Lần cập nhật gần nhất December 8th, 2022 - 08:54 am
“Lược sử trái tim” viết về quá trình khám phá trái tim của con người, chặng đường từ thời cổ đại đến khi con người phát triển, biết đến chức năng của trái tim, khi họ cho trái tim là trung tâm của hành động và suy nghĩ, là cội nguồn của sự quả cảm, lòng ham muốn, tham vọng và tình yêu…
Review Lược sử trái tim (2)
Xuyên suốt lịch sử và các nền văn hóa, trái tim luôn được coi là nơi trú ngụ của cảm xúc”.
Lược sử trái tim, cái tên đã nói lên tất cả. Trong cuốn sách này chúng ta sẽ tìm hiểu về quá trình khám phá trái tim của con người, chặng đường từ thời cổ đại đến khi con người phát triển, manh nha biết đến chức năng của trái tim, khi họ cho trái tim là trung tâm của hành động và suy nghĩ , là cội nguồn của sự quả cảm, lòng ham muốn, tham vọng và tình yêu… Cuốn sách cũng thuật lại quá trình những con người xuất chúng đã nghiên cứu, tìm hiểu và tìm ra được cách giải quyết những thách thức to lớn, giúp cho rất nhiều người chống lại căn bệnh được coi là tử thần.
Trên con đường tìm hiểu về trái tim, con người đã gắn tặng cho nó rất nhiều ý nghĩa về mặt tinh thần: là nơi sinh ra tình yêu, tình cảm gia đình,…
Trong suốt chiều dài lịch sử và xuyên qua các nền văn minh thì trái tim vẫn được coi là ngôi nhà của các cảm xúc. Từ xa xưa, trái tim luôn là hình ảnh được ví von, gắn liền với tình yêu. Cụm từ “speak from heard” – “lời từ tận trái tim” đều được dùng khi thể hiện tình yêu ở cả hai ngôn ngữ.
Trong con mắt người xưa, trái tim có hình dạng kích thước: trái tim bé nhỏ, trái tim rộng lớn; trái tim cũng là một thực thể vật lý, nó cũng có thể bằng vàng, bạc, đá, thậm chí là chất lỏng: khi ta dốc hết trái tim. Trái tim cũng có nhiệt độ: ấm áp, lạnh lùng, hừng hực…
Từ thời cổ đến trước thời kỳ Phục hưng, con người không được tự ý mổ tử thi nên sự hiểu biết về trái tim và sự vận hành của nó rất ít ỏi, không chính xác. Đến thời kỳ Phục hưng họa sĩ vĩ đại người Ý Leonardo Da Vinci sau khi giải phẫu rất nhiều tử thi đã vẽ hàng trăm tranh vẽ về giải phẫu cơ thể, trong đó rất nhiều tranh về hệ thống tim mạch. Đây là một đóng góp không nhỏ của ông nhằm nâng cao hiểu biết về trái tim “một công cụ tuyệt vời của đấng sáng tạo”.
Một thế kỷ sau, Andreas Veslius – bác sĩ phẫu thuật vĩ đại nhất trong lịch sử đã mổ xẻ nhiều tử thi để nghiên cứu, đã đính chính nhiều sai lầm của người đi trước, như: lập luận về việc có một bức tường thủng ngăn giữa tâm thất trái và tâm thất phải. Song ông vẫn còn một số sai lầm như cho rằng máu được gan và cơ thể hấp thụ.
Đến khi William Harvey – nhà giải phẫu học kiệt xuất người Anh với phương pháp thực nghiệm để giải thích và phản biện, đã phát hiện ra máu lưu thông như thế nào nhưng ông vẫn chưa hiểu tại sao lại vận hành như vậy. Ông cũng chưa biết đến chức năng vận chuyển oxy của hồng cầu.
Ngày nay với những bước tiến dài của khoa học kĩ thuật, các phương pháp, trang thiết bị, thuốc men chữa trị bệnh tim ra đời rất nhiều như: siêu âm tim, đặt Stent tim, thuốc khử trùng, thuốc chống đông máu, máy chống rung tim… cứu sống và giảm tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân Tim mạch.
Khi cuộc phẫu thuật tim của Rehn và Wiliam cho bệnh nhân thành công, một thời đại mới đã mở ra cho ngành y học toàn thế giới. Trái tim – một bộ phận thiêng liêng, khó kiểm soát nhất của cơ thể con người đã được mổ xẻ thành công, không còn được coi là “bất khả xâm phạm” nữa. Y học hiện đại coi trái tim như một cỗ máy, với sự trợ giúp của tiến bộ khoa học kĩ thuật con người đã có thể chữa trị, thay thế cỗ máy này, phục vụ cho sức khỏe. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta có phần lạm dụng máy móc, không tính đến trái tim cảm xúc.
Chúng ta kiểm soát được trái tim xong điều này cũng có mặt trái của nó, đó là số người phải chung sống với bệnh tim ngày càng tăng. Có một nghịch lí là khi khoa học đã có thể chữa trị bệnh tim thì số lượng người mắc căn bệnh này lại càng tăng lên. Việc dứt bỏ mối liên hệ với cội nguồn văn hóa làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Một số yếu tố tâm lý xã hội cũng đóng một vai trò nhất định đối với sức khỏe tim mạch như: thất nghiệp, căng thẳng, nghèo đói…Có một nhà nghiên cứu đã cho rằng “cảm xúc và suy nghĩ của một người có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của tim mạch” “có quá nhiều nghiên cứu đã được triển khai một cách hợp lý đã cho rằng không phải lúc nào cholesterol hay chất béo trong thức ăn cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh tim mạch”. Chúng ta cần có cách tiếp cận tốt hơn, cách nhìn đúng đắn về giá trị và tầm quan trọng của những xúc cảm trái tim ẩn dụ uống vẫn được coi là đã ngự trị trong trái tim suốt 1 thiên niên kỷ qua.
Sandeep Jauhar – tác giả của cuốn sách này là một bác sĩ tim mạch, cho nên trong cuốn sách này, ông cung cấp cho chúng ta rất nhiều kiến thức về bộ phận quan trọng trong cơ thể của chúng ta. Đọc cuốn sách, chúng ta biết về trái tim ẩn dụ cũng như trái tim sinh học của mình và từ đó say sưa dõi theo lịch sử hàng thiên niên kỷ của trái tim. Đồng thời, ta cũng biết thêm rằng ngành y học chữa trị trái tim ra sao và trong tương lai, chúng ta chung sống tốt và duy trì sự sống với trái tim một cách đúng đắn nhất như thế nào…
Song song những câu chuyện về trái tim tác giả còn kể chúng ta nghe về gia đình ông, về tiền sử bệnh tim của mẹ và ông nội ông. Những trang cuối của cuốn sách thật cảm động. Đây là những câu chuyện có thật, cũng là một lời cảnh tỉnh mọi người nên đối xử tốt với trái tim của mình.
Khi trái tim ngừng đập hay khi não dừng hoạt động – điều nào sẽ khiến chúng ta khẳng định rằng cơ thể chúng ta đã chấm dứt sự sống?
—-Có một điều mà mình phải công nhận, sách Phanbook đắt xắt ra miếng, mua đáng đồng tiền bát gạo, thiết kế, biên tập, dịch thuật cũng ổn. Ít lỗi vặt. Mỗi tội nhược điểm lớn nhất là đắt, đắt, đắt, đắt…
Trái tim vốn là một bộ phận cơ thể cực kì quan trọng mà cũng cực kì phức tạp, nó không chỉ là một bộ phận chịu trách nhiệm co bóp bơm máu, thực hiện chức năng thuần túy của mình như bao bộ phận khác (trừ não nhé). Mà trái tim còn chịu sự tác động của cảm xúc rất lớn. Điều tài giỏi của Sandeep Jauhar là: ông biến một cuốn sách khoa học thuần túy trở nên “văn học” hơn, dễ đọc hơn, “dễ thở” hơn, dễ tiếp cận với độc giả phổ thông hơn là những cuốn sách khô khan về chuyên ngành tim mạch. Mọi kiến thức được gợi mở từ những câu chuyện rất mềm mại. Từ lý do tại sao ông lại quan tâm đặc biệt đến trái tim, nguyên nhân đặc biệt xuất phát từ lịch sử gia đình hay có một lý do đặc biệt nào đó? Tất cả đều rất thuận theo tự nhiên mà dễ chịu.
Chắc là bạn cũng biết: khi chúng ta buồn, chúng ta vui, chúng ta hồi hộp, nhịp đập trái tim của chúng ta thay đổi đấy. Ngày xưa mình cũng từng có một hiểu lầm hơi sâu sắc, có khi bây giờ các bạn trẻ cũng vẫn nghĩ, cảm xúc của con người nằm ở trái tim cũng nên, nhưng phải khẳng định lại là không nhé, nằm ở não. cảm xúc là nằm ở não, nhưng chính trái tim lại là nơi thể hiện chân thực nhất các biểu hiện cảm xúc của mỗi chúng ta, chân thực một cách không thể nào lừa dối: tim bạn đập ra sao khi bạn hồi hộp? tim bạn đập ra sao khi thất vọng, không còn niềm tin vào cuộc sống? hay bản thân chúng ta đang đứng trước một cú sốc đau lòng nào đó? Không thể lừa dối trái tim được đâu.
Hành trình khám phá trái tim chưa bao giờ là dễ dàng, một trái tim đã được thay thế, liệu còn có “cảm xúc” như của một trái tim nguyên vẹn? Bên cạnh những câu chuyện, những con đường gian nan, sự khó khăn khi khám phá về trái tim, cùng sự bất lực trước những giới hạn không cách nào khắc phục về công nghệ y tế, hay những câu chuyện đau lòng về những bệnh nhân tác giả đã từng điều trị trong nhiều năm hay chính câu chuyện đau lòng về gia đình ông về tiền sử bệnh tim. Chúng ta vẫn nhìn thấy một niềm tin lớn rằng: trong tương lại những tiến bộ về mặt y học có thể sẽ phụ thuộc vào cách mà chúng ta suy nghĩ, sinh hoạt, cách mà chúng ta sống, nuôi dưỡng và chăm sóc trái tim mình, hơn là những tiến bộ vượt bậc về những thiết bị cứu chữa mà loài người phát minh ra.
Trái tim luôn phức tạp: mang cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cùng thấu hiểu trái tim mình hơn với Sandeep Jauhar nhé. Con đường đi tìm hiểu trái tim chưa bao giờ là dễ dàng. Hãy đọc và trải qua, ta mới biết, mình đang sở hữu một điều thần kì nhất của tạo hoá.