“Xấu Thế Nào Đẹp Ra Sao” chia sẻ 9 bí kíp thẩm định thiết kế được trình bày đơn giản và dễ hiểu, checklist 20 câu hỏi gợi ý kiểm định cùng các trải nghiệm tương tác trực tiếp qua các trò chơi và thử thách thú vị, người đọc sẽ nhanh chóng nắm bắt các yếu tố cốt lõi trong thẩm mỹ cũng như dễ dàng ứng dụng thiết kế vào hoạt động Marketing thương hiệu bài bản.
Review Xấu thế nào đẹp ra sao
Tôi nghĩ đã là con người, ai cũng sẽ yêu cái đẹp. Nay ngắm vạt nắng buông xuống khung cửa sổ, mai thấy mầm non mới nhú khuất sau tán lá. Cái đẹp ẩn chứa xung quanh cuộc sống chúng ta từ màu sắc đến dáng hình của vạn vật. Khi ta ngắm một bức hình, ta thấy đẹp. Nhưng đẹp thế nào khó lòng mà diễn tả hết. Cái sự bức bí đó khiến ta cứ thấy tức tưởi trong lòng.
Trong công việc cũng vấp phải tình huống tương tự như vậy. Một ngày nọ cậu em designer đưa tôi mẫu thiết kế logo mới của công ty. Xấu đẹp thế nào không biết nói sao, chỉ thốt ra được mấy chữ: ‘ừm…không được ổn lắm’.
Ấy vậy mà nó hiểu nỗi lòng tôi và mua tặng cuốn này rồi bảo: ‘Chị mang về đọc đi. Triết lý cơ bản về thiết kế từ lúc mới vào nghề đến bây giờ em vẫn còn áp dụng. Không nhiều chữ nhưng dễ hiểu. Trình số mo như chị nên đọc.’
—-
Vẫn là một phiên bản sáng tạo của Rio Book. Sách đẹp từ bìa lẫn hình ảnh, câu chữ bên trong. Cuốn sách được biên soạn và tổng bởi chính đội ngũ làm việc giàu kinh nghiệm trong ngành Marketing và Thiết kế của Rio Việt Nam.Sách được chia làm 3 chương. Xuyên suốt nội dung, tác giả tập trung nhiều nhất vào chương 2 – Phân tích các yếu tố cốt lõi hình thành nên một ấn phẩm truyền thông hiệu quả. Ở phần cuối cuốn sách có một số trò chơi giúp bạn khám phá và thực hành mớ kiến thức mới học được.
Kiến thức trong sách không mới nhưng đầy đủ. Thế nên, nó phù hợp với những bạn trẻ vừa mới bước chân vào nghề hoặc dân không biết gì mấy về thiết kế. Bạn nào làm Writer nên đọc để hiểu cách truyền tải thông điệp từ con chữ đến hình ảnh. Đừng thấy chữ nào cũng quý rồi cố nhồi hết chữ đưa vào thiết kế mà cần phải biết phân cấp nội dung.
Còn ai đang làm Sếp thì đương nhiên nên đọc rồi, kẻo nó chởi mình ngu mà không biết, điển hình như tôi. Hoặc lỡ may có lọt trong giữa cuộc chiến không cân sức giữa anh thiết kế và chị writer, còn biết chọn bên nào mà đứng.
Bản thân tôi đã từng đọc khá nhiều kiến thức liên quan đến thiết kế để phục vụ cho công việc. Nhưng hiếm có cuốn nào đọc dễ hiểu như cuốn này. Lối dẫn dắt câu chuyện khéo léo và sử dụng hình ảnh phù hợp làm nổi bật chính xác nội dung cần truyền tải. Lấy ví dụ đơn giản một đoạn ấn tượng trong sách nói về tầm quan trọng của ‘Nhịp nghỉ trong trải nghiệm thị giác’:
“Khi nghe những giai điệu âm nhạc vang lên, bạn có bao giờ chú ý rằng bên cạnh những âm thanh tuyệt diệu đó là những nhân tố thầm lặng khác? Một vài nốt nhạc phối hợp với nhau sẽ tạo thành một hợp âm, nhưng khi tất cả các nốt cùng vang lên sẽ chỉ là tiếng ồn. Không có nhịp nghỉ sẽ không có âm nhạc, đó là điều Frank Zappa, một nhà soạn nhạc Mỹ đã nói. Trong thiết kế cũng có một yếu tố rất quan trọng như vậy, thậm chí tác dụng của nó không hề kém cạnh so với hình ảnh, sắc màu hay chữ, đó là khoảng trống.”
Hay chưa. Tiếp nhé!
“Không quá khi nói rằng mỗi font chữ được sinh ra đã mang trên mình những nét tính cách khác nhau. Có những font chữ khi mới nhìn vào, ta có thể cảm nhận được sự chắc chắn, bền vững; có những font chữ chỉ cần thoáng qua bạn cũng cảm nhận được sự nhẹ nhàng, bay bổng.
Tuy nhiên, có hàng ngàn font chữ đã được tạo ra trong suốt lịch sử hình thành và phát triển của thiết kế, đồng nghĩa với việc tính cách của chúng cũng được thể hiện vô cùng đa dạng. Cũng như con người, không phải tính cách nào cũng có thể hòa hợp với nhau, đôi khi sẽ xảy ra những tranh chấp, mâu thuẫn không đáng có trong tính cách, đặc điểm và đường nét.”
Đoạn trích mở đầu trong phần ‘Cá tính của chữ.’
Có rất nhiều điểm thú vị trong sách khiến tôi thấy vỡ lẽ nhiều điều mà trước nay chưa biết. Ví như:
- Một cuốn tạp chí nhiều chữ, nhiều hình những vẫn trông rất chỉn chu, mạch lạc chính là nhờ bí thuật ‘căn gióng’.
- Không phải muốn xếp sao thì xếp, vẽ sao thì vẽ mà chúng cần có tính liên kết để tạo ra điểm chung về vị trí. Như vậy, cái hình trông mới gọn gàng, đẹp mắt.
- Muốn câu chuyện được kể một cách rõ ràng, cần có một hệ thống phân cấp thông tin để dẫn dắt thị giác người đọc.
Hoặc là, lựa chọn cá tính của chữ nó cũng đại diện cho một phần tính cách của thương hiệu, lĩnh vực…Nói tóm lại thì đây là một cuốn sách hay và hữu ích trong công việc và cuộc sống. Mời bạn thưởng thức.
Đánh giá sách: 9/10
Điểm trừ vì chương 1 không mấy đặc sắc. Tôi thử đọc mấy lần nhưng thấy viết hơi lan man. Không cô đọng và hay như các chương khác. Nhưng may, 95% nội dung tập trung ở chương 2 nên về cơ bản đều ổn.