“Thần với chả thoại: Những câu chuyện ‘mệt mỏi’ về các vị thần” kể lại những mẩu chuyện có phần khác lạ và ít người biết đến của các hệ thống thần thoại nổi tiếng như: Hy Lạp, Bắc Âu, Ai Cập, Celtic và Nhật Bản. Bên cạnh đó, tác phẩm còn có bổ sung một vài các chi tiết bên lề thú vị cho độc giả, chia sẻ một cái nhìn toàn diện hơn về các vị thần. Cuốn sách không chọn kể lại những câu chuyện truyền thống đã quá đỗi quen thuộc mà lựa chọn những câu chuyện có hơi hướng “hài kịch đen” khiến người đọc không khỏi phải thốt lên “Thần với chả Thoại”.
Review Thần với chả thoại
REVIEW SÁCH “THẦN VỚI CHẢ THOẠI” – KHI THẦN THOẠI ĐƯỢC “THẨM THẤU” THEO CÁCH KHÁC!!
Lần đầu được tiếp cận với tác phẩm dưới định dạng bản mềm, tôi đã vô cùng phấn khích khi được nhìn nhận lại các vị thần nổi tiếng đã được đọc, được xem trên phim ảnh, trên nhiều nền tảng truyền thông khác nhau thường với vẻ “ngầu lòi” đã không còn được chú trọng mà thay vào đó là hướng tiếp cận khác lạ có phần hài hước về cuốn sách này.
Được thực hiện bởi nhóm fanpage Thần với chả Thoại – những người trẻ có chung niềm đam mê với sách, đặc biệt là thể loại Thần thoại. Tác phẩm là những mẩu chuyện có phần khác lạ và ít người biết đến của các hệ thống thần thoại nổi tiếng như: Hy Lạp, Bắc Âu, Ai Cập, Celtic và Nhật Bản. Bên cạnh đó, tác phẩm còn có bổ sung một vài các chi tiết bên lề thú vị cho độc giả, đồng thời đưa ra cảm nghĩ cũng như nhận xét của nhóm tác giả và đưa cho chúng ta một cái nhìn toàn diện hơn về các vị thần. Tác phẩm gồm 6 mục lớn bao gồm Hy Lạp, Bắc Âu, Ai Cập, Celtic, Nhật Bản và một phần Phụ lục kèm theo tranh vẽ cổ điển có chủ đề về các câu chuyện trong thần thoại Hy Lạp. Với thời lượng khá ngắn, chỉ khoảng hơn 200 trang với các câu chuyện như thần ánh sáng Apollo – con trai của “Máy dập cổ đại” Zeus với bi kịch tình yêu; Lời nguyền khủng khiếp của chiếc vòng thanh xuân với bi kịch mang đến bất hạnh cho người đeo – những câu chuyện nổi tiếng của Thần thoại Hy Lạp. Vị thần lừa lọc Loki và những đứa con của ông (Thần thoại Bắc Âu) thần thoại Celtic với hành trình và cái chết của nhân vật Cú Chulainn. Và trên hết, ấn tượng nhất đối với mình là câu chuyện thần thoại của xứ sở Mặt Trời mọc hay còn được biết đến là Nàng Tiên ống tre – Công chúa Mặt trăng Kaguya.
Câu chuyện kể về một ông già tên Taketori no Okina làm nghề chặt tre, một lần bắt gặp một thân cây tre sáng lấp lánh bí ẩn. Khi mở nó ra, ông rất ngạc nhiên khi phát hiện bên trong là một đứa trẻ sơ sinh có kích thước bằng ngón tay cái. Vợ chồng ông lão không có con riêng, quyết định nuôi đứa bé như con gái ruột của mình, và đặt tên cho cô là Nayotake no Kaguya-hime (な よ た け の か ぐ や 姫, “Công chúa măng non”) . Kể từ lúc đó, mỗi khi chặt một thân tre, người đàn ông đều tìm thấy một cục vàng nhỏ bên trong. Gia đình nhanh chóng trở nên giàu có, và chỉ trong vòng ba tháng, Kaguya-hime từ một đứa trẻ sơ sinh trở thành một phụ nữ có kích thước bình thường và vẻ đẹp khác thường. Lúc đầu, ông già cố gắng giữ tin tức về Kaguya-hime cho người ngoài biết, nhưng khi lời nói về vẻ đẹp của cô ấy lan rộng, cô ấy đã thu hút rất nhiều người cầu hôn tìm kiếm cô ấy để kết hôn. Có 5 vị quý tộc đã đến cầu hôn Kaguya, họ đều xuất thân trong gia đình danh giá, phóng khoáng Vì vậy nên Kaguya -hime đã đặt ra thử thách cho họ: Hãy đi tìm 5 món đồ, chiếc bát ăn xin bằng đá của Đức Phật, một cành cây ngọc từ hòn đảo huyền thoại Hoải, một chiếc áo bằng da chuột lửa của Trung Quốc, một viên ngọc rồng và một cái vỏ sò được sinh ra từ con chim én, ai tìm ra đầu tiên sẽ cưới được cô. Nhận ra điều này là bất khả thi nên lần lượt từng người một đều thất bại trong việc thực hiện thử thách và không cưới được cô. Một thời gian sau, người thứ 6 xuất hiện – đó là Nhật Hoàng, và khác với những người trước kia Kaguya-hime đã chấp nhận tình yêu của Nhật Hoàng nhưng lại khước từ lời cầu hôn.
Mùa hè năm đó, bất cứ khi nào Kaguya-hime ngắm trăng tròn, nước mắt cô ứa ra. Mặc dù cha mẹ nuôi của cô ấy rất lo lắng và hỏi cô ấy, cô ấy từ chối nói cho họ biết điều gì đã xảy ra. Hành vi của cô ấy ngày càng trở nên thất thường cho đến khi cô ấy tiết lộ rằng cô ấy không thuộc Trái đất và cô ấy phải trở về với người của mình trên Mặt trăng, do chiến tranh trên thiên giới nên đưa xuống hạ giới lánh nạn. Số vàng là tiền phí tổn để nuôi Kaguya-hime, thời gian của cô ở hạ giới sắp hết nên cô phải trở về Mặt trăng.
Khi ngày trở về của cô ấy đến gần, Nhật Hoàng cử quân lính của mình để bảo vệ Kaguya khỏi người của Mặt trăng, nhưng khi người của Mặt trăng đáp xuống ngôi nhà của người cắt tre, những người lính canh đã bị chói bởi một ánh sáng kỳ lạ làm rơi mất vũ khí. Kaguya-hime thông báo rằng, mặc dù cô ấy yêu rất nhiều bạn bè của mình trên Trái đất, cô ấy phải cùng các sinh vật trở về ngôi nhà thực sự của mình trên Mặt trăng. Cô viết những dòng chữ xin lỗi cha mẹ và Hoàng đế, sau đó đưa cho cha mẹ chiếc áo choàng của chính mình như một kỷ vật. Sau đó, cô lấy một ít thuốc trường sinh bất tử, đính kèm vào bức thư gửi cho Nhật Hoàng.
Cha mẹ nuôi của Kaguya vì quá đau buồn nên sau một thời gian cũng lâm bệnh nặng rồi mất. Nhật Hoàng cũng vì nhớ người thương mà ăn không ngon, ngủ không yên, lúc nào cũng ngước lên Mặt trăng mà than rằng “Không có nàng, ta bất tử cũng có nghĩa lý gì?” Rồi hỏi cận thần “Ngọn núi nào là nơi gần nhất Mặt trăng?”; đáp lại, một người đề xuất Núi Lớn của tỉnh Suruga. Sau đó, Hoàng đế ra lệnh cho người của mình mang bức thư lên đỉnh núi và đốt nó, với hy vọng thông điệp của mình sẽ đến được với công chúa phương xa. Họ cũng được lệnh đốt thuốc trường sinh bất tử, vì Hoàng đế không muốn sống vĩnh viễn mà không thể nhìn thấy cô ấy.
Mặc dù là một chuyện ngắn có dung lượng vô cùng ít, xuất hiện ở cuối cùng của tác phẩm và thậm chí chỉ có đúng 3 trang, nhưng đây lại là chuyện tình mà mình đánh giá là buồn nhất và có ý nghĩa sâu sắc nhất trong toàn bộ Thần với chả Thoại. Nếu Ngưu Lang và Chức Nữ cứ đến mùng 7 tháng 7 âm lịch hàng năm còn được gặp lại nhau một năm một lần thì tình yêu của Kaguya và Nhật hoàng mãi mãi dở dang. Đúng như nhan đề đã đặt cho bài viết này, câu chuyện này đối với tôi đã được “thẩm thấu” theo cách khác. Công chúa Mặt trăng Kaguya nhiều ẩn ý hơn nhiều chứ không hề đơn giản như vậy, Nhật Hoàng có thể nói là người quá si tình nên không thể kìm nén được cảm xúc của mình để rồi đốt đi bức thư cùng lọ thuốc bất tử. Lọ thuốc ấy thì có ý nghĩa gì? Đó là lời nhắn rằng “Một ngày nào đó, em sẽ quay trở lại tìm chàng.” Nhật Hoàng khác với những ứng viên trước kia, Kaguya không hề đặt ra bất cứ thử thách nào cho chàng – rõ ràng lúc đó cô ấy cũng yêu chàng nhưng vì biết được số mệnh của mình sớm muộn phải trở về mặt trăng nên cô không kết hôn với Nhật Hoàng. Nhật Hoàng đã hiểu sai lời nhắn để không đủ kiên nhẫn chờ đợi được để gặp lại người yêu. Liệu rằng nếu được chọn lại thì Nhật hoàng có uống thuốc bất tử và chờ đợi hàng ngày, hàng tháng, hàng năm thậm chí là hàng thế kỷ hay không? Rõ ràng thứ tạo nên văn hóa và con người Nhật Bản luôn mang lại sự nhẹ nhàng, uyển chuyên và rất giàu ý nghĩa mà phải là người từng trải nhiều mới hiểu hết được ẩn ý đó.
Thần với chả Thoại là sản phẩm của những người trẻ có niềm đam mê mãnh liệt với những câu chuyện, những truyền thuyết về các vị thần từ Đông sang Tây. Họ là những con người có đam mê và dám thực hiện, theo đuổi đam mê đó để cộng đồng những người yêu thể loại Thần thoại nói riêng và những những người yêu sách nói chung có cái nhìn khác đầy thú vị hơn về những câu chuyện mà chúng ta được nghe từ nhỏ. Cái được khi đọc Thần với chả Thoại theo tôi là cảm giác thoải mái, thư giãn nhất là trong bối cảnh “vừa giãn cách xong.” Khi chúng ta đã quá thụ động sau khi nhốt mình trong nhà một thời gian dài và cần lấy lại nguồn năng lực tích cực nhất để quay trở lại với nhịp sống hàng ngày. Tôi nghĩ rằng Thần với chả Thoại là một cuốn sách không quá cao siêu hay kể lể dài dòng như những cuốn sách về thể loại tương tự mà bạn đã từng đọc, tôi thấy cuốn sách này là một bữa khai vị nhẹ nhàng, thoải mái để giúp bạn đọc yêu sách và cho mình thêm những sự lựa chọn thú vị hơn.