Thế giới xung quanh chúng ta tràn đầy những điều mầu nhiệm, hạnh phúc ở ngay trong tầm tay nhưng chúng ta lại dành thời gian để tìm kiếm hình hài của hạnh phúc. Vẻ đẹp của đất trời mời gọi ta từng giờ từng ngày mà ta lại không nghe thấy. Tĩnh lặng là điều kiện cần để có thể nghe và đáp lại những tiếng gọi ấy. Chúng ta không thể nghe thấy tiếng gọi của cái đẹp khi tâm hồn chúng ta không có sự tĩnh lặng, cơ thể và tâm trí của chúng ta đầy rối loạn và mê muội.
Review Tĩnh lặng
Dường như trong xã hội ngày càng đầy những lo toan, bộn bề thì rất nhiều người trong chúng ta có một nỗi sợ chung đó là: Sự im lặng. Chúng ta luôn phải tìm kiếm một thứ gì đó như âm nhạc, sách báo, radio, tivi thậm chí là những suy nghĩ để nhét đầy vào trong tâm trí, nhét đầy không gian trong ta.
Trong mỗi chúng ta ai cũng có một khoảng trống trong lòng và không cảm thấy thoải mái với khoảng trống đó, cho nên ta luôn cố gắng lấp đầy nó hoặc tống khứ nó đi.
Có lẽ, chưa bao giờ trong lịch sử loài người có quá nhiều phương tiện truyền thông như ngày nay: điện thoại di động, email, media trực tuyến, đủ các loại mạng xã hội (Fb, twit, IG…) nhưng chúng ta lại xa cách với mọi người hơn bao giờ hết, chúng ta luôn luôn “được kết nối” nhưng lại vẫn cảm thấy cô đơn – chúng ta check email, check các mạng xã hội liên tục nhiều lần trong ngày; chúng ta gửi email, gửi hết tin nhắn này đến tin nhắn khác… muốn được chia sẻ và muốn được tiếp nhận. Chúng ta bận rộn cả ngày với những “kết nối” đó.
Điều gì làm chúng ta cảm thấy quá sợ hãi đến như vậy?
Có thể chúng ta luôn cảm thấy có một khoảng trống trong lòng, một cảm giác trơ trọi, một cảm giác buồn phiền, dao động.
Có thể chúng ta cảm thấy bơ vơ, thương yêu chưa đong đầy, cảm thấy thiếu vắng một thứ gì đó…
Tất cả các cảm giác này luôn hiện diện trong ta, ẩn nấp bên dưới những hoạt động và suy nghĩ của ta, do vậy khi có các kích thích bên ngoài, ta dễ dàng quên đi những cảm giác đó… Nhưng khi yên lặng, không có gì đi vào – ra trong tâm trí ta thì những cảm giác đó lại hiện lên rất rõ ràng.
Ta sợ…
Hàng ngày, có bốn loại “thức ăn” mà ta đang tiêu thụ, theo Đạo Bụt đó chính là:
– Đoàn thực: là các loại thực phẩm mà ta ăn uống bằng đường miệng mỗi ngày
– Xúc thực: là loại thực phẩm thuộc về cảm giác mà chúng ta tiếp nhận qua các giác quan: những gì tanghe, ta đọc, ta ngửi hoặc xúc chạm; kể cả những âm thanh từ radio, biển quảng cáo, những dòng tin nhắn… dù muốn hay không thì tất cả đề được chúng ta tiêu thụ hàng ngày
– Tư Niệm Thực: Tư niệm là ý chí, là những quan tâm, mong muốn của ta. Chúng “nuôi” những quyết định, hành động và hoạt động của ta.
– Thức Thực: bao gồm tâm thức bản thân ta và cách mà ta nuôi nó, nuôi những ý nghĩ và hành động của ta. Ta gieo tính thiện thì ta sẽ Thiện còn ta gieo tính Ác, tham – sân -si thì ta sẽ mãi mãi bị giày vò trong chính tâm ta.
Tất cả những loại thức ăn này có thể lành mạnh hay không? Bổ dưỡng hay độc hại? Phụ thuộc vào tất cả những gì chúng ta tiêu thụ, số lượng và ý thức về sự tiêu thụ của ta.
Trong đầu chúng ta luôn có một đài radio có tên là NST (Non Stop Thinking) – Đài suy nghĩ liên tục không ngừng. Cho dù chúng ta không nói chuyện với ai, không xem tivi, không nghe nhạc, không đọc sách nhưng chúng ta vẫn không cảm thấy an yên, vẫn để mọi suy nghĩ chạy không ngừng.
Nếu tôi nói bạn cho tôi 20s Tĩnh lặng, có thể bạn sẽ cười vì quá đơn giản, nhưng bạn hãy thử đi, thử tập 20s bạn chỉ ngồi yên, không suy nghĩ, không bận tâm bất kỳ điều gì, chỉ quan tâm đến hơi thở vào, hơi thở ra của chính mình…
Chúng ta Thở hàng ngày, hàng giây nhưng dường như không để tâm ta thở như thế nào?
Bạn có thấy thương bản thân của mình không? Tại sao không để cho tâm trí, cơ thể yên lặng hoàn toàn dù chỉ 5p trong một ngày.
Hãy tập luyện buông thư, tập trung vào việc bạn đang làm: ví dụ bạn mở cửa chỉ biết là bạn đang tra chìa khoá vào ổ – xoay ổ khoá – vặn tay nắm – đẩy cửa ra và bước vào nhà (bạn đã bao giờ thử làm như vậy chưa?)
Để tránh được nỗi sợ hãi của chính mình, hãy nuôi dưỡng thân tâm bằng Chánh niệm, ta phải quay về với hơi thở ý thức. Sau một hoặc hai hơi thở chánh niệm, ta sẽ bớt đi cảm giác phải tìm gì đó để lấp đầy khoảng trống trong lòng. Thân và tâm ta sẽ trở về đoàn tụ và cả hai cùng được nuôi dưỡng bởi hơi thở chánh niệm. Hơi thở sẽ dần dần tự nhiên, những căng thẳng trong thân ta cũng được buông thư.
Thở vào, tôi biết tôi đang thở vào.
Thở ra, tôi biết tôi đang thở ra.
Thở vào, hơi thở của tôi đã sâu hơn.
Thở ra, hơi thở của tôi đã chậm hơn.
Thở vào, tôi ý thức về thân thể tôi.
Thở ra, tôi làm cho thân thể tôi trở nên an tịnh.
Thở vào, tôi mỉm cười.
Thở ra, tôi buông thư.
Thở vào, tôi an trú trong giây phút hiện tại.
Thở ra, tôi tận hưởng giây phút hiện tại.
Breathing in,
I go back to the island within myself.
There are beautiful trees within the Island.
There are clear streams of water.
There are birds, sunshine and fresh air.
Breathing out
I feel safe.
I enjoy going back to my island.