Từ ảnh bìa cho đến tiêu đề đều làm mình nghĩ đây là một cuốn tiểu thuyết tình yêu lãng mạn nhưng sau khi xem review mình mới biết cuốn sách này được viết dựa trên câu chuyện có thật của hai bệnh nhân tìm tới tác giả để chữa lành cho những tổn thương của mình bằng phương pháp “Thôi miên hồi quy”.
Review Kiếp nào ta cũng tìm thấy nhau (2)
Cách đây gần 1 năm, tôi có tặng cho một người bạn cuốn sách này – “Kiếp nào ta cũng tìm thấy nhau” khi anh đang muốn tìm kiếm một mối quan hệ mới nhưng lại là để quên đi người yêu cũ.
Những bí ẩn về các trải nghiệm qua các kiếp sống của nhân vật trong câu chuyện cuốn hút anh. Tuy nhiên khi đọc xong và chia sẻ có một điều khiến anh thực sự rất buồn, rất thất vọng: Bởi vì từ trước tới nay, anh vẫn luôn tin rằng bản thân mình chỉ có duy nhất một người tri kỷ – một nửa hoàn hảo của bản thân mình mà bấy lâu nay anh mải miết đi kiếm tìm. Còn những điều diễn ra trong cuốn sách thì hoàn toàn ngược lại. Chúng ta có thể rất nhiều người yêu thương mình.
Cuốn sách được viết lại bởi những suy ngẫm và trải nghiệm trong công việc của Brain L. Weiss – một bác sĩ tâm thần học sử dụng phương pháp thôi miên hồi quy để chữa lành. Hai nhân vật trong câu chuyện đã được trở về rất nhiều kiếp sống và họ nhận ra những người thân yêu của mình ở hiện tại. Đó chính là những người có mối liên kết với chúng ta bằng tình yêu thương, và chúng ta sẽ gặp lại họ hết kiếp này đến kiếp khác.
Định mệnh sẽ dẫn lối cho những linh hồn được hội ngộ. Tuy nhiên việc chúng ta có nhận ra nhau và đồng hành cùng nhau lại là quyền lựa chọn của một người. Điều tiếp theo mà mình nhận ra rằng: Dù là ở kiếp này và dù người mình từng yêu thương đến cỡ nào thì vẫn có thể tiếp tục dời bỏ nhau. Bởi vì, mỗi linh hồn đều sẽ có những hành trình hoàn thiện bản thân khác nhau và chúng ta sẽ có những bài học cần phải hoàn thành ở từng giai đoạn. Vậy nên nếu ta không thể chấp nhận sự chưa hoàn hảo của người kia thì sẽ gây ra đau khổ hoặc dời bỏ nhau mà thôi. Và thứ duy nhất có thể gắn kết giữa hai người đó là sự thấu hiểu và tình yêu thương. Nếu bạn thực sự đang đau khổ vì việc bị đổ vỡ trong mối quan hệ thì cũng đừng quá đau buồn bởi vì chúng ta sẽ còn tiếp tục gặp những người đã từng có sự gắn bó với chúng ta ở rất nhiều kiếp sống.
Điều thứ ba, qua những cuộc gặp mặt và chia ly, ta cần phải nhận ra những bài học của bản thân mình, bởi vì nếu ta chưa học được thì ở mối quan hệ tiếp theo bản thân lại vẫn phải trải qua thử thách đó. Có rất nhiều người bạn chia sẻ với mình về việc đổ vỡ trong các mối quan hệ, điều mà mình nghĩ có giá trị nhất mà mình có thể cho đi được đó là giúp cho họ nhìn ra bài học mà vũ trụ đem đến cho họ. Một nửa mà ta đã lựa chọn giống như tấm gương phản chiếu con người bên trong ta. Và khi soi gương thấy mặt mình bẩn thì chúng ta đi rửa mặt mình chứ đâu thể lau gương mà hết được. Họ là người thầy đến để giúp ta vượt qua được bài học của riêng mình. Thay vì trách móc nhau, hãy học cách biết ơn vì điều đó. Bởi họ cũng đáng thương như chúng ta mà thôi, họ cũng có bài học của riêng họ. Mà đôi khi quá đau lòng, họ cũng chẳng thể nào bộc lộ. Tình yêu cứ thể bị chôn vùi bởi những điều bất như ý, những tổn thương và cả những thứ chúng ta tự suy diễn tưởng tượng.
Nếu chúng ta muốn tìm được một tình yêu thực sự, hãy cứ an thôi. Vì khi bình an thì đó là lúc tình yêu sẽ được đánh thức, tạo nên rung động – tín hiệu để những người thương ta tìm về.
– Tuệ Tâm
“Don’t judge a book by its cover” – có lẽ điều này sẽ rất hợp lý khi nói về quyển sách này.
Thoạt nhìn lần đầu, mình cứ nghĩ rằng đây có thể là 1 cuốn tiểu thuyết ngôn tình hoặc văn học lãng mạn kiểu như “Nếu em không phải một giấc mơ” của Marc Levy. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng mình đã nhầm khi nhìn bìa mà đánh giá sai lệch về nội dung trong lần đầu tiên nhìn thấy.
Cuốn sách được viết bởi Brian Weiss – 1 giáo sư Y khoa và tâm thần học từng tốt nghiệp đại học Yale. Cuốn sách không phải viết bởi 1 nhà văn mà là 1 giáo sư có bằng cấp, tường thuật tự sự về những câu chuyện có thật ông đã trải qua. Trong cuốn sách này, toàn bộ câu chuyện xoay quanh chủ đề Luân hồi và liệu pháp trị liệu tinh thần Thôi miên hồi quy tiền kiếp.
Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao những người xung quanh mình lại có mặt tồn tại bên cạnh mình chưa? Có phải chăng sự có mặt của họ là sự tồn tại ngẫu nhiên hay là sự sắp đặt của vũ trụ?
Mỗi chúng ta đều mang trong mình là những linh hồn, và tuân theo những quy luật vận hành của vũ trụ, và luân hồi có lẽ là một trong những quy luật đó. Mỗi người chúng ta từ trước khi sinh ra thường đã ký kết với những mối nhân duyên nào đó trong hiện tại để gặp nhau, và việc họ có mặt trong cuộc sống để giúp ta nhận ra bài học nào đó, từ ấy sẽ nâng cấp lên quá trình tiến hoá linh hồn của chính mình.
Bởi vậy, không có người nào hoàn toàn tốt hay xấu, sự vật hay sự việc cũng đều như vậy. Có những chuyện đã xảy ra có thể vô cùng tồi tệ bây giờ nhưng bây giờ nhìn lại, mình lại thấy vô cùng biết ơn về điều đó; vì nếu không có trải nghiệm ấy, thì có lẽ mình cũng không ở đây để viết những dòng này.
Một người nào bên cạnh chúng ta mất, không có nghĩa là họ mất đi vĩnh viễn. Linh hồn của họ nếu có đủ duyên sẽ gặp lại chúng ta không ở kiếp này thì có lẽ sẽ ở kiếp khác. Các liệu pháp thôi miên trị liệu hồi quy tiền kiếp của bác sĩ Brian Weiss sau cùng cũng nhằm mục đích để chữa lành (healing), để chúng ta nhận diện được những bài học trong quá khứ mình đã bỏ lỡ, để kiếp sống này trở nên toàn vẹn và hạnh phúc hơn.Trong những câu chuyện của bác sĩ Brian, có người thì học bài học về việc buông bỏ, có người thì học bài học về tình yêu thương, lòng vị tha…nhưng sau cùng, cũng là để chữa lành cho chính mình, đi tìm những giá trị bên trong và lan toả hạnh phúc bằng cách gieo những nghiệp tốt.
Some favorite quotes in the book:
“Tất cả chúng ta đều tìm cách chữa lành vết thương tâm hồn. Nhu cầu cần được chữa lành này thúc đẩy chúng ta nhớ lại những sang chấn trong quá khứ – thứ đã gây ra nỗi đau và những triệu chứng của chúng ta”
“Nếu trong tự do ý chí của mỗi người không muốn học hỏi, không muốn đi lên thì một mối quan hệ sẽ chịu chung số phận với người đó”
“Luân hồi là cầu nối dẫn đến tri thức, trí tuệ và sự thấu hiểu. Nó nhắc nhở chúng ta cái gì sẽ mang theo và cái gì không, tại sao chúng ta ở đây và chúng ta cần thực hiện điều gì để bước về phía trước”.