Đằng sau mỗi con người đều ẩn chứa một bí mật. Dù cố gắng che giấu đến mấy cũng sẽ có ngày những điều chôn sâu giấu kĩ đó bị phơi bày trước ánh sáng. Vậy thì sau cùng, ai mới là người chịu tổn thương sâu sắc nhất? Là chúng ta hay người mà chúng ta tìm cách che giấu bí mật đó?
Review Trứng chim cúc cu này thuộc về ai? (2)
“Có loài chim cúc cu chuyên đi đẻ trứng vào tổ của những loài chim khác chẳng hạn như chim chích, bách thanh hay chim sẻ. Và sẽ nhờ chính những con chim đó nuôi hộ con mình… Sự di truyền tài năng cũng giống như trứng của loài chim cúc cu vậy. Nó được di truyền một cách bí mật trong lúc được thừa hưởng không hề hay biết.” Và câu chuyện của Hida Hiromasa chính là một phép ẩn dụ như vậy. ‘Chim cúc cu’ đã sinh ra ‘quả trứng’ Kazami là ai? Bí mật được che giấu suốt bao nhiêu năm rốt cuộc là gì và nó đã gây thương tổn đến những ai?
Hida là một cựu vận động viên trượt tuyết nổi tiếng, từng tham gia nhiều cuộc thi lớn trên thế giới. Con gái ông – Kazami Hida cũng đang nằm trong đội tuyển trượt tuyết của công ty Shinsei và được xem là một trong những thiên tài nhận nhiều sự kỳ vọng nhất. Thế nhưng, Hida lại mang trong lòng một nỗi lo không thể bày tỏ cùng ai về thân phận của cô con gái Kazami mình hết mực yêu thương. Bởi ông nghi ngờ vợ mình – Tomoyo đã đánh tráo con của người khác tại một bệnh viện ở Kyoto mà cha mẹ ruột của Kazami chính là vợ chồng giám đốc công ty nhỏ tên MK. Trong lúc đang phân vân giữa việc có nên giữ kín bí mật về thân thế của con gái hay không, thì Hida được một người tên Kamijou tìm gặp và nhận là cha ruột của cô bé – người đang tìm lại dòng máu thất lạc với hy vọng cứu sống con trai khỏi bệnh máu trắng. Điều này càng khiến cho Hida cảm thấy dằn vặt hơn về tội lỗi mà người vợ đã khuất gây ra ở quá khứ. Trong lúc Hida trở nên cùng quẫn giữa việc sợ hãi mất đi đứa con gái duy nhất thì một vụ án nghiêm trọng xảy ra, mà người bị hại không ai khác chính là Kamijou. Ai là người đã đứng sau mọi thứ?
Trứng Chim Cúc Cu Này Thuộc Về Ai gần như không thừa bất kỳ chi tiết nào và tâm lý của từng nhân vật được Keigo tài tình cài cắm khéo léo những hàm ý để bật lên tình cảm gia đình. Chính cuộc hành trình truy tìm sự thật ấn giấu trong quá khứ của người vợ quá cố Tomoyo của Hida cũng là hành trình tìm về ước nguyện và tình cảm thật sự của ông đối với Kazami để đưa ra quyết định có nên tiếc lộ cho cô bé biết về thân thế bản thân hay không. Bởi lẽ, trong tình cảm đôi khi lại chứa đựng cả những toan tính ích kỷ và như Keigo nhắc đến trong truyện thì: “Tình thân rất đáng sợ, nó không chỉ bao gồm những điều tốt đẹp”. Hida có thể là một ông bố tốt, nhưng cũng bởi chính tình yêu và sự bảo bọc dành cho cô con gái nhỏ suốt bao nhiêu năm mà ông lại trở thành một kẻ ích kỷ. Dằn vặt trong đau khổ khi phải lựa chọn giữa việc nói ra hoặc không nói ra sự thật lại vô tình đẩy mọi thứ đi xa hơn và cái giá phải trả chính là tính mạng con người, trở thành chiếc gai nhọn cắm sâu vào tim của những người làm cha, làm mẹ.
Bên cạnh đó, Keigo còn gửi gắm một thông điệp khác chính là hãy để con cái được lựa chọn con đường mà nó thực sự yêu thích và thả lỏng tay để chúng trưởng thành, có trách nhiệm hơn với cuộc đời của riêng mình. Cha mẹ có thể di truyền cho con cái những điều tốt đẹp, nhưng nếu cứ mãi áp đặt chúng vào một khuôn đã định sẵn thì liệu mọi thứ còn tốt đẹp nữa hay không?
Câu chuyện này không có cao trào cực điểm. Không có dã tâm nào quá lớn, không có kẻ ác nào tồn tại. Nếu nói tới nguồn cơn, tất cả chỉ từ tình máu mủ ruột rà và sự ích kỉ của con người. Mình thích cái kết, bởi những người “tốt” trong xã hội đã có những hành động hợp lý, không quá bàng quan, nhưng cũng không quá can thiệp. Một câu chuyện của những người “tốt”, để thấy cuộc đời vốn dĩ vẫn có những khoảng tươi sáng và đẹp đẽ. Kazami hay Shingo vẫn chỉ là những đứa trẻ, chừng nào chúng còn được bảo vệ, chừng đó vẫn còn tương lai tốt đẹp hơn.
Chào đón sự trở lại của ông hoàng trinh thám Higashino Keigo cùng “Trứng chim cúc cu này thuộc về ai” với diện mạo mới sau khi được tái bản. Mình biết đến tác phẩm này vào năm 2018, vậy là đã hơn 2 năm; song khi thấy bìa sách được Mintbooks tái bản khá ấn tượng (tổ chim được làm từ dây ADN xoắn) thì câu chuyện về cô bé Kazami lại quay về tâm trí mình.
——————
Trong “Trứng chim cúc cu này thuộc về ai”, điều thu hút mình nhất là ở ngay tiêu đề, tác giả dùng phép ẩn dụ về tập tính sinh sản của loài chim cúc cu, tập tính sinh sản này đặc biệt ở chỗ chim cúc cu khác với các loài chim thông thường. Vào mùa sinh sản, thay vì xây tổ, đẻ trứng, ấp trứng, nuôi con, chim cúc cu đã đến tổ chim chích và gửi những quả trứng của chúng ở đó. Từ đó Higashino Keigo đã xây dựng thành công motif câu chuyện dựa trên điểm đặc biệt của loài chim cúc cu này. Mình xin phép spoil một tí về nội dung, đây là câu chuyện tìm bố mẹ ruột cho cô con gái nuôi Kazami của ông bố nuôi Hida Hiromasa. Hida từng là tuyển thủ Olympic đại diện Nhật Bản trong bộ môn trượt tuyết. Nối nghiệp ước mở trở thành tuyển thủ số một Nhật Bản và vươn tầm quốc tế, con gái ông, Hida Kazami hiện cũng là một hạt giống tiềm năng. Một sự tìm kiếm có phần gượng ép nhưng với mục đích tích cực. Rất tiếc, một vụ tai nạn đã khiến mọi thứ trở nên bi kịch hơn: vụ tai nạn xe cùng những bức thư đe dọa nhắm đến cô bé Kazami, người đàn ông của quá khứ 10 năm trước tìm đến, bí ẩn về người vợ quá cố của Hiromasa,…
——————
Xét về tổng thể thì nội dung của “Trứng chim cúc cu này thuộc về ai” khá dễ đoán, nhưng để đoán được cái kết cũng phải tốn khá nhiều thời gian suy ngẫm. Với phần nhắc đến phép ẩn dụ “trứng chim cúc cu” chính là nói đến cô bé Kazami. Tâm lý nhân vật trong tiểu thuyết cũng khá xuất sắc, những ai đã quen thuộc với Higashino Keigo đều thích điểm này trong cách viết của ông, xây dựng diễn tiến nhân vật từ người tốt thành kẻ ác, và ngược lại. Sự hợp lý trong diễn biến tâm lý và hành vi của nhân vật được miêu tả bình tĩnh và chậm rãi cho phép độc giả tự đánh giá tốt hơn về tính cách nhân vật. Và quả thực như vậy, khai thác tâm lý của các tuyến nhân vật vẫn luôn là điểm mạnh của Keigo. Những dòng tâm trạng miên man, bất tận giữa khổ đau, giằng xé, dày vò, dằn vặt hay những lời độc thoại trong tâm trí của người cha nuôi Hida Hiromasa sẽ khiến chúng ta nhói lòng, đồng cảm với hoàn cảnh của ông.
——————
*Chất trinh thám quyện hòa cùng chất tâm lý xã hội: Tình thương yêu bao la của cha mẹ và phương pháp nuôi dạy con trẻ hiện nayCuốn sách dày 440 trang không chỉ kể về câu chuyện tìm bố mẹ ruột của cô bé Kazami, những gì Higashino Keigo nêu bật lên trong cuốn sách chính là tình thương yêu của những người cha “gà trống nuôi con”, họ vừa mang trên mình trách nhiệm của một người cha, vừa mang trách nhiệm của một người mẹ với đứa con của họ. Vì vậy, tình thương của họ vừa cao như núi Thái Sơn, lại cũng bao la, vô bờ bến như biển Thái Bình; không phô trương, không bộ lộ rõ nhưng vẫn nặng nỗi niềm, sẵn sàng dành những điều tốt đẹp, sẵn sàng hi sinh tất cả cho con cái.
Thứ hai, qua tác phẩm này, tác giả cũng nêu rõ hiện trạng mà rất nhiều bậc phụ huynh trong xã hội đang mắc phải: họ đặt lên vai con cái mình những gánh nặng và mơ ước của bản thân, mà quên mất rằng chính đứa trẻ đó cũng có một niềm đam mê và sở thích riêng biệt của nó, chứ không phải của ba hay mẹ. Có lẽ thông qua câu chuyện, người đọc cần phải nhìn nhận lại vấn đề nuôi dạy con cái và định hướng niềm đam mê, mơ ước của trẻ theo một cách hoàn toàn khác, hãy để con trẻ tự do làm những điều chúng muốn và động viên, khuyến khích chúng nên theo đuổi đam mê của mình với tất cả lòng nhiệt huyết. Bởi có đam mê thì mới thành công được.
——————
Về cảm nhận riêng, đây là một cuốn mạch rất chậm so với các cuốn mình đã đọc của Higashino Keigo như Bạch Dạ Hành hay Ảo dạ,… Mình thích tất cả những tác phẩm của ông nhờ cách kể và dẫn dắt câu chuyện cùng những vấn đề đa chiều của xã hội. Song trong câu chuyện này mình thấy có một vài nhân vật thừa, cảm giác nếu có thể được lược bỏ thì có thể đẩy nhanh mạch truyện hơn, đến phần cuối đỉnh điểm cao trào một cách xuất sắc hơn. Tuy nhiên, xét về tổng thể thì cuốn tiểu thuyết này sẽ không làm bạn thất vọng bởi những bài học đáng giá và những góc nhìn khác biệt bạn sẽ chiêm nghiệm được nhờ nó.