
“Quốc gia khởi nghiệp” là câu chuyện viết về sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế Israel từ lúc lập quốc cho đến khi trở thành quốc gia có nền công nghệ hàng đầu thế giới. Quyển sách này có thể trả lời cho những thắc mắc làm thế nào một đất nước nhỏ bé lại có thể tồn tại giữa sự thù địch của các quốc gia lân cận, đối phó với những cuộc chiến giữ vững bờ cõi mà vẫn tạo ra sự sáng tạo vượt bậc trong các lĩnh vực công nghệ, quân sự và dân sự.
- Review
- Tóm tắt
Review
Xin chào mọi người, sau một thời gian chinh phục cuốn sách này và đã hoàn thành vào hôm qua. Em có chút suy nghĩ về họ, một số vấn đề về chúng ta và đôi chút lời tản mạn…
Những bài học rút ra từ cuốn sách:
1. Không gì là không thể!
Dân tộc Do Thái đã trải qua một chặng đường thật sự dài phải bôn ba khắp nơi, trải qua các cuộc thảm sát, diệt chủng trước khi lập quốc. Cho đến khi đã thành công trong việc thực hiện ước mơ của tô tiên là xây dựng nên một Quốc gia riêng, nơi bảo vệ những người con Do Thái. Họ lại đối mặt với những khó khăn khác: sự cô lập từ các quốc gia Ả Rập, chiến tranh và điều kiện thiên nhiên không thuận lợi…
Thế nhưng họ đã vượt lên tất cả để xây dựng nên một quốc gia giàu có, “nuôi cá trên mạc”, biến hoang mạc thành rừng nhân tạo, một nền nông nghiệp vững mạnh ở nơi mà lẽ ra không phù hợp cho ngành này…
2. Sự mạo hiểm và thay đổi sẽ tạo nên sự khác biệt.
Người Do Thái luôn sống trong hiện tại. Họ luôn tự đặt ra câu hỏi về các vấn đề có sẵn. Tại sao lại như vậy? Tại sao lại không phải là…? Đối với họ, những gì đúng của ngày hôm qua không có nghĩa là hôm nay sẽ đúng. Và những thứ đúng của ngày hôm nay chưa chắc có giá trị ở ngày mai.
Luôn đặt tinh thần “Chutzpah” lên hàng đầu. Họ là một quốc gia của dân nhập cư. Dân nhập cư vốn là những “tay chơi” không ngại mạo hiểm, dám bỏ hết tất cả để xây dựng một cuộc sống mới và cũng sẽ không ngại thay đổi cả cuộc sống ấy để có được những điều mới mẻ hơn.
3. Lòng yêu nước và tinh thần tự cường dân tộc đã làm nên một Israel đáng ngưỡng mộ.
Chắc hẳn đối với mỗi đất nước đều có tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc của riêng mình. Vì thế câu chuyện ở đây là những thứ riêng có của họ. Họ có thể làm tất cả để xây dựng lên đất nước và để phát triển “đứa con tinh thần” ấy. Việc buôn lậu vũ khí, nhập cư trái phép…họ đều sẵn sàng làm để xây dựng quân đội, phát triển kinh tế của mình…mặc dù cái này không hay ho gì.
Nhưng để rồi nhìn lại, một đất nước nhỏ bé, tài nguyên thì nghèo nàn, có một dân tộc bị áp bức nhưng lại chiếm tới 1/5 Nobel. Đây là sự công nhận của một điều phi thường. Hầu như tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới này đều bị kéo chậm lại tiến trình phát triển thế nhưng những gì mà họ làm được đã nói lên điều ngược lại.
Một chút tản mạn
Bên cạnh đó thì không trách được họ, sách là của họ thì viết phải hay là đương nhiên. Ta thấy được sự cô lập của người Ả Rập với Israel nhưng bên trong đất nước này lại đánh giá không cao người Ả Rập sinh sống tại đó. Họ không cần bắt buộc đi nghĩa vụ quân sự, và người Israel cực kì coi trọng bản lí lịch quân sự. Đương nhiên rồi, chế độ của người Do Thái là nghĩa vụ bắt buộc. Có chút gì đó mà người Do Thái gọi là “gánh nặng” đến từ người Ả Rập cũng như người nhập cư vì họ không thông minh bằng dân tộc của họ. Cuốn sách đã nói lái đi theo một hướng khác nhưng ta có thể thấy được như vậy.
Trong thời gian qua, dịch Covid 19 đang thật sự làm điên đảo nền KT của cả thế giới. Nhưng chúng ta cũng đã xác định tinh thần là trong khó khăn lại càng phải cố gắng. “Biến nguy thành cơ”. Toàn dân cùng đồng lòng nhất định sẽ thắng lợi. Điều đó cũng giống như Israel khi lập quốc đã bị bao vây, cấm vận bởi cả khu vực. Rồi họ đã tìm ra con đường tốt nhất và duy nhất đó là đưa sản phẩm của mình ra với thế giới và đã thành công… Trong thời khắc khó khăn này. Các Doanh nghiệp VN cần cố gắng để tìm ra những hướng đi và giải pháp để có thể vượt qua tất cả. Không bỏ cuộc. Và cũng cần có sự giúp đỡ của CP như Israel ngày ấy. Tại VN chủ yếu là các doanh nghiệp SMEs, nếu dịch bệnh lâu thì rất nhiều trong số đó không thể trụ vững và sẽ phá sản… Sẽ tuyệt vời nếu có một chướng trình nào đó giúp đỡ họ nhiều hơn. Như Yozma của Israel đã tháo gỡ khó khăn về nguồn tiền cho doanh nghiệp của họ…
Đó là những suy ngẫm mà em rút ra được sau cuốn sách ấy. Mỗi người có một quan điểm riêng của mình. Nếu có suy nghĩ về bài học gì mong mọi người sẽ trao đổi để chúng ta cùng hiểu biết nhiều hơn. Như George Benard Shaw từng nói: ” Nếu bạn có một quả táo, tôi có một quả táo. Chúng ta trao đổi cho nhau, mỗi người vẫn có một quả táo. Nếu bạn có một ý tưởng, tôi cũng có một ý tưởng, khi trao đổi cho nhau chúng ta có hai ý tưởng”.
Cảm ơn mọi người đã đọc! Và đây là cuốn sách mà mọi người có thể dành thời gian để đọc.
– Quang Tùng