Lời thề ước có thể tồn tại bao năm, nỗi đau sẽ lớn thế nào nếu chỉ còn một người nhớ về lời thề đó… Nếu năm xưa nàng không giả ngơ cố chấp bám theo làm quen hắn thì có phải cả hai sẽ mãi là hai đường thẳng song song, sống vì con dân tộc mình.
Review Từng thề ước
Mùa hoa nở, lại gặp chàng…
Trời sinh hắn vốn là kẻ ngông cuồng. Không sợ trời, không sợ đất, không sợ thần tiên hay yêu quái, không sợ chết! Hắn chỉ biết ưỡn thẳng lưng, ngẩng cao đầu mà bước đi. Hoặc sừng sững như trái núi, hoặc sụp đổ tan tành, không có chuyện khom lưng uốn gối.
Lần đầu tiên họ gặp nhau, nàng là thiếu nữ vô tư nô đùa dưới suối, hắn là dã thú bị dồn vào đường cùng. Trong một buổi tịch dương bi tráng như thế, dáng vẻ yêu kiều của nàng, giọng nói lanh lảnh của nàng, nụ cười trong sáng của nàng đã khiến con dã thú tìm được mùa xuân của riêng nó. Để rồi nó bắt đầu biết hy sinh để bảo vệ mùa xuân ấy mãi mãi vẹn nguyên.
Nhiều năm sau họ gặp lại nhau, cũng là một buổi hoàng hôn say đắm lòng người, thanh y thiếu nữ níu lấy tay áo hồng y nam tử, ngơ ngác hỏi: “Xin hỏi công tử, đường tới Bác Phụ quốc đi như thế nào vậy?”
Rất lâu, rất lâu sau đó, khi nàng mường tượng lại dáng vẻ ngạo nghễ giữa đồng hoang của hắn, cảm giác hẫng một nhịp tim của mình, hoang mang tự hỏi nếu như khi ấy nàng không giả ngơ chạy theo hắn hỏi đường, có phải nàng và hắn sẽ một lần nữa lướt qua nhau, rồi vận mệnh sẽ đưa họ tới đâu?
“Thực ra, bản thân con người vốn dĩ rất cố chấp, biết rằng sẽ đau đớn, tổn thương nhưng vẫn không buông tay, hiểu rằng nước mắt sẽ rơi, máu sẽ chảy nhưng không sao từ bỏ. Cũng biết, sẽ chẳng ý nghĩa gì, nếu mọi lời thề ước, chỉ đơn thuần là thề ước, nhưng vẫn một mực tin tưởng, một lòng một dạ chấp nhận không hề oán trách, hờn đau.”
Sự cố chấp ấy, Nhược Hy từng gọi đó là “chút si niệm của lòng” mà dù vật đổi sao dời, con người ta cũng không sao từ bỏ được. Bước vào Từng thề ước, là bước vào một khoảng không gian và thời gian dài rộng, với giang sơn hùng vĩ khi mới khai thiên lập địa, con người với những tình cảm và ước vọng ban sơ nhất, thuần khiết nhất. Hơn tất cả, “Từng thề ước là khúc tráng ca về cuộc đối đầu đơn độc mà quyết liệt với vận mệnh của con người.”
Đồng Hoa từng viết: “Con người gom tất cả lỗi lầm trong cuộc đời lại, tạo ra một con quái vật, con quái vật ấy có tên số phận.” Với Từng thề ước, chính những lời thề lần lượt vỡ nát trong lòng bàn tay, đã tạo nên con quái vật “vận mệnh”, để rồi tất cả dù là thần tiên hay con người, dù có cao siêu đến đâu, dù có cơ trí đến mức nào, cũng đều thất bại trước nó,
…
“A Hành, con yêu quái lần này mạnh quá. Chúng ta thua rồi …”
Nàng là Tây Lăng Hành, cũng là Hiên Viên Bạt.
Tây Lăng Hành tự do tự tại, ngao du khắp bốn bề đại hoang, thoải mái khóc cười, làm càn làm quấy, bởi nàng luôn biết sau lưng nàng có mẹ, có Đại ca, Tứ ca, những người sẽ luôn che chở bảo vệ nàng, làm chỗ dựa cho nàng.
Hiên Viên Bạt là vương cơ duy nhất của Hiên Viên quốc. Từ khi sinh ra đã có hôn ước với Đại vương tử Cao Tân, chính là Đại vương tử phi, tương lai không chừng sẽ bước lên ngôi vị Tuấn Hậu.
Tây Lăng Hành vô tư trong sáng, tự do tự tại bao nhiêu thì Hiên Viên Bạt nặng nề trọng trách và trói buộc bấy nhiêu. Có những người đã dốc lòng dốc sức, để cho nàng mãi mãi được làm Tây Lăng Hành, bản thân nàng cũng mong muốn như vậy. Nhưng đó là thời kì Tam đại Thần tộc phân tranh quyết liệt, nàng đến cuối cùng vẫn không thể chống cự, vẫn bị cuốn vào vòng xoáy tranh đấu cuồng loạn, trở thành con cờ trong tay phụ vương nàng, lần lượt mất hết người thân, cuối cùng đứng trên chiến trường đối đầu với chính người mà nàng yêu thương nhất!
Trong Bộ bộ kinh tâm, Nhược Hy đã hỏi một câu rằng: “Tại sao nữ nhân luôn là người hy sinh, mà vẫn không một lời oán trách?” A Hành đã từng đấu tranh, cũng đã từng hy sinh.
Trải qua bao nhiêu mất mát đau thương, tất cả khiến nàng trở nên vô cùng mạnh mẽ, kiên cường. Nàng là một nữ nhân Thần tộc mang trong mình dòng máu Hiên Viên, nơi sản sinh ra những con người kiêu dũng bất khuất nhất đại hoang, bởi vậy mà yêu hay hận đều quyết liệt, cơ trí và quang minh chính đại tuyệt không kém gì nam tử hán đại trượng phu.
Nàng yêu Xi Vưu, kẻ bị bao nhiêu người sỉ vả là súc sinh, là cầm thú. Nhưng nàng chưa từng hổ thẹn về tình cảm của mình với Xi Vưu, thậm chí, nàng còn rất kiêu hãnh vì người nàng yêu chính là hắn. Chỉ là vận mệnh năm lần bảy lượt đẩy họ ra xa. Núi cao có thể trèo, sông rộng có thể bắt đò sang, âm dương cách trở cũng đã từng vượt qua, nhưng hài cốt người thân làm sao đành lòng giẫm lên cho được?
Nàng mất Đại ca, mất Xương Ý, Xương Phó, mất mẹ, mất Vân Tang rồi cuối cùng mất luôn cả Xi Vưu, thậm chí mất chính bản thân mình. “Dĩ tâm hoán tâm”, đạo lý ấy nàng không sao hiểu nổi. Chỉ biết rằng khi vùi mặt vào lồng ngực hắn, không còn nghe tiếng tim đập rộn ràng như trống trận, tiếng trái tim vì nàng mà đập mạnh mẽ, nay đã không còn, nàng sợ hãi đến nhường nào, bi thương đến nhường nào, có ai hiểu cho? Chỉ biết rằng khi cõng hắn trên lưng chạy giữa rừng đào, hồi tưởng lại quá khứ tươi đẹp, vậy mà sinh mệnh của người nàng yêu cứ tiêu tan dần từng chút một theo mỗi bước chân của nàng, A Hành đau đớn đến mức nào, thống khổ đến nhường nào, làm sao mà đong đếm được chứ?
“Từng muốn cùng chàng tận hưởng mọi âm thanh mỹ diệu nhất trên đời, nhưng khi chàng đi rồi, ta mới hiểu rằng, âm thanh mỹ diệu nhất trên đời là tiếng chàng dịu dàng gọi: “A Hành”. Vậy mà bây giờ, dù ta khóc lóc thảm thương tới chừng nào, vẫn không thể nghe chàng dịu dàng gọi ta một tiếng “A Hành” nữa.
Từng muốn cùng chàng ngao du thiên hạ, nhưng khi chỉ còn lại một mình ta trơ trọi giữa đời, ta mới hiểu ra, chàng chính là thiên hạ của ta, cảnh sắc đẹp nhất trên đời này là nụ cười của chàng. Tiếc rằng giờ đây, dù ta khản giọng gọi chàng, cũng chẳng cách nào thấy lại nụ cười của chàng nữa …”
…
A Hành vẫn gắng gượng tiếp tục sống, dù sống chẳng bằng chết, vật vờ như một bóng ma giữa rừng đào thắm sắc.
Xương Ý chết đi, Xương Phó có thể cầm chủy thủ đâm vào tim mình, rồi tự khép đất lại thành một nấm mồ của hai vợ chồng họ.
Thanh Dương chết đi, Chu Du có thể biến thành hoa phù dung quanh nơi người nằm xuống.
Nặc Nại chết đi, Vân Tang có thể hóa thành lửa đỏ đến bên người yêu.
Chỉ có A Hành, vì trái tim của Xi Vưu vẫn đang đập thổn thức trong lồng ngực nàng, vì một lời ủy thác cuối cùng của hắn “nói với con rằng cha nó yêu nó rất nhiều”, nàng phải tiếp tục sống, cô độc một mình, với cõi lòng đã hoàn hoàn chết lặng. Nhưng xót xa một nỗi, “sinh mệnh càng dài, chỉ khiến cho nỗi đau thêm dai dẳng.” Rốt cuộc nàng phải tồn tại như vậy đến bao giờ, qua bao mùa hoa đào nở rộ nữa, A Hành mới được gặp lại người nàng yêu?
Quay về buổi hoàng hôn cả bầu trời phủ đầy mây ráng ấy …
“Mặc gió đồng thổi tung mái tóc, nàng đưa mắt nhìn khắp bốn bể, chợt trông thấy hắn, nàng liền nhoẻn miệng cười, thời khắc ấy, hoàng hôn lung linh, ráng chiều sóng sánh, con đường ngập trong cát bụi bỗng như có ngàn vạn gốc đào theo nhau nở rộ, muôn sắc rạng ngời, hoa bay phấp phới …”
Hắn là dã thú, vì nàng mà biết đau thương, vì nàng mà biết oán hận. Hắn không sợ trời tru đất diệt, chỉ sợ nàng mãi mãi rời xa hắn, hay vì hắn mà khổ đau. Dã thú có trái tim nguyên sơ, yêu là yêu, hận là hận, chiến tranh là chiến tranh, tình ái là tình ái. Trái tim mộc mạc mà nhiệt thành ấy, từ đầu chí cuối chỉ có hình bóng nàng. Đôi mắt lạnh lùng, ngạo nghễ, chỉ khi nhìn nàng mới tình ý miên man. Bàn tay tàn nhẫn, điên cuồng, chỉ khi ôm nàng mới dịu dàng vô tận. Hắn từng cho rằng nàng phản bội hắn, bỏ rơi hắn, lừa gạt hắn, nhưng đến cuối cùng vẫn không thể làm tổn thương nàng.
Xi Vưu chỉ yêu A Hành, mãi mãi không bao giờ thay đổi, trước đây như thế, bây giờ cũng thế, sau này vẫn thế! Sáu mươi năm thư qua tin lại, hắn đi khắp đại hoang, nhưng lòng lúc nào cũng hướng về nàng. Dường như mọi cảnh vật trên thế gian này đều gợi nhắc đến nàng:
“Ngang qua Khâu Thương, hoa đào nở đỏ rực cả hai bên bờ, thấy cô gái giặt lụa bên suối, ta lại nhớ cô.”
Một chữ “lại” rất ngây ngô, mà chất chưa bao nhiêu nhớ nhung chờ đợi. Thế rồi nàng có hôn ước, ngày nàng thành hôn, đứng giữa cầu Huyền điểu, nắm tay kẻ khác, nói với hắn những lời tuyệt tình, khiến hắn đau lòng, tức giận quay đầu bỏ đi không ngoảnh lại, nhưng dẫu vậy vẫn không tài nào quên được nàng. Tấm áo nàng may, lời hẹn ước cùng nàng dưới cội đào, giống như vết thương sâu càng thêm sâu. Chẳng gượng lòng nhớ, mà vẫn khó quên. Tọa kỵ Tiêu Dao của hắn một sải cánh có thể bay lên chín tầng trời, nhưng dù có đi đến cùng trời cuối đất, vẫn không thoát khỏi nỗi nhớ nhung cuồng dại đối với nàng.
Hai trăm năm nàng biến mất dưới Ngu uyên, là hai trăm năm hắn phải sống chật vật với nỗi đau đớn và tương tư đầy ứ lòng. Dưới cội đào ấy, tay miết lên những nét chữ quen thuộc như máu thịt, cảnh vẫn còn đây mà người đã mất. Hai năm trăm hắn nhiều lần say đến mất hết lý trí, quằn quại trong nỗi bi thương. Cố vận hết linh lực giương cây cung Bàn Cổ, mà chẳng thể tìm về người con gái đã từng cùng hắn ước hẹn hàng năm gặp nhau dưới cội đào, không gặp không về.
Hắn và nàng, hợp rồi tan, tan rồi lại hợp, vận mệnh càng đẩy hai người ra xa, hắn càng kiên quyết kéo nàng lại gần. Chỉ cần nàng là A Hành, thì dù thế nào hắn vẫn cứ yêu, vẫn cứ bất chấp hiểm nguy mà lao đến bên nàng, dâng hiến cả trái tim và tính mạng mình cho nàng. Giữa dòng dung nham nóng bỏng, hắn và nàng chới với tìm nhau, chỉ có chung một ý nghĩ, rằng có chết cũng phải chết bên nhau. Đối mặt với nàng trên chiến trường, sau lưng là mối thâm thù, là tám mươi mốt huynh đệ cùng hắn đồng sinh cộng tử, hắn vẫn sẵn lòng điên cuồng cùng nàng một đêm, buông bỏ tất cả chỉ trong một đêm, để rồi khi trời sáng lại tiếp tục chiến đấu với nhau bằng lý trí.
Dù nàng có biến thành ma, hắn cũng sẵn lòng trầm luân trong ma đạo cùng nàng. Nếu nhất định phải có một người hy sinh, vậy để nàng được sống, hắn tình nguyện dâng hiến cả trái tim nóng hổi và mạnh mẽ của mình. A Hành của hắn, nàng mãi mãi là A Hành của hắn, mãi mãi là mùa xuân của hắn, không bao giờ thay đổi!
Trong Bộ bộ kinh tâm có một đoạn viết về những nam tử trên thảo nguyên bao la, rằng đó là những người “sẵn lòng tặng cả thảo nguyên khi nàng muốn ruổi ngựa, sẵn lòng kéo mã đầu cầm khi nàng muốn nhảy múa và chầm chậm đợi nàng khi nàng lạc bước chân.” Thứ tình cảm khoáng đạt, bộc trực và chân thành ấy cũng hiện hữu ở Xi Vưu.
“A Hành đứng dậy và ngoảnh đầu lại, thấy Xi Vưu đang đứng bên lề con đường mòn ngẩng đầu nhìn mình, ánh mắt hiền hòa mà kiên định, tựa hồ nàng có nấn ná lại đó bao lâu, hẵn cũng sẵn lòng đợi. Dường như hắn là điểm sáng duy nhất giữa một vùng dào dạt những bi thương biêng biếc …”
Xi Vưu trong thần thoại là một chiến thần dũng mãnh, bách chiến bách thắng. Nhưng phải đến Từng thề ước, ta mới thấy được một Xi Vưu yêu tha thiết bất chấp tất cả. Bởi đơn giản một lẽ, trời sinh hắn vốn là kẻ ngông cuồng!
“Thiếu niên đều hy vọng được trở thành Xi Vưu, thiếu nữ đều mong được gả cho Thiếu Hạo, bậc làm cha mẹ đều muốn có đứa con trai như Thanh Dương.”
Tình bạn giữa Thanh Dương và Thiếu Hạo là những trang đẹp nhất trong Từng thề ước. Hai vị công tử, người khôn khéo, kẻ điềm đạm, mà hễ gặp nhau là lại đánh lộn như con nít. Hai người đánh suốt mấy ngàn năm vẫn không phân thắng bại. Mỗi lần giao đấu xong là “lưỡng bại câu thương” vậy mà vẫn muốn tiếp tục.
Thanh Dương và Thiếu Hạo, lần đầu tiên họ gặp nhau, Thanh Dương là thiếu niên ngang tàng, lưng đeo cây kiếm gãy, miệng ngậm cọng cỏ, bước đi liêu xiêu, còn Thiếu Hạo là người cả ngày chỉ quanh quẩn bên lò rèn, thú vui duy nhất là ủ rượu. Ngày ấy, họ không phải là Hiên Viên Thanh Dương, cũng không phải là Cao Tân Thiếu Hạo, chỉ là hai thiếu niên với trái tim đầy nhiệt huyết, tình cờ gặp nhau giữa chốn hồng trần cuồn cuộn. Rượu ngon phải có bạn hiền, cứ như vậy mà thân thiết. Cho dù, đến lúc hai người trở thành Đại vương tử của hai trong ba Đại thần tộc, vẫn có thể cùng nhau đến một quán rượu nát, uống suốt ba ngày ba đêm, trò chuyện suốt ba ngày ba đêm, say tít cung thang, chẳng cần biết thế sự xoay vần. Dù trong lòng họ đều hiểu rõ, khát vọng hùng bá thiên hạ, thống nhất Trung Nguyên sẽ đẩy họ đến một ngày phải đối mặt nhau trực diện trên chiến trường, dồn sức bức đối phương vào tử địa. Nhưng hiện tại, hãy cứ là Thanh Dương và Thiếu Hạo thôi …
Thật sự, Thanh Dương không đợi được đến ngày hai người phân thắng bại, càng không đợi được đến ngày giáp mặt nhau trên chiến trường. Thanh Dương, Thanh Dương, Thanh Dương, … cái tên ấy mỗi lần vang lên, lại thấy trong lòng nhói đau như có kim châm. Người xông hẳn vào doanh trại Cao Tân, dương dương tự đăc “từ nay ta chính là Thiếu Hạo”, khiến cho thiên hạ bị hai người xoay như chong chóng. Người bị chính cha mình bức tử, chỉ vì không đành lòng xuống tay tàn nhẫn với ông, cuối cùng lại hại chết chính bản thân mình. Người vẫn luôn vui giận không biểu lộ trên nét mặt, chỉ khi A Hành tỉnh lại muốn ăn dâu lạnh, Thanh Dương tuy bề ngoài vẫn thản nhiên, nhưng xúc động đến nỗi không điều khiển được linh lực, định làm tuyết rơi mà lại làm cho mưa đá. Người như vậy tại sao lại phải chết?
Dù Thiếu Hạo điên cuồng trút tất cả linh lực có thể dời non lấp bể của bản thân vào người Thanh Dương, không ngừng nài nỉ: “Thanh Dương, Thanh Dương, …”, mặc cho A Hành thét lên xé ruột: “Đại ca, Đại ca, …” vẫn không làm sao níu kéo được sinh mệnh ngắn ngủi.
Vẫn chờ một ngày thực sự quyết đấu sinh tử, Cao Tân không vong thì Hiên Viên bại, vậy mà đến tận bây giờ, khi ôm lấy thi thể người bạn đã lạnh đi trong lòng, mới bàng hoàng nhận ra, chẳng có Cao Tân hay Hiên Viên gì hết, chẳng có tham vọng hay đế vị gì hết, Thanh Dương, chỉ mãi mãi là Thanh Dương mà thôi.
Rất lâu rất lâu sau đó, liệu còn mấy người nhớ được rằng, đã từng có “thiên hạ song hùng, bắc Thanh Dương, nam Thiếu Hạo?”
Hay trong tiềm thức của hậu nhân, chỉ còn lờ mờ câu chuyện về một vị vương tử, sau trận Phản Tuyền oanh liệt, bị trọng thương đến mức không thể phục hồi. Có ai biết người ấy đã lấy thân mình ra đỡ một đòn chí mạng cho người cha đã tự tay dồn mình vào chỗ chết? Có ai biết người cha ấy vì cơ đồ bá nghiệp, sẵn sàng bước qua xác con trai để tiếp tục tiến lên phía trước.
Trong tiềm thức của hậu nhân, có lẽ chỉ còn lưu lại hình ảnh một vị Tuấn Đế lạnh lùng tàn nhẫn, nắm quyền sinh quyền sát trong tay, mà không biết y cũng từng có một cái tên rất mực ôn hòa – Thiếu Hạo.
Thanh Dương hết lòng vì Thiếu Hạo, nhưng Thiếu Hạo thì không. Để bước lên và trụ vững trên vương tọa lạnh ngắt ấy, y đã từ bỏ từng người, từng người một, rồi từ bỏ chính bản thân mình. Còn đâu người thiếu niên ngũ quan thanh tú, thần thái vừa vững vàng như núi, lại hiền họa tựa sông?
“A Hành, lúc nàng gả cho ta, hai ta đều ôm đầy nhiệt huyết, quyết không cam làm quân cờ cho người ta xếp đặt, cứ ngỡ rằng chỉ cần trong tay có sức mạnh có thể làm chủ được số mệnh của chính mình. Nay ta đã là vua một nước, nàng cũng nắm binh mã cả nước trong tay, vậy mà sao vẫn thân bất do kỷ?”
Số phận của Đế vương là một cuộc đời đơn độc, con đường đi đến ngai cao chính là tuyệt lộ. Hoàng Đế hay Tuấn Đế, rốt cuộc ngoài ngai cao lạnh lẽo kia ra, còn níu giữ được gì trước vòng xoáy cuồng loạn của số phận?
Năm tháng trôi đi như bóng câu qua cửa, sẽ đến một ngày, tất cả lùi vào dĩ vãng, những con người với biết bao sân, hận, si, niệm chồng chéo ấy đều sẽ trở thành người thiên cổ, chỉ có khúc tráng ca về cuộc đối đầu đơn độc và quyết liệt với vận mệnh của con người là còn vang vọng mãi mãi.
Lại nói đến cái tài của Đồng Hoa, trong những dòng hậu ký, nhân vật hoàn toàn không có tâm tư tình cảm, không có nỗi lòng. Vậy mà dựa vào những dòng ghi chép giản đơn ấy, thêu dệt lên cả một câu chuyện đồ sộ, vừa vặn khớp với sử sách, mà lại khiến người ta lay động tâm can. Từng thề ước mở ra một thế giới thần thoại cổ xưa, bằng văn phong bình thản như hoa trôi nước chảy, Đồng Hoa dẫn ta đi qua cả một thời kì hào hùng và oanh liệt. Rốt cuộc, trong vòng xoáy tranh đấu cuồng loạn đủ để nhấn chìm tất cả tình thân, lòng trung thành và những lời thề hứa, người còn nhớ hay người đã quên, nguyện vọng ban sơ nhất là gì? Rốt cuộc, ai mới là người chiến thắng, kẻ nắm cả thiên hạ trong tay hay người đến cuối cùng vẫn giữ được trái tim chân thật, can đảm và bao dung?