Đến một lúc nào đó, bố mẹ sẽ thôi không hỏi bao giờ bạn về nhà, vì bố mẹ biết rằng cuộc đời của bạn đã đi theo hướng mà bố mẹ không can thiệp được nữa. Người mẹ trong “Về nhà với mẹ” đã nhận ra điều ấy, và nó đã làm bà bất lực, đau đớn xiết bao. Ngay cả lời nói “Về nhà với mẹ đi con” khi thấy con gái đang phải gánh chịu quá nhiều áp lực từ xã hội, từ định kiến bà cũng không thể nói ra được.
“Mẹ nói thế giới này có đủ loại người, mỗi người đều có một cách sống khác nhau cơ mà? Mẹ còn nói khác biệt không phải là chuyện xấu. Nhưng tại sao những lời đó luôn luôn là ngoại lệ đối với con?”
Review Về nhà với mẹ
Về nhà với mẹ – Một định nghĩa mới về gia đình
Vấp phải khó khăn tài chính ngoài ý muốn, Green phải dọn về sống chung với mẹ. Nhưng cô không về một mình mà còn dẫn theo một bạn gái khác, cũng là người yêu của mình trong suốt bảy năm qua.
Ba người – hai thế hệ với tư tưởng và nhân sinh quan khác biệt sâu sắc đã được Kim Hye–jin thể hiện một cách tinh tế và nhức nhối trong cuốn sách Về nhà với mẹ.
1. Mẹ và con gái, những mâu thuẫn vô hình
Trong Về nhà với mẹ, tác giả đã xây dựng nên hai nhân vật mẹ – con, có tính cách đối lập nhau. Qua lời kể của nhân vật mẹ – xưng tôi, ta thấy được nội tâm phức tạp của người mẹ, với đầy những góc khuất, những trăn trở, cô đơn, lo lắng khi sống giữa vòng quay của xã hội hiện đại.
Bà làm việc ở một viện dưỡng lão. Công việc chăm sóc những người già cô đơn khiến cho tâm lý lo sợ của bà càng thêm mạnh mẽ.
Khi chứng kiến cuộc sống của con gái, bà không thể nào tìm được tiếng nói chung. Bà không hiểu tại sao con gái không thể trở thành một người bình thường, là giảng viên, lấy chồng, sinh con mà lại chọn một cuộc sống “kỳ quặc” như vậy.
Vì sao sau ba mươi tuổi vẫn lông bông, vác túi đi dạy gia sư ở khắp nơi, lại sống chung với một cô gái khác, như vợ chồng. Dù cố gắng nói chuyện, bà và con gái chỉ càng thêm mâu thuẫn.
Có lúc bà đã đau đớn mà thốt lên: “Liệu có kỳ tích nào giúp bác hiểu hai đứa không?”. Và bà cũng tự nhủ rằng, không, rốt cuộc không có kỳ tích nào cả, bà sẽ mãi mãi đứng bên ngoài cuộc đời đứa con gái mà bà đã sinh ra.
Green cũng chưa từng hiểu mẹ mình. Cô có cuộc sống của một kẻ ngạo nghễ với đời, biết mình muốn gì, biết con đường mình phải đi như thế nào. Nếu như mẹ cô là đại diện của một thế hệ sống thụ động và quá nhiều sợ hãi, thì Green lại chính là đại diện của một thế hệ thanh niên hiện đại, không chấp nhận sống cuộc đời hèn nhát, và bị sắp đặt.
Green muốn sống, muốn đấu tranh vì hạnh phúc vì cuộc đời của chính mình. Bởi thế, mẹ và con gái, dù cố gắng kết nối với nhau, thì vẫn là hai đường thẳng song song không thể gặp gỡ. Dẫu yêu thương nhau, nhưng không bao giờ thực sự thấu hiểu nhau. Bởi thế, nên tình yêu của họ đem đến nhiều đau khổ, u uất.
2. Bức tranh thời đại của xã hội Hàn Quốc
Bằng ngòi bút nữ tính, thâm trầm nhưng cũng đầy sắc sảo của mình, nhà văn Kim Hye–jin đã đi sâu vào những góc tối của xã hội đương đại Hàn Quốc, phơi bày bức chân dung những con người cô độc nơi đô thị ấy.
Trong Về nhà với mẹ, có một nhân vật tên Jen, sống trong viện dưỡng lão, dưới sự chăm sóc của người mẹ. Jen là hình ảnh để lại nhiều ám ảnh trong tiểu thuyết – một người già cô đơn, không chồng con, không người thân, chịu đựng cuộc sống qua ngày với căn bệnh mất trí nhớ. Và dần dần bị ngay chính những người trong viện dưỡng lão bỏ mặc.
Mỗi ngày đi làm, chứng kiến hình ảnh của Jen, cận kề với cái chết, nhân vật tôi chua xót khi nghĩ về mình, nghĩ về những người già đang dần chết đi trong cô độc và nghèo đói ở đất nước này.
Và buồn bã hơn, bà lo sợ đây chính là tương lai của con gái bà, khi cô không có một chỗ nào nương dựa. Rồi cuộc đời cô sẽ đi về đâu, khi cô không có một định danh nào trong xã hội.
Theo sát từng ngõ ngách tâm lý của nhân vật tôi – người mẹ, độc giả sẽ dần tường bước được dẫn dắt vào những nơi sâu cùng tăm tối, một phiên bản trái ngược với những tòa nhà hào nhoáng, lấp lánh ánh đèn mà ta vẫn thường thấy trong những bộ phim Hàn Quốc lãng mạn.
Văn học Hàn Quốc, không chỉ có Kim Hye–jin với Về nhà với mẹ, mà những nhà văn khác như Kim Young Ha, Han Kang, Shin Kyung Sook… cũng đang từng ngày đi sâu vào nội tâm đô thị này, để cúi xuống những con người nghèo khổ, sống đời sống bấp bênh, để viết về họ, cũng là nhắc cho mỗi người đọc biết rằng, cuộc sống vẫn ở đây, và những hình ảnh này. Trong bóng tối có ánh sáng, và phía sau ánh sáng cũng chất đầy những mảng tối.
3. Sự kết nối chân thành nhất của con người?
Trong Về nhà với mẹ, có một câu thoại nhân vật Green nói đã để lại nỗi ám ảnh lớn đối với độc giả, đồng thời đây cũng có thể xem là mạch nguồn chính của tác phẩm.
“Tại sao phải lấy chồng hay có con mới là lập gia đình? Mẹ, Rain là gia đình của con. Cô ấy không phải là bạn bè. Suốt bảy năm qua bọn con đã sống như gia đình. Gia đình là cái gì? không phải là chỗ dựa tinh thần, là người luôn ở bên cạnh mình sao? Tại sao như thế này thì được coi là gia đình, như thế kia thì không?”
Trong câu chuyện của mình, Kim Hye–jin không hề có một đoạn nào khẳng định, Green và Rain là hai người đồng tính yêu nhau. Họ chỉ được thể hiện dưới hình ảnh của hai người phụ nữ sống bên nhau. Với tôi, đó cũng là một cách trân trọng sự bình đẳng trong mối liên kết giữa con người với con người. Không cần định danh đó là đồng tính hay dị tính, đó đơn giản chỉ là hai người coi nhau là gia đình, và ở bên cạnh nhau.
Chính những khoảnh khắc bên nhau dù được miêu tả rất hiếm hoi trong cuốn tiểu thuyết này, khiến tôi cảm nhận được không khí ấm áp tỏa ra từ đây, dẫu cho nó đầy những mâu thuẫn, và âu lo.
Đứng ở khía cạnh đó, tôi thực sự yêu mến tiểu thuyết này. Chính bởi cách mà tác giả soi chiếu mối quan hệ giữa con người với con người, không khoa trương, nhưng lại chiếu được sâu cùng bản chất.
Cách Kim Hye–jin miêu tả mối quan hệ của Rain và Green khiến tôi nhớ đến lời của Trương Quốc Vinh, khi anh nói về tình yêu: “Mọi mối quan hệ đều là một điều tự nhiên, dù là nam hay nữ, khi hai người yêu nhau thì chỉ có tình yêu là ý nghĩa”.
Bởi thế, mối quan hệ của hai người phụ nữ ấy, dù người mẹ không thể đồng cảm, dù người đời đầy những hồ nghi, hay kỳ thị, tôi tin rằng chỉ có họ hiểu sâu sắc nhất, và tôi đồng cảm với họ.
Kim Hye–jin sinh năm 1983 tạo Daeugu. Đăng đàn năm 2012 với truyện ngắn Chicken run đăng trên số Tân xuân văn nghệ dành cho các tác giả mới của Nhật báo DongA. Với hai tiểu thuyết Ga trung ương (2013), Về nhà với mẹ (2018) và tập truyện ngắn Eo Bi (2016) khắc họa chân thực những vấn đề nhức nhối của xã hội Hàn Quốc hiện đại, cô trở thành một trong những tác giả trẻ đáng chú ý nhất của văn đàn Hàn Quốc những năm gần đây.
– Thanh Thủy