cho dân từng bát cơm, manh áo, từng chốn nương thân. Dân đói thì cho gạo, gặp hỏa hoạn thì cho tiền bạc.
Cứ như thế, ơn đức của đấng quân chủ như luồng gió nam mát rượi thổi vào dân chúng. Còn dân chúng tuân phục đấng quân chủ như cờ phướn cuộn bay theo gió, nhũn như con chi chi, vô cảm như sỏi đá. Đấng quân chủ và thứ dân quyện vào nhau. Thế gian yên ổn thanh bình.
Nghe họ ca tụng mà cứ ngỡ là quang cảnh trên thiên đường đang hiện ra trước mắt!
Tuy vậy, thử suy ngẫm hiện thực xã hội sẽ rõ. Quan hệ giữa chính phủ và nhân dân vốn là quan hệ giữa những người lạ với nhau, không phải quan hệ máu mủ ruột thịt. Quan hệ giữa người lạ với người lạ, nhất thiết phải ràng buôc nhau bằng khế ước, hợp đồng. Cả hai cùng phải tôn trọng hợp đồng, điểm nào chưa được thì phải tranh luận dàn xếp rồi thống nhất thực hiện. Luật pháp của một quốc gia cũng được hình thành trên cơ sở đó.
Trên thế gian này, có quốc gia nào có được đấng quân chủ nhân đức, có được các quan đại thần sáng suốt anh minh, có được lữ thần dân nhu mì dễ bảo… không? Đó chỉ là giấc mộng ảo tưởng.
Có trường học nào đảm bảo sẽ đào tạo ra toàn các bậc thánh nhân, toàn người tài đức? Có cách giáo dục nào chắc chắn sẽ sản sinh ra thần dân dễ sai bảo?
Ngay cả Trung Hoa, từ thời nhà Chu, các nhà cai trị đã bao lần đau đầu khổ sở vì ước nguyện đó. Và đã có lần nào họ trị vì dân chúng được đúng như ý nguyện không? Nếu được như thế thì đâu đến nỗi giờ đây cả quốc gia rộng lớn này đang bị ngoại bang giày xéo? (tác giả ám chỉ cuộc chiến tranh Nha phiến xảy ra tại Trung Hoa thời kỳ đó)
Vậy mà họ vẫn cứ rao giảng ra rả lòng dạ quân chủ như biển Thái Bình… Mà họ có muốn ca ngợ thì cứ việc ca ngợi lấy một mình. Bị ngoại xâm giày xéo mà vẫn cứ tiếp tục ca ngợi nền chính trị nhân từ của quân chủ.
Cứ cho là đó chuyện của người ta, nhưng mù quáng nếu như vậy thi chỉ tổ cho thiên hạ chê cười.
– Trần Văn Phương
Review Khuyến học (2)
“Khuyến học” và bài học cho giới trẻ Việt.
“Trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người.
Tất cả do sự học mà ra”‘Khuyến học’ là một cuốn sách rất hay do Fukuzawa Yukichi viết trong những năm 1872-1876. Nó được đánh giá là tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến công chúng Nhật Bản. Và cho dù đã hơn một thế kỷ từ khi được ra mắt, “Khuyến học” vẫn luôn chiếm vị trí trang trọng trên kệ sách gia đình của người Nhật bản. Được phát hành hơn 3 triệu bản ngay lần đầu tiên và tái bản 76 lần, ngày nay, ‘Khuyến học’ vẫn là tài liệu đầy chất thời sự cho những đất nước, những con người muốn đạt đến văn minh bằng giáo dục. Thật dễ hiểu tại sao đây lại là cuốn sách mà “ông vua café” – Đặng Lê Nguyên Vũ, chủ tịch tập đoàn café Trung Nguyên khuyên thế hệ trẻ Việt Nam nên đọc.
Còn nói về Fukuzawa Yukichi, khi nhắc đến ông, không người Nhật nào lại không biết. Họ nói về ông như bậc “khai quốc công thần” của nước Nhật hiện đại. Ông được ví như “Voltaire (Vôn tê – triết gia, đại thi hào người Pháp) của Nhật Bản” hình ảnh ông được in trên tờ tiền có mệnh giá cao nhất ở Nhật, tờ 10.000 yên.
Đọc ‘Khuyến học’ ta có cảm giác mình đang được sống trong đất nước Nhật Bản cuối thế kỷ 19. Tác giả đã không ngần ngại đưa vào trang sách của mình những “ung nhọt” của xã hội Nhật Bản lúc bấy giờ. Chế độ thì cổ hủ, quan chức thì tham nhũng, người dân thì ăn chơi sa đọa còn học sinh sinh viên thì lười biếng… Cuốn sách có 17 chương, đề cập đến những vấn đề mà xã hội Nhật đang phải đối mặt và phải vượt qua để có thể trở thành cường quốc, từ cách học làm người cho đến các vấn đề dân tộc, lợi ích của giáo dục, khoa học, quyền tự do bình đẳng và quan hệ giữa chính quyền với người dân, cách tiếp thu văn minh phương Tây.
Cuốn sách không phải là kim chỉ nam, càng không phải là lời giải đáp, hay các phương án cho những vấn đề của xã hội Việt Nam hiện nay. Nó có lẽ chỉ đơn giản là một cách thức khơi gợi suy nghĩ, tự suy nghĩ. Để mỗi người nhất là các bạn trẻ tự theo đuổi những mục tiêu cuộc đời mình, nhằm không chỉ đem lại tương lai tốt đẹp cho bản thân, mà hơn thế, từ sự chuyển mình của nước Nhật, hy vọng mỗi người Việt trẻ sẽ nghĩ đến tương lai đất nước mình.
“Trời không sinh ra người đứng trên người cũng không sinh ra người đứng dưới người. Tất cả do sự học mà ra”. Đây được xem là tuyên ngôn của Fukuzawa Yukichi khi nói về tầm quan trọng của học vấn. Ông viết: “…cuộc sống con người luôn có những khoảng cách một trời một vực. Đó là khoảng cách giữa người thông minh và kẻ đần độn,…. Sự khác nhau giữa người thông minh và kẻ đần độn là ở chỗ có học hay vô học mà thôi”. Thực tế ở Việt Nam cho thấy, giới trẻ đang không hiểu được tầm quan trọng của của học vấn, và vì không coi trọng sự học nên nhiều bạn trẻ học hành chểnh mảng, phung phí thời gian, tiền bạc, sức khỏe vào các cuộc chơi, vào các tệ nạn xã hội. Có thể nói vấn đề mà giới trẻ của Việt Nam mắc phải chính là vấn đề của giới trẻ Nhật Bản hàng trăm năm trước. Vậy họ đã làm gì để vượt qua thực trạng đó? Tất cả gói gọn trong một chữ: “học”, nhưng học những gì? Ban đầu, nên học từ những môn cơ bản nhất như học soạn thảo thư từ, học cách cân đo đong đếm, học các môn Đạo đức, học cách cư xử, cách giao tiếp, cách sinh hoạt giữa người với người rồi mới đến các môn Địa lý, Lịch sử, Vật Lý, vv…Học trên trường không đủ thì học qua sách báo… Việc học phải đi đôi với thực hành chứ không dừng lại ở lý thuyết suông. Bản chất của việc học phụ thuộc vào khả năng ứng dụng. Có học vấn mà không ứng dụng được vào thực tế thì chẳng khác gì vô học. Một điểm rất hay ở Yukichi là ông đề cao “học thực”, nghĩa là học để lấy kiến thức, phát triển bản thân chứ không phải vì bằng cấp, địa vị, tiền bạc… Một quan điểm trái ngược với Nho giáo khi ông cho rằng giáo dục Nho giáo “chỉ đào tạo ra một giai cấp trí thức học ra để làm quan chứ không phải để giúp đời”.
Ông kịch liệt phê phán những người “còn trẻ mà lại muốn lựa chọn công việc an nhàn” mà quên mất rằng cái gì càng khó đạt được thì càng quý trọng, càng khó kiếm thì càng có giá trị cao. Xét thấy sinh viên Việt Nam ngày nay có xu hướng tránh né việc khó, tìm việc dễ. Môn nào khó thì bỏ, những môn dễ thì lại hời hợt, chủ quan. Cứ tiếp diễn sẽ trở thành xu hướng, trào lưu trong xã hội và cuối cùng thì đáp ứng được trình độ các công ty trong nước còn khó huống chi là theo kịp sinh viên toàn cầu về mặt kiến thức. Đây cũng có lẽ là lý do tại sao mà tỷ lệ sinh viên nước ta ra trường làm trái nghề và thất nghiệp luôn rất cao. Thay đổi thực tế này không khó. Chỉ cần thế hệ trẻ luôn giữ được tinh thần quyết tâm, không ngại khó, suy nghĩ khách quan mọi sự vật, ngày đêm rèn dũa và tích lũy thực lực bản thân. Cứ như vậy chắc chắn sẽ có ngày đạt được thành công.
Như đã biết, văn hóa Việt Nam và Nhật Bản có khá nhiều sự tương đồng cả trong quá khứ và hiện tại nên việc áp dụng những lời khuyên của Yukichi vào Việt Nam thì rất phù hợp. Ngày xưa cả hai nước đều bị ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, còn ngày nay là văn hóa phương Tây. Nhận thức được điều đó, ông khuyên thế hệ trẻ cần rèn luyện năng lực phán đoán, năng lực lựa chọn: tin cái gì và nghi ngờ cái gì? Có những tập quán tốt đẹp ở phương Tây nhưng khi về Việt Nam chưa chắc đã phù hợp. Văn minh phương Tây đúng là hơn hẳn Việt Nam, nhưng không có nghĩa là cái gì của nó cũng hoàn hảo. Văn minh phương Tây cũng đầy rẫy khuyết điểm và ngược lại không phải phong tục nào của Việt Nam cũng cổ hủ, kém cỏi. Vì vậy, việc phân biệt cái gì tốt cái gì xấu lại càng trở nên quan trọng.
Tóm lại, Khuyến học được đánh giá là cuốn sách phù hợp nhất đối với những vấn đề mà xã hội Việt Nam và cách riêng là thế hệ trẻ đang gặp phải. Tuy mới ra mắt ở VN vào quý ii năm 2014 nhưng nó đang được tầng lớp trí thức trẻ của Việt Nam sử dụng rất nhiều, thậm chí “Vua café” Đặng Lê Nguyên Vũ còn làm chương trình in tặng cuốn sách này cho các bạn trẻ. Từ đó có thể thấy cuốn sách này được đánh giá cao như thế nào. Vấn đề ở đây chỉ là làm sao để áp dụng những lời khuyên của Yukichi cho hợp lý mà thôi.
– Khắc Tiến
Để giới thiệu về Khuyến Học thật sự dễ mà lại khó. D là vì Nó thật sự quá hay để ta có thể trao tặng và giới thiệu ngay cho ai đó về 1 cuốn sách ta tâm đắc, nhưng để viết lời giới thiệu thì quá khó vì đơn giản nó quá nổi tiếng trên thế giới, nó được quá nhiều người viết, bình luận nghiền ngẫm, giới thiệu trong hơn cả trăm năm kể từ khi được Fukuzawa viết ra.
Cuốn Khuyến Học được Fukuzawa viết trong khoảng thời gian 1872 – 1876, đây không hẳn là cuốn sách hay nhất, thâm sâu nhất của Fukuzawa nhưng có lẽ là cuốn sách nổi tiếng bậc nhất không chỉ của ông mà còn của thời kỳ Minh Trị Duy Tân, của cả đất nước Nhật Bản. Lần đầu tiên xuất bản nó đã bán ra hơn 3,4 triệu bản (dân số NHẬT lúc đó chỉ tầm 20 triệu dân). Đây được xem như cuốn sách gối đầu giường của NGƯỜI Nhật, là cuốn sách thức tỉnh dân tộc Nhật làm nên cuộc Minh Trị Duy Tân và xây dựng 1 Đất Nước Nhật hiện đại, văn minh giàu mạnh như hiện tại.
Lần đầu tiên đọc Khuyến Học, cảm giác rất lạ.. cảm giác như Fukuzawa không nói về Nhật Bản cách đây 150 năm mà đang nói về Nước Việt của mình ngay bây giờ, cảm giác như những gì ông nói không phải cho riêng dân nước ông 150 năm trước mà cho chính chúng ta bây giờ..nước Việt thế kỷ 21.
Mình sẽ không giới thiệu thêm mà chỉ trích 1 vài câu tâm đắc trong Khuyến Học, nếu ai đã từng đọc thì cũng bình luận vài câu hoặc giả đưa ra 1 lời cảm nhận để cùng chia sẽ nhé :
1. “Trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người”
2. Nếu như toàn thể quốc dân, ai nấy đều chỉ tìm cách dựa dẫm hay ỷ lại vào người khác, không có tính tự lập thì khi ra xã hội cũng sẽ lại trở thành những kẻ chuyên ăn bám đục khoét tiền của của đất nước, của các tổ chức xã hội. Giữa cá nhân với cá nhân có lẽ cũng chẳng còn ai sẵn lòng giúp đỡ ai. Tất cả đều dửng dưng với nhau, còn nhìn thấy người mù lòa qua đường cũng không có một ai chìa tay ra giúp đỡ…
3. Đáng buồn là nước ta chỉ có người Nhật mà không có quốc dân Nhật.
4. Khai hóa văn minh bắt đầu từ việc tự mình bắt tay vào làm và chứng minh bằng thực tế cụ thể, cho mọi người tận mắt thấy việc thực. Làm trước nói sau. Chứ không thể để như tình trạng nước ta hiện nay, hễ định làm gì cứ phải họp bàn, giải thích, thảo luận dài dòng vô bổ. Chính phủ có quyền ban bố chỉ thị, mệnh lệnh. Nhưng hiểu và biến chúng thành hiện thực phải là nhân dân, là khu vực tư nhân. Chính vì thế, song song với việc mở trường tư thục, chúng ta quyết định thực hiện sự nghiệp khai sáng cho dân chúng bằng cách giảng dạy học thuật, làm thương nghiệp, nghiên cứu luật pháp, xuất bản sách, phát hành báo, với tư cách của một người thuộc khu vực tư nhân, không nằm trong chính phủ.
Chúng ta làm việc này trong phạm vi, bổn phận của một quốc dân làm theo luật pháp, không sợ làm mất mặt chính phủ. Nếu chính phủ đi ngược lại lợi ích của nhân dân, với bổn phận của mình, chúng ta sẽ đường đường chính chính kháng nghị, tranh luận với chính phủ cho đến khi chính phủ tỉnh ngộ, giành lại chữ “Tự do Dân quyền”.
5. Dù thế nào đi nữa thì sự nghiệp khẩn cấp nhất – vì đất nước Nhật Bản hiện này – là mọi quốc dân chúng ta, bất kể người nào cũng phải học tập, phải nghiên cứu. Nhất là sinh viên – những người ý thức rõ nhất nghĩa vụ của công dân – lại càng không thể bàng quan trước sự tình của đất nước. Phấn đấu học tập là công việc quan trọng nhất trong lúc này của các bạn.
Nếu nghĩ được như vậy thì sinh viên hiện nay quyết không thể thỏa mãn với một chút kiến thức học được ở trong nhà trường. Cần phải đặt mục tiêu cao hơn, xa hơn. Cần tìm hiểu cặn kẽ bản chất của học thuật. Cần phải xây dựng được vị trí đích thực. Dù chỉ một mình – không có bạn cùng chí hướng – cũng phải có khí phách để xây dựng đất nước Nhật Bản, tận tâm tận tụy đem hết mọi khả năng đóng góp cho xã hội.
Từ trước tới nay, tôi vốn không ưa lối học của các sĩ phu, các nhà nho tối ngày vùi đầu dùi mài kinh sử, làm thơ phú, câu đối… theo kiểu khoa cử Trung Hoa. Vì với lối học đó, có đỗ đạt ra làm quan, họ chỉ biết cai trị xã hội, cai trị dân chúng hoàn toàn theo cảm tính. Chính vì thế, ngay từ Phần 1, tôi đã nhấn mạnh đến sự cần thiết của “Thực học”, học các môn tự nhiên, các môn xã hội, ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày, sao cho tất cả mọi người đều có thể gây dựng cuộc sống bằng trách nhiệm và khả năng của mình. Tôi nhấn mạnh tới tầm quan trọng về sự bình đẳng giữa các tầng lớp trong xã hội.
6. Thử nhìn vào công cuộc văn minh đang diễn ra trên đất nước ta mà xem, tôi chỉ có thể nói rằng chúng ta đang làm ngược với quy luật.
Ở nước Nhật chúng ta hiện nay, người chủ trương thúc đẩy văn minh, gìn giữ độc lập trước áp lực phương Tây là những người thuộc tầng lớp giữa trong xã hội, là các nhà trí thức và đơn độc chỉ có họ. Nhưng số đó cũng chỉ là thiểu số ít ỏi. Còn đa phần các trí thức đều thiếu con mắt nhận biết thời cuộc. Họ yêu quý và lo giữ chỗ cho bản thân hơn là lo lắng, ưu tư cho đất nước. Đối với họ, gió chiều nào theo chiều đó. Đa số các trí thức kiểu này luôn rình rập tìm kiếm lợi ích trước mắt, săn đón cơ hội leo vào hàng “quan chức”, sa vào các sự vụ quản lý vặt vãnh, tiêu phí thời gian bằng nhưng việc vô bổ, xa rời công việc nghiên cứu, học thuật. Họ thỏa mãn với quyền cao bổng hậu. Tệ hại hơn nữa, họ lại tự cao tự đại: “Uyên bác như chúng tôi đã tập trung hết trong hàng ngũ chính quyền rồi, trong xã hội đâu còn ai?”
Tôi buộc phải nói rừng những người trí thức như vậy là nỗi bất hạng cho công cuộc văn minh đất nước. Lẽ ra phải đảm nhiệm vai trò mở mang, nuôi dưỡng văn minh với tư cách của người trí thức, thì họ lại vùi đầu vào việc kiếm lợi cho riêng bản thân, họ chẳng bận tâm đến sự thoái hóa của tinh thần học vấn trong xã hội, đất nước ra sao họ cũng mặc. Như thế mà vẫn tự cho mình là trí thức được sao?
Đó là một thực tế đáng hổ thẹn.