Lần cập nhật gần nhất September 20th, 2023 - 01:42 pm
Với chủ đề mới mẻ về hiến nội tạng, Kazuo Ishiguro đã khai thác nó dưới một khía cạnh tâm lý hết sức nhân văn. Không hổ là tác phẩm đạt giải nobel văn chương năm 2017, nhà văn người Anh gốc Nhật đã đưa chúng ta đến một miền ký ức của những cuộc đời đáng thương và thấu được sự man rợ của loài người. Bi kịch của những đứa trẻ không có tương lai. Nỗi da diết, buồn man mát trên nền nhạc violin du dương trầm lắng cho chúng ta cảm giác muốn ngộp thở.
Review Mãi đừng xa tôi
Mãi đừng xa tôi (Never let me go) – Một thế giới giả tưởng ray rứt hiện sinh
“…Nếu các em muốn sống cho ra sống, các em cần phải biết, biết đến nơi đến chốn. Không ai trong các em sẽ sang Mỹ cả, không ai trong các em sẽ trở thành ngôi sao màn bạc cả. Và không ai trong các em sẽ làm việc tại siêu thị, như cô nghe các em dự định hôm nọ. Cuộc đời các em đã được định sẵn cho các em rồi. Các em sẽ thành người lớn, thế là các em già đi, thậm chí các em đến tuổi trung niên, các em bắt đầu hiến những cơ quan trọng yếu của các em. Mỗi người trong các em được tạo ra để làm việc đó… các em được mang đến thế giới này với một mục đích, và tương lại của em, tất cả các em, được định đoạt..”
Con người sinh ra trong cuộc đời này luôn có những mong muốn khả hữu với cá nhân mình. Cuộc sống với những mưu cầu thiết yếu cho con người, từ giá trị hạnh phúc của tình yêu, tình bạn, tình cảm gia đình và cả những ước mơ vươn đến cái tốt đẹp… Thế nhưng trên đường đi phát triển vượt bật của khoa học tự nhiên, đã tạo ra một thế giới khác – thế giới của những người sinh ra để hiến tạng. Họ được tạo ra vì mục đích y học, liệu sự tồn tại của họ so với con người bình thường có gì khác? “Mãi đừng xa tôi” đã xây dựng một thế giới giả tưởng về những kiếp người đã được định đoạt.
“Mãi đừng xa tôi” (never let me go)– tựa đề gợi lên đầy sự níu kéo trong âm bản con người về những tiếc nuối của ký ức. Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo nghệ thuật dành lấy giải nobel văn chương 2017 của nhà văn Anh gốc Nhật, Kazuo Ishiguro. “Mãi đừng xa tôi” (never let me go) được bình chọn vào danh sách 100 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất từ 1923 tới năm 2005 của tạp chí Time Magazine.
Tiếng nói về sự tồn tại của con người và ý thức về đời sống đã được lên tiếng trong đời sống của những người được sinh ra từ nhân bản vô tính. Sự sống và giá trị của những đứa trẻ như Kath.H, Tommy, Ruth… cũng như nhiều số phận trong ngôi trường Hailsham đã được tính toán với mục đích rõ ràng, họ sinh ra là để “chết đi”. Trước vũ bão của cuộc đời đầy vật chất, đâu đó đã có một Hailsham che chở cho những phận người này, để họ có những miền ký ức về tuổi thơ tươi đẹp trước ngày làm vật hiến cho người khác. Dẫu biết là sẽ chết đi, nhưng những số phận trong “Mãi đừng xa tôi” (never let me go) đã được cô Lucy hay Emily những tậm hồn nhân hậu đã nhìn thấy được tính người nguyên bản trong mỗi cá thể vô tính này, bằng mọi giá họ đã chứng minh cho khoa học thấy rằng những đứa trẻ này có tâm hồn và có sự thụ cảm nghệ thuật khi được rằng luyện và nuôi nấng tử tế (Thông qua các sản phẩm nghệ thuật hay phòng tranh trong tâm trí của những đứa trẻ ở Hailsham). Nhưng tất cả đều không thành họ luôn cảm thấy ray rứt về điểu đó. Cái chết của những người thân là sự ra đi vĩnh viễn và thân phận con người chúng ta trong xã hội bạo tàn ngày hôm nay.
Cái hiện sinh vẫn lấp lửng trong ý niệm về sự hiện tồn của những đứa trẻ được sinh ra từ ống nghiệm. Chúng cố gắng đi tìm nguyên mẫu của chính mình và cố ý thức mình được sinh ra từ đâu, mặc dầu chúng không có cha mẹ. Chúng đi tìm hình bóng của mình trong những người khác. Những khát khao ray rứt hiện sinh, khi chúng được đào tạo để trở thành một người hiến, nhưng luôn có ý niệm về hạnh phúc gia đình về tình yêu. Luôn nỗ lực tìm kiếm trong bất lực cái thế giới thuộc về, đó là sự ảo tưởng và niềm tin về cuộc đời của Ruth. Ruth vẽ ra tương lai của mình sẽ là một cô nhân viên văn phòng, làm việc trong một căn phòng sáng chói ánh đèn, những người trong văn phòng của cô là những người năng động. Nhưng bản án “hiến tạng” và “cõi chết” đã dán trên cuộc đời cô từ khi cô mở mắt nhìn cuộc sống. Những số phận của Hailsham đó là số phận của những con người thừa ngoài xã hội, nhưng bản thể cố đi tìm cái nghĩa chân chính của đời sống bình dị, nhưng không vượt qua được cái mặc kiến đã ban phát cho họ. Liệu rằng Ishiguro muốn nói cuộc đời con người là dòng chảy của sự mơ hồ, thế giới chúng ta đang sống là một màn ảo ảnh, một cơn phù du mộng mị không có điểm xuất phát.
Tác phẩm xuất phát với điểm nhìn kể chuyện của Kathy.H… Người phụ nữ 31 tuổi hồi tưởng về quá khứ của mình. Câu chuyện được cô nhìn nhận trong vị trí hiện tại là một con người đầy những mất mát, sự hồi tưởng nhưng là níu kéo những điều tốt đẹp của quá khứ như nhan đề đã đặt “Mãi đừng xa tôi”. Cuốn tiểu thuyết được kể chuyện dưới ngôi thứ nhất người kể chuyện đồng sự, đang lật lại ký ức của mình ở Hailsham đầy mơ hồ, chủ quan. Tác phẩm được tự thuật như những dòng ký ức rơi rụng, phân mãnh không có điểm nhìn khách quan. Kathy nhớ về Hailsham trong những ngày đầu, rồi bất chớt cô lại chuyển suy nghĩ sang lúc cô 13 tuổi ở cùng với Ruth và Tommy như thế nào… rồi bối cảnh câu chuyện cũng được đảo lộn kiểu dòng ý thức không theo một trật tự nào. Từ những lời tự thuật trong phòng tự ăn, chuyển sang sân bóng, rồi cuộc trò chuyện sau bờ hồ, từ phòng tranh rồi đến “Hồi còn ở lớp sơ tụi mình đã..”… Những câu chuyện được kể là sự mong muốn về ngày xưa về những người bạn đã chết của Kathy.H. Sau bao nhiêu nỗ lực thì họ vẫn không thoát được khỏi định mệnh là phải chết đi. Vì thế câu chuyện có đôi lúc làm ta liên tưởng đến “Đi tìm thời gian đã mất” của Marcel Proust.
Tất cả những ký ức đó được lưu lại một địa điểm đó chính là ngôi trường Hailsham tại thị trấn Norfolk yên bình và ngôi nhà tranh. Ở đó họ cùng học tập sinh hoạt bên nhau, tình bạn của Ruth và Tommy, Kathy ngày một lớn hơn rồi trở thành tình yêu. Rời Hailsham năm 16 tuổi họ chuyển đến ngôi nhà tranh thực nghiệm cho việc hiến tạng, ở đây họ bắt đầu sống đời sống tự do, họ tìm đến tình dục, v.v. Có lẽ Norfolk đã trở thành nơi huyễn tưởng trong tâm trí của những đứa trẻ Hailsham về sự yên bình, và là nơi tìm được tất cả những gì đã mất của thời gian. Để rồi sau này khi Kathy nhớ về những người bạn của mình cô vẫn chạy xe qua đó như là sự níu giữ của thời quá vãng. “Việc duy nhất tôi tự nuông cho phép mình làm, chỉ một lần, là khoảng hai tuần sau khi tôi nghe tin Tommy kết thúc … tôi đã lái xe đến Norfolk … Có lẽ tôi chỉ cần nhìn thấy cánh đồng phẳng lặng không là gì cả đó, nhìn bầu trời cao rộng màu xám.” Norfolk như đã trở thành nhân chứng cho kí ức của những người hiến tạng, mặc dầu ngôi trường đã trở thành khách sạn hay gì chăng nữa, nhưng mỗi lần qua đó Kathy như nhìn thấy bóng dáng của Ruth và Tommy sau những hàng thép gai.
Giữa đời sống bạo tàn xem họ là một cơ thể sinh vật tạo ra để dâng hiến sự sống cho người khác. Họ được quyết định cuộc sống của họ, sự “tạm hoãn” luôn hiện tồn trong đầu Ruth, Tommy, Kathy,.. làm sao để có được sự tạm hoãn trong Hailsham? Có tin đồn cho rằng nếu họ yêu nhau trên ba năm thì sẽ có sự tạm hoãn hiến tạng, nhưng đó cũng chỉ là tin đồn, sự thật là họ đã được gắn kết vào định mệnh, hiến tạng cho cơ thể người khác và chết đi. Ruth sau hai lần hiến đã ra đi vĩnh viễn, Tommy cũng vậy một tâm hồn điên loạn, “một nghệ sĩ” không bao giờ được chấp nhận bởi những sáng tạo định nghĩa về thế giới khác người, biết bao nhiêu cố gắng chứng minh rằng anh là một kẻ ưu việt, thế rồi sau lần hiến thứ 4 anh đã tạm hoãn vĩnh viễn, trong tình yêu mãnh liệt mà anh đã dành cho Kathy. Giờ đây Kathy đứng trong hiện tại đầy mất mát để nhìn nhận sự thật đầy tàn nhẫn đã xé tan những khát khao của những người xung quanh, sự ra đi vĩnh viễn của những thành viên cô coi là gia đình, biết bao nhiêu cố gắng chứng minh với cuộc đời này rằng họ đáng để tồn tại, nhưng rồi tất cả đều bất lực.
“Mãi đừng xa tôi” từ khát khao sống mãnh liệt đi đến tình yêu hạnh phúc “bởi tiếng kêu đau đớn và xé lòng”. Tiếng nói của tình yêu đã lên tiếng rằng họ là một con người hoàn chỉnh trọn vẹn biết yêu thương. Họ là Ruth một cô gái thẳng tính luôn khát khao về một tương lai sáng ngời, Tommy một chàng nghệ sĩ với những sáng tạo khác người, và là một Kathy với những chịu đựng sự buồn đau của cuộc sống. Tình yêu là thứ để họ quyết định sự tồn tại trên thế gian này, mọi khát khao về những khung trời hạnh phúc, nhưng cảm xúc dành cho nhau như những người bình thường. Biết ghen tuông như Ruth hay Kathy, để rồi một ngày tất cả phải chết còn lại Kathy trên trơ trọi trên cuộc đời. Biết bao nhiêu niềm vui Kathy cùng Tommy trải qua đã nuôi giữ cho họ những cảm giác yêu thương chân thành dành cho nhau cốt yếu cũng chỉ vì việc trì hoãn hiến tạng và họ thèm khát sự sống. Cuộc sống muốn tồn tại, hạnh phúc cốt yếu phải có tình yêu như Emmanuel Mounier (ông tổ của chủ nghĩa hiện sinh) từng nói “Mục đích tối hậu của chúng ta không phải là sự sung sướng vật chất mà là sự phát triển tinh thần của con người”. Khi những con người được sinh ra từ ống nghiệm dưới sự dạy dỗ của Hailsham họ đã vượt lên tất cả để đi tìm đến cái cảm xúc với chốn tha nhân, những nỗ lực để hòa mình nhưng thất bại. Tình yêu của Kathy và Tommy là “tiếng kêu” xé lòng cho thế giới vô cảm của con người chúng ta hôm nay “Anh cứ nghĩ về một dòng sông ở nơi nào đó, rồi có hai người đang ở dưới nước, cố ôm chặt nhau, ôm riết nhau hết sức bình sinh, nhưng rốt cuộc cũng không giữ nổi. Dòng nước quá mạnh. Họ đành rời nhau ra, trôi mỗi người một ngả. Anh nghĩ về chúng mình như vậy đó. Thật đáng tiếc Kath ạ, bởi chúng mình đã yêu nhau suốt đời. Nhưng rốt cuộc chúng mình không thể ở bên nhau mãi mãi”.
“Mãi đừng xa tôi” (Never let me go) là một tác phẩm văn học giả tưởng, nhưng bạn đọc phải để ý kĩ lắm mới nhận thấy rằng đây là một thế giới nhân bản, thế giới của tương lai loài người trong sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật. Mặc dù là một tác phẩm giả tưởng, nhưng cái giả tưởng ở đây không quá thuộc dạng kinh dị, robot, hay là người ngoài hành tinh, nó bình thản nhẹ nhàng, chỉ là mô phỏng về những con người sinh ra từ ống nghiệm, còn tất cả các sự việc không có gì là huyễn ảo hay vô hình khó hiểu, vẫn miêu tả về sự ngộ nhận và sai lầm trong cuộc sống của con người trẻ với những suy nghĩ viễn vông về số phận của mình. Tuy nhiên bên cạnh đó những “phiên bản khác” của con người họ không thể sinh sản được, cuộc đời họ chỉ tồn tại với chính họ và không có chức năng di truyền cho các thế hệ sau, họ không hề biết về tình mẫu tử… Nhưng đâu đó trong sự dạy dỗ của những người cô chăm sóc tận tình, Kathy đã khao khát có được một tình mẹ chân thành. Trong một giai điệu âm nhạc nhẹ nhàng mãi đừng xa mẹ Kathy đã nuôi dưỡng ước mơ một ngày được ôm mẹ vào lòng, một tâm hồn nhạy cảm đãy đốt chảy cảm xúc người bản năng của cô, khát khao về một đứa con. Tên tác phẩm có nét giống với giai điệu nhạc đã làm chất xúc tác cho bản tính người của Kathy trổi dậy “Never let me go” hình ảnh cô vừa nghe nhạc vừa ôm con búp bê vào lòng đã làm vỡ tan con tim của cô Lucy, giai điệu âm nhạc nói về sự chia xa mất mát, cô ôm con búp bê và mắt lệ nhòa. Tinh thần chứa đậm tính người, cô thấu hiểu mọi cảm xúc vui buồn “con ơi, con, mãi đừng xa mẹ nhé…”
Tác phẩm đã khiến tôi, phải đặt câu hỏi cho chính mình với cuộc sống này về giá trị tồn tại của kiếp người như một lối thoát mơ hồ. ‘Mãi đừng xa tôi” là một cơn sóng vỗ của nhiều dư âm về giá trị con người cứ đập mãi vào lòng người đọc. Một sự bình thản có thể nói đến nhàm chán trong lối kể ở các chương đầu, một có phẩm có thể nói là khó đọc, và sẽ không hiểu ngay từ đầu “hiến tạng”, “người chăm sóc” là gì và cũng không dễ dàng nhận ra rằng đây là thế giới giả tưởng. Kết cấu tác phẩm màn tính rời rạc như những bức ảnh được chụp kết lại với nhau, tính đồng hiện đảo lộn trong thời gian không gian, khiến tác phẩm cứ triền miên… Có lẽ khuynh hướng hiện sinh đã đi qua cách đây hàng chục năm nhưng những ám ảnh ray rứt của nó vẫn là những âm vọng trong khuynh hướng sáng tác văn học sau này. “Mãi đừng xa tôi”, đã đưa người đọc vào thế giới của những tiến triển về khoa học khi tạo ra “phiên bản người”. Nhưng rốt cuộc, suy cho cùng nó vẫn đặt câu hỏi về giá trị con người trên cuộc đời? Sống phải có khát khao những vui buồn, thì mới là một con người trọn vẹn.
Trích dẫn Mãi đừng xa tôi
“Tôi nghĩ đến thứ rác kia, đến những mảnh nhựa bay phần phật trên mấy cành cây, cái dải bờ những thứ kỳ cục vướng vào dọc hàng rào, và tôi khép hờ mắt lại tưởng tượng rằng đây chính là nơi mọi thứ tôi đã mất từ thời thơ ấu đến nay được tấp lên, và giờ đây tôi đang đứng trước nó, nếu tôi đợi đủ lâu thì một hình bóng nhỏ xíu sẽ hiện ra trên đường chân trời phía đầu kia cánh đồng, rồi dần dần lớn lên cho đến khi tôi thấy rõ ấy là Tommy, và anh ấy vẫy tay, thậm chí còn gọi tôi.
Cái ảo tưởng đó chẳng hề đi xa hơn thế – tôi không cho nó đi xa – và mặc dù lệ tuôn trên mặt tôi, tôi không khóc nức nở hoặc mất tự chủ.
Tôi chỉ đợi một chút rồi quay trở lại xe, lái đến nơi tôi phải đến, dù đó là nơi nào đi nữa.”
“Anh cứ nghĩ mãi về một dòng sông ở nơi nào đó, nước chảy rất xiết. Rồi có hai người đang ở dưới nước, cố ôm chặt nhau, ôm riết nhau hết sức bình sinh, nhưng rốt cuộc cũng không giữ nổi.
Dòng nước quá mạnh. Họ đành rời nhau ra, trôi mỗi người một ngả. Anh nghĩ về chúng mình như vậy đó.
Thật đáng tiếc, bởi chúng mình đã yêu nhau suốt đời. Nhưng rốt cuộc chúng mình cũng không thể ở bên nhau mãi mãi.”
“Lòng kiên nhẫn và sức lực của ta có hạn. Thành thử, một khi được lựa chọn ta chỉ chọn những người hợp với mình.”
“Những kỉ niệm tôi trân trọng nhất… tôi tin rằng chúng sẽ không bao giờ xóa nhòa”