Lần cập nhật gần nhất December 19th, 2019 - 09:37 am

“Nếu cuộc đời là một cuốn sách thì bạn đọc ngược từ dưới lên cũng sẽ chẳng có gì thay đổi. Hôm nay chẳng khác gì hôm qua. Ngày mai cũng giống hệt ngày hôm nay. Trong cuốn sách về cuộc đời em, chương nào cũng giống hệt chương nào, cho tới khi anh xuất hiện”
(Trích Nhật kí của Madeline)
- Review (3)
- Giới thiệu phim
Review (3)
Hôm nay em đã gặp một quyển sách khiến em cười suốt từng phút trong lúc đọc, và khi đọc xong tâm tình em rất tốt. Vốn định đọc nó trong vòng 5 ngày nhưng có lẽ vì nội dung không dài, nhiều trang trắng (chỉ có một hoặc vài dòng chữ) nên em đã đọc nó trong 4 tiếng. Sau khi xem bộ phim “Khởi nguyên kỳ diệu” – chuyển thể từ quyển sách này – thì em mua sách nhưng vì nghĩ rằng mình đã biết nội dung nên chưa muốn đọc đến, nhưng khi đọc thì em nhận ra sách và phim tuyệt vời như nhau. Em cảm thấy một sự thôi thúc mãnh liệt muốn chia sẻ với Người suy nghĩ của em về quyển “Everything, Everything” này.
Truyện kể rằng ngày nảy ngày nay có một cô bé Madeline Furukawa Whittier 17 tuổi, bị mắc hội chứng SCID – mất khả năng miễn dịch do gene bị khuyết tật, cả đời (tức là từ lúc sinh ra đến năm 17 tuổi) phải sống trong một không gian vô trùng, sức khỏe được theo dõi sát sao bởi một người mẹ bác sĩ và một cô y tá có con gái bằng tuổi Madeline. Cuộc sống bình thản trôi qua như mặt hồ lặng sóng cho đến một ngày đẹp trời nọ, gia đình Madeline có hàng xóm mới. Ngay cả khi hàng xóm mới chưa bước vào nhà thì Madeline đã có một cuộc gặp-gỡ-bằng-mắt với Olly – cậu con trai của gia đình nọ. Chuyện gì phải xảy ra đã xảy ra: hai cô cậu tìm được cách liên lạc qua email, và một thế giới sống động rực rỡ mở ra cho Madeline. Cô gái 17 tuổi lần đầu cảm nhận được những rung động lạ thường, và lần đầu cảm thấy băn khoăn về căn bệnh SCID khiến cô luôn bị cầm tù trong chính ngôi nhà của mình.
Em không biết tác giả Nicola Yoon có cố ý không, nhưng cách đặt địa chỉ email của hai nhân vật chính rất thú vị: Madeline bị bệnh về gene, email của Olly là genericuser, đọc hơi giống “rescue” (chữa lành, giải cứu) >> suy ra Olly là “người chữa lành gene” của Madeline. Tuy đã xem nhiều lần bộ phim chuyển thể từ sách nhưng phải công nhận em tận hưởng được từng khoảnh khắc khi đọc quyển sách này. Cách viết của tác giả rất hài hước, truyện tình cảm nhẹ nhàng nhưng không hề sến hoặc nhạt nhẽo, câu chữ ngắn gọn nhưng ý vị sâu xa, diễn tả tâm lý nhân vật một cách thấu đáo. Xen lẫn trong truyện là những nét vẽ minh họa trắng đen rất đẹp, dễ thương và gây cười.
Nhân vật đáng thương nhất trong truyện là mẹ của Madeline, sau cái chết của chồng và con trai, bà ấy đã bị tổn thương tâm lý nghiêm trọng dẫn đến việc bảo bọc con gái quá mức. Tình thương sai trái có thể gây nên những hậu quả đau đớn khủng khiếp và dai dẳng. Khi phát hiện ra sự thật, Madeline không mất nhiều thời gian để chấp nhận và thỏa hiệp. Nếu là em, em không thể cư xử được như cô ấy. Dẫu biết nếu cố chấp không tha thứ thì chỉ làm khổ bản thân và người thân nhưng có lẽ em sẽ mất rất nhiều thời gian – có thể là cả đời – để tập buông bỏ được những oán niệm. Người cũng thấy phản ứng của em khi bị ngăn cấm không được gặp Người rồi đó. Nào giờ em tự hào mình là cô gái ngoan, nhưng sau khi đọc “Everything, Everything” thì em cho rằng Madeline Whittier còn ngoan hơn em!
“Chuyện gì xảy ra nếu anh nói thật với bố mẹ?”
“Họ sẽ bắt anh phải lựa chọn.Và anh sẽ không chọn họ”.“Có lẽ trưởng thành đồng nghĩa với làm những người ta yêu thương thất vọng”.
Hôm nay Mẹ em nhắc đến một người họ hàng đã từng rất cưng chìu em lúc còn bé xíu, tự dưng em trả lời rằng “Nếu khi con lớn lên mà người ấy vẫn cưng chìu, vẫn chấp nhận bản chất của con, thì đó mới là yêu thương và thấu hiểu thật sự”.
“Everything, Everything” có nói đến “hội chứng rối loạn bao tử do bươm bướm” khiến em bật cười nghĩ đến bộ phim “Yes or No” phần 1. Người biết không, khi Người nhìn em chăm chú, em cũng bị hội chứng rối loạn bao tử do bươm bướm đó. Đọc xong quyển này, em cũng học được một số câu chào hỏi bằng tiếng Hawaii rất dễ nhớ, chẳng hạn như
__ Aloha = Xin chào / Tạm biệt
__ Mahalo = Cảm ơn
__ Mahalo nui loa = Cảm ơn rất nhiều
Ngoài ra còn có một cái tên cực kỳ dài của một loại cá mà em không viết ra ở đây đâu, nếu Người muốn biết thì hãy đến gặp em để mượn sách đọc.Em thắc mắc vì sao một quyển sách có nội dung rất hay, bìa rất đẹp, trình bày và in ấn đẹp thế này mà lại thường xuyên bị bán trong những hội sách giảm giá. Lẽ ra một câu chuyện thơ mộng, hài hước, tích cực, nhân văn như thế phải được nhiều mọt sách săn đón và trân trọng. Ngày nào đó nếu có cơ hội, em rất mong được ngồi bên cạnh Người (hoặc ngồi trong lòng Người cũng được) để cùng đọc quyển “Everything, Everything”, rồi cùng xem bộ phim chuyển thể từ truyện, vừa cười cùng nhau vừa cảm nhận dòng suối ngọt ngào mát rượi nhẹ nhàng len lỏi trong tim. Nếu có thể trải qua quãng thời gian như vậy cùng Người, em tin rằng đó sẽ là những khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong đời em.
– Camellia Phoenix (Sea, 15-9-2018)
“Hôm nay chẳng khác gì hôm qua. Ngày mai cũng giống hệt ngày hôm nay. Trong cuốn sách viết về cuộc đời em, chương nào cũng giống hệt chương nào.
Cho đến khi anh xuất hiện.”
– Everything, Everything, Nicola Yoon –
(Tựa đề bản dịnh tiếng Việt: Nếu chỉ còn một ngày để sống)
Có lẽ chúng ta không nên hỏi vì sao con người phải sống, mà nên hỏi là con người phải làm thế nào để sống, để sống đúng ý nghĩa của cuộc đời.
Nếu Nicola Yoon chỉ viết “Everything, Everything” để kể về một cô bé mắc “căn bệnh kì lạ” và khát khao được giao cảm với cuộc đời của một đứa trẻ chưa từng được bước ra khỏi ngưỡng của ngôi nhà mình đang ở thì quyển sách vẫn hay và đầy ý nghĩa nhưng thông điệp đầy nhân văn có lẽ không được truyền tải mạnh mẽ như thế.
Và rồi, Nicola Yoon để Olly xuất hiện, Olly như ánh nắng mặt trời đột nhiên chiếu đến tâm hồn tối tăm, lạnh lẽo và đôi phần tẻ nhạt của Madeline. Chưa bao giờ cô bé cảm thấy cuộc sống tràn đầy ý vị thế này, và cũng chưa bao giờ cái khát khao giao cảm với cuộc đời trỗi dậy mạnh mẽ đến như thế, và hơn hết, một ý nghĩ “phá tan bốn bức tường” đã vây quanh Madeline bao nhiêu năm nay, từ từ, từ từ nhen nhóm.
Một tác giả đương đại xuất chúng như Nicola Yoon sẽ chẳng thể để Olly đến bên cuộc đời của Madeline như một phương thuốc đến từ tình yêu. Câu chuyện của Madeline, của Madeline và Olly không chỉ là câu chuyện kể của hai người lạ bỗng dưng chợt đến, chợt đi đối với bạn đọc. Mà chính là những góc khuất sâu còn tồn đọng trong tâm hồn của mỗi con người.
Nhân vật Olly không chỉ là một người mang đến tình yêu đơn thuần. Kể về Madeline, nhưng tác giả đang đánh sâu vào tâm hồn còn khép kín của biết bao nhiêu người. Và Olly với một tình yêu, không giống như chiếc bóng vô hình thấp thoáng, đã từ từ, từ từ mở cửa nhưng góc khuất mà chưa từng ai chạm đến.
Có thể Olly không ngọt ngào, không lãng mạn như những nam chính ngôn tình mà biết bao cô gái hằng ao ước. Nhưng Olly đủ ấm áp, đủ tinh tế, và đủ sức bảo vệ tình yêu của mình.
Tình yêu của Olly không chỉ là một ngọn gió ấm áp thổi tan giá lạnh trong lòng Madeline, mà đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để sống tiếp và sống cho đúng nghĩa cuộc sống: là sống chứ không phải tồn tại lay lắt từng ngày.
Mỗi một độc giả chiêm nghiệm tác phẩm, đặc biệt là những đứa trẻ mới lớn như Madeline, không khỏi ao ước cuộc đời mình có một người đến cạnh bên như Olly, để sưởi ấm, để thắp sáng và mở cửa tâm hồn còn khép kín của bản thân mình.
Nhưng có lẽ, Everything, Everything không chỉ đọng lại trong lòng người đọc bởi tình yêu đơn thuần, mà là trái tim thấu hiểu, cảm thông với nhau gan lì dám chống lại những giáo điều suôn rỗng. Và hơn hết, đó là bởi vì Madeline, bởi vì Olly, những của người của tuổi trẻ, của thanh xuân, luôn khát khao một cuộc đời theo đúng nghĩa.
“Nụ cười anh dành cho tôi đáng để tôi sống vì nó” (Nhân vật Madeline)
– Thư Nguyễn
“NẾU CHỈ CÒN MỘT NGÀY ĐỂ SỐNG” – NICOLA YOON
“Tìm được sách của em rồi” – Vâng. Đến cuối cùng thì tôi thực sự yêu cuốn sách này bởi câu thoại kết thúc của nó. Là một dấu chấm hết cho những bất hạnh, nỗi đau. Nhưng đồng thời cũng chính là dấu chấm lửng để mở ra một tương lai toàn mĩ và xán lạn của một chuyện tình đẹp, những khao khát chính đáng.
Nhan đề cuốn sách “Nếu chỉ còn một ngày để sống” cùng với trang trí nền bìa màu lam không quá cầu kì, bắt mắt. Ban đầu, lúc cầm cuốn sách này lên tôi thật sự đã nghĩ nó là một cuốn self-help của Việt Nam, và bởi vì tôi thích mấy cuốn kiểu kha khá mang âm hưởng “dạy đời” nên tôi đã không ngần ngại mà thêm nó vào chồng sách đọc trong tuần của tôi. Nó thật sự đã làm tôi bất ngờ đấy. Vì sao? Bởi vì tôi đã bị cái vẻ ngoài đơn sơ của nó đánh lừa hoàn toàn cái nội dung bên trong rồi. Cuốn sách này kể về một cô gái mang trong tôi căn bệnh SCID kì lạ có tên là Madeline. Một thứ bệnh kì cục và không có thuốc chữa vĩnh viễn đã cầm tù thời thiếu nữ của cô trong ngôi nhà vô trùng, tiệt khuẩn, cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Những tưởng là trong lành, là an toàn, là yên ấm, những tháng ngày của cô trôi qua trong sự chăm sóc bảo vệ hết lòng của bà mẹ bác sĩ và cô Clara vậy nhưng “biết đâu bất ngờ”…
Hẳn bạn từng đọc câu chuyện về “Công chúa ngủ trong rừng”, “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn” hay “Cô bé Lọ Lem”,…họ đều là những cô gái hiền lành, xinh đẹp, cuộc đời và số phận của họ được thay đổi kể từ khi họ gặp được hoàng tử của cuộc đời mình. Ở đây, tôi mạn phép gọi cậu bé con nhà hàng xóm của Madeline là một chàng hoàng tử, bởi lẽ nếu không có sự xuất hiện của cậu, không có tình yêu mãnh liệt mà hai người dành cho nhau thì liệu Madeline có dám vùng ra khỏi nỗi đau, nỗi sợ hãi của bản thân để bước ra thể giới bên ngoài. Vâng, một cô gái mang trong mình căn bệnh cả đời không được rời khỏi “bong bóng” vô trùng, vậy mà cô gái ấy đã sẵn sàng lao ra ngoài không khí như một con thiêu thân để bảo vệ tình yêu, để theo đuổi hạnh phúc của tôi, không còn màng đến mạng sống nữa. Để ta thấy rằng, có thể sự tồn tại của cô là bé nhỏ nhưng nghị lực sống của cô là không hề yếu ớt, “nếu chỉ còn một ngày để sống”, cô vẫn khát khao yêu và được yêu hết mình. Madeline làm tôi nhớ đến một câu thơ nổi tiếng của Ông hoàng Thơ tình Xuân Diệu: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”.
Có những lúc tôi đã phải thốt lên rằng tại sao cô bé ấy lại dại dột như thế, hay tại sao người mẹ kia lại điên rồ như vậy. Nhưng rồi cuối cùng tôi nhận ra tôi đã lầm. Cũng đã có lúc tôi hối hận khi đọc cuốn sách này, một cuốn sách không hợp gu của tôi, một cuốn sách quá mùi mẫn tình cảm so với cái tuổi 16 chưa hoàn toàn trưởng thành nhưng cũng không hẳn ngây thơ này, nhưng rồi, chỉ đến những trang sách cuối cùng, những câu chữ cuối cùng tôi mới thật tiếc nuối, tiếc nuối tại sao dung lượng của nó chỉ là hơn 300 trang, tại sao không kéo dài hơn một tí. Cái kết thúc của truyện, tôi cho rằng là một cánh cửa mở, để cho trí tưởng tượng của bạn đọc được bay cao bay xa hơn nữa. Bởi nội dung của cuốn sách chắc chắn đâu chỉ dừng lại ở câu:
“Tìm được sách của em rồi”
- Ngọc Mei