“Đối với nhiều người nỗi lo âu như một cơn cháy rừng nơi hoang dã, chúng bắt đầu từ một que diêm được đốt vào bình minh, và rồi cứ tiếp tục nhen nhóm bởi những trải nghiệm hàng ngày, càng cháy sáng và mạnh hơn khi ngày tàn.”
Review Tự chủ với âu lo, tự do với cảm xúc
BẠN CÓ ĐANG NGHIỆN LO ÂU?
Nay mình ngồi đọc lại những dòng trong quyển nhật kí của mình. Những dòng chữ như sự hồi tưởng về cả một khoảng thời gian dài mình đi qua. Bất chợt mình nhận ra mình đang nghiện sự âu lo. Và một thời gian dài như thế mọi thứ xung quanh trong cuộc sống của mình đều hoạt động dựa trên nỗi sợ. Sợ bị điểm thấp, sợ bị bỏ rơi, sợ không hòa hợp được với các bạn, sợ công việc sẽ bị mất… Có vô vàn nỗi sợ trong cuộc đời. Nhưng duy nhất chỉ có một kết quả đó là sự kiệt sức, mệt mỏi, hoang mang, lạc lỏng, và kết thúc những khi đêm về trong sự cô đơn cùng cực.
Nhìn vấn đề cũng là cả một quá trình. Bởi lẽ những cảm xúc cứ lặp đi lặp lại lâu dần nó tạo nên sự thường trực hiển hiện trong cuộc sống của chúng ta. Mình chỉ giải quyết những âu lo, những cảm xúc tiêu cực ấy bằng việc đi cà phê, đi ăn uống, đi mua sắm. Giây phút vui vẻ nó chóng qua. Sau đó mình lại trở về với một trạng thái y chang lúc đầu. Thậm chí mình đã tự trách mình thậm tệ, vì rõ ràng là mình ý thức được vậy tại sao mình biết đó là sai mà mình vẫn cứ cấm đầu đâm vào? Mình đã lên kế hoạch, mình đã hừng hực khí thế, mình đã làm và đọc rất rất nhiều kĩ năng? Nhưng không thay đổi được điều gì cả. Cho đến khi cầm được quyển sách này mình đã nhận ra được rốt cuộc là mình đang sai ở đâu.
Thật ra không thể chỉ với một cuốn sách mà mình thay đổi được. Mình đọc nhiều á. Mỗi quyển mình góp một chút kiến thức. Từng chút, từng chút để có một câu trả lời trọn vẹn. Mình luôn là người rất kiên trì tới cùng trong cho một câu trả lời.
Lo âu đến từ sự mơ hồ
Thực chất sự mơ hồ luôn hiện diện xung quanh trong cuộc sống chúng ta. Từ nghề nghiệp, việc làm, người thương, chỗ ở, tiền bạc… Bởi khi chúng ta ở độ tuổi mới bước vào đời thì thật sự khó. Mình cứ tích lũy kinh nghiệm dần theo thời gian thôi. Đây là điều hiển nhiên nhưng chúng ta không hiểu được điều ấy. Mọi người xung quanh chúng ta dành một cái nhìn khe khắt hơn mình nghĩ. Chính sự kì vọng, sự so sánh thôi thúc chúng ta chạy trong lo sợ. Nhưng sợ có giúp ta quyết định tốt hơn? Chắc chắn là không. Chạy trong sự bế tắc, sự hoang mang, sợ hãi, chạy để kịp với con nhà người ta… xong rồi té sấp mặt. Thậm chí sau cả một thời gian chạy dài như vậy ta đến một nơi mà chính mình cũng hông biết để làm gì.
Trong phần não bộ sinh tồn vẫn còn chính sự mơ hồ khiến ta sợ. Và vì sợ nên não bộ thôi thúc chúng ta hành động. Chúng ta không hề nhận ra rằng nhận định và cách nghĩ của người khác không nguy hiểm như mình nghĩ. Chậm để nhìn, chậm để điều hướng.
Chính não bộ sinh tồn suốt hàng nghìn thế kỉ cũng đẩy ta đến những lựa chọn hông tốt lắm. Ví dụ như khi bạn buồn bạn ăn đồ ngọt thì bạn vui vẻ hơn hẳn. Não bộ sinh tồn giữ lại những khoảng khắc ngọt ngạo ấy, sống rồi, và điều hướng. Mơ hồ thì ăn, lo sợ thì ăn, buồn quá ăn. Vì việc ăn tốt cho tâm trạng nên não ghi lại việc thưởng cho chính mình. Tất cả cảm xúc không tốt được giải quyết. Nhưng sau khi vị ngọt tan hết ở đầu lưỡi, bụng bạn quá no… thì cũng là lúc mình lại dằn vặt vì thói quen ăn trong vô thức như thế.
Đối với những thứ khác như mạng xã hội, game, chất kích thích thì mọi thứ vẫn vậy. Ban đầu chỉ lướt một chút, sau đó không dừng lại được. Và đến khi dừng thì cơ thể không còn năng lượng để làm việc khác. Dù có làm thì cũng làm trong tâm thế mệt mỏi.
Tất cả mọi thói quen đều đến trong vô thức
Chúng ta ăn theo quán tính, bật mạng xã hội theo quán tính, lười một cách vô thức. Cơ bản là được lập trình để lười, thích cảm giác dễ chịu.
Để chấm dứt cho chuỗi dài lê thê này thì phải bắt đầu từ việc thấu hiểu tận cùng vấn đề của chính mình bằng việc phân tích nhận thức, hành vi, kết quả.
Ví dụ: Nhận thức của mình tin nhắn trên face vui vẻ, những tin hài hước. Hành vi kiểm tra tin nhắn, nghe thông báo là bật điện thoại. Kết quả lướt hoài, mệt nhoài sau hai tiếng lướt trong vô thức.
Cái sai là mình đã đồng bộ việc mạng xã hội với niềm vui, háo hức, với người bạn mình quý. Trong khi mạng xã hội chỉ là phương tiện.
Mình nhận thức đồ ăn ngon, ăn vui vẻ hết buồn. Não mình nhìn đồ ăn và mặc định đồ ăn sẽ giải quyết hết nỗi buồn, sự quạu quọ, căng thẳng. Đến khi mình có cảm xúc không tốt mình lại đi ăn. Sau khi vui vẻ lại buồn vì mập lên và vấn đề vẫn chưa thể giải quyết. Mình lại tự trách mình. Trách xong mình lại đi ăn.
Vô thức chỉ dừng lại khi có ý thức
Thay vì đi theo quán tính thì mình ngồi lại và ghi ra. Mình đang định nghĩa những thứ quanh mình như nào. Hành vi của mình. Và kết quả sau những hành động đấy.
Khi ghi được mình như tỉnh ra. Tiếp theo mấy ngày nay khi cảm xúc đó đến thay vì làm một cách nhanh chóng thì mình chậm lại. Chậm để coi mình tính làm gì. Mình quan sát chính mình từng li từng tí.
Sau khi giải quyết tận gốc rễ, nhìn sâu được em não nghĩ quái gì, khi bản thân mình đã chậm lại để nhìn được cái vô thức… thì cũng là lúc mình dư thời gian. Chính vì vậy mình sẽ lấp đầy bằng những thói quen mà mình thích. Sự tò mò nó không hề khiến mình mệt. Càng tìm hiểu thì mình càng thích.
Ban đầu rất khó để mình hiểu mình thích gì. Vì vậy mình đã thử hết. Thử lần lượt những thứ mà mình chưa biết từ chạy bộ, bơi lội, cầu lông, đá cầu, zumba… cuối cùng mình đánh bóng chuyền. Mình khỏe hơn, nhanh nhẹn và sức bền tốt hơn rất nhiều.
Mình thiết lập được những thói quen như đọc sách, chơi thể thao, nấu ăn, viết lách, ghi nhật kí. Thật ra cũng hông rực rỡ gì lắm. Nhưng mình cảm thấy mỗi ngày trôi qua mình rất vui và có nhiều năng lượng để bắt đầu cho ngày mới.
– Tiên Hề