Lần cập nhật gần nhất March 31st, 2020 - 11:40 pm
Tăng trưởng thần tốc: Con đường nhanh nhất để dựng nên những doanh nghiệp khổng lồ, hai tác giả Reid Hoffman và Chris Yeh đã phác họa bức tranh tổng thể để đưa các startup từ một công ty non nớt, chật vật tiến đến đánh bại sự cạnh tranh và phát triển với tốc độ “nhanh như chớp”.
Review
“Blitzscaling”, quyển sách xoay quanh 03 tư duy mà các doanh nghiệp hiện đại cần có
Trong một nền kinh tế luôn vận động và phát triển, hiển nhiên là các doanh nghiệp muốn đứng vững được thì không chỉ dừng lại ở tăng trưởng (scaling) theo tốc độ truyền thống, mà đòi hỏi sự “tăng trưởng thần tốc” (blitzscaling) để khẳng định vị trí và quyết định cuộc chơi (game changer).
Ngoài việc được viết bởi nhà đồng sáng lập PayPal và LinkedIn kiêm nhà đầu tư thiên thần (angel investor) cho Facebook (Reid Hoffman), quyển sách “Tăng trưởng Thần tốc” còn được đúc kết bằng lời tựa của Bill Gates và khuyến nghị từ COO Facebook và CEO Airbnb.
Với những vấn đề thức thời và bối cảnh kinh doanh hiện đại mà quyển sách đề cập đến, phương pháp Tăng trưởng Thần tốc là một “bí kíp gối đầu” cho bất kỳ doanh nghiệp nào, dù bạn là một start-up muốn xây dựng thị phần cho công ty hay bạn là công ty theo định hướng scale-up cần mở rộng quy mô; hoặc bạn là một công ty công nghệ tân tiến (Paypal, Tesla, Netflix, Tencent, Slack, v.v.) hay bạn là một công ty về thời trang tưởng chừng áp dụng mô hình truyền thống (Zara).
Vì với tác giả, trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng nhanh thì tốc độ (speed) là lợi thế cạnh tranh (competitive advantage) đóng vai trò chủ lực.
Vốn dĩ với kinh nghiệm cá nhân từng là nhà đầu tư thiên thần cho Facebook và Airbnb, thành viên của quỹ đầu tư mạo hiểm Greylock Partners, tác giả Reid Hoffman có dịp quan sát được sự phát triển cac công ty và đúc kết được quá trình Tăng trưởng Thần tốc (blitzscaling) đã biến con nuôi của người dân nhập cư Syria (Steve Jobs), con nuôi của dân nhập cư Cuba (Jeff Bezos) và con của cựu giáo viên tiếng Anh (Jack Ma) xây dựng thành công những doanh nghiệp đang thay đổi thế giới và là người quyết định cuộc chơi như thế nào.
Sau khi phân tích rõ khái niệm “blitzscaling”, quyển sách xoay quanh 03 tư duy mà các doanh nghiệp hiện đại cần có, giúp họ trở nên khổng lồ và khác biệt với những start-up sớm “chết yểu” trên thị trường:
- Đổi mới sáng tạo Mô hình kinh doanh (để đảm bảo các start-up xây dựng được và phát triển được),
- Đổi mới sáng tạo về mặt Chiến lược (chỉ ra thời điểm và cách thức áp dụng blitzscaling ứng với từng doanh nghiệp ở các giai đoạn “Gia định” – “Bộ lạc” – “Làng xã” – “Thành phố” và cuối cùng là “Quốc gia”)
- Đổi mới sáng tạo về mặt Quản lý (sau khi đảm bảo chiến lược giúp công ty hình thành được, phát triển được thể hiện ra bên ngoài thì blitzscaling còn giúp công ty quản lý nội bộ, khi số lượng nhân viên và khách hàng tăng vượt ngoài kỳ vọng)
Minh chứng cho việc áp dụng mô hình Tăng trưởng Thần tốc, tác giả Reid Hoffman và Chris Yeh đã mô tả chi tiết những thăng trầm từ các công ty start-up nổi tiếng như Airbnb hay Tencent.
Cụ thể, một thông lệ khá phổ biến ở thị trường công nghệ là các công ty châu Âu sẽ xây dựng lại mô hình kinh doanh thành công từ các start-up Mỹ trên chính thị trường của mình, và dùng nguồn vốn tích trữ của mình từ các thương vụ trước, để bành trướng sang các nước lân cận.
Điển hình là công ty của anh em nhà Samwer (Cologne, Đức) đã liên tục sản sinh bản sao của eBay (Alando) để bán với giá 43 triệu USD, tiếp đến là phi vụ MyVideo (bản sao Youtube), Frazr (Twitter), StudiVZ (Facebook) và rồi đến Wimdu (Airbnb).
Quyển sách phân tích sâu về case study giữa phi vụ của nhà Samwer với Airbnb – khi ấy còn là một start-up non trẻ và quy mô nhỏ hơn “bản sao” hàng chục lần – và cách Airbnb áp dụng các tư duy blitzscaling để vượt qua được sự đe dọa của “bản sao” và từ đó, phát triển thành doanh nghiệp tỷ USD tính đến thời điểm hiện tại.
Khép quyển sách lại là vô vàn các kỹ thuật xây dựng doanh nghiệp được tác giả tích lũy, giúp đưa ý tưởng khởi nghiệp của bạn (bắt đầu ở số 0) trở nên thành công đại chúng (chạm ngưỡng tăng 1.000.000.000 lần) thay vì 0 lên 1 như mô hình truyền thống.
Song song với các kỹ thuật tiên tiến đó, quyển sách “Tăng trưởng thần tốc” còn là “bộ sưu tập” về các viễn cảnh cạnh tranh (scenarios) mà các start-up sẽ gặp phải và cần chuẩn bị để đương đầu.
COO Facebook và tác giả của quyển sách nổi tiếng “Lean In” – cô Sheryl Sandberg – đã chốt lại lời khen: “Mô hình Tăng trưởng Thần tốc chỉ ra cách thức các công ty có thể xây dựng giá trị cho những khách hàng và những cổ đông trong thời đại số.”.
Bên cạnh đó, Cựu CEO của Alphabet, Eric Schmidt – công ty mẹ của Google – nhấn mạnh “Bí mật của Silicon Valley là những điều tiếp tục được cập nhật trong cuốn sách này.
Mỗi thành công mới – từ Google đén Facebook, cho đến Airbnb và Uber – sẽ phát triển những kỹ thuật mới cho những sản phẩm dịch chuyển thế giới. Tăng trưởng Thần tốc vẽ ra một bức tranh với các nghiên cứu thực tiễn then chốt, giúp xây dựng một công ty dẫn đầu thị trường.”
– Dung Huynh
Tóm tắt
Cuốn sách hấp dẫn này giải thích những gì bạn có thể học được từ Tăng trưởng thần tốc (Blitzscaling) – chiến lược siêu tăng trưởng của các công ty như Netflix, Amazon, Google, Alibaba, Tencent và Zara.
Công nghệ số đang mang lại những khả năng đổi mới sáng tạo, khả năng tăng tốc và tăng trưởng chưa từng thấy trước đây, như được giải thích trong cuốn sách mới “Tăng trưởng thần tốc: Con đường nhanh nhất để dựng nên những doanh nghiệp khổng lồ” của hai tác giả Reid Hoffman và Chris Yeh.
Khi một công ty khởi nghiệp sở hữu một sản phẩm hấp dẫn trong thị trường rộng lớn và rõ ràng, nó có cơ hội trở thành một công ty scale-up – một công ty có thể thay đổi thế giới và ảnh hưởng đến hàng triệu hay thậm chí là hàng tỷ người, các tác giả viết ở đầu quyển sách. Thời đại nối mạng, với Internet toàn cầu và băng thông rộng di động, đã đẩy nhanh cơ hội cho sự tăng trưởng thần tốc trên toàn thế giới.
Khi một công ty khởi nghiệp sở hữu một sản phẩm hấp dẫn trong một thị trường rộng lớn và rõ ràng, nó có cơ hội trở thành một công ty scale-up.
“Ở những doanh nghiệp mà sự phát triển về quy mô đóng vai trò quan trọng trong sự cạnh tranh và tồn tại trên thị trường, thì việc bắt đầu sớm và thực thi thật nhanh có thể tạo nên sự khác biệt đáng kể”, Bill Gates viết trong lời nói đầu của quyển sách. “Tốc độ được ưu tiên hơn so với tính hiệu quả – ngay cả trong một môi trường kinh doanh mơ hồ và không chắc chắn – là điều đặc biệt quan trọng khi mô hình kinh doanh của bạn có sự tham gia của nhiều đối tượng khác nhau và cần có sự phản hồi từ họ”.
Cơ hội có thể rất nhỏ và qua đi nhanh chóng, sự do dự có thể dẫn đến tình trạng phải rượt đuổi theo sau hoặc bị đánh bại, hơn là sẽ dẫn đầu hoặc chiến thắng.
“Tăng trưởng thần tốc là một chiến lược và tập hợp các kỹ thuật để thúc đẩy và quản lý sự tăng trưởng cực kỳ nhanh chóng, ưu tiên tốc độ hơn hiệu quả trong một môi trường không chắc chắn,” các tác giả định nghĩa. Nó có nghĩa là đi từ “số 0 sang tỷ” thay vì “số 0 thành một”, và đã ảnh hưởng đến các ngành như âm nhạc, video, trò chơi, điện thoại và bán lẻ.
Hai tác giả mô tả năm giai đoạn tăng trưởng tiến hóa của một công ty startup: ‘gia đình’ (dưới 10 nhân viên), ‘bộ lạc’ (hàng chục nhân viên), ‘làng’ (hàng trăm nhân viên), ‘thành phố’ (hàng ngàn nhân viên) và ‘quốc gia’ (hàng chục ngàn nhân viên). Mỗi giai đoạn phát triển đòi hỏi những thay đổi nền tảng liên quan đến mô hình kinh doanh, chiến lược, quản lý và văn hóa.
“Blitzscaling” tối đa hóa tốc độ và sự bất ngờ, áp đảo các đối thủ với tốc độ chóng mặt. Nó có thể là một chiến lược vừa tấn công vừa phòng thủ và phụ thuộc vào các vòng phản hồi tích cực để xây dựng lợi thế cạnh tranh.
Reid Hoffman và Chris Yeh xác định ba kỹ thuật chính được các doanh nghiệp và nhà đầu tư áp dụng để xây dựng những công ty có vị trí thống trị: đổi mới sáng tạo mô hình kinh doanh, đổi mới sáng tạo về mặt chiến lược, đổi mới sáng tạo về mặt quản lý. Ba nguyên tắc cơ bản này không phụ thuộc vào vị trí địa lý và có thể được áp dụng để xây dựng những công ty lớn trong bất kỳ hệ sinh thái nào.
1. Đổi mới sáng tạo mô hình kinh doanh
“Mô hình kinh doanh của công ty mô tả cách thức công ty tạo ra lợi nhuận tài chính bằng cách sản xuất, bán hàng và hỗ trợ cho các dòng sản phẩm của mình”, các tác giả giải thích. Tiến bộ công nghệ đã đưa đến các kênh kỹ thuật số và nền tảng hỗ trợ những mô hình kinh doanh mới. Thách thức đối với các nhà đổi mới sáng tạo là nhiều mô hình kinh doanh mới lạ và chưa được chứng minh, thậm chí một số ý tưởng dường như là tồi tệ đối với các nhà đầu tư.
Điều đã khiến cho các công ty như Amazon, Google và Facebook đứng tách biệt khỏi các công ty công nghệ cao thành công khác là họ có thể liên tục thiết kế và thực hiện các mô hình kinh doanh cho phép họ nhanh chóng đạt được quy mô kinh doanh khổng lồ và lợi thế cạnh tranh bền vững. Dĩ nhiên, không có một mô hình kinh doanh hoàn hảo nào phù hợp với mọi công ty, và việc cố gắng tìm kiếm một mô hình như vậy chỉ hao tốn thời gian. Nhưng hầu hết mô hình kinh doanh tuyệt vời đều sở hữu một số đặc điểm chung.
2. Đổi mới sáng tạo về mặt chiến lược
Các quyết định chiến lược tập trung vào những gì nên làm cũng như không nên làm. Một số lĩnh vực và công ty không phù hợp cho tăng trưởng thần tốc, chẳng hạn như ẩm thực đẳng cấp thế giới, các tác giả giải thích.
“Blitzscaling” liên quan đến ước tính nhanh chóng (thay vì lập kế hoạch cẩn thận), chi tiêu vốn không hiệu quả (không đầu tư thận trọng) và phớt lờ các khách hàng tức giận (không phải dịch vụ lịch sự), các tác giả cảnh báo. Các công ty cần phải rõ ràng về thời điểm khởi động và thời điểm ngừng tăng trưởng thần tốc, vai trò của người sáng lập thay đổi như thế nào cùng với sự thay đổi quy mô của công ty.
Mặc dù thị trường thương mại điện tử Trung Quốc không đáng kể khi Alibaba được thành lập năm 1999, tầng lớp trung lưu Trung Quốc đã sẵn sàng cho sự phát triển. Gây quỹ lớn và tăng trưởng thần tốc đã giúp Alibaba giành được 80% thị phần tại Trung Quốc ngày nay.
Airbnb đã phải dùng đến tăng trưởng thần tốc để giải quyết sự cạnh tranh ở châu Âu từ bản sao Wimdu của công ty Đức Rocket Internet và cùng lúc mở rộng ở một số quốc gia mới.
Tumblr đã không thể tăng trưởng thần tốc theo cách mà Twitter đã làm và được Yahoo mua lại. Nokia đã không thể sống sót sau cuộc tấn công thần tốc của Apple và hệ điều hành Android của Google. Groupon là một ví dụ về thời điểm nên ngừng tăng trưởng thần tốc; tăng trưởng quá nóng khiến Groupon gặp vấn đề khi các đơn vị hợp tác kinh doanh phát hiện ra rằng giao dịch trên Groupon không hẳn dẫn đến kinh doanh lâu dài.
3. Đổi mới sáng tạo về mặt quản lý
Nhiều công ty “nổ tung” trong khi tăng trưởng và các tác giả đưa ra những ví dụ thấu hiểu về sự chuyển đổi mà các công ty phải đối mặt, cũng như các quy tắc và đạo đức mà họ cần phải tuân theo.
Ở giai đoạn đầu, các quyết định cần dựa trên trực giác trong khi các giai đoạn sau nên dựa vào dữ liệu.
Linh hoạt, ra quyết định nhanh chóng và phối hợp là những lợi thế của các nhóm nhỏ. Tuy nhiên, những người thông minh và hiệu quả ở giai đoạn đầu không nhất thiết sẽ thành công ở các giai đoạn tăng trưởng về sau. Ở giai đoạn đầu, các quyết định cần dựa trên trực giác trong khi các giai đoạn sau nên dựa vào dữ liệu.
Các nhà sáng lập nên phát triển bản thân thông qua phân quyền, tuyển một trợ lý điều hành và tăng khả năng học hỏi. “Bạn phải biến mình thành một cỗ máy học hỏi”, các tác giả thúc giục; điều này có thể được thực hiện thông qua việc đọc thường xuyên, tìm cố vấn và chuyên gia, kết nối với các nhà sáng lập ngang hàng và tạo ra một “ban cố vấn cá nhân”.
Ở tất cả các giai đoạn, văn hóa công ty nên được xác định rõ ràng, được hiểu và làm theo. Hãng hàng không Southwest Airlines sống với thông điệp “trái tim của người phục vụ”, “tinh thần chiến binh” và “thái độ thích vui tươi”. Những người sáng lập HP đã định nghĩa “HP Way” dựa trên nền tảng của văn hóa kỹ thuật, trong khi Oracle và Cisco có văn hóa định hướng bán hàng nhiều hơn.
Trong giai đoạn đầu, văn hóa khởi nghiệp lan truyền từ những người sáng lập thông qua thẩm thấu. Khi nó phát triển, nhân viên mới cần tái tạo văn hóa. Cần thêm quy trình và sự củng cố ở các giai đoạn sau.
Con đường phía trước
Tăng trưởng thần tốc đã giúp các công ty đi từ “garage đến sự thống trị toàn cầu”. Nó cũng đã mở rộng đến các công ty trong những lĩnh vực ngoài công nghệ số.
Zara tận dụng các nhà máy tự động và 300 cửa hàng nhỏ ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, và lấy đầu vào thiết kế ngay từ các cửa hàng – thay vì gia công sản xuất cho một quốc gia như Trung Quốc. Sản phẩm được phân phối theo lô nhỏ thay vì lô hàng lớn. Chi phí nhân công và vận chuyển có thể cao hơn, nhưng cái được là tốc độ và tính linh hoạt (chỉ hai tuần cho thiết kế và giao hàng; 10.000 thiết kế mới mỗi năm; lượng hàng dôi dư thấp hơn).
Không chỉ có startup mà các công ty lớn cũng khai thác chiến lược tăng trưởng thần tốc. Họ có lợi thế về quy mô, thương hiệu, tuổi đời và sức mạnh để sáp nhập, mua lại các công ty khác. Nhưng họ cũng phải đối mặt với những thách thức trong sự phản đối của cổ đông đối với các vụ cá cược rủi ro và chi phí quản lý làm hạn chế sự cơ động. Các công ty lớn có thể vượt qua những thách thức này bằng cách làm mạnh tư duy khởi nghiệp, chẳng hạn, Jeff Bezos xem “mỗi ngày đều là Ngày đầu tiên”.
Xét về phạm vi khu vực trên thế giới, Thung lũng Silicon và Trung Quốc dẫn đầu về tăng trưởng thần tốc nhờ một đội ngũ điều hành dày dạn từ các công ty siêu tăng trưởng, thị trường lớn và những nhà đầu tư đầy khát khao.
Các yếu tố tăng trưởng thần tốc cũng có thể được nhìn thấy trong lĩnh vực chính trị, xã hội, giáo dục và y tế, chẳng hạn như chiến dịch tranh cử của Obama, Quỹ Bill và Melinda Gates giải quyết bệnh sốt rét trên phạm vi toàn cầu.
Cuốn sách kết thúc với phần thảo luận về “tăng trưởng thần tốc có trách nhiệm”, đề cập các vấn đề đạo đức, luật định và lợi ích chung của cộng đồng.
Lời kết
Tóm lại, tăng trưởng thần tốc – blitzscaling rất hữu ích cho các công ty startup và doanh nghiệp sáng tạo. Ngay cả với các đối tượng khác, “blitzscaling “ cũng giúp hiểu được cách mà những “nhân vật lớn” trong thế giới công nghệ đạt đến vị trí thống trị hiện nay và điều này ảnh hưởng đến xã hội rộng lớn như thế nào.
Tăng trưởng thần tốc có trách nghiệm có khả năng làm thay đổi thế giới, để thế giới trở nên tốt đẹp hơn. “Cuộc cạnh tranh có thể thách thức cho một cá nhân hoặc một công ty, nhưng nó tốt cho toàn thể,” các tác giả kết luận.
Về tác giả:
Nhà khởi nghiệp-nhà đầu tư Reid Hoffman từng kinh qua nhiều vị trí trong thế giới startup: Ông từng là thành viên hội đồng sáng lập và phó chủ tịch điều hành của PayPal, nhà đầu tư thiên thần của Facebook, Zynga và là một đối tác (partner) ở công ty đầu tư mạo hiểm Greylock Partners. Ông là thành viên hội đồng quản trị của Airbnb, Microsoft và Kiva.
Chris Yeh là một nhà khởi nghiệp, nhà văn và là một “mentor” (cố vấn). Ông tốt nghiệp Đại học Stanford, Trường Kinh doanh Harvard và là đồng tác giả quyển sách The Alliance với Hoffman. Cuốn sách của họ dựa trên một lớp học mà hai tác giả đã dạy tại đại học Stanford, cũng như các cuộc phỏng vấn của Reid Hoffman với những CEO và nhà sáng lập “tăng trưởng thần tốc”.
– Ánh Mai (Brands Vietnam)