Lần cập nhật gần nhất May 31st, 2020 - 09:26 pm
Cuộc đời đầy rẫy những thăng trầm, khó khăn của người mẹ Nhật Bản ấy được dựng lại một cách thật nhẹ nhàng, không hề đao to búa lớn nhưng vẫn đủ sức lay động trái tim của hàng triệu đọc giả. Bà đã phải đối mặt với những biến cố chấn động đời người của những cuộc hôn nhân dang dở, những nợ nần, những vất vả trong cuộc sống mưu sinh và kiếm tìm hạnh phúc thực sự cho bản thân. Nhưng trong suốt những năm tháng ấy, có một điều mà bà sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để bảo vệ, điều mà bà luôn đặt lên hàng đầu chính là hạnh phúc của những đứa con.
Review Mẹ ơi, mẹ có hạnh phúc không (3)
CUỐN SÁCH MÀ BẤT CỨ NGƯỜI CON NÀO CŨNG CẦN PHẢI ĐỌC ĐỂ HIỂU MẸ HƠN
“Mẹ”, có lẽ với mỗi người đều là thân thương, nhưng tôi từng hận người phụ nữ đã sinh ra tôi, bỏ tôi lại cùng người ba ốm nặng để theo một người đàn ông khác. Thậm chí tôi còn cảm thông cho chị Tí Chuột vì nghèo đói để con ăn cám mà nói dối cho con ăn chè (Chí Phèo_ Nam Cao) còn hơn là mẹ tôi không chút tình người. Tôi tự hỏi có người phụ nữ nào nhẫn tâm hơn mẹ tôi. Nhưng đó là trước đây, còn sau khi tôi đọc “Mẹ ơi, mẹ có hạnh phúc không?” thì với tôi, kí ức về người phụ nữ ấy chỉ là một giấc mơ thoáng qua trong dòng thời gian vô tận.
Tôi từng sợ hãi “dì ghẻ” trong truyện cổ tích “Tấm cám” hay trong bộ phim “Cô bé lọ lem” của Disney, vì vậy, tôi ích kỉ đến nỗi chỉ muốn cùng ba xây dựng hạnh phúc, chỉ hai ba con. Tôi phát khóc khi thấy ba đưa một người phụ nữ lạ về nhà, tôi giận dỗi vì ba không nghe lời tôi mong muốn, tôi tự nhốt mình trong phòng khi ba không còn quan tâm tôi như trước.
Tôi còn muốn bỏ nhà đi khi ba trách tôi bồng bột. Phải, tôi quá ngây dại, tôi sợ phải có thêm một người mẹ nữa. Khi ấy tôi không dám mở lòng vì tôi sợ quá khứ sẽ một lần nữa lặp lại. Nhưng dì là người đã kiên trì đến bên tôi, chăm sóc tôi, trò chuyện cùng tôi dù có bị tôi xua đuổi, không đón nhận, nhất là sau này khi ba tôi mất, dì một tay nuôi tôi ăn học. “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, thứ khoảng cách xa như dải ngân hà trong tôi biến đâu mất mà thay vào đó là ngọn lửa nhen nhóm, tôi cũng có mẹ như bao người.
Chỉ là một lần tôi thấy cuốn sách trên kệ, và mua khi thấy tiêu đề ấn tượng: “Mẹ ơi, mẹ có hạnh phúc không?” Tôi mở cuốn sách ra cũng chỉ vì tò mò.
Nhưng tôi thực sự đồng tình với Moriya Takeshi vì câu nói “Sau cuối, tôi cũng biết là mình khó lòng hiểu hết cuộc đời mẹ.” cũng hoàn toàn bị thuyết phục trước câu nói “ Cuốn sách mà bất cứ người con nào cũng cần phải đọc để hiểu mẹ hơn.” được in trên bìa sách.Cuốn sách là 100 câu hỏi của tác giả, 100 câu trả lời từ người mẹ và 100 câu chuyện thực trong kí ức của một cậu bé được sống cùng bốn người ba. Nhưng đó là kí ức của tác giả, ông ấy là một người tài năng, và chúng tôi có hoàn cảnh sống khác nhau, nên tôi vẫn mong muốn có thể nghe được từng câu trả lời từ chính mẹ tôi hơn.
“Mẹ có từng yêu ông ấy không?”, tôi đã đọc được câu trả lời của mẹ tác giả, và tự suy ra được câu trả lời của mẹ tôi. Rồi tôi cũng muốn hỏi mẹ: “ Mẹ sống cùng con và ba có hạnh phúc không hả mẹ?”, “Mẹ có bao giờ ghét bỏ đứa con hư hỏng này chưa?”, “Mẹ….?”
Nhưng suy cho cùng, mẹ vẫn là mẹ, là người mà cả đời này tôi trân trọng và yêu thương, mẹ đã không ghét bỏ tôi dù tôi tỏ thái độ với mẹ, dù tôi có cư xử sai với mẹ. Không rõ từ bao giờ, mẹ là một phần không thể thiếu trong tôi, tôi cũng muốn hỏi mẹ rằng: “Mẹ ơi, mẹ có hạnh phúc không?”
– Nguyễn Kim Huế
Mẹ ơi! Mẹ có hạnh phúc không?
Đây là 1 cuốn sách nhỏ với văn phong giản dị tinh tế rất Nhật. Suốt cuốn sách là chuỗi 100 câu hỏi mà tác giả Takeshi Moriya – một nhà sản xuất phim – gửi đến mẹ mình, lúc này anh đã là 1 người đàn ông trưởng thành, có sự nghiệp, có vợ và 2 con. Từng câu chuyện cũ được nhắc lại, từng nỗi buồn cũ được gọi tên và người mẹ vẫn bình thản trả lời tất cả với tâm thế nhẹ nhàng, không một chút ái ngại.
Làm bố mẹ là một trách nhiệm không hề đơn giản, vất vả, gian nan và biết bao lần dằn vặt chính bản thân rằng mình đã làm tốt chưa?
Làm bố mẹ cũng là một cánh cửa chúng ta có cơ hội nhìn lại ấu thơ, gia đình và bố mẹ mình. Để hoài niệm, tiếc nuối và thương cảm nhau hơn.
Câu hỏi thứ 100 tác giả dành cho mẹ: “Mẹ ơi! Me có hạnh phúc không?”
Ngươì mẹ đã trở lời rằng: “Có, mẹ rất hạnh phúc con ạ.”Người mẹ này có cuộc đời đầy sóng gió, một người mẹ mạnh mẽ như đàn ông để chèo chống nuôi con trưởng thành. Người ta có thể ái ngại cho chính bà, nhưng bản thân bà biết mình hạnh phúc vì bà có tài sản quý giá là những đứa con.
Đoạn cuối cuốn sách, mình đã không kiềm được nước mắt khi bà ngoại của tác giả qua đời, người mẹ ấy đã khóc!
Và chúng ta, rồi cũng phải khóc, khi một ngày nào đó người sinh ra mình mất đi…
mãi mãi…
– Hạ Mai Nguyệt 16.8.2018
Mẹ ơi, mẹ có hạnh phúc không? – Câu chuyện đậm tính cá nhân cũng có ngày trở thành sách
“Mẹ ơi, mẹ có hạnh phúc không?” có sức lay động chạm đến trái tim độc giả, để mỗi người tự tìm ra cho bản thân hướng đi riêng trên hành trình làm cha mẹ, để học cách làm cha mẹ và cũng là để học cách làm con.
Không thần tượng hóa, không hoàn hảo hóa, không vĩ đại hóa đến mức xa vời – “Mẹ ơi, mẹ có hạnh phúc không?” là cuốn sách viết về cuộc đời người mẹ của chính tác giả Moriya Takeshi – cuộc đời thật của một người mẹ thật, có đúng đắn và có sai lầm, cao cả mà dung dị, đồng thời là những ảnh hưởng từ mẹ đến hành trình làm cha của Moriya.
Một câu chuyện đậm tính cá nhân cũng có ngày trở thành sách
Sapporo, mùa thu năm 2008, đứa con thứ hai và cũng là đứa con trai đầu tiên của Moriya chào đời. Trong sự bất an về hành trình nuôi dạy con trai của một-người-vừa-trở-thành-bố-của-một-cậu-bé, kết hợp với tư chất của một nhà sản xuất phim – Moriya đã quyết định viết một danh sách gồm 100 câu hỏi gửi tới mẹ ông – để bày tỏ những thắc mắc của ông về cuộc đời bà, để lục lại ký ức của bản thân, để làm sáng tỏ những góc khuất mà ông chưa hề biết, để chạm đến từng cảm xúc sâu kín của mẹ, và tìm kiếm hướng đi đúng đắn cho hành trình làm cha của chính mình.
Cuộc phỏng vấn được bắt đầu manh nha như thế.
Và rồi tác giả nảy ra ý định biến câu chuyện về mẹ của mình thành sách nhân cơ duyên được nhờ viết kịch bản cho bộ phim phát hành vào đêm giao thừa năm 2008-2009 trên chuyên mục “Năm đến năm đi” của đài FM Tokyo.
Moriya kể lại rằng ông gặp đạo diễn Nobue Hiroshi tại một quán nhậu ở Shibuya và bắt đầu câu chuyện về người mẹ kỳ lạ thú vị của mình. Moriya đã tóm gọn lại còn 9 câu từ khoảng 100 câu hỏi, nhưng do thời lượng chương trình không cho phép nên chỉ còn lại 7 câu được phát sóng. Tựa phim khi đó là “Bảy câu hỏi gửi mẹ”. Trong quá trình thu âm, những người sản xuất nguyên tác khi đó đã khóc, khi nghe giọng bà Yuki (vào vai mẹ của Moriya) hiền dịu đáp lại những câu hỏi từ ông Ishiguro (vào vai Moriya). Mẹ của Moriya đã ngồi nghe chương trình một mình trong xe ở gara của nhà.
Suốt 8 năm sau đấy, trong Moriya luôn ấp ủ ý nghĩ rằng 7 câu hay 9 câu thì không thể nào đủ được – ông muốn để lại một thứ gì đó ở tuổi 50, và thực sự muốn thử đối diện với 100 câu hỏi đáp với mẹ của mình.
Năm 2016, nhà SB Creative đã đồng ý xuất bản cuốn sách.
“Không thể tin được câu chuyện đậm tính cá nhân này cũng có ngày thành sách!” – tác giả Moriya chia sẻ.
“- Sao cơ, con định phỏng vấn mẹ ấy hả?
Giọng Mikawa đặc sệt của mẹ tôi vang lên trong điện thoại.
– Nhưng đời mẹ liệu có viết được thành sách không? Mẹ chẳng thấy có chút kịch tính nào cả.”
Cuộc đời về người mẹ của Moriya có thể tóm gọn trong một câu: Một người đàn bà cuồng công việc, với 1 lần kết hôn, 3 lần tái giá, 4 đời chồng, 2 người con trai. Thế nhưng vài con chữ con số đó không thể nào làm rõ được những dang dở, những nợ nần, những bệnh tật, những khó khăn muôn bề mà bà đã trải qua. Sau tất cả, bà đã sống một cuộc đời kiên gan như nào để đi tìm hạnh phúc cho bản thân và hạnh phúc cho các con.
100 câu hỏi và đáp, xen kẽ vào những mẩu chuyện tự sự của tác giả – từng câu chữ chân thành của Moriya tái hiện lại hình ảnh một người mẹ, một người phụ nữ, đã sống mạnh mẽ đến đau lòng.
100 câu hỏi được đưa ra, thẳng thắn và không kém phần hóc búa, điển hình như: Tuổi thanh xuân của mẹ đã trôi qua như thế nào? Ngày bé con như thế nào? Sự có mặt của con có ý nghĩa như thế nào? Bố đẻ của con là người như thế nào? Tại sao bố mẹ lại ly hôn? Mẹ đã có suy nghĩ gì khi quyết định đến sống chung với người đàn ông đó? Với mẹ lúc bấy giờ thì tình yêu, sự nghiệp và con cái, điều nào là quan trọng nhất? Mẹ đã cản con không nên ly hôn. Tại sao mẹ lại ngăn cản cái điều mà mẹ đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong đời mình như vậy? Mẹ của những năm tháng ấy đã phải chiến đấu với điều gì, trốn chạy điều gì hả mẹ?…
Và câu hỏi cuối cùng, tác giả đã hỏi “Mẹ ơi, mẹ có hạnh phúc không?”. Đáp án ông nhận được là “Có. Mẹ hạnh phúc con à!”. Sau hết thảy những gian truân của cuộc đời, điều quan trọng nhất của người mẹ là luôn mong các con được sống hạnh phúc – niềm hạnh phúc của các con cũng chính là hạnh phúc của người mẹ.
Mẹ của Moriya – vừa mang đậm nét truyền thống Châu Á, vừa mang dáng dấp phái nữ thời hiện đại
Hi sinh cho con, làm tất cả đều vì con – đó không chỉ là câu chuyện của riêng người mẹ Nhật Bản trong sách, mà là câu chuyện chung của bất kì người mẹ châu Á truyền thống nào.
“Con là báu vật của mẹ.” – Một lời khẳng định quá đỗi ngọt ngào xen lẫn nỗi xót xa, bà cảm thấy có lỗi với các con vì đã không cố gắng thêm chút nữa, chịu đựng thêm chút nữa, bao dung thêm chút nữa để không ly hôn với người chồng đầu tiên, và để các con được có một gia đình trọn vẹn.
Nhưng sự thật không phải là bà chưa từng cố gắng, người mẹ ấy đã từng từ bỏ tôn nghiêm, đã từng hèn mọn, đã từng dập đầu trước nhân tình của chồng, vì thương cho cậu con trai lớn Moriya lúc đó mới 3 tuổi và đứa bé hơn còn mới sinh. Nhưng cố gắng từ một phía của bà chưa bao giờ là đủ để níu kéo một mối quan hệ hôn nhân. Bà đi đến quyết định ly hôn với điều kiện được quyền nuôi dưỡng hai con.
Cuộc hôn nhân thứ hai và thứ ba là hôn nhân không tình yêu, nói cách khác là bà đã tìm bố cho các con chứ không phải là tìm chồng cho chính mình. Người đàn bà ở những năm hai mươi của cuộc đời – trong hoàn cảnh một nách hai con với đôi bàn tay trắng – đã lựa chọn sống với người đàn ông mình không yêu vì sự sinh tồn của chính mình và con. Người ta hay gọi đó là “lòng dạ đàn bà”, thế nhưng chống chọi phía sau tất cả là tình mẹ bao la.
Mẹ của Moriya nói rằng cuộc đời bà không có gì kịch tính, nhưng Moriya lại cho rằng: “Mẹ tôi có lối sống khác biệt hơn nhiều và tiến bộ hơn nhiều so với cách sống của một người phụ nữ ở thế hệ bà. Chí ít là trong phần nửa thế kỷ mà tôi đã được chứng kiến.”
Ở Nhật Bản, quan niệm trọng nam khinh nữ còn khá nặng nề, người phụ nữ có chồng thì thường lui về làm nội trợ, chăm sóc chồng, nuôi dạy con. Nhưng mẹ của Moriya là một người phụ nữ mạnh mẽ và cuồng công việc. Bà quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân thứ hai vì cảm giác tội lỗi khi dựa dẫm và lợi dụng tình cảm của người đàn ông ấy, bà gửi Moriya cho ông bà và quay trở lại công việc.
Bà địu em trai Moriya trên lưng và cật lực làm việc, đạp xe chở mỹ phẩm, tóc giả đi bán, rồi làm nhân viên bán quần áo… Dù bận rộn nhưng không một phút giây nào bà thôi nhớ về đứa con lớn: “Mẹ nghĩ là con cũng hạnh phúc vì được ông bà thương yêu. Nhưng quả thật, mẹ cũng muốn có con ở gần bên.”
Lúc Moriya lên lớp Bốn, sau quyết định thuyên chuyển của công ty, người mẹ đón Moriya về và một mình chăm sóc hai con trong một căn hộ nhỏ. Ở đấy, anh em Moriya có người bố thứ ba. Vì đứa con trai nhỏ quấn quýt ông ấy, bà yên tâm khi ông ta là người biết yêu quý trẻ con.
Mang tiếng là tái hôn nhưng mẹ của Moriya vẫn là trụ cột kinh tế của gia đình, vẫn đóng vai trò là một người đàn ông, còn ông ấy lại vào vai người đàn bà trong gia đình mới này. Bà quyết định lấy ông ấy vì sợ tháng ngày phải sống xa con trai, bà cần một người đàn ông để đỡ đần và tạo điều kiện để bà được bên hai con.
Nhưng rồi người bố thứ ba của Moriya thất bại trong chuyện làm ăn, trong ký ức của Moriya, đó là những tháng sống luôn nơm nớp lo sợ vì đám người đòi nợ. Sau một quãng thời gian dài đen tối đó, bà gặp người đàn ông đã khiến bà một lần nữa biết yêu, một lần nữa liều lĩnh vì tình yêu, người đã khiến bà mê muội bất chấp việc cả hai đều đã có gia đình, để quyết định đến với nhau với ý nghĩ: “Từ giờ trở đi, cho dù có xảy ra chuyện gì đi chăng nữa, mình cũng sẽ cùng người đàn ông này đi đến hết cuộc đời.”
Cuộc sống với người chồng cuối cùng khá hạnh phúc về mặt tình cảm, dù cuộc đời vẫn dành nhiều thử thách cho bà, từ rắc rối trong doanh thu dẫn đến việc bị tạm giam, đến thiếu thốn vật chất, không trả nổi học phí cho Moriya, bị ung thư cổ tử cung, con trai nhỏ bị chứng rối loạn lưỡng cực… Quá nhiều khó khăn tưởng chừng như khó có thể vượt qua được, thật may là người mẹ ấy đã bươn qua tất cả với sự mạnh mẽ và ngoan cường đáng nể phục, để đến được ngày thấy con trai công thành danh toại, được lên chức bà, được sum vầy bên con cháu… Để trả lời dứt khoát một tiếng “Có” khi con trai hỏi bà có hạnh phúc không. Bà hạnh phúc vì con cháu bà hạnh phúc.
“Sau cuối, tôi cũng biết là mình khó lòng hiểu hết cuộc đời mẹ. Cách mà mẹ tôi đã sống mạnh mẽ như một người đàn ông, trong cái lốt yếu mềm của người phụ nữ, đã cho tôi nhận thức rõ ràng rằng việc dám ‘sống một cuộc đời ngoan cường và bản lĩnh’ hoàn toàn không phải là một điều phụ thuộc vào giới tính.”
Hành trình đi tìm cách “làm bố” của Moriya Takeshi
“Khi nghĩ rằng có lẽ tất cả những chuyện xảy ra trong cuộc đời mẹ đã tạo ra con người con ngày hôm nay, hay nói cách khác là tạo nên một người bố vẫn đang dò dẫm tìm cách đối diện với những đứa con của mình, con cũng không hề giận mẹ một chút nào. Ngược lại, con còn cảm thấy biết ơn mẹ vì đã cho con cơ hội này, biết ơn mẹ vì đã dạy cho con bài học đó bằng chính cuộc đời mẹ.”
Bố mẹ ly hôn khi Moriya chỉ mới 3 tuổi, ông hầu như không có ký ức về bố đẻ của mình, thế nên cũng không có chút ý niệm nào về cách mà một người cha nên nuôi dạy con trai. Ảnh hưởng nhiều từ cách sống tự lập của mẹ, Moriya là một gã đàn ông luôn bù đầu với công việc, đối với đứa con gái đầu lòng Moriya đã bỏ lỡ nhiều thời khắc quan trọng của con. Từng câu hỏi đáp mở lòng với mẹ, đã khiến ông tự dặn lòng mình phải dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, phải trân trọng người thân hơn, không được để khoảng trống vô tình làm tổn thương vợ con.
Ngày con trai 3 tuổi, Moriya đóng bộ comple chỉnh tề, tay cầm máy quay, thích thú với công việc “người làm bố” – ghi lại những khoảnh khắc đáng quý của gia đình. Ống ngắm hơi nhòe đi, nước mắt ông dâng lên khi thấy con trai dõng dạc trả lời và nhanh chóng đứng dậy sau tiếng đọc tên của thầy hiệu trưởng. Ông tự hỏi mình liệu có bỏ sót điều gì trong hành trình dạy con không, rồi lại nghĩ về người mẹ tối ngày vừa đi làm vừa nuôi hai anh em ông khôn lớn, liệu bà đã sống với những suy nghĩ như nào.
“Các con luôn được xếp ở vị trí đầu tiên trong danh sách.”
Giữa tình yêu, sự nghiệp và con cái, đối với mẹ của Moriya, các con luôn là điều quan trọng nhất. Những lời đáp của bà nhẹ nhàng dẫn lối cho Moriya. Ông học được cách từ chối đối tác để chạy về khi nghe tin con trai bị bệnh, lựa chọn nhờ nhân viên sắp xếp công việc thay mình khi vợ nhập viện. Ông hiểu được sự quan trọng của người vợ, người mẹ trong gia đình, biết trân trọng vợ con hơn.
“Mẹ ơi, mẹ có hạnh phúc không?” không phải là cuốn sách về cuộc đời một người rồi để đọc và noi theo cuộc đời đó, mà là viết về cuộc đời người mẹ – làm sáng tỏ mọi điểm mù của đời ấy – để thấu hiểu và bao dung, để biết ơn và yêu thương, đồng thời chắt lọc những điều quý báu được đúc kết từ vết nứt thời gian hằn sâu trên gương mặt mẹ, để học cách sống đúng đắn. Moriya đã thực hiện xuất sắc điều này.
“Cuộc sống luôn tiềm ẩn những điều khó khăn, đôi khi khó đến mức chúng ta chỉ một mực muốn trốn chạy. Nhưng mẹ tôi thì chưa bao giờ lẩn tránh. Bà đã cố gắng vượt qua tất cả bằng sự nỗ lực của chính mình, đôi khi đến mức bướng bỉnh và kiên gan. Theo cái cách mà một lần bà từng nói, khi chứng kiến việc tôi đang bị mắc kẹt trong những khúc mắc và phiền muộn của việc làm cha: ‘Con việc gì băn khoăn lo sợ chứ? Con cứ là con. Con cứ sống với chính mình là được!’.”
Ai cũng nhờ mẹ mà được sinh ra – Xin đừng vô tâm với mẹ
Có bao giờ mỗi người tự hỏi rằng “Liệu mẹ mình có hạnh phúc không?” hay chưa?
Nước mắt muôn đời chảy xuôi. Cha mẹ sinh con, nuôi con khôn lớn bằng tình yêu như trời như bể. Thế nhưng đã bao giờ phận làm con đặt mình ở vị trí của mẹ để thôi trách cứ và đòi hỏi?
Cuốn sách vỏn vẹn 160 trang này sẽ là lời nhắc nhở, lời cảnh tỉnh cho những ai đang thờ ơ với bố mẹ của mình. Không cứ phải trẻ con thì mới là con cái. Dù là 3 tuổi, 30 tuổi, hay 50 tuổi… thì “con dù lớn vẫn là con của mẹ”. Với tình thương yêu vô bờ bến, mẹ luôn luôn hy sinh vô điều kiện cho con.
“Mẹ ơi, mẹ có hạnh phúc không?” không chỉ nói về chủ đề mẹ con, mà còn về bố mẹ, về gia đình, về cái nôi của xã hội. Cuốn sách đã trở thành hiện tượng xuất bản tại Nhật Bản – chứng minh một chân lý – “Tình mẫu tử, dù ở bất cứ nơi đâu hay trong thời đại nào, cũng đều giống nhau.”
Những câu chuyện của Moriya và mẹ sẽ khiến nhiều người nhận ra đâu đó hình ảnh của chính bản thân và mẹ mình, có lẽ sẽ có người bật khóc vì nhận ra quá nhiều vất vả mà mẹ đã phải chịu đựng. Tác giả đã cất lên tiếng lòng của hàng triệu người, rằng không chỉ hạnh phúc của con là hạnh phúc của cha mẹ, mà hạnh phúc của đấng sinh thành cũng là niềm vui sống của con cháu.
Hỏi đáp và kết nối – Tại sao không?
Không có bất kỳ cuốn sách kỹ năng dạy làm cha mẹ nào có thể đem lại những bí kíp, lời khuyên hiệu quả bằng chính những kinh nghiệm được đúc kết từ câu chuyện về hành trình nuôi dạy con của chính ba mẹ của mỗi người.
Trong lời bạt của cuốn sách “Mẹ ơi, mẹ có hạnh phúc không?”, tác giả Moriya Takeshi đã gợi ý cho độc giả một cách thức tiếp cận tuyệt vời với cuộc hành trình này. Hãy thử gửi những câu hỏi đến ba mẹ, không nhất thiết là 100 câu, để khám phá những khía cạnh sâu thẳm không ngờ, để thấu hiểu, để yêu thương gửi trao sau bao yêu thương được nhận.
Hãy nhìn vào hành trình của ba mẹ mình để tự rút ra những bài học, những điều nên tránh và cả những điều nhất định phải thực hiện khi mỗi người ở trên cương vị thiêng liêng ấy. Để rồi sau những băn khoăn, từng câu hỏi, từng câu trả lời, tự tìm cho mình hướng đi đúng đắn trên hành trình nuôi dạy con, cũng là dịp níu gần sợi dây gắn kết với ba mẹ.
– Duyên
Trích dẫn Mẹ ơi, mẹ có hạnh phúc không
“Cuộc sống luôn tiềm ẩn những điều khó khăn, đôi khi khó đến mức chúng ta chỉ một mực muốn trốn chạy. Nhưng mẹ tôi thì chưa bao giờ lẩn tránh. Bà đã cố gắng vượt qua tất cả bằng sự nỗ lực của chính mình, đôi khi đến mức bướng bỉnh và kiên gan. Theo cái cách mà một lần bà từng nói, khi chứng kiến việc tôi đang bị mắc kẹt trong những khúc mắc và phiền muộn của việc làm cha: ‘Con việc gì băn khoăn lo sợ chứ? Con cứ là con. Con cứ sống với chính mình là được!’.”
“Tuổi thanh xuân của mẹ đã trôi qua như thế nào? Ngày bé con như thế nào? Sự có mặt của con có ý nghĩa như thế nào? Bố đẻ của con là người như thế nào? Tại sao bố mẹ lại ly hôn? Mẹ đã có suy nghĩ gì khi quyết định đến sống chung với người đàn ông đó? Với mẹ lúc bấy giờ thì tình yêu, sự nghiệp và con cái, điều nào là quan trọng nhất? Mẹ đã cản con không nên ly hôn. Tại sao mẹ lại ngăn cản cái điều mà mẹ đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong đời mình như vậy? Mẹ của những năm tháng ấy đã phải chiến đấu với điều gì, trốn chạy điều gì hả mẹ?…”
“Sau cuối, tôi cũng biết là mình khó lòng hiểu hết cuộc đời mẹ. Cách mà mẹ tôi đã sống mạnh mẽ như một người đàn ông, trong cái lốt yếu mềm của người phụ nữ, đã cho tôi nhận thức rõ ràng rằng việc dám ‘sống một cuộc đời ngoan cường và bản lĩnh’ hoàn toàn không phải là một điều phụ thuộc vào giới tính.”
“Khi nghĩ rằng có lẽ tất cả những chuyện xảy ra trong cuộc đời mẹ đã tạo ra con người con ngày hôm nay, hay nói cách khác là tạo nên một người bố vẫn đang dò dẫm tìm cách đối diện với những đứa con của mình, con cũng không hề giận mẹ một chút nào. Ngược lại, con còn cảm thấy biết ơn mẹ vì đã cho con cơ hội này, biết ơn mẹ vì đã dạy cho con bài học đó bằng chính cuộc đời mẹ.”
Mẹ có từng yêu ông ấy không?
Tất nhiên là mẹ đã từng yêu bố. Nhưng tới giờ, mẹ vẫn không thể tha thứ cho ông ấy.
Mẹ nhớ lần mà cấp trên của bố con gọi mẹ đến và nói: “chị có biết việc nhân tình của chồng chị gọi điện đến công ty gần như hằng ngày không?” Nhân tình của bó con là một người đàn bà hơn ông ấy 6 tuổi, cũng đã có chồng có con. Mẹ đã phải tìm đến nhà, dập đầu cúi lạy bà ấy vì con và em trai mới sinh của con.
“Tôi xin chị, anh ấy rất quan trọng đối với tôi. Vì những đứa trẻ này, xin chị hãy rời xa anh ấy được không?
Bà ấy cũng mở đại lý phân phối mỹ phẩm giống mẹ. Một phòng trong nhà bà ấy được dùng để kinh doanh quán bar nhạc nhẹ. Bà ấy đẹp. Mẹ nghĩ bà ấy chắc chắn cũng là người có tiền. Khi đó, mẹ mới chỉ 25 tuổi, trong tay chẳng có gì, chỉ biết ngồi đó ôm hai con và khóc nức nở trước mặt bà ấy mà thôi.
“Tôi chịu thua cô rồi. Thôi thì giải tán. Nhưng tôi cũng phải nói thật, tình yêu của tôi dành cho anh ấy là thật lòng.”
Nghe bà ấy bảo vậy, mẹ đáp: “Chồng tôi được người như chị yêu thương là một may mắn cho anh ấy. Nhưng với tôi và những đứa trẻ này, anh ấy là người vô cũng quan trọng. Vậy nên, tôi xin chị, xin chị hãy rời xa anh ấy.”
Mẹ nói và dập đầu cúi lay.
Đến tận bây giờ, khi nhớ lại, nước mắt mẹ vẫn cứ không ngừng trào ra.
– Trích dẫn 1 trong 100 câu trả lời của người mẹ