Bước qua gần nửa đời người với hai cuộc hôn nhân, ba đứa con và một sự nghiệp thành công, Katie rơi vào tình trạng khủng hoảng, tuyệt vọng ngày càng trầm trọng. Để rồi vào một buổi sáng tháng Hai năm 1986, bà thức dậy trên sàn cơ sở điều trị nội trú, tỉnh táo hơn bao giờ hết với câu trả lời rõ ràng về cách để chấm dứt khổ đau. Sự bình an hóa ra vẫn ở đó, ngay bên trong bà, và giờ, với cuốn sách Yêu thương thực tại, bỏ lại nỗi đau, bạn cũng sẽ có được nó bằng cách thực hiện phương pháp Tự vấn.
Review Yêu thương thực tại, bỏ lại nỗi đau (2)
Cầm trên tay cuốn sách “Yêu thương thực tại, bỏ lại nỗi đau” còn thơm mùi giấy mới thực sự xúc động!
Nếu bạn là một người đã bước qua độ tuổi thanh xuân, hay là một người trẻ tuổi sâu sắc, bạn sẽ đồng ý với mình rằng, thảy mọi nỗi khổ, niềm đau không đến từ hoàn cảnh bên ngoài, không đến từ tha nhân, mà đến từ chính suy nghĩ và tâm can ta. Trước một ai đó hoặc sự việc bất kỳ nào đó, ta không thể ngừng được việc phán xét nó, không thể ngừng được những mong cầu, ham muốn, hy vọng rồi thất vọng, không ngừng yêu thương, không ngừng căm phẫn…. Để rồi, người phải gánh chịu tổn thương nhiều nhất và lớn nhất, lại là chính ta.
Vậy thì, làm sao để có thể phá bỏ được xiềng xích của những tư duy, suy nghĩ đang đè nặng lên ta mỗi ngày đây? Làm sao để tìm được sự tự do trong tâm hồn, chẳng bị ràng buộc vào những phán xét hay định kiến nơi ta?
Phương pháp Tự vấn với 4 câu hỏi cơ bản mà Katie đưa ra trong cuốn sách này đã giúp mình có một khoảng ngưng nghỉ trước khi mình có ý định trút ý nghĩ hoặc tâm trạng tiêu cực nào lên người khác, trước tiên bằng câu hỏi: ‘’Liệu điều đấy có đúng không?’’ Ta tức giận và buồn phiền vì cho rằng người thân của mình không hiểu ta. Nhưng, liệu điều đấy có đúng không? Liệu có phải họ không hiểu ta, hay chính là ta không hiểu họ? Liệu có phải, ta còn đang truy cầu điều gì khác không? Ta thất vọng đến tột cùng vì cho rằng một người bạn thân của mình đã rời bỏ ta, nhưng, liệu điều đó có đúng không? Có còn sự thật nào ẩn sâu những ‘’sự thật’’ được đặt định trong tâm trí của ta không?
Phương pháp Tự vấn giúp cho ta có một quãng ngừng nghỉ trong trí óc, để những tiếng gào thét hay rầy la lắng xuống. Quãng nghỉ đó, có khi chỉ trong một vài tích tắc, nhưng lại quan trọng vô cùng. Bởi nếu không có nó, ta mãi chấp vào những suy nghĩ, định kiến nơi ta về mọi sự, và cứ thế trôi đi trong dòng sông vô tận của sự u mê.
Cuốn sách này có văn phong gần gũi, nhẹ nhàng, thông qua những câu chuyện kể và những cuộc đối thoại, cho ta thấy muôn màu trong bức tranh tâm trí lệch lạc dẫn con người đến với khổ đau. Đọc nó, bạn có thể hình dung ra một con người từ tốn đang kiên nhẫn lắng nghe bạn, và bạn cũng có thể thực hành điều đó với chính mình và những người thân của mình, để từng bước tìm được sự an tĩnh trong tâm hồn.
Recommended cho những bạn yêu thích sách tâm lí tự chữa lành, cho những ai muốn thấu hiểu và chữa lành chính mình ❤
“Ta đóng khung mình trong suy nghĩ người khác PHẢI, và đó là nguồn cơn gây nên cho ta bao nỗi chán nản, mệt mỏi ở đời.
Khi bắt đầu đọc cuốn sách này, mình đang ở trong trạng thái rất bế tắc. Cái bế tắc lớn nhất là không thể vượt thoát khỏi những suy nghĩ cũ kỹ trong đầu mình, trái tim nhỏ hẹp và lúc nào cũng có thể vụn vỡ vì một đau khổ, bất hạnh nào đó xảy ra. Mình luôn tự hỏi, tại sao lại thế? Tại sao lại khổ sở như vậy? Có cách nào để lòng mình tĩnh tại, bình yên hơn không? Có cách nào để những nỗi đau không giày vò mình mỗi ngày nữa không?
Đến khi đọc sách rồi (là quyển sách trong ảnh), mình mới nhận ra rằng, không, đời mình chẳng hề bi đát như mình vẫn nghĩ. Suy nghĩ trong đầu ta, trái tim lạnh lẽo của ta, giống như một bức tường bảo vệ ta khỏi cuộc đời đầy rẫy những điều tăm tối này, nhưng chính nó đến một lúc lại như một con dao sắc, khiến ta và những người bên cạnh bị trọng thương. Ta luôn luôn thấy không hài lòng về mọi thứ, luôn thấy người khác là ngớ ngẩn, ngốc nghếch, phiền hà, khó chịu. Ta lạnh lòng với người ngoài và giam cầm mình trong một mớ hỗn độn đầy những đau thương, ghét bỏ, ngờ vực, điên tiết,…
Ta đóng khung mình trong suy nghĩ người khác PHẢI, và đó là nguồn cơn gây nên cho ta bao nỗi chán nản, mệt mỏi ở đời.
Nếu không thể thay đổi người khác, nếu không thể thay đổi hoàn cảnh, thì ta vẫn còn một lựa chọn rất khả dĩ: thay đổi chính suy nghĩ của ta.
Với phương pháp Tự vấn của tác giả Byron Katie, ta cho phép mình được nói ra những tiếng nói nội tâm của mình. Ban đầu sẽ thấy thật kinh hãi, bởi vì nó độc ác, chuyên quyền, bạo ngược, luôn nghĩ xấu về người khác, coi mình là nạn nhân của mọi sự. Nhưng, thành thật được với chính mình, đó là bước đầu phá bỏ vô minh.”
– Minh Đỗ