Tất Cả Các Dòng Sông Đều Chảy không đơn thuần chỉ là chuyện kể về đời riêng của một con người. Ở đó chứa đựng những suy nghĩ rộng hơn, bao quát hơn và mang chất triết lý. Đời người như đời sông, như cuộc sống hòa tan với thời gian: luôn luôn trôi đi nhưng không ngừng đổi mới, mãi mãi biến chuyển nhưng muôn đời vẫn thế. Tất cả sông rồi sẽ đi về biển, từ biển bao la sẽ rót vào những lòng sông mênh mông tràn đầy, mạch luân lưu không ngơi nghỉ ấy là cuộc sống. Sẽ không bao giờ có cái chết vì nơi tận cùng cũng là khởi thủy cho những mầm sống mới.
“Không có cái chết đâu, lúc kết thúc cũng là lúc khởi đầu”
Review (2)
Cuộc đời Philadelphia Gordon (tên thân mật là Delie) được thu nhỏ gọn gàng vừa vặn trong cuốn tiểu thuyết trầm lặng mang tên Tất cả các dòng sông đều chảy, trải dài ra từ thuở hoa niên của cô gái nhỏ 12, 13 tuổi đã vĩnh viễn đánh mất đi cha mẹ của cô nơi đáy đại dương lạnh lẽo cô tịch, chuyển đến sống cùng dì dượng bên bở sông một vùng quê nghèo miền Nam nước Úc, cùng mối tình sớm nở chóng tàn với người anh họ Adam trước khi anh qua đời trong một tai nạn sông nước; đến một cô sinh viên khát khao cống hiến hết mình cho nghệ thuật, một người mẹ bốn đứa con quần quật với công việc bộn bề trên chiếc tàu mang tên cô; rồi một nữ thuyền trưởng duy nhất dọc ngang vùng sông nước đến những giây phút bóng xế tuổi già với đôi bàn tay nhăn nheo gắn liền với chiếc giường nhỏ bé.
Sau sự ra đi đột ngột của Adam mang theo mối tình đầu thơ dại, Delie đã nghĩ cô chẳng thể yêu thêm một ai khác, cô ẩn mình vào trong một góc tối, trượt dài trong cơn mơ miên man quay quắt của tuổi trẻ. Nhưng mọi thứ bắt đầu thay đổi khi cô gặp Brenton, và cô đã không còn mơ thấy Adam nữa, mà thay vào đó là anh chàng thuyền phó khó ưa cô vừa mới quen. Đời người như mộng, người tỉnh thì mộng tan. Có những thứ tưởng như không thể nào quên nhưng cuối cùng cũng đã quên thật rồi. Nhân sinh như nước chảy, gặp gỡ rồi chia ly. Có những người bơi ngược chiều, chỉ kịp trao nhau một ánh mắt, có những người cùng ta xuôi dòng, rồi chợt rẽ ngang ở một khúc ngoặc quanh co nào đó, tất cả những gì cuối cùng có thể dành cho nhau cũng chỉ là một cái ngoáy đầu.
Trải qua những thằng trầm của đời người, những biến thiên của xã hội và thời cuộc, đi qua hai cuộc chiến tranh khắc nghiệt đã cướp đi đứa con trai yêu quý, Delie giờ đây đã là bà của những đứa cháu, da bà đã nhăn nheo, nét mặt không còn nhận ra vẻ đẹp vốn có. Có những câu chuyện tưởng đã ngủ quên bỗng một ngày hiện lên rất rõ như một cuốn phim tái hiện lại những ký ức một thời xưa cũ. Dường như chỉ tình yêu thôi vẫn là chưa đủ để người ta ở bên nhau.
Tôi chợt nghĩ những ai đã, đang và sẽ đi qua cuộc đời chúng ta là người sẽ xuất hiện trong đoạn phim ngắn ngủi vào những giây phút cuối đời ấy; và chúng ta liệu có hiện hữu trong những mảng ký ức mong manh mơ hồ nhưng có lúc lại hiện lên rõ mồn một như những con sóng cuộn trào của một người nào đó không, có hay không….
Nếu ai đó hỏi tôi, yêu thích nhất cuốn tiểu thuyết nào, thì đó sẽ là Tất cả các dòng sông đều chảy – nguyên tác tiếng Anh All the rivers run. Được viết nên bởi Nancy Cato- người phụ nữ mang dòng máu Úc đa cảm, đa đoan, sống bản năng một cách kì lạ, và tinh tế, rất đỗi tinh tế!
Nancy Cato đương còn là một cái tên rất lạ đối với độc giả Việt Nam. Tất cả các dòng sông đều chảy cũng không nằm trong top những tác phẩm văn học kinh điển thế giới như Cuốn theo chiều gió, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Bông hồng vàng và bình minh mưa,… Nhưng tôi lại yêu cuốn sách nhỏ này bằng một tình yêu kì bí, tình yêu mà chính tôi cũng không sao giải thích được. Từ lần đầu tiên bắt gặp Tất cả các dòng sông đều chảy ở cửa hàng sách, tôi đã lập tức bị cuốn hút bởi nó, và quay lại ngay hôm sau để mua về bằng được. Có lẽ, đó cũng là một cơ duyên, cơ duyên của tôi với văn chương…
Tôi đọc Tất cả các dòng sông đều chảy vào mùa hè năm 15 tuổi, khi tôi hãy còn là một con bé ngây ngô chưa hiểu được những điều sâu sắc về cuộc sống. Và đến bây giờ, chỉ sau 1 năm kể từ ngày ấy, không biết do bản thân đã thật sự trưởng thành hơn rất nhiều khi bước vào một môi trường học tập mới, hay vì nguyên cớ gì, mà câu chuyện này gần như đã trở thành một nỗi ám ảnh khó lí giải.
Tác phẩm được lồng trong bối cảnh nước Úc phong phú, xinh đẹp, kể về cuộc đời của nữ họa sĩ Philadelphia vừa mạnh mẽ, nồng nàn song cũng mong manh, yếu đuối với bao khát khao yêu thương sau những ẩn ức của kỷ niệm đau buồn tuổi thơ. Cô sinh ra tại Anh, cha là một bác sĩ. Năm cô 12 tuổi cùng cha mẹ sang Úc để thăm người dì, chẳng may tàu đắm chỉ còn hai người sống sót là cô bé Delphin và Tom- thuyền trưởng chiếc tàu định mệnh và là người dẫn dắt đưa Philadelphia vào cuộc sống sông nước. Năm năm sau đó cuộc sống cô êm đềm tại một vùng quê hẻo lánh gần Educha. Philadelphia đã yêu người anh họ Adam mãnh liệt nhưng Adam đã bỏ cô đi, bỏ rơi tình yêu của hai người. Cái chết của Adam là một nỗi ám ảnh sâu sắc, nỗi dằn vặt trong cô, cô luôn nghĩ rằng mình là nguyên nhân cái chết của người mình yêu. Nhưng tình yêu cô dành cho Adam vẫn còn sống mãi, kể cả sau này khi cô kết hôn với Brenton.
Philadelphia yêu hội họa, cô say mê vẽ và luôn muốn được học vẽ. Đam mê đó cũng như mà sự cứu rỗi cô qua những tháng ngày cô đơn,buồn đau cùng cực khi mất Adam. Cô là một nữ họa sĩ cá tính mãnh liệt, độc đáo. Cùng thời gian đó cô gặp lại bác Tom và đầu tư 50 bảng cho con tàu Philadelphia. Tại đây cô gặp Brenton – một thủy thủ và yêu anh tha thiết. Hai người kết hôn, vài năm sau cô triển lãm tranh của mình lần đầu tiên, các bức tranh của cô được đánh giá cao, có tên tuổi. Cô tự hào và hãnh diện về điều đó.
Philadelphia sinh con, đứa đầu lòng mất đi nhưng Gordon, Brenty, Meg và Alex lần lượt ra đời. Tưởng rằng cuộc sống sẽ êm đềm nhưng bất hạnh lại ập xuống. Brenton không may gặp tai nạn trong một pha lặn qua chân vịt tàu khiến anh bị liệt, cuộc đời Philadelphia rẽ sang một hướng khác. Bốn đứa con chiếm hết thời gian của cô với bao tất bật lo toan cho từng đứa, dạy dỗ cho con học khiến cô không còn thời gian, tâm trí cho sáng tạo nghệ thuật. Một mình cô phải chèo chống để nuôi sống 4 đứa con, một người chồng tàn phế. Cô học lấy bằng thuyền phó, rồi thuyền trưởng – nữ thuyền trưởng đầu tiên, tự mình điểu khiển con tàu vận chuyển hàng buôn bán qua vùng hồ Victoria, khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Thế chiến thứ nhất rồi thứ hai qua đi, cô mất Gordon -đứa con thừa hưởng tài năng hội hoạ từ mẹ. Nhưng những năm tháng đã qua đã để lại cho cô nhiều kinh nghiệm sống quý báu. Từ đó cô đã vẽ những bức tranh tuyệt vời về chiến tranh, về tình yêu và cả những dòng sông chảy mãi chảy mãi…
Nếu bạn quan tâm, thì đến với Tất cả các dòng sông đều chảy, câu chuyện mà bạn sẽ đọc không chỉ đơn thuần là chuyện kể về đời tư một con người. Ở đó chứa đựng những suy nghĩ rộng hơn, bao quá hơn và mang chất triết lí. Đời người như đời sông, như cuộc sống hòa tan vào dòng thời gian, luôn luôn trôi đi nhưng không ngừng đổi mới,mãi mãi biến chuyển nhưng muôn đời vẫn thế. Tất cả sông rồi sẽ đi về biển, từ biển bao la sẽ rót vào những lòng sông mênh mông tràn đầy, mạch luân lưu không ngơi nghỉ ấy là cuộc sống. Sẽ không bao giờ có kết thúc, vì nơi tận cùng cũng là khởi thủy cho những mầm sống mới.
Cùng với Colleen Mc Clullongth, Nancy Cato đang khiến thế giới thay đổi cái nhìn đối với nền văn học Úc xưa nay vốn mờ nhạt và thiếu bản sắc. Nếu Những con chim ẩn mình chờ chết của Mc Clullongth làm say mê độc giả bốn phương với câu chuyện đầy kịch tính dưới một nghệ thuật mô tả tài hoa, sống động thì tôi lại thích Tất cả những dòng sông đều chảy bởi giọng văn êm ả, nhẹ nhàng như nhịp đập hiền hòa của dòng sông Murray và Darling miền Nam nước Úc. Tôi yêu thứ ngôn ngữ đẹp đẽ không tỳ viết, yêu cách diễn đạt hết sức nữ tính, và cả những lời đối thoại chân thực, nhưng lãng mạn và nên thơ vô ngần của các nhân vật…