Sống vốn đơn thuần tập hợp 41 bài tản văn và 43 bức tranh tiêu biểu của Phong Tử Khải, miêu tả cuộc sống thường ngày một cách tinh tế đầy tình cảm, thể hiện cái nhìn và tấm lòng thơ trẻ trong thế giới của người trưởng thành. Vượt qua khoảng cách thời gian gần một thế kỷ, nhiều tác phẩm đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị thưởng thức: vu vơ lật lúc tâm trạng sa sút, ấy là ngọn lửa ấm áp; thảnh thơi đọc khi cuộc đời suôn sẻ, lại như làn gió mát lành…
Sống, vốn là chuyện đơn thuần như thế.
Review Sống vốn đơn thuần (2)
SỐNG VỐN ĐƠN THUẦN – CHÉN TRÀ NHÂM NHI GIỮA GUỒNG QUAY HỐI HẢ
Cuộc sống thì có khi nào đơn thuần cơ chứ?
Ai cũng chào đời bằng một tiếng khóc. Không phải là tiếng cười mà là một tiếng khóc. Bởi vì cuộc sống chẳng thể cứ mãi vui vẻ hạnh phúc mọi lúc được.
Khi là một đứa trẻ, nỗi buồn cũng xuất hiện theo cách nhỏ nhặt đơn giản nhất. Đó là khi bỗng thức dậy mà chẳng thấy mẹ ở bên. Đó là khi tự dưng làm rơi mất chiếc kem ngon lành mát lạnh.
Cuộc sống của người trưởng thành còn nhiều điều phức tạp và mệt mỏi hơn nữa. Đó là những trách nhiệm và nghĩa vụ, đó là những lo toan những khi tinh thần sa sút.
Thế nhưng cuộc sống vẫn có thể trở nên đơn thuần. Bằng những dòng tản văn sâu sắc mà nhẹ nhàng, như một chén trà bạn nhâm nhi, giữa khoảng lặng của cuộc đời phức tạp rối ren, như một làn gió mát lành giữa ngày hè oi ả, Phong Tử Khải cho bạn thấy cuộc sống đơn thuần là vậy.
Tu tâm, dưỡng tính, giữ cho mình tấm lòng nhân hậu, sống thật thà với bản thân, chuyện gì coi nhẹ được thì hãy coi nhẹ…
Vừa đọc những dòng tản văn sâu lắng, vừa lặng ngắm những bức tranh do chính tác giả vẽ, chẳng phải cuộc sống cũng nên đơn thuần như thế sao?
Sau những bộn bề của một guồng quay hối hả, ta cũng nên ngồi xuống chậm rãi, nhấp một chút trà, thảnh thơi thư giãn, dành thời gian để suy ngẫm về bản thân, về cuộc đời mình.
“Từ khi tuổi tác bước vào độ Lập Thu, hai năm nay tâm trạng tôi đã xoay chuyển hoàn toàn, đổi thành mùa thu. Nhưng khác với trước đây, tôi không thấy hân hoan và sốt sắng mỗi độ thu sang, mà chỉ thấy vừa vào thu, tâm trạng mình đã êm đềm đến lạ.”
…“Sống Vốn Đơn Thuần”, như Phong Tử Khải nói, là nỗ lực ghi chép và khảo chứng kỹ càng, dẫu chỉ một góc, một phần nhỏ những sự vật, sự việc mà ông đã trải qua trong ba mươi năm cuộc đời.
Từ những câu chuyện nhỏ như việc du ngoạn hồ nước, ăn cua ngày thu, cắn hạt dưa lúc rảnh rỗi… đến những ký ức truyền thống như lễ Tết, ký ức về gia đình, về không khí của một thời đã qua, đều được Phong Tử Khải viết rất dung dị, gần gũi; mà trong dòng ký ức tươi đẹp yên ả ấy, lại cũng hiện hữu một nỗi buồn man mác khó diễn tả thành lời, “Đời người cũng có đông hè, ấu thơ như hạ, trưởng thành như đông; hoặc tuổi trẻ như hạ, già như đông. Tự nhiên cũng thường khiến cảm giác của người ta thay đổi khi chuyển từ hè sang đông trong cuộc đời, mệnh lệnh của nó hết sức hà khắc, nhưng hết sức hoạt kê.”
Trong “Sống vốn đơn thuần”, khoảng cách giữa người với người, giữa con người và thiên nhiên như được kéo gần lại rất nhiều. Phong Tử Khải kể về chuyện đi đây đi đó, thăm thú miền núi non sông nước, trồng hoa thủy tiên, tắm nắng ngày đông. Từ việc trông cây vượt ngày đông gió rét để đâm chồi nảy lộc mà ngẫm đến sức sống bền bỉ của vạn vật, cho đến việc Duyên Duyên đường cháy rụi mà ngẫm lại câu nói “Phật không thiêng”. Đại khái rằng, chẳng ít người nương nhờ cửa Phật bởi mong muốn cá nhân, họ ăn chay, quyên tiền, phóng sinh, cũng bởi mong rằng điều tốt sẽ đến với mình, ví dụ như xảy ra hỏa hoạn thì nhà mình sẽ không bị cháy, người ta gặp cướp nhưng mình sẽ không bao giờ gặp… chẳng khác nào giao kèo buôn bán với Phật. Ta nên giữ tấm lòng sáng trong, không chi li vụ lợi, đừng để lòng mình thành ra tàn nhẫn, sống vốn đơn thuần, “nếu bạn yêu thương, thế gian đâu cũng là tình yêu”.
Dưới ngòi bút của Phong Tử Khải, chuyện tưởng đơn giản như ăn cua cũng hoá thành một việc hết sức thi vị. Trong ký ức của ông, đó là những tối thu trăng sáng, vừa trông trăng vừa ăn cua, “Ăn cua là việc tao nhã, người rành mới bóc khéo được. Trước tiên phải bẻ chân cua, sau đó tách mai… Làm sao ăn được hết thịt ở các khớp chân, làm sao bóc hết thịt ở yếm… Có thể lấy vuốt nó làm kim mà khêu thịt… phần càng còn xếp được thành một con bướm rất đẹp…”, cả nhà bê bàn ra khoảng sân trống mà ăn cơm dưới trăng, nghĩ thôi đã thấy đầm ấm vui vẻ: “Cua được thả trong ang nước nằm một góc giếng trời, thường nuôi chừng mười con. Tới Thất Tịch, rằm tháng Bảy, Trung Thu, Trùng Dương, trong ang đầy ắp những cua, bấy giờ chúng tôi ai cũng được ăn, hơn nữa mỗi người phải ăn một con to hoặc con rưỡi.”
Hay lại như việc cắn hạt dưa. Cắn hạt dưa tưởng như là một chuyện hết sức đơn giản, chẳng có gì đáng bình luận, ấy vậy mà nó lại thể hiện được sự tinh tế và nét văn hoá thú vị, hồn nhiên trong cuộc sống thường ngày. Những câu chuyện giản đơn, tưởng như nhỏ nhặt, nhưng chứa đựng bao hoài niệm và dạt dào sức sống. Mình thích cách Phong Tử Khải tỉ mỉ kể về những thú vui Tết xưa, cầm lồng đèn đi thu nợ, đốt pháo hoa mừng năm mới, làm bánh, cúng thần Phật, cúng gia tiên… những chuyện ấy đều xảy ra lúc ông còn nhỏ, vì vậy ngoài sự hoài niệm quyến luyến của người trưởng thành khi nhìn lại quá khứ, lại có thêm nét vui tươi, hồn nhiên của trẻ thơ. Mình thích cả những đoạn Phong Tử Khải viết cho các con của mình, hay cả những đoạn ông viết về mẹ. Trong ký ức của Phong Tử Khải, hình ảnh của mẹ bao giờ cũng gắn liền với dáng ngồi của bà, với chiếc ghế bát tiên trong góc Tây Bắc nhà cũ. Từ thuở ấu thơ cho đến mười bảy tuổi rời mẹ để đi học ở xa, tới khi ba mươi tuổi nghỉ việc về quê đọc sách viết văn, trong những năm tháng ấy, Phong Tử Khải cứ đi đi về về, cảnh vật có thể thay đổi, song bao giờ chào đón ông sau mỗi chuyến đi cũng là nụ cười hiền hậu của mẹ và ánh mắt nghiêm trang của bà. Bà là mẹ, đồng thời cũng là cha (cha Phong Tử Khải mất khi ông lên chín, từ đó mẹ ông một mình nuôi nấng con cái trong nhà), mà cũng lại là thầy. Bà vẫn dạy bảo ông những điều đúng, phân giải những điều sai, cứ thế thời gian trôi qua, mái tóc hoa râm của bà đã trở nên bạc trắng, song ký ức về nụ cười và ánh mắt của bà, dáng ngồi của bà trên chiếc ghế bát tiên, vẫn luôn hằn sâu trong tâm trí của Phong Tử Khải.
Ngoài những bài ghi chép trên, “Sống Vốn Đơn Thuần” còn bao gồm cả những bức tranh do chính Phong Tử Khải vẽ. Nét vẽ tối giản, màu sắc trong trẻo, tươi sáng đầy sức sống. Nói chung rằng đọc cuốn này cứ nhẩn nha mà đọc, vừa đọc vừa xem tranh, hứng lên thì ăn bánh uống trà cho hợp không khí, cảm thấy thư thái lắm lắm.