Lần cập nhật gần nhất December 21st, 2021 - 03:25 pm
Ngày Đòi Nợ được đánh giá là “dễ hiểu và thực sự hữu dụng trong đời thực đã xuất hiện sẽ khiến cho nhiều người trở nên giàu có” (T. Hary Eker – tác giả sách Bí mật tư duy triệu phú). Sách thuộc tủ sách đầu tư. Với Phil Town, đầu tư cũng có thể dễ dàng như cách bạn tìm mua một món đồ trong cửa hàng, tức là chọn món hàng tuyệt vời ở mức giá thật hấp dẫn. Việc sử dụng những ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu và lồng ghép những ví dụ thực tế giúp cho người đọc tiếp cận với những kiến thức về đầu tư chứng khoán một cách dễ dàng.
Review Ngày đòi nợ (2)
Gần đây có nhiều bài viết về cuốn này, mình đã đọc review và lượn qua các bình luận thì thấy chủ yếu là các ý kiến khen sách.
Vậy Pay Back Time, có thật sự là một cuốn sách thần thánh không? Điều gì khiến cho giá của nó luôn luôn là 299.000 VND và chưa bao giờ giảm? Mình cảm thấy may mắn vì đọc sách không những có thể học hỏi được cái hay của tác giả mà còn có cơ hội nhìn nhận lại những sai lầm và định hướng của một cuốn sách thương mại.
Bài viết này có khen có chê. chúng ta sẽ cùng bàn luận về Phong cách của sách và Nội dung của sách nhé. Và mình nói trước đây là 1 bài viết có mùi chê bai không phải là 1 review để bán sách. Các bạn đọc chậm chậm thôi nhé
I. Phong cách của sách
– Đối với mỗi cuốn sách, chương 1 là chương rất quan trọng, định hình phần lớn thái độ và phương pháp tiếp nhận nội dung của người đọc từ đó trở về sau. Trong cuốn sách này không chỉ riêng chương 1 mà thậm chí là các chương đầu tác giả đã nói về những nhận định có phần phiến diện và đã vô tình định hướng lối suy nghĩ của người đọc với 2 câu khẳng định sau: “Người giàu đã dùng khủng hoảng để phất lên như thế nào” và “Đầu tư vào các quỹ tương hỗ không mang lại hiệu quả”. Chưa nói đến nội dung, những sai lầm của 2 quan điểm này sẽ được mình làm rõ trong phần sau của bài viết; ngày từ đầu việc đưa ra những nhận định có tính chủ quan làm ảnh hưởng đến sự tiếp thu nội dung của các chương sau thực sự là điều mà một người viết sách chân chính không nên làm.
– Hầu như chương nào của sách cũng nhắc đi nhắc lại về 2 địa chỉ sau: www.ruleoneInvesting.com và www.happy.live; Đôi khi mình lại tự hỏi vì sao không nói toẹt ra ở ngay trong sách mà cứ phải dẫn dắt đến khóa học này hội thảo nọ ở các liên kết trên, và cả fangape trên facebook nữa.
– Có quá nhiều sự hô hào mà đôi khi làm mình nhớ về các hội thảo đa cấp: “Hãy tin tối đi”, “Hãy vào…”, “ Bạn sẽ làm được…”, “Bạn xứng đáng có…”, cá nhân mình không thích sự hô hào và khoa trương, hãy viết xuống những tinh hoa và người đọc có sẽ tự chọn được cách họ tiếp nhận và hành động
– Nội dung cốt lõi hàm chưa trong sách rất ít. Mình không nghĩ là xấu, vì ít hay nhiều cũng là kiến thức đáng quý. Theo thống kê cá nhân thì 60% các chương nói về kỹ thuật giao dịch đều có nội dung ở dạng đọc cũng được, không đọc cũng được. Số liệu lấy từ MSN, Yahoo (thứ thậm chí chẳng còn tồn tại nữa), Các chỉ dẫn thao tác này chiếm phần lớn diện tích trang sách. Nên mọi người đừng bất ngờ khi 260 trang sách của Phil Town có thể chỉ được tóm tắt lại trong khoảng 10 dòng A4.
– Bìa sách thiết kế rất đẹp và được thiết kế 2 lớp. Lúc đọc thì hơi phiền phức 1 tí vì mình phải gỡ bìa ngoài ra cầm sách cho đỡ rối.
II. Nội dung của sách
1. Chương 1 và 2
– Theo Phil Town, Người giàu dùng khủng hoảng kinh tế để phất lên bằng cách mua lại các Công ty tốt ở mức giá thấp. Đây là nhận đính đúng nhưng nó là về sau của kế hoạch. Việc mua lại chỉ là bước cuối cùng của con đường làm giàu – thứ mà mọi người nhìn thấy được khi việc mua bán sáp nhập đã kết thúc. Còn tạo ra KHKT, Cưỡng ép giá trị của các Công ty tốt lún sâu xuống dưới giá trị thực thì tác giả không nói. Trong phạm vi của cuốn sách khó để nói được sâu xa như vậy, nên mong các bạn đọc chúng ta hãy nhìn xa hơn về ngọn nguồn của “kế hoạch làm giàu”.
– Theo Phil Town, việc đưa tiền cho các quỹ tương hỗ là sai lầm, điều này làm mất đi khoảng 70% những gì bạn được hưởng vào độ tuổi 95. Vâng 95 tuổi; Ở độ tuổi 70-80 thôi thì bạn đã chẳng còn quan tâm mình có bao nhiêu tiền nữa rồi chứ chưa nói là còn sống đến 95 tuổi để mà cân đo đong đếm, còn ở độ tuổi tiêu tiền được thì tác giả ko nói, và nếu có nói thì phương pháp ước tính của sách không mang lại chênh lệch đáng kể. Do đó theo mình việc sử dụng chênh lệch 70% này để làm luận điểm cốt lõi cho chương 2 là không thuyết phục. Việc tác giả, hoặc có thể là biên dịch liên tục sử dụng các từ như “tay”, “gã”, kẻ” và sử dụng các cụm từ mạnh để làm gia tăng sự ngờ nghệch trong hoạt động đầu tư của các CEO quỹ tương hỗ không thể làm cho mình cảm thấy khâm phục Phil Town hơn mà chỉ thấy một nỗ lực vô vọng của ông nhằm lôi kéo sự ủng hộ của người đọc vào phương pháp đầu tư mà ông sắp nêu ra, đồng thời dồn sự chỉ trích và phần nào là oán giận lên các quỹ tương hỗ. Mình đồng ý quan điểm không giao tiền cho ai hết, tự quyết định đồng tiền của mình, nhưng sự thiên lệch trên của tác giả làm ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ của mình cho các chương sau, khi mình không còn tin cuốn sách này nữa. Liệu rằng các CEO của quỹ có thực sự là những tay mơ chỉ mua bán thật nhiều và chờ đợi tăng giá để ra oai với các NĐT không?, không hề, họ thật sự giỏi hơn anh chàng HDV nhiều, họ có thể mua và làm giá, họ có nhiều phương pháp khác để những NĐT như Phil không thể chạm vào các cổ phiếu tốt hoặc chạm vào những ảo ảnh được phô ra bởi các chỉ số quá khứ thứ mà họ biết trước khi nó xuất hiện trên MSN hay Yahoo Finance, và việc chỉ trích, hạ bệ của Phil thực sự đã làm cho chương 2 không đáng giá 1 cắc.
Chiến lược tổng thể của chương 1:
– Xác định giá trị nội tại: đây là một điều gần như không thể làm được khi bạn chưa sở hữu doanh nghiệp đó. Đặc biệt khó ở Việt Nam, và càng đặc biệt hơn đối với người mới bắt đầu. (Các bạn có bao giờ đặt câu hỏi Một HDV chèo thuyền lại có thể xác định được giá trị nội tại của rất nhiều doanh nghiệp để rồi chọn ra nơi anh ta muốn đầu tư, vậy tại sao anh ta còn ngồi đó chèo thuyền?), nếu có thực sự dễ như vậy, tại sao các tay chèo thuyền, cưỡi ngựa khác không làm?
– Tiếp tục mua giữ khi giảm giá và khi bạn còn khả năng mua vào: đây là một hướng dẫn chiến lược cực kỳ sai lầm: Điều gì sẽ xảy ra khi bạn mua ở giá 20, giá 15, giá 10, giá 5, giá 1 và khi đến giá 1 bạn phát hiện ra giá trị nội tại của Doanh nghiệp không còn như ban đầu, PP mua này trong cả cuốn sách không hề nói đến cắt lỗ mà chỉ nói đến dừng mua. Vậy khi dừng mua thì chúng ta phải làm gì với đống cổ phiếu mà chúng ta đã chày cối mua vào lâu nay ở các mức giá 20-15-10-5???.
– Tuân thủ nguyên tắc 10-10: Nguyên tắc này nói toẹt ra là không áp dụng ở VN được, vì các sàn giao dịch ở VN bắt đầu thành lập từ năm 2000, tuổi đời trên sàn bình quân của các công ty còn chưa đủ 10 năm, lấy gì để đảm bảo 10 năm sau nó còn tồn tại. Chỉ số này nên được điều chỉnh thành 5-5.
– Bán chúng đi khi giá vượt trên giá trị thực để thu khoản lợi kếch xù: đọc đến đây thì mình thấy cuốn sách này đang chỉ dẫn những mộng ước ảo ảnh, hoặc chỉ đơn thuần là thuật lại một giai đoạn quá khứ tươi đẹp của Phil. Điều này thôi thúc mình đọc tiếp các chương sau mặc dù đến đây thì mình đã chán cuốn này lắm rồi. nhưng rồi thật ra các chương sau mới có thật nhiều chuyện để nói….
2. Chương 3 – 4 và 5
– Với quy tắc 3 chữ M, các bạn sẽ không bao giờ tìm được 1 doanh nghiệp nào đó để mua với mức giá tốt. Vì Mr Thị trường không hào phóng như bạn nghĩ. Chỉ 1 mình bạn hoặc 1 mình Phil Town nhìn ra được 1 doanh nghiệp với 3 hay 4 chữ M, còn các NĐT khác thì không? Nếu giá thấp thật sự, HĐQT và hay chính công ty đó sẽ mua lại toàn bộ và biến số đó thành cổ phiếu quỹ chữ không đợi đến lúc giá giảm trong MOS để các bạn xuống tiền. Nếu 1 ngày nào đó, mua được thật, thì bạn nên xem lại liệu các đánh giá của mình có còn đúng hay không? Chẳng một Công ty nào tốt thật sự, có giá giảm mà những người sở hữu nó lại muốn chia sẻ quyền làm chủ với bạn cả. Bạn có thể phải đợi từ chu kỳ suy thoái này đến chu kỳ suy thoái sau đến lại 1 lần nữa thấy được sự sụt giảm giá cả xuống dưới giá trị. Quy tắc này đang được Phil áp dụng ngay trong khủng hoảng 2008. Theo mình, tốt nhất là bạn hiểu về Công ty bạn mua, vì hiểu nó bao hàm cả việc bạn hiểu lợi thế cạnh tranh và sự quản trị của họ. Sẽ không bao giờ có giá tốt, hoặc giá tốt sẽ không nằm trong MOS.
– Một chỉ số rất quan trọng trong đầu tư là thời gian. Tôi mua vàng và nói Vàng sẽ lên 20.000$/oz, tôi mua Bitcoin và nói rằng Bitcoin sẽ lên 50.000$/BTC, tôi mua Vinamilk và nói VinaMilk sẽ lên 500.000 đồng/CP, tất cả đều đúng… nhưng SẼ là bao giờ? Rồi sẽ có những mức giá đó nhưng là đời nào, con bạn hay cháu bạn hay 500 năm nữa. Không nói được! Nhưng Phil lại nghĩ như thế này, mua 1 công ty có giá cả dưới mức giá trị thật, sớm muộn gì cũng giàu vì giá sẽ lên lại giá trị thật. Ông ta không hề nghĩ giá trị thật sớm muộn gì cũng đi xuống để tiếp cận với giá cả. Với Phil giá trị của Công ty không đổi, chỉ có giá cả nhảy múa. Nếu bạn may mắn mua được một cổ phiếu giá thấp và mong một ngày giá sẽ lên lại ngang bằng hoặc vượt qua giá trị, bạn sẽ phải chuẩn bị tâm lý để sống trong 1 chuỗi ngày nóng nảy, bức bối và sẽ ra sao nếu một ngày bạn nhận ra, giá trị của Công ty bạn đang sở hữu thực sự không như bạn nghĩ. Trong khi những CP chẳng thỏa mãn ba chữ M của các tay CEO quỹ hỗ tương lại tăng không phanh. Sẽ thế nào nếu bạn phải cắn răng bán đi CP đã mua trong biên an toàn 3 lần liên tiếp. Bạn sẽ bảo gã Phil này thực chất là lùa gà.
– Trong suốt 3 chương này, tất cả những gì Phil làm căn cứ để làm công cụ tính toán và ra quyết định là số liệu quá khứ, thứ không chính xác tại Việt Nam, những thứ quá mơ hồ và phức tạp dành cho người mới bắt đầu. Phil sử dụng dữ liệu quá khứ của 1 giai đoạn 10 năm trước khi mua, để đánh giá cho diễn biến của tương lai 10 năm sau khi mua. Nhưng ông không hề cân nhắc 10 năm đó liệu có giống 10 năm trước nữa (tức là 20 năm trước khi mua). Bạn có thấy một công ty nào phát triển hoặc suy thoái giống nhau trong giai đoạn 10 năm, hết lần này đến lần khác không? Đó là sai lầm rất nghiêm trọng trong việc đánh giá xu hướng tăng trưởng của một công ty.
Các chương sau: chủ yếu để khoe thành quả và 1 lần nữa PR cho một cuốn sách khác nên mình không bàn thêm.
Điểm hay và Phil đã truyền đạt được trong cuốn sách này nằm ở 3 điểm sau:
- Không đưa tiền cho người khác quyết định
- Phải hiểu công ty mình đầu tư vào
- Kiên định với chiến lược đầu tư, không rung động và từ bỏ chiến lược ban đầu.
Còn rất nhiều điều để nói sâu thêm về nội dung, nhìn chung theo mình nghĩ đây là một cuốn sách trung bình đang được nhiều người thần thánh hóa.
LỰA CHỌN CỔ PHIẾU 4M THEO PAY BACK TIME
Phil Town và bộ tiêu chí lựa chọn cổ phiếu 4M đã không còn xa lạ trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt sau khi 2 cuốn sách “Nguyên tắc số 1 (Ruler #1)” và “Ngày đòi nợ (Payback time)” của ông được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Với thành tích biến số tiền từ 1000 đô lên 1 triệu đô chỉ trong vòng 5 năm từ 1980 đến 1985, Phil Town được xem là một trong những nhà đầu tư tay ngang thành công nhất trên thị trường lúc bấy giờ.
Khác với những cái tên như Warren Buffett, Peter Lynch, William O’Neil… bản thân ông không có xuất phát điểm từ lĩnh vực tài chính, vì vậy mà những nguyên tắc và tiêu chí trong bộ tiêu chí đầu tư 4M của ông tương đối đơn giản, phù hợp và tỏ ra hiệu quả với đa phần nhà đầu tư cá nhân.
“Bộ tiêu chí 4M” được xây dựng quanh 4 chữ M: Meaning (Hiểu biết), Moat (Lợi thế cạnh tranh), Management (Ban lãnh đạo) và Margin-of-Safety (Biên an toàn), nhằm mục đích trả lời câu hỏi: có nên đầu tư vào doanh nghiệp này hay không? Bằng cách lượng hóa những tiêu chí định tính kia, ta có thể xây dựng một danh mục đầu tư từ những cổ phiếu theo phương pháp 4M cho riêng mình.
Định lượng tiêu chí 4M của Phil Town
𝟏. 𝐌𝐞𝐚𝐧𝐢𝐧𝐠 – Hiểu biết: Tiêu chí đầu tiên trong 4 tiêu chí của Phil Town yêu cầu bạn phải hiểu rõ về ngành nghề và doanh nghiệp bạn muốn đầu tư. Hãy lựa chọn một doanh nghiệp trong lĩnh vực mà bạn có thể am hiểu, thường thì nằm trong 3 vòng tròn hiểu biết của bạn: vòng tròn sử dụng, vòn tròn đam mê và vòng tròn công việc. Nhà đầu tư cũng nên hạn chế với những doanh nghiệp đa ngành và nhóm tài chính như ngân hàng, chứng khoán và bất động sản, bởi đây là những nhóm ngành đòi hỏi năng lực phân tích và chuyên môn cao.
𝟐. 𝐌𝐨𝐚𝐭 – Lợi thế cạnh: Hay còn được Buffett gọi là những “con Hào kinh tế” trong kinh doanh. Những con hào cao lớn và vững chắc có thể giúp doanh nghiệp trụ vững trước biến động của thị trường và tạo tiền ổn định trong dài hạn. Bằng cách sử dụng những chỉ số sau, nhà đầu tư có thể xác định được doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh mạnh và phát triển bền vững hay không:
* Biên lãi gôp duy trì mức cao: Là chỉ số quan trọng bậc nhất thể hiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp so với các đối thủ cạnh tranh cùng ngành. Đặc thù mỗi ngành sẽ có mức sử dụng chi phí và biên lãi khác nhau, tuy nhiên với những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh vượt trội thì tỷ số biên lãi gộp tối thiểu phải trên 30%.
* Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đều đặn: Nếu biên lãi là điều kiện cần của một doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh thì kết quả kinh doanh là kết quả thu được. Một doanh nghiệp có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trên 10% trong thời gian dài từ 10-15 năm là những doanh nghiệp có nội lực thực sự.
* Khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu – ROE cao và ổn định: Chỉ số tài chính quan trọng mà Buffett và các nhà đầu tư dài hạn yêu thích hàng đầu, chỉ số này thể hiện khả năng sinh lời cao hay thấp của doanh nghiệp. Nhà đầu tư nên đòi hỏi chỉ số này tối thiểu là 20% và duy trì ổn định trong vòng 5-10 năm gần nhất.
* Lợi nhuận sau thuế/dòng tiền kinh doanh không vượt quá 2 lần: Về dài hạn, dòng tiền kinh doanh là xương sống, là cốt lõi nuôi dưỡng các hoạt động của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh đòi hỏi phải có khả năng tạo tiền mặt tốt. Dòng tiền kinh doanh trung bình 3 năm tối thiểu phải bằng 50% lơi nhuận sau thuế, con số này thể hiện doanh nghiệp có khả năng thu tiền tốt, không bị đối tác chiếm dụng vốn và hơn hết nó thể hiện rõ lợi nhuận là có thực hay không.
* Nợ vay/dòng tiền hoạt động kinh doanh ở mức an toàn: đừng quên khả năng chi trả nợ vay của doanh nghiệp. Với những doanh nghiệp đang trong giai đoạn phát triển, việc vay nợ để tái đầu tư là điều cần thiêt. Tuy nhiên phải đảm bảo khả năng chi trả trong tương lai bằng việc xem xét tỷ số nợ vay/dòng tiền hoạt động kinh doanh. Tỷ số này dưới 3 cho thấy doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng chi trả nợ vay trong vòng 3 năm nếu không có những biến động quá lớn.
𝟑. 𝐌𝐚𝐧𝐚𝐠𝐞𝐦𝐞𝐧𝐭 – Ban lãnh đạo: Một doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh, lợi nhuận tăng trưởng, chỉ số tài chính đẹp như mơ vẫn có thể là một công ty tồi nếu ban lãnh đạo tư lợi cá nhân hoặc làm giả các số liệu trên báo cáo tài chính. Một số thủ thuật dưới đây có thể giúp nhà đầu tư phát hiện ra liệu ban lãnh đạo có trung thực với cổ đông của công ty hay không.
* Tỷ trọng khoản phải thu/tổng tài sản thể hiện chất lượng tài sản của doanh nghiệp. Khoản phải thu là tài khoản dễ biến tấu nhất trên báo cáo tài chính qua các thủ thuật như tạo doanh thu ảo, tăng vốn ảo… Khoản phải thu quá cao trong cơ cấu tài sản là một dấu hiệu lớn cảnh bảo về gian lận tài chính.
* Lợi nhuận cốt lõi thể hiện chất lượng lợi nhuận. Lợi nhuận là con số cuối cùng mà nhà đầu tư quan tâm trên báo cáo tài chính, điều này khiến nhiều doanh nghiệp tìm cách bóp méo đi chỉ tiêu này. Bằng cách loại bỏ các khoản thu nhập không thường xuyên như lợi nhuận thanh lý tài sản, lợi nhuận đầu tư tài chính… ta có thể biết được con số lợi nhuận thực từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp. Tỷ lệ lợi nhuận cốt lõi/tổng lợi nhuận trước thuế tối thiểu 50% để đảm bảo rằng phần lớn lợi nhuận của doanh nghiệp đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
𝟒. 𝐌𝐚𝐫𝐠𝐢𝐧 𝐨𝐟 𝐒𝐚𝐟𝐞𝐭𝐲 – Biên an toàn: Phil Town khuyên nhà đầu tư nên chờ đợi thời điểm giá cổ phiếu thấp hơn từ 30%-50% so với giá trị thực của doanh nghiệp để có thể vào mua cổ phiếu. Tuy nhiên việc xác định giá trị thực của doanh nghiệp lại là một điều hết sức khó khăn, ngay với cả những chuyên gia tài chính hàng đầu. Bằng cách đơn giản hơn, nhà đầu tư vẫn có thể tìm được những doanh nghiệp tuyệt vời nhưng có mức giá phải chăng với 2 tiêu chí định giá là P/E và PEG
* P/E: phương pháp định giá phổ biến và hiệu quả bậc nhất, thể hiện thời gian thu hồi vốn của nhà đầu tư. Một khoản đầu tư được cho là hời khi đó là doanh nghiệp tuyệt vời nhưng P/E ở mức thấp hơn P/E chung của thị trường hoặc trung bình ngành, con số phù hợp hiện tại ở Việt Nam là dưới 15 lần đối với những công ty đáp ứng hết 3 chữ M đầu tiên.
* PEG: là tỷ số giữa P/E và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp. Cổ phiếu không bị cho là định giá cao nếu P/E thấp hơn tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp trong 3 năm gần nhất, hay giá cổ phiếu đủ hấp dẫn khi PEG có giá trị dưới 1.