Bằng cách giả định rằng ung thư là một tên sát nhân hàng loạt, tác giả đã đưa ra các thông tin chi tiết về cuộc đời, phương pháp gây án và cách tế bào ung thư tinh ranh trốn thoát khỏi sự kiểm soát chặt chẽ của hệ miễn dịch. “Những sự thật về ung thư” bắt đầu với những khái niệm cơ bản từ phân chia tế bào đến biến đổi gen, trong đó bao gồm những câu chuyện thực tế từ bệnh nhân của giáo sư David Khayat.
Review Những sự thật về ung thư
Mấy năm gần đây được tin một số người thân quen của mình lần lượt bị mắc ung thư, cho dù môi trường sống ngoại ô ít khói bụi ô nhiễm, đồ ăn cũng một nửa tự trồng được, làm mình cũng khá lo. Thanh niên sợ chết kèm bản tính tò mò nhiễm vô máu lâu ngày nên thử tìm sách đọc, vừa để phòng thân, vừa để tìm cách tư vấn hay giúp đỡ mọi người xung quanh, ít nhất là về mặt tâm lý.
Mới hiểu ung thư không chỉ bị ảnh hưởng từ lối sống, dinh dưỡng hay môi trường, nó chịu tác động lớn nhất từ stress trong cuộc sống mỗi người.
Ung thư là kẻ giết người hàng loạt. Thậm chí khi ung thư giai đoạn cuối, người bệnh bị bào mòn cơ thể và tinh thần tới kiệt quệ, kéo theo rất nhiều người thân xung quanh họ cũng đứng ngồi không yên trong nhiều năm liền. Vừa lo tài chính khi phải chạy hóa trị tốn kém, vừa phải vững tâm lý khi chứng kiến người thân ngày một tiều tuỵ. Nhìn hình ảnh người bệnh dần rụng tóc, rồi xơ xác vì hoá trị và héo mòn tụt cân nhanh chóng, chắc không mấy ai còn nguyên vẹn khi nhìn ung thư lướt qua đời mình.
Một số note hay trong sách mình nhặt nhạnh được như sau:
1. Cơ thể con người có hàng nghìn tế bào, sinh ra và chết đi mỗi ngày. Đọc mấy đoạn hội thoại trong sách về bọn tế bào trong cơ thể dàn trận, bị ung thư ru ngủ rồi tự sát thấy khá thú vị. Sách này cá nhân mình thấy 1/3 nội dung hơi sâu về khoa học nên ban đầu đọc hơi phiêu chút.
2. Các gen ung thư chính là gen của sự sống! Về bản chất, ung thư không là gì khác ngoài tình trạng vượt mức bình thường của sự sống, một sự sống nảy nở nhanh chóng, tràn trề, không kiểm soát được. Một sự sống hỗn loạn!
3. Mọi căn bệnh đều là kết quả của nguyên nhân kéo dài.
Người ta đã nghiên cứu chính xác cần bao nhiêu thời gian để 1 tế bào lao động và chia đôi thành 2 tế bào. Ví dụ như ung thư vú: Trung bình cần 4 tháng để 1 tế bào ngực nhân đôi. Nhân với 33 lần phân chia, tức cần khoảng 132 tháng để 1 người phụ nữ biểu hiện ra một khối u bé bằng 1 cm trong ngực mình. Tức mất tới 11 năm. Thực tế cần nhiều hơn thời gian đó do các tế bào sinh ra trong khối u thường có chất lượng kém và bị mất đi. Rất có thể con số trung bình thực tế là 20 năm. Và các trường hợp mắc lại ung thư do di căn cũng như vậy. Tóm lại mất rất nhiều thời gian để ủ bệnh cho tới ngày người bệnh có triệu chứng rõ ràng của ung thư. Nên thường ta thấy tầm tuổi từ 40 trở nên hay mắc ung thư là vì vậy.
4. Có rất nhiều trường hợp người bệnh bị sang chấn tâm lý, như người thân qua đời, hay ly dị, bị mất việc, phá sản, hoặc điều gì đó ngoài dự tính bất ngờ xảy ra. Đôi khi người bệnh chỉ mất vài tháng tới 1-2 năm, có trường hợp âm ỉ ủ bệnh cả chục năm từ những sang chấn đó và mắc ung thư rồi qua đời. Những stress sẽ tác động tới hệ nội tiết, gây rối loạn tiết ra cortisol và adrenaline, ức chế hệ miễn dịch khiến hệ thống phòng thủ của tế bào bị hạ bệ.
5. Sự phát triển của stress sẽ trải qua 3 giai đoạn.
Pha báo động: Cơ thể huy động tối đa năng lượng để có thể phản ứng nhanh và chính xác trước áp lực đang có từ stress. Tiết adrenalin làm tăng nhịp tim và hỗ trợ gan giải phóng đường. Cùng lúc đó trí nhớ, phản xạ và thị lực cũng được cải thiện.
Pha kháng cự: Để tạo cân bằng, hormone giải phóng cortisol hoặc endorphin, khuếch tán đường trong máu, giúp giảm đau. Về mặt sinh học, stress mang lại tác dụng rất có lợi cho cơ thể.
Tuy nhiên nếu kéo dài hơn, sẽ đẩy cơ thể tới Pha cuối cùng: Sự kiệt quệ, tất cả năng lượng dự trữ bị tiêu hao, các cơ chế phòng vệ để kiểm soát tình hình đều quá tải, khiến hệ miễn dịch yếu đi, dẫn đến u buồn, thậm chí trầm cảm.
6. Nhưng thực tế mình thấy là cuộc sống sẽ chỉ càng bận rộn hơn, các vấn đề sẽ chỉ càng tăng nhiều lên theo quá trình trưởng thành. Vậy tại sao không phải ai cũng bị ung thư?
Tác giả có viết chính việc không quản lý stress đúng cách mới là nguồn gốc của tác động tiêu cực từ các sự kiện tâm lý, tạo sự phát triển của ung thư. Tức do cách mỗi người phản ứng với những vấn đề của họ trong cuộc sống mà thôi. Về giải pháp phòng ngừa ung thư, hầu như cuốn sách xoay quanh việc giảm tải stress chứ không nói cần tránh né các áp lực trong cuộc sống. Mà nhiều khi có muốn né cũng không né được.
Ơn giời là mấy năm nay mình không biết đến mùi stress rồi. Nhưng chắc chắn vẫn cần sống khoa học và suy nghĩ lành mạnh. Và giống việc tập tạ, cần nâng mức nặng của tạ mỗi lần tập, khả năng chịu đựng stress cũng cần được nâng cấp mỗi ngày, để khi có bất cứ điều gì gây sang chấn tâm lý xảy ra, ta cũng bình thản mà bước qua được.
Ngoài ra mình thấy việc đắp đập chuẩn bị một khoản vốn để phòng thân, hay dự trù những điều bất trắc ập tới thực sự rất quan trọng và mang lại cảm giác yên tâm an toàn cho mình, nhất là những người ở xa gia đình. Bệnh tật hay tai nạn ai biết khi nào chẳng may xảy ra. Mình thực xự xót xa khi nghe những câu chuyện người nhà phải chấp nhận rút ống thở của người bệnh, chỉ vì gia đình đã khánh kiệt hết tiền chạy chữa lâu ngày, người bệnh cũng đầu hàng vì ung thư hành hạ, không muốn ảnh hưởng tới gia đình nữa. Chuẩn bị để mình không phải hối hận sau này nhé mọi người.
Mọi người có cuốn nào hay ho và dễ đọc hơn về Ung thư hay stress thì share giúp Dung với nha! Cám ơn mọi người đã đọc bài viết này ạ.
Tokyo 12/02/2023