“Văn minh vật chất của người Việt” vừa có thể coi như một quyển bách khoa toàn thư, vừa có thể coi như một tập truyện. Mỗi một chương trong sách là một khía cạnh nổi bật về đời sống sinh hoạt của người Việt xưa, cung cấp cho người đọc một cái nhìn đầy đủ và tổng quát nhất.
Review Văn minh vật chất của người Việt (2)
“Văn Minh Vật Chất Của Người Việt”: giá trị di vật Việt tồn tại ngàn xưa
Có lẽ những cuốn sách về lịch sử Việt Nam hẳn còn khá xa lạ với một số bạn đọc. Với mình cũng vậy, nên vào kỳ nghỉ dịch dài ngày, mình đã thử đổi gió bằng cách mua một cuốn sách viết về lịch sử với tựa đề “Văn minh Vật chất của người Việt”. Cuốn sách là một phần cuộc sống, ký ức của tác giả Phan Cẩm Thượng được bộc bạch một cách gần gũi, mới mẻ nhưng không kém phần hấp dẫn.
“Văn minh Vật chất của người Việt” (tác giả, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng) giới hạn trong thời đại tiền công nghiệp. Nó xoay quanh câu chuyện những đồ vật mà con người ta làm ra và sử dụng. Cuốn sách xuyên suốt theo chiều dài lịch sử, cho thấy sự tiến hóa nổi trội của cộng đồng loài người.
Mỗi đồ vật lại mang một câu chuyện lịch sử, những số phận, những kiếp trầm luân, hay những tuyên ngôn của một nền văn minh mà tác giả gọi đó là “nền văn minh vật chất”, đó là giá trị văn hóa, trang sức, đồ đan, đồ gỗ gia dụng,… mà khi đọc đến đâu, ta lại phải trầm trồ vì sự sáng tạo độc đáo nhưng rất đời thường, mang đậm bản sắc Việt Nam chứ không lẫn với quốc gia nào khác được.
Đây thật là một cuốn sách hay khi tạo được sự tò mò thích thú cho người đọc. Không phải là những kiến thức nhàm chán, khô khan, Phan Cẩm Thượng chăm chút cho từng câu chữ, sắp xếp ngăn nắp và mạch lạc các chủ đề, rồi biết cách tạo chiều sâu cho những phần mà độc giả hướng đến. Cuốn sách cung cấp những kiến thức bổ ích, phù hợp với mọi lứa tuổi, đặc biệt là với những người yêu thích và có lòng ham muốn tìm hiểu về lịch sử nước nhà.
“Dù chúng ta đang hội nhập thì để không đánh mất chính mình, chúng ta cũng không bao giờ nên quên đi những giá trị cốt lõi, những giá trị truyền thống đã tạo nên chúng ta ngày hôm nay”.
Ngoài việc cung cấp kiến thức, cuốn sách giúp mọi người biết được rằng cha ông ta đã cố gắng như thế nào để tạo ra được những giá trị như ngày hôm nay. Văn minh Việt thật đáng tự hào, và chúng ta, mỗi người con Việt Nam phải cố gắng hơn nữa để đưa đất nước ngày càng đi lên.
Đời sống hiện đại hối hả, tấp nập, tại sao không thử ngồi xuống, hòa mình với “Văn minh Vật chất của người Việt” để cùng khám phá những giá trị xưa, đầy giản dị và sâu lắng…
– Vân Hạ
VĂN MINH VẬT CHẤT NGƯỜI VIỆT – KHI ĐỒ VẬT CŨNG CÓ “MẬT NGỮ RIÊNG”
Cuốn sách “Văn minh vật chất của người Việt” của Họa sĩ – nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng là một công trình nghiên cứu đồ sộ, công phu bao gồm nhiều lĩnh vực: văn hóa, xã hội, văn học, lịch sử, mỹ thuật, khảo cổ…
Bằng sự nhạy cảm đặc biệt của các họa sĩ, trí tưởng tượng của một nhà văn kết hợp với sự tỉ mẩn, óc khoa học của một nhà nghiên cứu, tác giả Phan Cẩm Thượng đã có thể khiến các đồ vật tưởng chừng “vô tri” phải cất lời bằng thứ mật ngữ của riêng chúng, để kể lại những câu chuyện về bao nếp ăn, nếp sống, nếp làm của hàng ngàn năm người dân Việt hiện lên rõ ràng, sinh động, tươi tắn một cách khác thường mà có lẽ không cuốn sách sử hay báo cáo khảo cổ học nào khác có thể làm được.Đọc “Văn minh vật chất của người Việt”, ta cảm tưởng rằng mỗi đồ vật, từ to lớn như cái thuyền, đến nhỏ bé như cái bát, với những hình dáng và hoa văn riêng biệt, đều chứa đựng cả một câu chuyện về văn hoá của thời kỳ nó được tạo thành. Nó khiến ta khi nhìn một món đồ, ta không còn đơn thuần là thấy nó như một vật để sử dụng nữa mà có cái nhìn quan sát tỉ mỉ hơn về xuất xứ, ý niệm và tài nghệ của người làm ra nó. Từ đó ta biết trân trọng và giữ gìn những đồ vật xung quanh ta hơn, những đồ vật tuy im lặng nhưng biết cất tiếng nói về thời đại.
Như chính lời nhà văn Nguyên Ngọc đánh giá về “Văn minh Vật chất của người Việt”, có viết rằng: “Phan Cẩm Thượng đã cho ta thấy, cho ta nghe ngôn ngữ cụ thể, sinh động về cái cày của người Việt. Cả cái thuổng, cái cuốc, cái bừa, cái rìu, cái rựa, con dao, cái rổ, cái rá…, cho đến cái bát ăn cơm, cái gáo múc nước, cái chum muối dưa, cái nồi, cái chảo, cái ông đầu rau, cái kiềng đặt nồi trên bếp… Chúng đều nói, và không chỉ nói về đất đai của con người; còn về trời đất của con người và của xứ Việt…”
Với văn phong linh hoạt pha trộn lăng kính của người làm nghiên cứu, tư duy phản biện chuyên nghiệp lẫn cách viết tản văn sinh động, ngẫu hứng. Nhờ sự pha trộn khéo léo, tự nhiên ấy mà mấy trăm trang sách rất hay, nhẹ nhàng “dễ đọc”, không khô khan giáo huấn.
Thiết nghĩ rằng, qua mỗi trang sách, “Văn minh vật chất người Việt” trình bày rất lôi cuốn, khơi gợi tình yêu, cảm xúc về lịch sử, văn hóa… truyền tải đến mọi người. Từ đó, mỗi người Việt sẽ muốn tìm hiểu về lịch sử của chính dân tộc mình nhiều hơn…“Văn minh vật chất của người Việt” sẽ là tập tư liệu hữu ích lưu giữ những giá trị của văn hóa Việt.