Lần cập nhật gần nhất November 3rd, 2021 - 09:25 am
The Wall Street Journal từng bình luận: “Một bức tranh rực rỡ về Afghanistan ba mươi năm về trước.” Đây là một tác phẩm phi thường về văn hóa và những giá trị nhân sinh.
Lương tâm là bóng tối và cũng là ánh sáng của cuộc đời mỗi người, “luôn có một con đường để tốt lành trở lại”. Câu chuyện về một cậu bé dùng cả cuộc đời để chạy trốn và cúi đầu trước lương tâm cũng chính là một bản hùng ca về những mối quan hệ bất biến nhất trong cuộc đời mỗi người.

- Review Người đua diều (4)
- Trích dẫn Người đua diều
Review Người đua diều (4)
“Vì cậu, cả ngàn lần rồi”
Đây chỉ là một câu nói ngắn ngủi thôi nhưng sức công phá của nó thật mạnh mẽ, nó ùa vào sâu trong lồng ngực của độc giả và để lại ở đó một vết thương sâu hoắm mà thời gian qua đi chưa chắc đã có thể chữa lành.
Nếu bạn không thích những câu chuyện buồn, tôi khuyên bạn không nên đọc “Người đua diều”. Cuốn sách này hay vô cùng nhưng cũng buồn lắm. Dư âm của nó vẫn còn trong tôi mặc dù tôi đã kết thúc cuốn sách cũng khá lâu rồi.
Đất nước Afghanistan những năm 1970 hiện lên trong những trang sách không chỉ đơn thuần là đất nước bất ổn về chính trị và chiến tranh mà ở đó còn có những tháng ngày trong xanh và tươi đẹp, những ngày hai cậu bé Amir và Hassan lớn lên cùng nhau dưới một mái nhà. Tình bạn của trẻ con vô tư và trong sáng nhưng rồi sự ích kỷ lớn dần lên vô hình trung khiến bầu trời tuổi thơ ấy vỡ vụn.
Có một vài đoạn chỉ đơn thuần đọc thôi mà đã khiến bạn run bần bật xúc cảm, có những đoạn tưởng như bạn phải bịt mắt và bịt tai lại để không phải thấy, không phải nghe cái hiện thực khắc nghiệt dường như đang diễn ra trước mắt dẫu rằng đó chỉ là vài ba trang nhỏ trong cuốn sách này.
“Người đua diều” sẽ gửi đến bạn nhiều và thật nhiều những bài học. Học từ những lỗi lầm, học từ sự hy sinh, bài học cha dạy con, học từ vết thương cuộc sống. Tôi đặc biệt thích cách cha của Amir dạy anh về tội ăn cắp: “Trên đời này chỉ có duy nhất một tội, một tội thôi. Đó là tội ăn cắp. Mọi tội khác điều là biến thái của tội ăn cắp…
Khi con giết một người con ăn cắp một cuộc đời. Con ăn cắp quyền làm vợ của một người đàn bà. Cướp cha lũ trẻ. Khi con nói dối là con ăn cắp quyền của ai đó được biết sự thật. Khi con lừa bịp, con ăn cắp quyền được ngay thẳng. Con hiểu không? “
Có những nhân vật xuất hiện trong những cuốn truyện rồi để lại dấu ấn rất sâu đậm trong tôi, đặc biệt là những con người trong sáng và lương thiện. Cậu bé Hassan trong “Người đua diều” làm lu mờ tất cả mọi nhỏ nhen, tầm thường, làm sáng lên tinh thần nhân văn của cuốn sách, khiến người đọc xót xa thương cảm và cũng nhờ đó mà họ sống “người” hơn. Đọc về Hassan đột nhiên tôi lại nghĩ đến Mừng – cậu bé con trong “Tuổi thơ dữ dội”. Tất nhiên là hai nhân vật này có rất nhiều điểm khác nhau về tính cách, hoàn cảnh sống nhưng ở cả hai cậu bé đều ắp sự dễ thương, ngây thơ, hiền hậu và lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt cảm thương của người đọc. Tôi không biết trong cuộc sống này, còn bao nhiêu Hassan tồn tại nữa, nhưng nếu bạn gặp một Hassan hiền lành như thế, tốt bụng như thế, thì hãy dành trọn cả tấm lòng mình để yêu mến họ, đừng để lỗi lầm xảy ra rồi hối tiếc như Amir.
Mỗi hành động của bạn đều ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc đời người khác. Vậy nên, chúng ta, cố gắng mỗi ngày, hành xử để trở nên tốt đẹp hơn. Và hãy nhớ rằng:
“Luôn có một con đường để tốt lành trở lại.”
– Mỹ Trang Trần
Vừa đọc xong cuốn “Người đua diều”, kết thúc mở đầy hy vọng, một cái kết đầy bao dung khiến người đọc thở phào nhẹ nhõm. “Người đua diều” là một cuốn tiểu thuyết của tác giả Khaled Hosseini sinh năm 1965 tại Kabul, Afghanistan hiện tại sống tại Mỹ. “Người đua diều”, một câu chuyện hồi ức nói về tình bạn, sự phản bội và chuộc tội. Cuốn sách lấy bối cảnh đất nước Afghanistin, một đất nước mà theo những thông tin ít ỏi của mình tôi hình dung nơi đó chỉ toàn chiến tranh giết chóc, mà khi đọc cuốn sách thì sự thực cũng vô cùng tàn khốc, chiến tranh, sự tàn sát đẫm máu đến những người dân vô tội của những phần tử Taliban, sự kì thị chủng tộc người Hazaras. Đọc những chương đầu cuốn sách, cảm thấy vô cùng ghét nhân vật Amir vì sự yếu hèn và phản bội của cậu ấy, thấy thương cho Hassan bởi lòng dũng cảm, luôn bảo vệ Amir, trung thành tuyệt đối vô điều kiện. Trách Amir tại sao cậu ấy lại có thể đối xử với Hassan như vậy, Hassan bằng mọi giá bảo vệ chiếc diều xanh (một chiến lợi phẩm của Amir trong cuộc đua diều) bị bắt nạt và làm nhục, Amir chứng kiến tất cả nhưng lại không dám đứng ra bảo vệ Hassan, thậm chí lại vu cho Hassan tội ăn cắp để đuổi cha con Hassan đi. Nhưng suy nghĩ cho cùng thì Amir không phải là người xấu xa mà theo như bức thư chú Rahim Khan gửi cho Amir nhiều năm về sau thì “Một con người không có lương tâm, không có lòng tốt sẽ không biết đau khổ” đúng vậy, Amir vẫn luôn day dứt dằn vặt chính mình, khi nghe tin vợ chồng Hassan bị quân Taliban xử bắn vì đã cố bảo vệ ngôi nhà trước kia của Amir ở Afghanistan và Hassan còn một đứa con trong trại mồ côi ở Afghanistan, Amir đã từ Mỹ quay lại Afghanistan để đưa Sohrab (con trai Hassan) đi khỏi nơi nguy hiểm, Sohrab đã đem lại cho Amir hy vọng chuộc lỗi, và cuối chuyện Amir đã có được nụ cười nhẹ nhàng thanh thản sau bao cố gắng. Có thể nói cuốn tiểu thuyết “Người đua diều” là cuộc đấu tranh của chính bản thân cá nhân con người với bản ngã của chính mình, cuốn sách vừa mang tính hiện thực vừa nhân văn. Đọc người đua diều đem lại cho ta sự hiểu biết về đất nước cũng như cảm thông với con người Afghanistan.
– Bích Vân
Người đua diều – Khaled Hosseini
Tôi biết điến cuốn sách Người đua diều cách đây khá lâu, song do nghe nói rằng nó rất buồn nên cứ lần nữa mãi chưa đọc. Nhưng lần này, khi tôi mở vài trang ra đọc thử thì bị cuốn vào chuyện lúc nào không hay, đọc không dứt ra được.
Đây là một cuốn tự truyện, nên cảm xúc của tác giả rất chân thật và mãnh liệt. Nhiều lúc đọc tôi có cảm giác những những cảm xúc ấy theo những dòng chữ chảy tràn vào người đọc những buồn, vui, cắn rứt và ăn năn hối hận.
Câu chuyện kể về tình bạn giữa hai cậu bé Amir và Hassan. Amir là con của ông chủ , Hassan là con của người đầy tớ, song chúng hồn nhiên lớn lên cùng nhau, thân thiết. Song do một lần vì hèn nhát Amir đã không cứu Hassan khi Hassan bị một đám trẻ đánh và nhục mạ. Nhưng thay vì ăn năn hối lối Amir đã tìm cách đuổi hai cha con Hassan ra khỏi nhà để khỏi phải thấy sự xấu hổ, day dứt của bản thân. Chính hành động này đã làm Amir phải ăn năn, hối hận cả đời về những phản bội mà anh đã dành để đáp lại sự trung thành của người bạn thân thiết nhất của mình, sự dày vò ân hận vẫn chưa từng buông tha anh một giây phút nào cả. Sau này khi gia đình gặp biến loạn, hai cha con Amir qua Mỹ, anh cũng không bao giờ nguôi quên cảm giác đó. Mỗi lần đọc tới câu mà Hassan nói với Amir “Vì cậu, cả ngàn lần …” tôi luôn cảm thấy nghẹn ngào và xót xa.
Amir sau biết bao trằn trọc, day dứt đã quyết định quay trở lại Afghanistan để tìm lại Hassan, chuộc lỗi với người bạn thân thiết trung thành. Nhưng lúc này đất nước chìm trong chiến tranh và xung đột sắc tộc, Hassan của anh đã bị bắn chết cùng người vợ, đứa con không biết lưu lạc nơi nào. Amir cùng những người bạn thân thiết mới quen đã đi tìm đứa bé khắp nơi. Bằng tất cả những gì mình có, anh đã chiến đấu để giành giật lại giọt máu của vợ chồng Hassan để lại.
Người đua diều là một tác phẩm chân thật, sinh động và nhiều cảm xúc, nói về những tình cảm thân thiết mà biết bao giấy mực đã nói tới: tình bạn, tình cha con, tình yêu. Song ở đây nó không chỉ một chiều ở những cảm xúc ấm áp tình người mà còn phản chiếu những mặt tối : sự phản bội, sự day dứt, dằn vặt của một người khi phản bội bạn bè, sự đau đớn của một người cha không được nhìn nhận đứa con mình sinh ra, rồi chứng kiến đứa trẻ ấy biến mất ngay trước mắt mình.
Câu chuyện diễn ra trên nền một khung cảnh tang thương – đất nước Afghanistan đổ nát, với những kẻ cuồng tín, bạo lực, ưa giết chóc nhan nhản khắp nơi, cả một nền văn hóa hàng ngàn năm đã biến thành tro bụi, đổ nát. Nhưng ở nơi đó vẫn không thiếu những tấm lòng nhân hậu, chính trực, sẵn sàng giúp đỡ người khác, quên đi chính bản thân mình.
– Huỳnh Thu Giang
Đọc xong cuốn sách, bên tai mình còn văng vẳng tiếng súng, tiếng bom, tiếng người kêu hét khi những chiếc xe tăng tràn vào bản làng, thị trấn của họ. Là những tên khủng bố đang hành quyết từng người dân vô tội. Vào thời điểm khi mình đang viết những dòng này, ở Afghanistan có thể đang diễn ra những cuộc nội chiến đẫm máu, những đứa trẻ sinh ra không có tuổi thơ, những gia đình tuyệt nhiên không có bóng dáng đàn ông, vì tất cả một là ra trận, 2 là đã nằm sâu trong lòng đất mãi mãi không quay về. Nhưng trước khi những sự kiện này diễn ra, Afghanistan đã từng là một đất nước bình yên và những cánh diều chính là biểu tượng của con người nơi đây.
Người đua diều ấn tượng mình một cách khủng khiếp về hai khía cạnh. Một là nhân vật trong tác phẩm và hai là bối cảnh.
Về nhân vật, đầu tiên là cậu bé Amir, xuất thân là con nhà giàu, bản thân cậu cũng có sự ích kỷ của riêng mình, nhưng bên trong lại là một con người vô cùng nhân hậu, bởi vì những tội lỗi đã gây ra cho người bạn thuở thơ ấu mà cậu đã sống trong ân hận và mong muốn được chuộc lỗi suốt nhiều năm của cuộc đời. Hai là cậu bé Hassan, con trai người giúp việc, cũng là người bạn thân thiết nhất của Amir, Hassan là biểu tượng của sự trung thành, trung thành một cách tuyệt đối, cho tới giây phút cuối cùng của cuộc đời. Có lẽ chi tiết làm mình xúc động nhất (thậm chí rơi nước mắt). Đó là trong khi tiếng nói đầu tiên của Amir là: “Baba” – bố cậu, thì của Hassan lại là: “Amir” – người mà cậu cả đời tin tưởng và sẵn sàng chết vì… Nhân vật thứ ba là Baba, là một người nhân hậu và cương trực, ông luôn sống theo một bộ luật riêng của mình và căm ghét quan liêu, thứ mà ông gọi là “những bộ ria cần dầu nhớt”. Cuộc đời của Baba nhiều sóng gió, nhưng hiện lên trong ông chính là “bản lĩnh của người đàn ông”, sẵn sàng xả thân vì việc nghĩa.
Cái ấn tượng mình thứ hai là bối cảnh của câu chuyện khi Afghanistan xảy ra những cuộc nội chiến, và bọn khủng bố Taliban như những bóng ma trong mắt của người dân, khung cảnh chiến tranh mưa bom bão đạn, cảnh đoàn người bị hành quyết tập thể, cảnh tan hoang của thành phố, cảnh người đàn ông đang mặc cả để mua một chiếc chân giả… Và nó làm mình phải hạ cuốn sách xuống và bần thần nhìn xung quanh mình một hồi lâu. Cuộc sống ở Việt Nam quá yên bình. Khung cảnh 12h đêm là tiếng đồng hồ kêu tích tắc thay vì tiếng đạn rơi, ngoài đường ngẩng đầu lên là nhưng ánh đèn điện thay vì những quả rocket hay pháo sáng bay, mùi mà mình đang hít là mùi thơm của tinh dầu thay vì mùi thuốc súng và xác chết. Lúc đó, không còn gì ngoài sự biết ơn và xót xa…
Người đua diều dậy lên trong mình những cảm xúc chưa từng có, thấy được những cảnh tượng tuy được nghe nhưng chưa bao giờ chân thực đến thế.
Một tác phẩm rất đáng đọc.