Lần cập nhật gần nhất September 28th, 2020 - 09:05 am

Trong chúng ta ai cũng sẽ có những bí mật, những điều không muốn ai biết hoặc những bí mật mà không dám nói ra chỉ muốn giữ kín trong lòng. Tiệm bánh ngọt này là nơi trao đổi bí mật, bạn ăn một miếng bánh, kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của mình, tôi sẽ giúp bạn kéo bức màn đã bị đóng. Đây cũng là nơi bắt đầu và kết thúc của rất nhiều chuyện, rất nhiều mối tình mà nhiều nhất vẫn là những câu chuyện bi thương.
- Review Tiệm bánh ngọt lúc nửa đêm (2)
- Trích dẫn Tiệm bánh ngọt lúc nửa đêm
Review Tiệm bánh ngọt lúc nửa đêm (2)
Cuốn này không phải trinh thám. Từ tựa sách đến thiết kế bìa sách đều khiến Biển bị quyến rũ từ cái nhìn đầu tiên và bất chấp tất cả rước em ấy về, nhưng khi mở ra đọc thì không được như kỳ vọng vì từ đầu đến cuối đều là những mẩu truyện tình cảm đau buồn ngược đãi tâm tư người đọc.
Tiệm bánh ngọt này không phải tên “Tiệm bánh ngọt lúc nửa đêm”, mà tên của nó là “Sweet x Secret”, tức là “Ngọt ngào đổi bí mật”. Chủ tiệm là ba chàng trai trẻ: Trần Chanh, Thẩm Mặc, Hứa Hà Niên. Khách phải có duyên với tiệm thì mới nhìn thấy và bước vào tiệm được, ngoài bánh và đồ uống thì chủ tiệm và khách còn trao đổi những câu chuyện cho nhau. Đó chỉ là chuyện đời, chuyện xưa của mỗi người, không có gì là bí mật. Những đắng cay luyến tiếc được đem ra kể lể, mong vị ngọt của bánh sẽ trung hòa phần nào. Nhưng nếu vị ngọt của bánh vẫn không trung hòa được thì khách sẽ ngậm ngùi ra về ôm cả chuyện buồn của mình và của chủ tiệm, còn chủ tiệm tiếp tục làm bánh trong ngậm ngùi vì cả chuyện buồn của mình và của khách.
“Những buổi tối tôi đi bên cạnh cô ấy, cả hai đều lặng thinh không nói, tôi hồi trẻ thích cô ấy, nhưng không biết cô ấy đang nghĩ gì.
Tôi không thể tiễn cô ấy thêm dù chỉ một bước, bởi vì cô ấy rất cảnh giác, cô ấy có vùng an toàn riêng của mình.
Hằng tối đứng ở đầu đường nơi cô ấy biến mất, tôi đều tự hỏi một trái tim phải làm sao mới đến gần được một trái tim khác?”Những dòng chữ in màu ở đầu sách có thể chinh phục một số bạn đọc, nhưng sau những dòng đó thì nội dung trở nên bình thường như các truyện ngôn tình khác. Hầu hết các nhân vật trong truyện đều có lời thoại thể hiện là mình thông minh sâu sắc, nhưng không biết có phải vì thông minh sâu sắc quá lố không mà Biển chỉ thấy họ nói năng thật khó hiểu và chẳng đâu vào đâu. Ngay cả ba tay chủ quán của tiệm bánh ngọt cũng không cư xử như chủ quán bình thường, buôn bán kiểu như họ chắc chỉ bán được cho các hồn ma. (Mà hình như họ thật sự là các hồn ma).
Điểm sáng duy nhất trong cuốn này là truyện ngắn “Chặt cây anh đào”. Nói là điểm sáng cũng không chính xác lắm vì đây là một truyện buồn thê buồn thảm. “Chặt cây anh đào” nói về tình cảm giữa Trần Chanh và Trần Quả (không hiểu sao Biển cứ nghĩ họ vốn là một Quả Chanh bị vũ trụ chia tách để mong ngày hợp nhất!). Trần Chanh và Trần Quả nhà đối diện nhau, độ tuổi tương đương nhau, sau khi vượt qua những khúc mắc ban đầu do sự giáo dục sai lầm của người lớn, họ trở thành bạn bè thân thiết, cùng phiêu lưu vào núi để tìm sừng hươu Pere David. Trần Chanh bị trặc chân, được Trần Quả cõng gần như suốt đoạn đường đi lẫn về. _____ Lớn lên, vì thành kiến dốt nát và tư tưởng hẹp hòi của người làng, cả hai muốn ở bên nhau cũng khó, nhưng Trần Quả vẫn cố gắng biến mình thành một nam nhân giỏi giang mạnh mẽ để có thể chăm sóc cho Trần Quả. Thế nhưng, hai người họ có một kết cuộc thật buồn và bi thảm, cây anh đào thuở nhỏ cả hai cùng leo đã bị chặt đi không còn vết tích, thậm chí không tồn tại cả trong ký ức.
Ngay từ đầu khi Trần Quả gọi Trần Chanh bằng “búp bê” thì Biển đã nghĩ “á à giữa hai người này có gì đó nha”. Khi đã đi làm, Trần Quả nói “Tao có sợ gì đâu, chỉ sợ sau này không thể bảo vệ mày”. Một lần khác, Trần Quả lại nói “Mày đừng quá cảm động, tao cũng là vì mình thôi. Trước kia tao sống rất bừa bãi, nghịch ngợm bướng bỉnh, nhìn thì tưởng giỏi giang, thực ra vô cùng trống rỗng, chẳng thấy cuộc sống có ý nghĩa gì, tao không tìm thấy việc mà mình muốn cố gắng làm, cho đến khi bắt đầu cố gắng vì mày, ngày nào tao cũng rất vui, thật kỳ lạ, dù rõ ràng vất vả hơn trước kia rất nhiều. Đây là may mắn của tao. Bởi dù không dốc lòng dốc sức vì ai, sức lực cũng dần dần biến mất, cho dù không lo lắng cho ai, tóc cuối cùng cũng sẽ bạc”.
Biển “dịch” đoạn trên ra là: “Cậu là mục đích sống của tôi, là điều yêu dấu và quý giá mà tôi sẽ nỗ lực cả đời để nâng niu và bảo vệ”.
Cho nên, dù biết truyện này buồn, vài ngày sau khi đọc lần 1 thì Biển vẫn cố chấp đọc lần 2, lần nào đọc cũng thấy ngọt ngào như đang uống sữa có đường. Biển mua được “Tiệm bánh ngọt lúc nửa đêm” giảm hơn 40%, coi như số tiền đó là để trả cho một mình câu truyện “Chặt cây anh đào”. Bạn nào là fan đam mỹ thì không cần mua quyển sách này, chỉ cần đến Nhã Nam Thư Quán, gọi cốc chocolate sữa rồi chậm rãi đọc một mình truyện này. Biết đâu ở một thế giới xa xôi có thực nào đó, Quả và Chanh sẽ tái hợp thành Quả Chanh và cùng nhau làm thành một cốc nước mát lịm xanh ngắt.
– Cáo non Biển xanh (Sea, 5-3-2020)
Trong số những quyển sách tôi đọc dạo gần đây, “Tiệm bánh ngọt lúc nửa đêm” của Hoàng Mặc Kỳ mang đến cho tôi một mớ cảm xúc hỗn độn: vui mừng xen lẫn phiền muộn, tức giận đan xen cảm thông qua câu chuyện của chính các nhân vật.
“Tiệm bánh ngọt lúc nữa đêm” được quản lí bởi Trần Chanh, Thẩm Mặc và Hứa Hà Niên. Tiệm chỉ mở cửa lúc 12h khi màn đêm buông xuống và chỉ những vị khách nào thật sự có tâm sự và có duyên mới gặp được tiệm bánh. Bạn bước vào tiệm, kể cho tiệm nghe tâm sự của bạn đổi lại bạn sẽ được ăn một chiếc bánh ngọt- thứ giúp bạn thấy được khía cạnh khác của sự đau khổ bên trong bạn. Xin được lấy câu chuyện của Trịnh Hảo làm ví dụ. Trịnh Hảo vì một vài lí do khó nói mà phải giả làm em gái đã mất của mình- Trịnh Xảo kết hôn với vị bác sĩ tâm lí đầy tài năng- Trần Nặc. Bởi vì giả làm người khác nên với cô mọi thứ như là ảo mộng, vừa lo sợ một ngày giấc mộng ấy tan biến đi, vừa muốn thoát ra khỏi ảo mộng em đẹp ấy. Dần dần cô trở nên nghi hoặc mọi người xung quanh trở nên xa cách với họ. Cô thậm chí còn qui cho họ tội giết em gái mình chỉ vì một vài tác động nhỏ xung mà không tìm hiểu rõ sự thật.
Vậy sau khi tâm sự với tiệm bánh cô được gì? Nước mắt. Nước mắt ân hận, nước mắc tủi nhục và nước mắt tự trách. Miếng bánh cho cô thấy được tình yêu của ba mẹ dành cho cô to lớn nhường nào, hơn hết là Trần Nặc yêu cô nhiều bao nhiêu và cả nỗi khổ tâm vì bảo vệ cô mà chôn giấu.
Mỗi vị khách đến đây với tâm trạng đau buồn và phẫn uất, nhưng rời đi là ân hận và nuối tiếc. Chung qui lại do thế giới quan còn nhiều hạn chế. Ngẫm mới thấy, khi nhìn nhận sự việc, chúng ta thường chỉ thấy bề nổi rồi nhanh chóng đưa ra kết luận. Nhưng hãy nhớ mọi thứ đều có nhiều khía cạnh khác nhau, vẫn có một bề chìm mà mấy ai nhìn thấy. Chính vì sự thiếu sót đó mà bao người đã hối hận vì quyết định vội vàng của bản thân. Các nhân vật cũng vậy, đưa ra quyết định nhanh chóng để rồi buồn khổ. Trần Chanh nói rất đúng “ Hầu hết mọi người chỉ giỏi phóng đại đau khổ của mình, và coi nhẹ sự hi sinh của người khác, cho nên mới có bao nhiêu yêu hận tình thù như thế, không phải sao?”.Quyển sách vẽ ra bức tranh chung đầy sắc màu, trong đó mỗi câu chuyện là mảnh ghép hoàn hảo tạo nên bức tranh ấy. Tôi thích cách tác giả bỏ lững cái kết của mỗi câu chuyện vì hơn ai hết, nỗi nhân vật phải tự viết tiếp phần còn lại của mình, không ai có thể sống cuộc đời của ai cả.
Qua câu chuyện tôi thấy rằng: chú tâm vào cuộc sống của mình, nhìn mọi việc một cách thấu đáo, cuộc sống sẽ trọn vẹn.
– Vu Vu