Lần cập nhật gần nhất December 8th, 2022 - 04:06 pm
“Yêu mình trước đã, yêu đời để sau” được chấp bút bởi Vex King – một nhà văn, một huấn luyện viên tinh thần và một doanh nhân – người đã trải qua vô vàn thử thách trong quá trình trưởng thành. Với những kinh nghiệm và bài học được đúc kết trong cuốn sách, hy vọng bạn có thể tìm thấy nguồn cảm hứng để “trở thành phiên bản tốt nhất mà bạn có thể”.
Cuốn sách giúp ta tìm ra được chính bản thân mình trong mớ hỗn độn mà bạn gây ra, giúp bạn thoát khỏi vòng luẩn quẩn của tình yêu và gia đình….
Review Yêu mình trước đã, yêu đời để sau (2)
– LUẬT RUNG CẢM trong Yêu mình trước đã, yêu đời để sau –
Những ngày cuối năm dồn dập hết việc nọ đến việc kia, mình thực sự là lúc nào cũng căng như dây đàn và tâm trạng gần như không lúc nào ổn định, suốt ngày trong trạng thái phát điên. Và thật bất ngờ, lần này, chiếc phao cứu cánh của mình lại nằm trong cuốn sách này! Không mơ hồ như Luật hấp dẫn, cuốn sách này với khái niệm LUẬT RUNG CẢM sẽ chỉ cho bạn rõ CÁCH THỨC để đạt được mọi điều bạn muốn hay ít nhất là CHỦ ĐỘNG ĐIỀU CHỈNH CUỘC SỐNG CỦA MÌNH thông qua một phương tiện duy nhất “CẢM XÚC CỦA BẠN”.
Và cuốn sách này, mình đã đọc xong cuốn được một thời gian rồi, và mới bắt đầu áp dụng LUẬT RUNG CẢM vào cuộc sống từ những việc rất nhỏ được vài ngày. Và quả thật, chưa nói đến thành công, ít nhất nó khiến cuộc sống của mình trở nên dễ chịu và những ngày cuối năm bận phát rồ trở nên bớt căng thẳng hơn rất nhiều. Cuối cùng thì LUẬT RUNG CẢM đã giải thích cho mình hiểu vì sao những chuyện tốt đẹp khi đến sẽ đến tới tấp và những thứ đen đủi một khi đã xảy ra thì sẽ liên tiếp dồn dập và khiến ta sấp mặt.
Hiểu được gốc rễ điều này giúp mình biết cách phản ứng với mọi vấn đề xảy ra trong cuộc sống một cách tích cực và chủ động hơn. Lấy một ví dụ nhỏ để bạn hình dung ra nhé:
– Khi gặp một chuyện bực mình, theo lẽ thường, mình sẽ phát điên lên, sẽ viết stt than thở chửi bới, rồi sau đó là kể lể với bạn bè về đứa gây ra nỗi bực của mình… Và cứ thế, thường nếu mình gặp 1 chuyện tệ hại vào buổi sáng, cả ngày của mình sẽ trở nên vô cùng ảm đạm.
Nhưng khi hiểu về LUẬT RUNG CẢM, mình mới biết rằng việc mình than thở, kể lể về những cảm xúc tồi tệ đó… chính là mình đang tiếp tục NỐI DÀI và PHÁT RA NHỮNG TẦN SỐ RUNG CẢM THẤP, và theo đó vũ trụ sẽ đáp lại mình cũng chỉ với những “rung cảm thấp” như vậy, là lý do mà sẽ tiếp tục có những chuyện tồi tệ bay đến đập thẳng vào mặt mình. Thế là giờ, mỗi lần gặp chuyện ko như ý, thay vì để bản thân chìm vào trong trách cứ, mình sẽ hít thở và bình tĩnh lại để:
– Đứng dậy, bật nước, pha một tách trà hoặc cafe. Hương thơm của thứ đồ uống mình thích luôn có thể khiến mình thấy tốt hơn. Nhẩn nha uống trà và dành ra 5 phút CHẬM LẠI, giúp mình cảm thấy bớt căng thẳng và cay nghiệt.
– Mở một bản nhạc không lời nhẹ nhàng và tạm thời chuyển sang một đầu việc dễ thở vui vẻ hơn… cho đến khi cảm xúc của mình lắng lại và không còn cảm thấy tức giận nữa. Khi ấy mình mới quay lại giải quyết tiếp những chuyện bực dọc (nếu cần) hoặc ko thì cứ nhẹ nhàng cho qua.
Dù có bận đến thế nào đi chăng nữa, chắc sẽ không quá khó khăn để dành ra khoảng 10-15 phút cho tất cả quá trình mà mình gọi là TỰ ĐIỀU CHỈNH TẦN SỐ RUNG CẢM bên trên đúng ko? Những cảm xúc tệ hại có TẦN SỐ RUNG CẢM THẤP, trong khi cảm giác vui vẻ, yêu thương, biết ơn, hạnh phúc có TẦN SỐ RUNG CẢM CAO. Và “Luật” ở đây là, khi vũ trụ cố thu hút bạn bằng những “tần số rung cảm thấp”, hãy bình tĩnh bảo với nó rằng “tao bận rồi” và khoan thai điều chỉnh “tần số rung cảm của bạn lên mức cao hơn” – rồi thì nó sẽ chào thua bạn. Nói nghe hóm hỉnh thế thôi nhưng là sự thật đấy, bạn cứ thử mà xem.
– Đặng Trầm
Mình mới gấp lại cuốn sách YÊU MÌNH TRƯỚC ĐÃ, YÊU ĐỜI ĐỂ SAU, trong lòng xúc động quá, khi mà những ngày đầu tiên của năm mới, chuẩn bị trở lại cuộc sống thường nhật với rất nhiều loa toan, lại đọc được cuốn sách đẹp đẽ này. Sách viết về những NGUYÊN TẮC để nâng cao tần số rung cảm của bản thân, để bạn có thể sống TÍCH CỰC HƠN – CẢM NHẬN TRỌN VẸN HƠN và CHỦ ĐỘNG HƠN TRƯỚC MỌI THỬ THÁCH MÀ CUỘC ĐỜI GIEO XUỐNG. Vẫn đầy động lực, nhưng không hô hào sáo rỗng, mọi luận điểm đưa ra đều được tác giả dẫn chứng rõ ràng chi tiết với các nghiên cứu khoa học và cả trải nghiệm thực tế của cá nhân. Không hề dễ đọc vì có những quan điểm tác giả đưa ra sẽ thách thức những quy chuẩn bình thường chúng ta vốn quen thuộc và hay sợ hãi phải từ bỏ, nhưng nếu thành thực nhìn nhận sâu vào bên trong bản thân mình qua những dòng chữ sắc sảo – bạn sẽ thấy được sự đáng giá của việc “biết buông bỏ” những điều ko còn phù hợp để dành chỗ cho những điều mới mẻ, tuyệt vời hơn khác!
Cuốn sách trải dài 3 chương – với 338 trang sách, không hề giống concept “mì ăn liền” của các cuốn sách self-help, mà đầy suy tư và sống động, đi từ việc xác định lập trường tư tưởng đến những bài tập thực hành để đưa bản thân lên một TẦN SỐ RUNG CẢM CAO – đã giúp mình có được hành trang hoàn chỉnh để tiến tới một năm mới với nhiều trải nghiệm hơn.
– Ngọc Kiều
Trích dẫn Yêu mình trước đã, yêu đời để sau
“Họ sẽ nói bạn khiếm nhã chỉ vì bạn không muốn dính líu đến những lời bông đùa xã giao.
Họ sẽ nói bạn kiêu ngạo chỉ vì bạn có lòng tự trọng.
Họ sẽ nói bạn tẻ nhạt chỉ vì bạn không phải là người hướng ngoại.
Họ sẽ nói bạn sai lầm chỉ vì bạn có những niềm tin khác họ.
Họ sẽ nói bạn kỳ quặc vì bạn chọn không thích ứng với những xu hướng xã hội.
Họ sẽ nói bạn là kẻ cô độc chỉ vì bạn cảm thấy thoải mái khi ở một mình.
Họ sẽ nói bạn sẽ thất bại bởi bạn không đi theo con đường mà người khác đi.
Họ sẽ nói bạn nhút nhát khi bạn chọn không tương tác trong một cuộc nói chuyện đơn thuần.
Chúng ta có thể luôn cải thiện bản thân và phát triển với tư cách là một cá thể độc lập. Chúng ta có thể bước ra khỏi vòng an toàn và thách thức bản thân. Nhưng xã hội thường xuyên khiến chúng ta cảm thấy như thể việc dám là chính mình là một điều gì đó tội lỗi”
“Những mối quan hệ không lành mạnh rút cạn mọi thứ tốt đẹp khỏi chúng ta. Chúng ta trao cho ai đó tất cả, nhưng đó lại là người sẽ chẳng bao giờ hiểu được những cố gắng của chúng ta và từ chối việc phải cố gắng vì mối quan hệ này. Chúng ta trao họ tất thảy yêu thương mà ta có để khiến họ hạnh phúc hơn, trong khi chính chúng ta đang dần vụn vỡ. Chúng ta vì một người mà từ bỏ chính mình, trong khi người đó chẳng đủ trân trọng ta để có thể đối xử tốt với ta, như cách ta đối với họ.
Sẽ thật đau khổ nếu phải rời bỏ một con người độc hại bởi đó là người mà bạn yêu thương, thoát khỏi một mối quan hệ độc hại là chuyện nói dễ hơn làm. Đó cũng là lý do vì sao nhiều người chọn ở lại và tiếp tục tận hưởng những điều độc hại và tiêu cực càng lâu càng tốt. Nhưng bạn nên lựa chọn nỗi đau nhất thời, không phải thứ khổ đau dai dẳng.”
“Trong tâm lý học, khái niệm ‘bằng chứng xã hội’ đã chỉ ra rằng con người có xu hướng đi theo đám đông. Nếu có một hành động mà ai ai cũng làm, bạn sẽ cho rằng đó là việc làm đúng đắn. Người khác chi phối hành động của bạn nhiều hơn những gì bạn nhận thức được. Ví dụ, nếu phải chọn giữa 2 thanh kẹo và bạn thấy một thanh được bọc trong giấy gói trong khi thanh còn lại thì không, bạn sẽ cho rằng thanh kẹo kia đã qua sử dụng và thanh được bọc sẽ tốt hơn! Nhưng những điều được số đông chấp nhận không có nghĩa lúc nào cũng đúng. Chế độ nô lệ từng được coi là hợp pháp trong quá khứ nhưng đến nay, gần như tất cả mọi người đều đồng tình rằng đó là một chế độ vô nhân tính, phi đạo đức và hạ nhục đồng loại.
Hãy bắt đầu tự vấn hành động của mình. Tại sao bạn lại làm và chọn làm những việc này? Bạn có dsang làm điều mà bạn thực sự nghĩ là đúng đắn, hay chỉ đơn giản là chạy theo đám đông? Nếu bạn khám phá ra rằng những lựa chọn của bạn thường xuyên bị chi phối và điều khiển bởi quan niệm của người khác, thì bạn nên biết rằng bản thân bạn đang từ bỏ quyền kiểm soát đối với cuộc sống của chính mình. Khi đó, chúng ta trở nên hoảng loạn và cuối cùng sa vào những trạng thái có tần số rung cảm cực thấp, ví dụ như là lo âu. Kết cục là, chúng ta mất kiểm soát hoàn toàn đối với việc chúng ta sẽ trải nghiệm hạnh phúc ra sao, nhiều đến nhường nào, và hoàn toàn trở thành nô lệ dưới bàn tay định kiến của kẻ khác.”
“Thật khó để rời xa những người vốn rất gần gũi với bạn, ngay cả khi đó là những người đang làm tổn thương bạn. Nhưng một khi loại bỏ những người này khỏi đời mình, bạn mới có thể khơi thông dòng chảy của suối nguồn tích cực. Bạn sẽ có thời gian và không gian để nhận thức nội tâm, chữa lành và trưởng thành. Giống như cái cây, bạn cũng sẽ trở nên mạnh mẽ.”
“Rốt cuộc, tình yêu bản thân và việc gia tăng mức độ rung cảm của bản thân là hai thứ có mối liên hệ mật thiết với nhau. Khi bạn nỗ lực gia tăng rung cảm của mình, bạn biết thứ tình yêu và sự quan tâm mà bạn xứng đáng nhận được là gì. Bằng cách hành động tích cực và thay đổi tư duy, bạn sẽ thu hút thêm nhiều điều tốt đẹp đến với mình. Bằng cách yêu thương bản thân, bạn sẽ có được cuộc đời mà bạn mơ ước.
Tình yêu bản thân là sự cân bằng giữa việc chấp nhận con người thật của mình, song song với việc biết rằng mình xứng đáng với những điều tốt đẹp hơn, và hành động theo kim chỉ nam đó.”
“Chẳng có gì là ích kỷ hay yếu đuối khi tránh xa hoặc rời khỏi những người liên tục hạ thấp tần số rung cảm của bạn. Cuộc sống là sự cân bằng. Cuộc sống là sự lan tỏa lòng tốt bụng, đồng thời cũng là không cho phép bất cứ ai
tước đoạt sự tốt bụng khỏi bạn.”
“CUỘC SỐNG KHÔNG TẤN CÔNG BẠN VÌ BẠN YẾU ĐUỐI, NÓ TẤN CÔNG BẠN VÌ BẠN MẠNH MẼ. NÓ BIẾT RẰNG NẾU KHIẾN BẠN ĐAU KHỔ, BẠN SẼ NHẬN RA SỨC MẠNH CỦA MÌNH.
Aristotle – triết gia vĩ đại người Hy Lạp từng tuyên bố rằng, mọi chuyện xảy ra đều có lý do riêng của nó. Bạn có thể áp dụng câu nói này khi xem xét mọi trải nghiệm trong đời và nhận ra rằng chúng được tạo ra để định hình con người bạn, giúp bạn trưởng thành và trở thành phiên bản cao nhất, vĩ đại nhất. Câu nói này còn mang một ý nghĩa nữa, đó là ngay cả một trải nghiệm tiêu cực cũng có thể được xem là một cơ hội để trưởng thành, thay vì là một khoảng thời gian chịu đựng và đau khổ (Tôi không có ý nói rằng chúng ta không nên cảm thấy đau buồn hay thất vọng khi phải chịu đựng những trải nghiệm đớn đau trong đời, mà điều quan trọng là bạn phải biết dành thời gian để chữa lành tổn thương cho bản thân sau những sự kiện như vậy). Nếu bạn luôn đóng vai trò nạn nhân khi gặp chuyện gì đó tồi tệ, cuộc đời sẽ luôn đối xử với bạn theo tư cách nạn nhân đó. Đừng để nghịch cảnh định hình tương lai của bạn.
Niềm tin của Aristotle có thể làm người ta nảy sinh suy nghĩ: “Ừ, tôi cảm thấy thế đấy!”, khiến một vài người thấy có hy vọng, nhưng cũng có thể khiến một số người cảm thấy chút khó chịu. Tôi hiểu lý do vì sao một số người lại cảm thấy khó chịu bởi câu nói của Aristotle. Khi phải trải qua những chuyện khủng khiếp, con người rất khó có thể tìm ra một lý do hợp lý cho việc chúng ta phải chịu đựng chuyện này. Tất cả những gì họ cảm nhận được chỉ toàn là nỗi đau, và nếu bạn nói với họ những lời ày, họ sẽ cho rằng bạn chỉ đang chứng tỏ một điều là bạn chẳng hiểu gì về tình huống của họ.”