Đây không chỉ là cuốn sách viết về quản lý – lãnh đạo mà còn là cuốn sách giúp bạn hoàn thiện bản thân, nâng cao kỹ năng sống. Cuốn sách tóm gọn lại bằng câu chuyện một ngày làm thay đổi cả đời của nhân vật chính Blake Davis, người đã từng có một tương lai cực xán lạn nhưng lại bị dòng đời xô đẩy và đánh mất niềm tin vào cuộc sống, niềm tin vào chính bản thân mình. Hành trình đưa nhân vật chính cùng người cố vấn cực kì đáng yêu của mình tới gặp 4 người thầy, bốn người thầy cực kì thành công bằng những công việc hết sức bình dị nhưng họ cho thấy một tình yêu thích cực kì sâu sắc với những việc mình làm. Và đã dạy cho Blake Davis 4 bài học:
- Anh không cần chức danh để trở thành một nhà lãnh đạo
- Thời kỳ hỗn độn tạo nên những nhà lãnh đạo vĩ đại.
- Mối quan hệ càng sâu sắc, sự lãnh đạo càng mạnh mẽ.
- Trước khi trở thành nhà lãnh đạo vĩ đại, hãy là một con người vĩ đại
Review Nhà lãnh đạo không chức danh
Đầu tiên, mình muốn nói là nếu ai đã từng đọc qua bất kỳ một cuốn sách nào khác của bác Robin Sharma, thì đều sẽ có thể dễ dàng hơn một chút (ừm, chỉ một chút thôi) trong việc đọc những cuốn sách tiếp theo của bác ấy.
Theo cảm nhận của cá nhân mình, sách của bác Sharma là cái thể loại sách mà bạn không thể nào ôm lấy rồi đọc một lèo từ đầu đến cuối được. Không thể. Giống như mình từng đọc “3 Người thầy vĩ đại”, và bây giờ là cuốn này, mình đều phải đọc chậm và phải mất nhiều ngày liền mới lật được đến trang cuối cùng.
Bởi vì mỗi một cuốn sách của bác ấy đều chứa một lượng thông tin khổng lồ, và đối với mình là nó không đơn giản để đọc vèo một phát là có thể hiểu ngay được. Từ những nguyên tắc để tạo nên một cuộc sống ý nghĩa, những triết lý nhân sinh sâu sắc, cho đến từng khái niệm, từng nhận định, và cả một số sự thật chưa từng được phơi bày. Để thấu hiểu và lĩnh hội được hết tất cả những điều đó, theo mình là hoàn toàn không dễ dàng. Nhất là đối với những bạn mới đọc sách, khả năng áp dụng từ kiến thức đã đọc vào thực tế và duy trì được còn kém, thì các bạn chưa nên bắt đầu với những quyển sách của Robin Sharma. Sẽ rất dễ bị bão hòa khả năng dung nạp kiến thức, hoặc là dù có thể đọc hết, các bạn cũng sẽ khó mà tổng hợp lại được, rút ra được những giá trị quý giá của cuốn sách. Và tệ hơn nữa là qua ngày hôm sau các bạn sẽ chẳng còn nhớ gì! ^^
Đó là các cảm nhận ban đầu của mình xung quanh quyển này. Để bàn chi tiết hơn cho mọi người dễ hình dung thì mình sẽ nói qua cả hai phần hình thức và nội dung.
Về hình thức, khi mới đọc những trang đầu tiên, mình hơi thất vọng một tẹo, vì bác Sharma đã bắt đầu “Nhà lãnh đạo không chức danh” theo một mô típ quen thuộc. Cách tiếp cận và dẫn dắt trong quyển này gần giống với “3 người thầy vĩ đại”. Thậm chí ngay từ đầu của cuốn này, bác còn giới thiệu về… “4 người thầy đặc biệt” nữa cơ. Điều đó làm cho mình có cảm giác mình sắp đọc lại những điều mà mình đã đọc, mình bắt đầu thấy hơi oải oải (haha). Nhưng kế đến là một cảm giác thích thú quen thuộc. Mình ngạc nhiên là mình có thể nhận ra ngay cái giọng văn và cách viết của bác Sharma (cái cách viết mà đôi khi có một câu ta phải đọc đến hai, ba lần mới có thể ồ lên, rồi hí hửng tô hightlight được ấy), mặc dù rằng quyển này và quyển “3 người thầy vĩ đại” là được dịch bởi hai người khác nhau.
Việc xây dựng một cốt truyện hư cấu, rồi biến nó thành một phương tiện truyền tải các bài học giá trị, thật sự rất ấn tượng. Robin Sharma là người sáng lập của một tập đoàn tầm cỡ quốc tế mang chính tên bác ấy, là một trong những chuyên gia cố vấn lãnh đạo hàng đầu thế giới, vừa là một nhà từ thiện rất được kính trọng, và kiêm cả một nhà văn nữa. Khi đọc về giới thiệu tác giả, mình đã tự hỏi làm thế nào mà bác ấy có thể thông tuệ đến như vậy. Rồi mình nhận được vô vàn các đáp án của câu hỏi đó từ hai quyển sách này. (Ngoài ra, Bác còn là tác giả của một cuốn sách kinh điển nổi tiếng khác mà mình chưa đọc: Vị tu sĩ bán chiếc Ferrari).
Về nội dung, như mình đã nói, cuốn sách này chứa một lượng kiến thức rất lớn mà bạn sẽ khá vất vả để lĩnh hội. Nhưng cá nhân mình nghĩ, cuốn sách nào cũng vậy, mình chỉ dừng lại ở việc chắt lọc những giá trị cốt yếu mà mình ấn tượng, và cho rằng nó phù hợp với mình để lưu lại và áp dụng thôi, chứ không thể hấp thụ toàn bộ được.
Trong Nhà lãnh đạo không chức danh, bạn sẽ rất thích thú khi bắt gặp thật nhiều những câu nói ấn tượng mà phải gọi là “đi vào lòng người”, phải hightlight ngay. Mình ấn tượng nhiều nhất về những chia sẻ của “người thầy đầu tiên” trong cuốn sách này. Đó là các bài học vô cùng nhân văn và sâu sắc về sự cống hiến. Có một khẳng định chắc nịch đến giật mình ở đây: “Anh không cần chức danh để trở thành một nhà lãnh đạo”. Đùa nhau à. Không có lấy một chức danh thì lãnh đạo ai? Lãnh đạo cái gì? Và lãnh đạo bằng cách nào? Vô lý, phải không? Vậy mà bác Sharma, bác cứ như một gã phù thủy vậy. Chuyện gì vô lý vào tay bác ấy cũng trở thành có lý một cách không thể thuyết phục hơn. Trời ơi, bạn phải đọc mới cảm nhận được cái đoạn bác ấy miêu tả một người bồi phòng khách sạn làm công việc dọn vệ sinh, giống như cái cách mà Picasso vẽ tranh hay Bethoven soạn nhạc, nó tuyệt vời không tưởng được!
Một điều mình cảm thấy thích nữa là trong này có rất nhiều bài tập thực hành. Kết thúc mỗi chương các bạn sẽ được tặng một trang review những nội dung chính yếu, kèm theomột bài tập thực hành và một câu danh ngôn đầy ý nghĩa. Mặc dù nhìn tới nhìn lui thì cũng khá nhiều “bài tập” đấy, nhưng mình nghĩ có một số thứ mình có thể đưa vào vận dụng ngay được sau khi đọc xong. Và mình tin là cuốn sách này cũng đang chứa đựng một vài điều mà bạn cũng đang tìm kiếm, hãy thử xem!
Để dừng lại bài review này, mình xin trích lại một trong số những đoạn hightlight mà mình rất thích:
“Giống như tôi có hai con chó:
Một con chó tốt luôn muốn đưa tôi đến nơi mà tôi mơ ước.
Một con chó xấu cố gắng kéo tôi khỏi con đường lý tưởng của mình.
Vậy con chó nào thắng? – Dễ thôi, con chó nào được cho ăn nhiều nhất sẽ thắng.”
– Vi Diệu
Trích dẫn Nhà lãnh đạo không chức danh
“Chỉ có những người tổn thương mới làm tổn thương người khác. Những người thật sự lành mạnh, những người có cuộc sống nội tâm tốt thật sự không có khả năng làm tổn thương người khác. Họ tràn đầy tự tôn cảm hứng tràn đầy những niềm tin tích cực sẵn sàng tìm kiếm những gì tốt nhất ở người khác và khát khao làm tốt nhất những việc họ làm đến mức chỉ đơn giản là họ không thể đánh gục một người khác.”
“Sức khỏe là chiếc vương miện trên đầu những người khỏe mạnh mà chỉ những người yếu bệnh mới thấy”… “Đừng bảo rằng anh không có thời gian tập thể dục mỗi ngày. Những người không dành thời gian tập thể dục mỗi ngày cuối cùng sẽ phải bỏ thời gian nằm trên giường bệnh mỗi ngày.”
“Mỗi người chúng ta sinh ra đều là thiên tài, nhưng hầu hết chúng ta đều chết đi như một người trung bình.”
“Nếu một người làm công việc quét đường, anh ta cần phải quét đường như Michelangelo vẽ tranh, như Beethoven soạn nhạc, hay như Shakespeare làm thơ. Anh ta cần phải quét đường thật tốt, sao cho tất cả mọi người đều phải ngừng lại và nói, “Nơi đây có một người quét đường vĩ đại đã làm rất tốt công việc của mình”.”
“Chỉ có các nhà hàng mới là nơi mà anh được ăn trước rồi mới trả tiền sau. Trong công việc – và trong cuộc sống nói chung – anh cần phải trả cái giá của thành công trước khi có được những phần thưởng dành cho mình.”