Lần cập nhật gần nhất December 21st, 2021 - 02:32 pm
Trong lần tái bản thứ 25 của “Suối nguồn”, Ayn Rand đã viết lời giới thiệu: “… Bản chất của con người – hay bất kỳ sinh vật sống nào khác – không phải là đầu hàng ngay từ lúc bắt đầu hay nguyền rủa và phỉ nhổ vào sự tồn tại của mình; điều đó thực ra đòi hỏi cả một quá trình suy đồi mà tốc độ của nó phụ thuộc vào bản thân mỗi người. Một vài người đầu hàng ngay từ lần đầu tiên tiếp xúc với áp lưc, một vài người mặc nhiên bỏ cuộc, một số khác cứ đi xuống từ từ và mất dần ngọn lửa của mình mà chẳng bao giờ biết được rằng tự bao giờ và vì sao họ mất nó… Tóm lại, dù tương lai mỗi người khác nhau, nhưng vào thời điểm bắt đầu của cuộc sống, nhân loại luôn tìm kiếm một hình ảnh cao cả về bản chất của con người và cuộc sống. Có rất ít cột chỉ đường trong cuộc tìm kiếm này. Cuốn Suối Nguồn là một trong những cột mốc đó…“
![[Review - Trích dẫn] Suối nguồn - Ayn Rand](https://nuhado.co/wp-content/uploads/2019/07/suoi-nguon_1.jpg)
- Review Suối nguồn (3)
- Trích dẫn Suối nguồn
Review Suối nguồn (3)
Suối nguồn xoay quanh anh chàng kiến trúc sư Roark – đại diện cho luồng tư duy mới mẻ trong ngành kiến trúc, trái ngược với Roark là cả một cái xã hội rộng lớn – cái xã hội chống lại anh – nó đại diện cho sự cố chấp, bảo thủ và sự ngu dốt. Roark vẽ ra những bản thiết kế không theo một quy chuẩn nào – những cái mà các bậc học giả về kiến trúc thời đó coi như một trong những quy tắc không thể thiếu trong kiến trúc, nếu thiếu cái đó đi, bất kì một tác phẩm nào do bất kì một ai làm ra dường như luôn luôn bị đánh giá thấp. Các quy chuẩn mà Roark đặt ra rất lạ, nhưng nó tạo ra không phải để đón chờ sự công nhận từ xã hội mà là đem lại sự thoải mái trong chính những người sử dụng ngôi nhà do anh thiết kế ra. Nhưng các bậc cao nhân trong ngành kiến trúc sư thời đó không hề đánh giá cao các bản thiết kế của Roark, nó quá lạ, đi chệch hướng so với các quy tắc ban đầu đặt ra, nó không giống (hay có nét tương đồng) với các tác phẩm vĩ đại trước đó đã từng xây dựng, họ đánh giá các tác phẩm của anh là thứ bỏ đi, thi nhau chỉ trích, phê phán và vùi dập Roark vì anh khác với họ. Thêm vào đó, những công dân sống trong thành phố cũng ra vẻ như am hiểu về kiến trúc lắm – mà thực ra cũng chỉ như những con thú nuôi bị những người được họ cho là có học thức dắt mũi, cũng chỉ là những con người hùa theo đám đông mà nói để ra vẻ ta đây quan tâm – thi nhau đưa ra những lời nhận xét ác ý cho các công trình của Roark. Sau tất cả những việc trên, Roark không quan tâm và vẫn làm theo đúng những gì bản thân cho là đúng. Các công trình do anh thiết kế ra luôn có nhiều người đến mua, mặc cho nó bị cái xã hội vùi dập hay chê bai, họ đến vì sự thoải mái và tiện ích mà cái nơi họ sẽ ở mang lại, đây chính là minh chứng cho tài năng thật sự của Roark chứ không phải như cái mà các bậc tiền bối phán xét anh.
Đọc xong tác phẩm, tôi lặng người một lúc, những câu hỏi trong đầu tôi liên tiếp tuôn ra: “Roark làm như thế có đúng hay không?”, “Có nên áp dụng cách cư xử của Roark trong đời sống xã hội ngày nay hay không?”, “Những người bình thường – bị cho là ngu dốt, mù quáng, không biết gì về kiến trúc – nên nghe đánh giá của ai?”, “Cái xã hội mình đang sống có thật sự là như thế này hay không?”, “Những tờ báo hiện nay hình như cũng vận hành theo cái cách mà các hãng báo trong tác phẩm hoạt động”,… những câu hỏi này muốn tìm cho chính nó một câu trả lời nhưng đâu dễ để tìm ra.
Tôi nghĩ về những người dân bị cho là ngu dốt và mù quáng, họ là những người mà kiến trúc sư phải thuyết phục để mua các sản phẩm được xây dựng nên. Những người này – người dân – thường sẽ phải suy xét rất kĩ và luôn tìm đến những nhà tư vấn, những người mà họ cho là có kiến thức về kiến trúc để tư vấn. Do đó, những lời nhận xét họ nhận được là như thế nào, thì họ tin chính xác nó là như thế. Các nhà bác học về kiến trúc đã nói những cái mà anh chàng Roark xây ra là thảm hoạ, thì những người này cũng sẽ nghĩ đó là thảm hoạ và đưa ra lời chê bai cho nó. Tại sao họ không đưa ra chính kiến của mình? Vì họ không dám. Kể cả thấy có ấn tượng tích cực với sản phẩm ngoài đời thực, nhưng nếu các chuyên gia đánh giá ngược lại, họ sẽ nghĩ là có lẽ mình chưa đủ trình độ để đánh giá, các chuyên gia đã mất nhiều năm học hỏi, nghiên cứu sẽ nhìn nhận ra những điểm không tốt, cái mà mình không thể nhận thấy ngay lúc này, nên lúc đó, họ sẽ gạt bỏ ngay chính kiến của mình để thay vào đó là ý kiến của người khác. Họ làm vậy là đúng hay sai? Theo tôi nghĩ là đúng, chúng ta chẳng phải thường ngày vẫn dựa vào các lời khuyên từ chuyên gia đấy thôi, chúng ta nghe theo mà không hề nghi ngờ một chút gì về cái ý kiến đấy, mặc định những lời nhận xét đó là đúng. Chúng ta không có thời gian để tìm hiểu xem lời nhận xét đó có đáng tin hay không. Kiểm chứng lại nhận định của chuyên gia là việc chúng ta không làm được, ấy vậy mà lại muốn “những người trong truyện” làm được. Chúng ta muốn độc giả nghe theo anh chàng Roark, ủng hộ anh ta nhưng chuyện đâu phải dễ dàng như vậy. Chúng ta – những người đọc tác phẩm – đã biết Roark đúng nên mới ủng hộ anh ta từ đầu đến cuối, nhưng những-người-trong-truyện chưa biết ai đúng ai sai, nên họ buộc phải nghe theo chuyên gia đúng như những gì chúng ta làm trong cái xã hội hiện tại.
Chê bai người-bình-thường trong cuốn tiểu thuyết này theo tôi nghĩ là không nên, những người mà chúng ta nên chỉ trích là những chuyên-gia-về-kiến-trúc trong cuốn sách (những người mà cuốn sách cho là chuyên gia). Họ bảo thủ, quá nguyên tắc, và cái tôi thì cao ngất ngưởng. Khi mà mọi thứ đã đạt tới trạng thái dòng chảy, chỉ cần có một cái gì đó tác động làm chệch hướng đí thôi (dù đúng hay sai, dù hay hay dở) thì họ sẽ gạt phăng nó đi, cố gắng giữ dòng chảy trở nên ổn định. Họ không muốn công nhận tài năng của Roark, một phần vì sự bảo thủ trong chính họ, phần khác – theo tôi nghĩ – là sợ bị người được cho là kém cỏi hơn mình lên mặt. Roark là một anh chàng bị đuổi học giữa chừng, chỉ cần yếu tố này thôi là đủ để các chuyên gia đánh giá các kiệt tác của Roark là vớ vẩn, là sự thất bại của kiến trúc. Không phải tất cả những người am hiểu kiến trúc đánh giá thấp Roark, vẫn có một vài người cảm nhận được sự tinh tế và sự sáng tạo của anh: cô Dominique, ông Toohey, chủ tờ báo ngọn cờ New York ông Wynand. Ấy vậy mà họ vẫn làm như các vị khác: vùi dập và vùi dập. Họ làm vậy để thoả mãn lòng công chúng, thoả mãn các chuyên gia. Tất cả cũng chỉ vì muốn bảo vệ vị thế của họ và đảm bảo sự thu hút của tờ báo họ viết. Ôi cái xã hội, nó đã nát và càng nát hơn.
Khi đọc hết tác phẩm, thoạt đầu tôi nghĩ Roark hành động như vậy là đúng: nên bảo vệ chính kiến của chính mình khi biết nó đúng. Nhưng làm thế liệu có thật sự là tốt trong xã hội chúng ta hiện nay. Roark rất may mắn khi có những người ủng hộ và nhìn ra được tài năng của cậu, và thỉnh thoảng cậu vẫn nhận được các hợp đồng đủ để cậu chi trả chi phí sống qua ngày. Nhưng nếu không có những người này thì làm sao? Sau khi Roark bị đuổi khỏi trường, không ai biết tài năng của anh, không có một ai thuê anh để làm việc, họ chỉ tìm đến những thương hiệu, công ty được cho là uy tín. Anh đã từng phải sống rất khổ sở, không có đủ tiền thuê nhà chứ không nói đến thuê văn phòng làm việc. Roark hoàn toàn có thể thay đổi cách thiết kế của mình phù hợp với thị hiếu của các-chuyên-gia cũng như của dư luận, nhưng anh không làm vậy và giữ nguyên tắc của riêng mình. Dù sao may mắn cũng đã mỉm cười với Roark, nhưng có ai dám chắc may mắn sẽ mỉm cười với chúng ta như vậy. Tôi liên tưởng đến một câu chuyện: Có một viên kim cương bị vùi mình trong bùn, ngày qua này, nó chỉ nằm im ở đó, bị “lũ” bùn che mất ánh hào quang cũng như sự giá trị của chính nó. Viên kim cương không khác gì tài năng của Roark, và cái xã hội lúc đó chính là “lũ” bùn bẩn thỉu. Nếu chỉ như viên kim cương kia, không tìm cách thoát ra khỏi bùn, sẽ chẳng ai biết được tài năng của mình và chúng ta sẽ chết vì việc này. Quyết định thay đổi hay không là một điều cực kì khó khăn, nó đặt ra rất nhiều câu hỏi phải trả lời: “Liệu tài năng của chúng ta có được tìm thấy hay không?”, “Liệu cái chúng ta nghĩ là đúng có thật sự đúng hay không? Hay nó chí là một ý kiến vớ vẩn nhưng với tính cách bảo thủ trong con người ta, nó lại trở nên vĩ đại?”, “Liệu theo cái mới hay vẫn duy trì cái cũ là tốt hơn?” Thêm một điều quan trọng nữa: sự công nhận. Khi mua một đôi dép, mọi người chê đôi dép đó xấu, chỉ một mình bạn nghĩ nó đẹp và bạn vẫn đeo nó, liệu điều này là bảo vệ chính kiến của mình hay là bảo thủ? Cũng như các chuyên gia trong tác phẩm, họ bảo vệ những lối kiến trúc truyền thống, tại sao chúng ta không nghĩ đó là các chuyên gia bảo vệ chính kiến chứ không phải là bảo thủ?
Khi hệ tư tưởng của chúng ta khác hẳn với hệ tư tưởng của xã hội, liệu chúng ta có nên cố gắng thay đổi xã hội hay để xã hội thay đổi mình? Có lẽ tuỳ từng trường hợp, hoàn cảnh và suy xét tới rất nhiều yếu tố khác, chúng ta mới trả lời được thoải đáng. Nhưng để làm được những điều vĩ đại, chúng ta cần một chút mạo hiểm và liều lĩnh, nếu ở mãi trong vòng tròn đảm bảo thì chúng ta cũng chỉ là một phần của cái xã hội ngu dốt đó.
Tuy tác phẩm sáng tác đã lâu nhưng tất cả những vấn đề được đề cập trong tác phẩm đều là những vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay. Sự thiếu hiểu biết của đám đông, gìn giữ cái cũ, phát triển cái mới, cũng như niềm tin của đám đông trong xã hội ngày nay… Khi lướt qua các bài đánh giá của các bạn trẻ, tranh luận về những vấn đề “đao to, búa lớn” như chính trị trong nước và thế giới, người này hành xử thế này đúng không, phù hợp với đạo đức chưa,…. tôi đều tự hỏi: “Không biết mấy bạn này hiểu rõ vấn đề đến đâu? Hay đơn giản là chỉ hiểu bề nổi của câu chuyện, sự việc, từ đó đưa ra các lời phán xét để cho mọi người thấy mình cũng quan tâm đến vấn đề này, mình có kiến thức về vấn đề này?”. Lướt qua các tờ báo trên mạng, tôi cũng tự thắc mắc: “Liệu mình có nên tin nó không? Liệu mình có trở thành một thành phần của cái đám-đông-ngu-dốt trong Suối nguồn hay không”. Tôi nghĩ điều duy nhất để có thể không bị lạc vào con đường tiêu cực này là phải tích cực mở rộng thêm vốn kiến thức cho bản thân, tiếp xúc với nhiều hệ tư tưởng khác nhau và chọn một hướng cho chính mình. Có thể tôi sẽ không giúp tình trạng tồi tệ này trong xã hội hiện tại giảm bớt đi một cách đáng kể, nhưng tôi sẽ làm giảm được một người khỏi đám đông hỗn loạn đó.
– Nguyễn Tiến Mạnh
Tác phẩm này trước đó đã có nhiều bạn đọc review chi tiết rồi nên tôi chỉ muốn nói về một vài cảm nhận của riêng tôi và mong bạn đọc nào chưa đọc thì có thể tìm đọc tác phẩm.
Một ngàn một trăm chín mươi chín trang sách, lần đầu tiên tôi cầm trên tay cuốn sách này làm tôi khá là ngợp, bởi trước đó tôi chưa bao giờ đọc cuốn sách nào quá sáu trăm trang.
“Suối Nguồn”, để review nó có lẽ cần rất nhiều ngôn từ, như cách sử dụng điêu luyện, đa dạng mà tác giả Ayn Rand tạo nên sản phẩn kinh điển. Đúng thế là tác phẩn kinh điển, nó rất hấp dẫn, đây là cuốn tiểu thuyết mang tính xã hội. Và như câu nói của nhà văn Victor Hugo: “Nếu một nhà văn chỉ viết cho thời đại của mình thì tôi sẽ phải bẻ bút và vứt nó đi.” cuốn sách này với cảm nhận của riêng bản thân tôi thì rất nhiều những giá trị mà quyển sách mang lại vẫn rất đúng trong xã hội hiện tại, về tôn giáo, về những cuộc đấu tranh quyền lực, sức mạnh của báo chí, về kiến trúc, sự sáng tạo, những thứ cốt lõi và nguyên sơ nhất của bản tính còn người…
Tôi đã mất năm tuần để có thể đọc hết cuốn sách tuy nhiên đọc cuốn sách này không lâu như bạn nghĩ, nhiều đêm khi kết thúc một phần bạn sẽ vẫn muốn đọc thêm một đoạn nữa, cứ thế mà bối cảnh câu chuyện, giá trị tác phẩm dần hiện ra. Đặc biệt thật sự tôi rất bị cuốn hút bởi phần cuối của tác phẩn “Howard Roark” phần cuối này mang nhiều giá trị về tính con người và sự sáng tạo nhất. Mỗi phần chủ yếu là mỗi nhân vật chính trong câu chuyện, và chúng được kết nối với nhau mang tính thống nhất không rời rạc, các nhân vật này dù tốt hay xấu, dù bạn thích hay ghét thì đều có những thứ ta cần học hỏi, đặc biệt là học hỏi những sai lầm của họ để chúng ta tránh trong cuộc sống của chính mình hiện tại.
Thật sự cuốn sách rất đáng để mỗi người chúng ta “Kê gối đầu giường”. Bởi giá trị của cuốn sách rất cao, rất rộng. Có rất nhiều góc nhìn, rất nhiều giá trị cho bạn đọc, hi vọng các bạn sẽ tự mình tìm ra khi chiêm nghiệm tác phẩm này.
Thân ái!
– Lê Công Nin
Với độ dài 1200 trang, dù ai đó có giới thiệu nó hay đến mức nào đi nữa thì quả thật sẽ luôn có một ngăn trở khi ta có ý định đọc Suối Nguồn. Nhưng khi đã bắt đầu đọc, ta sẽ chỉ muốn gác mọi chuyện đang làm, đang nghĩ, chỉ để đọc, để theo dõi từng câu chuyện, từng lời hội thoại trong thế giới của các nhân vật. Đọc xong 1200 trang, việc tiếp đó là lần đọc lại từng đoạn hội thoại đang ám ảnh tâm trí mình. Rồi bất giác nhận ra mình đang đọc lại rất rất nhiều lần. Là ta đang theo dõi các nhân vật hay thông qua các nhân vật ta đang tìm chính bản thân mình. Ta đang chìm trong Suối Nguồn hay chìm trong chính bản thân ta. Thật sự không khó hiểu khi Suối Nguồn được dịch ra nhiều thứ tiếng, bán được hơn 6,5 triệu bản trên toàn thế giới và được độc giả New York times bầu chọn là cuốn tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20.
Suối Nguồn được chia làm 4 phần, lấy tên của 4 nhân vật chính: Peter Keating, Ellsworth Toohey, Gail Wynard và nhân vật chủ chốt Howard Roak. Tất nhiên còn một nữ chính đi cùng với họ, luôn luôn sẽ có 1 nhân vật nữ chính quý cô Dominique Francon.Peter Keating, một kẻ sống thứ sinh hoàn toàn. Anh sống theo quan điểm, ý thích của thiên hạ. Chạy theo danh vọng, lời khen chê, địa vị hảo huyền để rồi đánh mất đi tất cả từ đam mê thật sự của bản thân, tình yêu, tình bạn. Cuộc đời rơi vào bế tắc hoàn toàn, lãng phí hoàn toàn, sợ hãi điều mình không rõ là gì, một cuộc đời đáng thương thực sự.
Chủ bút “Một tiếng nói nhỏ”: Ellsworth Toohey, một kẻ thứ sinh quyền lực, nghĩ rằng mình hiểu thế giới, sống theo lý tưởng tập thể, nghĩ rằng mình có thể điều khiển tâm trí cả thế giới, đang vì một thứ lý tưởng cộng đồng và tiêu diệt các ý thức cá nhân, làm đủ thứ việc điên rồ chỉ để biến tất cả đám đông thành đám đông nô lệ, biến tất cả hóa thành nô lệ cho nô lệ.. Cái câu mà Howard Roak đối đáp ông ta, có lẽ là cách hay nhất để đối diện loại chủ nghĩa tập thể điên dại này: “Nhưng tôi không nghĩ về ông”. Toohey có thể làm Dominique lo sợ, có thể điều khiển hoàn toàn loại người như Peter Keating và thậm chí thắng được người quyền lực tài năng như Gail Wynard nhưng ông ta mãi mãi chẳng thể thắng hay ảnh hưởng được gì đến người như Howard Roak vì đơn giản, Roak không nghĩ về ông. Chẳng có Toohey nào cả, chẳng có cái lý tưởng tập thể điên rồ nào ở đó cả.
Gail Wynard: Chủ tòa soạn tờ Ngọn Cờ. Một ông chủ thực sự. Người thoát lên từ địa vị nghèo khó, có chủ kiến, có thực lực và hiểu rõ đám đông muốn gì. Trải qua nhiều sự vùi dập của đời, ông làm điều mà ông gọi là bán linh hồn mình để phục vụ những điều đám đông muốn. Ông có hầu nhưng mọi điều mà đám người sống thứ sinh khao khát: tiền bạc, danh vọng, đàn bà, quyền lực.. nhưng thậm chí có lúc ông định tự tử, ông muốn kết liễu cuộc sống không phải vì tức giận vì tức giận làm ông có thêm động lực. Ông muốn chấm dứt mọi thứ bởi vì sự kinh tỡm, kinh tỡm mọi thứ xung quanh ông. Ông chỉ hạnh phúc đến khi ông gặp được những con người như ông, Dominique, Howard Roak, được sống, được tận hưởng niềm hạnh phúc của chính ông như ông nói: ông bán linh hồn cho đám đông để có thể tận hưởng niềm riêng là Dominique, là những buổi trò chuyện, ăn trưa cùng Roak, là ngôi nhà do Roak xây dựng..
Và nhân vật trung tâm của câu chuyện: Howard Roak, một người theo chủ nghĩa cá nhân hoàn toàn. Không quan tâm đến quan điểm thông thường mà chỉ theo đuổi niềm hạnh phúc riêng biệt. Tất nhiên anh gặp rất nhiều trở ngại, chông gai, bị vùi dập, bị gần như cả thế giới chống đối và muốn hủy diệt. Howard Roak là một lời tuyên ngôn về hạnh phúc cá nhân và quyền được theo đuổi hạnh phúc riêng biệt của mỗi cá nhân. Không ai, không tập thể nào có quyền bắt 1 cá nhân từ bỏ quyền được là một cá nhân, quyền được theo đuổi hạnh phúc của riêng mình. Trước anh những người như anh đều thất bại trong đau khổ như người thầy của anh Henry Cameron, hay nàng thơ của anh Dominique Francon, chàng điêu khắc tài ba Mallory hay chính chủ tòa soạn đầy quyền uy Gail Wynard, họ thất bại vì phần nào trong họ vẫn quan tâm đến dư luận, đến công chúng, họ vẫn sợ thất bại theo quan điểm của thế gian thường thấy, họ vẫn sợ hãi “đám đông ngoài đường” như cách mà Cameron nói. Phần Roak anh không bị rang buộc bởi quan điểm đó, anh không cảm thấy đau khổ hay mất mát như quan điểm của số đông.Đơn giản những điều đó không còn ảnh hưởng gì đến anh nữa. Như anh nói với Cameron, nhưng khi đi trên đường tôi không thấy ai khác cả. Như lời anh nói với Dominique “ em phải học cách không sợ hãi thế giới này, không để nó nắm giữ em như bây giờ nó đang nắm giữ em. Không để nó làm em tổn thương như nó làm tổn thương em ở phiên tòa”.
Ta là ai trong các nhân vật, ta đã từng là ai, ta thấy vừa ghét vừa thương hại con người tầm thường như Peter Keating, thấy kinh tỡm con người như Toohey, thấy vừa quý trọng vừa thương cảm lại tiếc nuối cho Dominique, cho Gail Wynard hay thấy sùng bái con người như Howard Roak..có lẽ trong nhiều khoảnh khắc khác nhau ta đều đã đóng qua các vai, đã từng tầm thường như Peter Keating, đã từng tỏ ra nguy hiểm như Toheey, đã từng đau khổ như Dominique, Gail Wynard cũng từng theo đuổi niềm đam mê như Howard Roak.
Và điều quan trọng sau nhất, ta sẽ là ai ?