Tà Dương không chỉ là miêu tả sự suy tàn của một gia đình quý tộc mà còn là một hồi tan vỡ của thời đại đầy ảo tưởng và một xã hội đầy nạn nhân. Đó là những ngày tháng phong ba và ám tối vào giữa thế kỷ hai mươi ở Nhật. Trong cái gia đình quý tộc đang dần dà trở nên khốn cùng ấy, mỗi người bám vào một thứ lương tri tự nguyện.
Review Tà dương (2)
Dazai Osamu là một trong những nhà văn hiện đại đầu tiên của Nhật Bản có tác phẩm được dịch ra ở phương Tây sớm nhất kể từ sau thời kì chấm dứt Thế chiến thứ hai. Ông mang tới một ấn tượng mạnh mẽ và sâu sắc khi phản ánh một cách trực tiếp, chính xác và chân thực tâm thức của người dân Nhật Bản thời hậu chiến. Đó là nỗi buồn u uất, là sự cô độc, là tâm trạng hoang mang, sợ hãi tột độ, là sự đổ vỡ niềm tin vào tất cả của một dân tộc vốn đầy kiêu hùng và luôn tự hào là hậu duệ của thần Mặt Trời.
“Tà Dương”- Sống hay không sống?
“Tà Dương”, cuốn tiểu thuyết được xuất bản năm 1947-một năm sau khi tác giả tự sát. Tác phẩm dựa trên cuốn nhật kí của Shizuko Ōta. Ông gặp cô năm 1941 và cô sinh cho ông một cô con gái tên là Haruko vào năm 1947. Và tác phẩm này đã đưa ông lên hàng tác gia danh tiếng nhất đương thời. Chính từ tác phẩm này, trong từ điển tiếng Nhật đã xuất hiện thêm một từ đến giờ vẫn lưu hành: Tà dương tộc – dùng để chỉ sự sa sút của giai cấp thượng lưu vì một biến chuyển gấp gáp của xã hội.
Tà dương, thứ ánh sáng heo hắt trong khoảnh khắc suy tàn của một ngày để rồi bóng tối ập xuống ngay sau đó, là hình ảnh biểu đạt chính xác tình cảnh gia đình tiểu thư Kazuko, hay cũng chính là tình cảnh xuống dốc nhanh dần đều của tầng lớp quý tộc Nhật Bản thời hậu chiến. Gia đình Kazuko gồm 3 người: người mẹ, Kazuko, em trai Naoji. Ba nhân vật cũng chính là ba số phận nhuốm màu tà dương theo những cách khác nhau, nhưng đều đọng lại dư vị đắng chát trong lòng người đọc khi gấp sách lại. Và sự trăn trở, suy tư về một câu hỏi “sống hay không sống?”
Đại diện cho khả năng “sống” chính là nhân vật Kazuko. Xuất thân trong một gia đình quý tộc, cô mang trong mình đầy đủ phẩm tính của một tiểu thư khuê các: một tâm hồn lãng mạn bay bổng, tinh tế và nhạy cảm trước vẻ đẹp thiên nhiên, ham đọc sách và thích thưởng ngoạn nghệ thuật… Nhìn trông như Kazuko là một tồn tại mong manh, nhưng “Con người không bao giờ trùng khít với chính mình” – nói như Mikhail Bakhtin khi ông viết về các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết Dostoyevsky của mình – nhân vật Kazuko cũng vậy. Ẩn sau sự mong manh ấy là một “khối sống” mạnh mẽ. Không chỉ mạnh mẽ về thể chất như khi cô làm những công việc nặng nhọc thời chiến, cũng không chỉ đơn thuần là sự duy trì cuộc sống sinh tồn của cô khi về nông thôn sinh sống. Hơn tất thảy đó nằm ở sự tự ý thức, “khối sống” của Kazuko là sống để xác thực triết lí của một triết gia cộng sản mà cô yêu thích, Rosa Luxemburg: con người được sinh ra vì tình yêu và cách mạng. Và cuộc cách mạng nào mở cho Kazuko-một cô gái quý tốc bần hàn trong một Nhật Bản vừa thất trận nặng nề, không gì khác ngoài cách mạng về tình yêu cá nhân: sống để tuyên chiến với thứ đạo đức cổ hủ vẫn còn tồn tại trong xã hội Nhật Bản bấy giờ… Cô yêu và tự nguyện có con với Uehara, một người đã có gia đình. Uehara là một nhà văn, một học giả, thế nhưng cái vỏ ngoài trí thức ấy không thể che đậy sự xấu xa của một kẻ bại hoại tư cách từ trong xương tủy mà điểm khởi đầu là sự thất thời khiến hắn trở nên bê tha. Nhìn theo nhiều khía cạnh, đây vừa là bi kịch hay cũng chính là niềm tự hào của Kazuko, cô không quên đi nguồn gốc quý tộc của mình, cô vừa yêu vừa không ngừng ghê tởm ông Uehara, nhưng để thực hiện cuộc “cách mạng” cô vẫn phải có sự thỏa hiệp: “Nếu như con người được sinh ra trong thế gian này dù thế nào đi nữa vẫn phải sống thì cái kiểu cách sống của mấy người này cũng không đáng ghét đâu. Sinh tồn à? Công cuộc sinh tồn, phải chăng đó là một đại nghiệp, cho dù ta sức cùng lực kiệt vẫn không thể nào hoàn thành?”. Đó là những gì Kazuko nghĩ khi chứng kiến cảnh sống nhếch nhác bê tha của ông Uehara cùng đám bạn rượu của ông ta. Trong bức thư cuối cùng gửi cho Uehara, khi mà Kazuko đang mang trong mình giọt máu của ông ta, cô viết: “Cách mạng vẫn chưa được tiến hành một chút nào cả. Và vẫn cần nhiều hơn nữa, thêm nữa những nạn nhân cao quý và đáng thương. Cái đẹp đẽ nhất trong cuộc đời chính là nạn nhân”. Trở thành nạn nhân, vật hiến tế cho khát vọng tình yêu của chính mình, đó là lý tưởng hay ảo tưởng, là đáng trách hay đáng thương? Dù là gì chăng nữa đó cũng chính là động lực cho “khối sống” của Kazuko trong bối cảnh tà dương chập choạng, khi thực tế cuộc sống đã trở nên quá đỗi khó sống!
Đại diện cho khả năng “không sống” là nhân vật Naoji, em trai của Kazuko. Tuy cùng trải qua chiến tranh và cùng hứng chịu nghịch cảnh của thời hậu chiến nhưng Naoji không thể nào từ bỏ quá khứ quý tộc của mình để đối diện với thực tại như Kazuko. Bức chân dung tinh thần của anh được khắc họa rõ trong di thư anh viết cho chị Kazuko. Naoji có một ý thức rõ ràng về sự tự hủy của bản thân. Anh muốn tự sát, nhưng điều níu kéo anh chính là mẹ. Naoji yêu mẹ, tất nhiên, vì bà đã sinh ra anh và là người luôn dành cho anh tình yêu thương và sự quan tâm sâu sắc nhất. Nhưng anh còn yêu, thậm chí yêu đến mức tôn thờ bà, ấy chính bởi bà là biểu tượng tuyệt hảo của “quý tộc tính”: cao sang và tao nhã tuyệt đối, cao sang và tao nhã. Với Naoji, “quý tộc tính” không phải là đặc quyền giai cấp mà nó là một giá trị chuẩn mực của cuộc sống, một phẩm chất đáng ngưỡng vọng. Nhưng trước cái chết của bà mẹ, với Naoji đó cũng là cái chết của một biểu tượng, và chẳng còn gì níu giữ anh với cuộc sống. Tuy nhiên, trong bức di thư mà anh gửi cho chị Kazuko, cái chết của anh không hề là hành trình nhận thức đơn thuần, một chiều. Thực chất nó là một “đích lịch trình khổ nạn”. Bị cuốn theo ngọn triều dữ dội của tư tưởng dân chủ hóa, nhiều lúc Naoji muốn xóa đi cái vị thế giai cấp của mình. Anh viết chị: “Em muốn trở nên đê tiện. Em muốn trở nên mạnh mẽ, không, trở nên cường bạo. Em nghĩ đó là con đường duy nhất để có thể trở thành bạn bè của những người thường dân kia… Em phải quên đi nhà mình. Phải phản kháng lại dòng máu của cha. Phải cự tuyệt sự dịu dàng của mẹ. Phải lạnh lùng với chị. Em nghĩ nếu mình không làm thế sẽ không kiếm được chiếc vé để bước vào phòng của những người thường dân kia”. Và đúng như vậy Naoji đã giao lưu bù khú với những “thường dân”, như Uehara và đám bạn bè của ông ta, bằng cách lăn lóc trong những tửu điếm, nhà thổ và nha phiến. Nhưng thực tế không như những gì anh mong đợi, sự “dấn thân” của Naoji nó chỉ là sự ngụy tạo vụng về, điều đó càng làm cho Naoji căm ghét chính mình và ngày càng xa cách nhân gian. Một mặt: “Đối với những thường dân mà nói, em chỉ là một gã kệch cỡm ngạo mạn làm bộ làm tịch mà thôi. Chưa bao giờ họ thấy thoải mái khi chơi với em cả”. Mặt khác: “Rồi còn những người được gọi là xuất chúng và cao quý cũng chán ghét hành vi của em và tẩy chay em” Theo sự tính toán bi hài của Naoji, sự đê tiện của anh 60% là phỉnh gạt ngụy tạo, 40% còn lại là đê tiện thật. Những con số cho thấy Naoji không ngừng tự nhận thức về bản thân mình, không ngừng bám lấy ý niệm “quý tộc tính”. Chính vì vậy anh đã nhận ra một sự thật, ít nhất một sự thật về câu nói: “con người tất cả đều như nhau cả thôi”. Với anh ban đầu đó là một câu nói “vô cùng kì bí”. Nhưng sau cùng, anh vẫn chia sẻ nó với chị trong di thư: Tại sao lại nói là “như nhau”? Sao không nói là “ưu việt”? Chỉ là cuộc phục thù của bản tính nô lệ thôi. Tuy nhiên, câu nói này thực sự bỉ ổi và vô nghĩa. Nó đã làm cho con người sợ hãi nhau, mọi tư tưởng bị giam cầm, nỗ lực bị nhạo báng, hạnh phúc bị cự tuyệt, cái đẹp bị nhơ nhuốc, vinh quang bị chà đạp và em nghĩ cái gọi là nỗi bất an thế kỷ cũng xuất phát từ câu nói kỳ lạ này mà ra”. Anh tự biết được rằng mình không thể nào sống thỏa cái tư tưởng này, cái tư tưởng đang và tiếp tục thống trị thế giới này, anh đã chọn “không sống”, tự sát.
Tà Dương của Dazai Osamu nhuốm màu một phần xã hội Nhật Bản thời bấy giờ, “sống” hay “không sống” đều là bi kịch đối với kiếp người. Nhìn về xã hội học thuần túy, tác phẩm phản ánh sự vỡ mộng, bế tắc, cùng cực không lối thoát của một bộ phận Nhật Bản lúc bấy giờ. Nhưng có lẽ tác giả không muốn ta nhìn nhật đơn thuần vậy, “sống” hay “không sống” trong tác phẩm còn là sự nhận thức về nỗi đau của đời sống tinh thần hiện đại: Cái tầm thường đang bức tử cái tao nhã.
– Tạ Duy
Tựa đề câu chuyện khơi gợi cho ta một cảm giác lặng lẽ, nhẹ mà buồn, chầm chậm mà tinh tế. Dazai Osamu, văn học của ông thấm đượm sự lẻ loi của một kiếp người, điều đã trở thành phong cách tiêu biểu cho chính bản thân ông trong suốt thời gian còn tại thế. Tác phẩm mang cho mình một tiếng nói vượt thời gian, một cõi lòng chan chứa nặng trĩu.
Ở thời điểm Nhật Bản đắm chìm vào vũng lầy của chiến tranh, bản thân nó đã chịu nhiều ảnh hưởng trầm trọng, hệ luỵ là những hình ảnh về một tầng lớp quý tộc thượng lưu đã biến chất, mục rữa đến nỗi Kazuko – một quý tộc cũng đã phải thừa nhận rằng “Ngay cả trong gia đình mình đây, chỉ có mẹ mới là quý tộc thật sự”. Hình ảnh người mẹ là hình ảnh tượng trưng quan trọng, đóng vai trò cho những nguyên tắc, những quan niệm của một Nhật Bản truyền thống, tác động trực tiếp đến tư tưởng xuyên suốt của nhân vật chính.
Bên cạnh đó, sự sa sút trong cuộc sống cũng góp phần cho những suy nghĩ “lệch lạc” mà một người phụ nữ không được phép có (như lời dạy từ Nữ huấn ca – lời răn dạy người phụ nữ thời xưa), bức bách họ đến tận cùng. Chính những áp đặt nặng nề về tư tưởng cho nên khi thời thế đổi thay, những nguyên tắc cũ bị phá vỡ đã thôi thúc những suy nghĩ “lệch lạc” như thế. Bởi lẽ, chỉ có như vậy, con người ta mới còn cảm giác làm chủ cuộc sống của chính mình dẫu cho thực tế hoàn toàn trái ngược.
Các nhân vật trong tác phẩm ít nhiều vẫn thể hiện những sự phản kháng, những tâm sự không thể nói cùng ai, họ mãi bấu víu vào một viễn cảnh không bao giờ tới, dần dần chính những suy nghĩ của họ đã lại vô tình đẩy họ vào bế tắc, không lối thoát.
Đến đây, có lẽ trong chính chúng ta sẽ cảm thấy Dazai Osamu là một kẻ nhu nhược, uỷ mị. Nét bút của ông là thế, đại diện cho chính góc nhìn của ông. Phải chăng khi ta cho rằng ông là một kẻ nhu nhược, uỷ mị, chúng ta cũng đã phần nào sự vô tình áp đặt những quan niệm sống của chính mình lên một con người khốn khổ – người cũng đã phải vật lộn trước những điều như thế trong suốt cuộc đời mình?
Khi đọc “Tà Dương” ta như đối diện với chính ta, thầm tự hỏi khi con người ta sa cơ lỡ vận thì giá trị nào cần được cân nhắc, liệu rằng chính chúng ta khi ấy có nhận ra bản thân mình đã vướng vào những áp đặt lấy “gông cùm xiềng xích” và rồi lựa chọn nào sẽ là tốt đẹp cho ta. Tác giả đã tinh tế dẫn dắt người đọc vào thế giới nội tâm đen tối của mỗi người, bản thân ông khi viết tác phẩm cũng đã giữ riêng cho mình một khoảng cách nhất định, có chừng mực. Không phải là do ông không thể thiên vị nhân vật nào cả, lối viết của ông như đã chừa cho nhân vật một khoảng không tự do nhỏ bé, như một phần của sự an ủi cho những số phận đau thương vẫn còn bế tắc. Đó cũng chính là những nỗ lực sau cùng mà có lẽ Dazai Osamu đã thúc đẩy cho sự phát triển cá tính của từng nhân vật.
Để minh chứng cho điều này, tôi xin được trích một đoạn mà tôi tâm đắc. Đây là đoạn kể về bức thư của Kazuko gửi cho Uehara – một người đàn ông đã có gia đình: “Nếu có người nào cười chê bức thư này thì người đó đang nhạo báng nỗ lực sinh tồn của người phụ nữ, đang đùa cợt với sinh mạng của một người đàn bà. Tôi như nghẹt thở với cái ngột ngạt của bến cảng. Tôi muốn căng buồm ra khơi dù cho ngoài kia đầy bão tố. Những cánh buồm xếp xó luôn bám đầy bụi bặm. Những kẻ nhạo báng tôi tất cả đều là những cánh buồm xếp xó, chẳng làm được tích sự gì.”
Với tất cả nỗi nghẹn ngào, tiếng lòng của Kazuko đã bộc lộ ra như thế đấy. Dazai Osamu đã thật tinh tế với từng nét chữ, nghệ thuật của ông đơn thuần mà sâu nặng để lại cho chúng ta một trạng thái bi thương nhưng đồng thời cũng thật lộng lẫy, tình tiết nhẹ nhàng và chậm rãi mờ ảo như chính cuộc đời của mỗi chúng ta đang nép mình sau bóng tà dương.